“Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra”
(Bùi Minh Quốc, Bài thơ về hạnh phúc)
Ai cũng mong muốn mưu cầu hạnh phúc nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện hạnh phúc. Đó chính là lý do Đức Phật xuất hiện trên thế gian để chỉ bày cho nhân loại con đường đưa đến hạnh phúc, an lạc lâu dài. Kinh Tăng Chi Bộ xác nhận rằng: Như Lai ra đời đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Những thứ hạnh phúc mà con người tưởng chừng đang có chỉ là hạnh phúc tạm bợ, đặt căn bản trên sự vô thường và vô ngã của thế gian. Cho nên Đức Phật đã từ bỏ tất cả để tu hành, hướng đến hạnh phúc tối thượng và vĩnh cửu, gọi là Niết bàn. Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ “tham ái, chấp trước”, từ khổ đau vẫn tìm thấy an vui, giữa đời ngũ trược đầy rẫy sự đau khổ và bất công cũng có thể tự tại.
Tiếp nối câu chuyện về cội nguồn hạnh phúc, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 385 với chủ đề: “Hạnh phúc dưới ánh sáng từ bi”. Thông qua đây, chúng tôi hy vọng mỗi người sẽ tìm thấy nguồn hạnh phúc chân thật bên trong bản thân. Đồng thời, nhận ra chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở kiếp sau và cũng không cần tìm kiếm một nơi nào khác, nó hiện hữu ngay bây giờ và tại đây.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo