Tổ sư Phi Lai – Một đại sĩ hóa thân (Tỳ kheo Thích Ðức Quang)

Với mong ước con sẽ làm vinh hiển dòng dõi gia môn, song thân đặt cho tên là Nguyễn Văn Hiển. Thuở nhỏ, Ngài có “tánh tình thuần hậu… ở ăn một cách phi thường, khôi ngô diện mạo đường đường nam nhi”. Điều đáng quý nữa, đó là năng lực tài trí và học hành hơn người, “lớn khôn văn võ học toàn làu thông” nên vừa đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), Ngài liền được hậu-bổ tại tỉnh Khánh Hòa.

Tổ sư Phi Lai là Thiền sư Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933), một Chí sĩ yêu nước, một Đại sĩ cứu khổ ban vui, một Tổ sư nối pháp truyền đăng chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Đặc biệt, Ngài đã làm trọn nhiệm vụ của một Sứ giả Như Lai, truyền dạy thông điệp trí tuệ và từ bi, thực hành hạnh tự lợi và lợi tha để đem lại hạnh phúc cho hết thảy nhân dân, mở con mắt pháp cho bốn chúng đệ tử. Vậy nên, dù Tổ sư đã về cõi tịnh 89 năm, nhưng những hạnh nguyện, công đức và đạo nghiệp cao quý của Người vẫn luôn là bài học sâu sắc cho hàng hậu học, xứng đáng làm kim chỉ nam cho tứ chúng. Vì lẽ đó, nhân lễ húy kỵ lần thứ 89 của Tổ sư Phi Lai vào ngày Rằm tháng 02 năm Nhâm Dần (2022), chúng con xin kính viết lại đôi nét về công-nghiệp của Tổ sư Phi Lai và làm sáng tỏ triết lý thực hành giải thoát của Tổ – một vị Đại sĩ hóa thân, để ôn lại công hạnh và tri ân Tổ nghiệp, rồi chúng ta cùng nhau học tập và nối bước Tổ, tiến tu Phật đạo thành tựu hạnh phúc chân thật.

SỰ HIỆN THÂN MÀU NHIỆM

Tổ sư ra đời trong dòng nhà quan tại Quảng Nam, cháu nội của Hộ quốc công Nguyễn Văn Thành, cháu ngoại của Tổng trấn Bắc Ninh; cha là Tổng trấn Quảng Nam, mẹ thì quốc sắc thiên hương và hiền từ nhân hậu. Đặc biệt, có sự nhiệm mầu ở sự nhập thai, theo thầy Trưởng tử Yết-ma Thiện Minh ghi: “Đêm thanh trăng tỏ như tờ, bỗng đâu yến sáng một giờ giữa dinh, Phu-nhơn bà mới cựa mình, tâm thần chuyển động biết mình thọ thai… Nói rằng nằm thấy Phật Bà, dắt ông Bồ tát xuống mà hòa quan” [1]. Từ khi mang thai, mẹ Ngài thường ăn chay niệm Phật, lòng nhân đức cao vời, được mọi người kính trọng. Nhất là, khi hạ sinh Ngài, hương thơm tràn đầy trong nhà, một hồi lâu mới tan. Cho nên, trước những điều kỳ diệu này, “cả nhà ai nấy hân hoan” đón chào sự ra đời của một Đại sĩ.

Với mong ước con sẽ làm vinh hiển dòng dõi gia môn, song thân đặt cho tên là Nguyễn Văn Hiển. Thuở nhỏ, Ngài có “tánh tình thuần hậu… ở ăn một cách phi thường, khôi ngô diện mạo đường đường nam nhi” [Thiện Minh, 1934, tr.3]. Điều đáng quý nữa, đó là năng lực tài trí và học hành hơn người, “lớn khôn văn võ học toàn làu thông” nên vừa đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), Ngài liền được hậu-bổ tại tỉnh Khánh Hòa (năm 1878).

Tổ sư ra đời trong dòng nhà quan tại Quảng Nam, cháu nội của Hộ quốc công Nguyễn Văn Thành, cháu ngoại của Tổng trấn Bắc Ninh; cha là Tổng trấn Quảng Nam, mẹ thì quốc sắc thiên hương và hiền từ nhân hậu.

TỪ CHÍ SĨ YÊU NƯỚC ĐẾN BẬC XUẤT TRẦN THƯỢNG SĨ 

Dù đã làm quan, nhưng thấy dân chúng lầm than cơ cực, Ngài khởi lòng thương và tham gia phong trào khởi nghĩa Văn-thân. Chẳng được bao lâu, khởi nghĩa Văn-thân bại lộ, làm cho “giấc mộng công danh của Ngài cũng tan theo khói mây” [2]. Đây cũng là nhân duyên lớn giúp Ngài lần đầu giác ngộ lý vô thường, thấy rõ thế sự nhiễu nhương, danh lợi phù hư, trở thành động lực chính dẫn Ngài quyết tâm tìm về nơi cửa từ bi của nhà Phật.

Sau sự việc này, Ngài lánh nạn vào Nam, theo Từ Bi Âm [1932, 16: tr.40],  lúc này 20 tuổi, Ngài quyết chí xuất gia đầu Phật, đến ở chùa Giác Viên tại Chợ Lớn, làm đệ tử của Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân. “Giác Diên [Viên] chùa Phật gần đây, Kỳ-Hoàng hiệu thất của thầy Phương-Danh, lạy thầy quyết dạ về lành, cúi xin thế độ dạ đành tu thân, con nay quyết chí đoạn trần, cúi xin Sư-phụ muôn phần đoái thương” [Thiện Minh, 1934, tr.4]. Ở đây, Ngài được ban hiệu Chí Thành, phát nguyện gánh nước, giã gạo ba năm tròn không ngả lòng và nhập thất tịnh tu thiền quán.

HẠNH NGUYỆN ĐẠI SĨ CỨU KHỔ BAN VUI 

Về hạnh nguyện từ bi của tổ Phi Lai, cơ bản nằm ở hạnh lợi tha, thể hiện qua ba phương diện: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Đầu tiên là Tài thí, sự cho đi của cải vật chất được biểu hiện qua việc xuất tiền của, vật chất ra cứu trợ lũ lụt. Ví dụ điển hình nhất là vào năm Giáp Thìn (1904), có trận bão tố lũ lụt lớn ở Gò Công, “hao biết bao nhiêu là nhơn mạng, kẻ chết trôi chẳng ai chôn, người còn sống không chốn dựa” [Từ Bi Âm, 1932, 16: tr.40]. Nghe được tin ấy, Ngài liền tình nguyện tổ chức lễ “siêu độ cho kẻ chết oan, chẩn-cấp cho người còn sống”. Ngày nay, chúng ta nghe lại những hành động lợi tha này, há chẳng phải là hành động của Quán Âm Đại sĩ hay sao?

Thứ hai là Pháp thí, chí nguyện muốn “hoằng pháp lợi sanh” của Tổ, nhằm mục đích “chuyển cái tư tưởng điên đảo của người đời mà đem về cái cảnh giới vô vi thanh tịnh” [Từ Bi Âm, 1933, 32: tr.44] [3]. Hơn nữa, Tổ sư rất chú ý và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng, Ni. Theo Nguyễn Lang, “tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, Thiền sư Chí Thành quy tụ Tăng sĩ về giảng dạy hàng năm. Dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho Ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học Ni tham dự” [4]. Do đó, trong sự nghiệp hoằng pháp, theo nhận định của thầy Trí Quảng, tổ Phi Lai là một “Pháp sư nổi danh” [5]. Nhất là để pháp âm được lưu bố, Ngài đã ủng hộ Hòa thượng Khánh Hòa và Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học 300 đồng tiền Đông Dương, trở thành Hội viên Thường trợ của Hội này.

Cuộc đời của Tổ Phi Lai là hiện thân của một triết lý thực hành giải thoát Phật giáo trong thời hiện đại, trở thành tấm gương tiêu biểu cho bốn chúng về con đường tu đạo giải thoát của bậc xuất sĩ hiện đại.

Thứ ba là Vô úy thí, Tổ sư cho đi sự an ổn bằng việc “đốc ghe thuyền ra cứu vớt những kẻ mắc nạn thủy tai”, vớt được mấy trăm người đem về ở chùa và nuôi cho đến khi nước rút, trong đợt lũ lụt năm Đinh Mùi (1907) ở hạt Châu Đốc. Thầy Thiện Minh [1934, tr.13] tường thuật như sau: “Lê dân gặp lúc thảm sầu,/ Nước lên quá lẹ khỏi đầu mái hiên,/ Đại-đức truyền bảo dọn thuyền,… Rao cho dân chúng hay đều,/ Thuyền ông Đại-đức ra kêu rước về,/ Ở đây sợ nổi canh khuya,/ Gió dông bất trắc mau lia lên thuyền… Mấy trăm nhơn số chay trường,/ Vào chùa cứ việc dưa tương mà dần…”. Hơn nữa, bản thân Tổ có tâm đại hùng đại lực, trong đợt đi cứu nạn lũ bằng thuyền đến vàm Ốc-len thì gió mạnh sóng tràn làm thuyền muốn úp, người thường đã xanh mặt mất hồn, chỉ Tổ vẫn an nhiên, không chút sợ hãi [Từ Bi Âm, 1932, 16: tr.42]. Tổ sư không chỉ cứu người, mà còn cứu giúp và ban bố sự an ổn cho cả động vật, tâm từ bi lớn này đã cảm đến chúng: “Cò chim ướt cánh phải nằm,/ Rắn trăn bị nước người cầm bán mua,/ Bắt đem lên trước của chùa,/ Đại-đức thấy vậy đến mua cứu nạn/ Mua rồi mở thả làn khan,/ Rắn trăn chật đất xóm làng đều kinh,/ Nhờ trên Đại-đức phóng sinh,/ Không hề cắn mổ có tình quy y” [Thiện Minh, 1934, tr.13]. Ngoài ra, Tổ giúp đỡ và chữa trị các tâm bệnh của dân chúng quanh vùng, “có người mang bịnh khùng điên, vào đàn xin thuốc phù tiên mạnh liền… bên thiền Quan Âm, Đại đức hết sức thiền tâm, Phật Tiên hằng bữa giáng lâm tặng hoài” [Thiện Minh, 1934, tr.14]. Với những tâm hành cao quý, Tổ thường có cơ cảm với đức Quán Âm, “chiêm-bao thấy Phật Quan-âm, Chí-Thiền như vậy thiền lâm đứng đầu” [Thiện Minh, 1934, tr.17]. Cuối cùng, dù đã xuất gia, Ngài vẫn tùy duyên âm thầm giúp đỡ, gặp gỡ và đàm luận với các Chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu. Đỉnh điểm của sự việc này, Ngài bị mật vụ Pháp bắt giam mười tháng ở Sài Gòn do nghi ngờ làm quốc sự.

TRIẾT LÝ THỰC HÀNH GIẢI THOÁT CỦA TỔ SƯ 

Cuộc đời của Tổ Phi Lai là hiện thân của một triết lý thực hành giải thoát Phật giáo trong thời hiện đại, trở thành tấm gương tiêu biểu cho bốn chúng về con đường tu đạo giải thoát của bậc Xuất sĩ hiện đại. Đầu tiên là triết lý giải thoát của tổ Phi Lai, chính ở phương châm “tự lợi và lợi tha”. Điều này được thể hiện rõ trong Từ Bi Âm [1933, 32: tr.44], “trong mấy chục năm tu hành, chẳng những Ngài trường trai, thủ giới, tham thiền, nhập định mà lo phần tự-độ đó thôi, ngoài ra Ngài còn làm lắm sự công đức, biết làm chay cầu an cho nhơn loại và biết xuất của cứu nạn cho đồng bào”.

Về phương diện tự lợi, Tổ sư đã chọn con đường xuất gia, làm bậc xuất trần Thượng sĩ, nghiêm trì giới pháp, thủ chí an nhẫn, tinh tấn tu trì, chuyên tâm thiền quán và thành tựu trí tuệ. Đầu tiên, Tổ sư rất quan tâm đến vấn đề giới luật và truyền trì giới pháp. Không chỉ tự thân giữ gìn giới pháp mà còn giảng dạy giới luật trong mùa An cư cho Tăng chúng ở chùa Phi Lai. Ví dụ, năm 1929, Chứng minh Giới đàn chùa Trùng Khánh, Phan Rang [Nguyễn Lang, 2000, tr.795]. Thứ hai, Tổ sư có đức an nhẫn, mật hạnh và khiêm cung sâu dày. Cho nên, đời sống của tổ Phi Lai có rất nhiều bí mật, do Ngài thực hành nhiều mật hạnh và lại có đức tính vô ngã khiêm hạ. Đó là nguyên nhân mà không mấy người biết Tổ có xuất thân nhà quyền quý và có học thức. Chính mật hạnh an nhẫn và vô ngã khiêm hạ mà tiếng tăm và oai đức của Ngài lại phổ khắp xứ, cảm đến muôn dân. Để nói lên đức giáo hóa cao lớn của Tổ, điển hình như Hòa thượng Thiện Hoa, dù lúc nhỏ quy y với tổ Chí Thiền được đặt pháp danh Hồng Nở, hiệu Thiện Hoa nhưng sau dù đã xuất gia có đạo hiệu mới nhưng cảm ân đức tổ Phi Lai mà vẫn giữ và sử dụng đạo hiệu này [Thích Như Tịnh, 2009, tr.496-497] [6].

Tổ sư Như Hiển Chí Thiền là một bậc Đại sĩ hóa thân. Ngài đã hiện thân để thực hành trọn vẹn lục độ Ba-la-mật, kiên trì thực hành Bồ-tát đạo, thể hiện chí nguyện thực hành giải thoát của Đại sĩ.

Từ đó, có thể thấy rõ hai điểm sáng ngời trong đời tu hành của tổ Phi Lai là: Thứ nhất, công đức sâu dày do mật hạnh an nhẫn, vô ngã khiêm hạ; thứ hai, chí nguyện lợi tha vô hạn do tâm từ bi cùng trí tuệ rộng lớn. Thứ ba và thứ bốn là pháp tinh tấn và thiền định, Tổ sư khi mới xuất gia, ba năm ròng rã, tinh chuyên gánh nước giã gạo, chưa từng ngừng nghỉ; trong khi làm chay bốn chín ngày cầu nguyện cho dân địa phương. “Tay Ngài không rời quyển kinh, đêm không an giấc, ngày chẳng dám nghỉ, có thấy mới biết cái khổ hạnh của Ngài thật là ghê, cái chí nguyện của ngài thiệt là thành, cái tinh thần lợi sanh của ngài thiệt là vững, cái lòng tế độ chúng sanh của Ngài thiệt là sốt sắng” [Từ Bi Âm, 1932, 16: tr.42]. Cuối cùng, Tổ sư là bậc tài trí và đức hạnh vẹn toàn, tánh tình hiền hậu và khiêm cung. Theo thầy Trí Quảng, “Tổ Phi Lai dù đã ngộ tánh, biết rất nhiều việc, nhưng người ta kính trọng Ngài là người hiểu biết rộng, Ngài cũng từ chối, nói ‘Không dám’. Người ta đề cao, Ngài vẫn khiêm tốn. Những điều Ngài tiên đoán như thần, nhưng Ngài nói rằng đó là nhờ Hộ pháp mách bảo trong giấc mơ, không dám tự nhận mình biết” [7]. Đây được xem là chánh trí tuệ, trí tuệ vô ngã. Hơn nữa, Tổ sư là vị có chánh kiến riêng và công đức lớn. Một là có chánh kiến riêng nên tạo tháp thờ kinh Vạn Phật. Hai là công đức lớn mới tạo được “thấy tháp cao 22 thước Tây, đúc toàn bằng đá, trong bộng lên đến trên, coi thật nguy nga mỹ lệ” [Khánh Hòa, 1929, tr.40-1]. Điều này được Hòa thượng Khánh Hòa ghi lại khi tới Châu Đốc thăm viếng chùa Phi Lai, ra mắt và đàm luận với Hòa thượng Phi Lai về việc chấn hưng Phật giáo. Qua điều này, Hòa thượng Khánh Hòa [1929, tr.40-1] đã tán thán, Hòa thượng Phi Lai là bậc “cao kiến, ấy là theo sở hành của các bậc cổ nhơn vậy” [8]. Có lẽ từ những lời này, mà Thiền sư Nhất Hạnh đã nói, Hòa thượng Khánh Hòa xếp Hòa thượng Phi Lai vào hạng “chân tu bậc nhất” [Nguyễn Lang, 2000, tr.794].

Về phương diện lợi tha, có hai việc, một là dụng pháp bố thí Ba-la-mật để tế thế cứu dân. Tổ sư đã tận lực thực hành hạnh nguyện của bậc Đại sĩ, qua việc cứu giúp nhân dân lầm than trong hai trận lũ lụt ở Gò Công và Châu Đốc. Hơn nữa, Tổ sư còn dùng Pháp thí để khai mở trí tuệ cho đồ chúng và nhân dân; Vô úy thí để cho dân chúng sự an cư lạc nghiệp (bằng việc lập đàn Dược sư cầu an và tịch cốc mười hai năm). Hai là hoằng dương Phật pháp, duy trì mạng mạch giáo pháp, phát huy kế thừa tổ nghiệp và phục hưng Phật giáo. Theo Thích Thanh Từ [9], Thiền sư Như Hiển là một trong những đệ tử nổi danh của Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân. Còn thầy Như Tịnh đã xếp Tổ sư Như Hiển là một trong những bậc thiền Tăng lỗi lạc của dòng Lâm Tế Gia Phổ, danh Tăng của vùng Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn trong sự chấn hưng và phát triển của Phật giáo Việt Nam [10].

Tóm lại, Tổ sư Như Hiển Chí Thiền là một bậc Đại sĩ hóa thân. Ngài đã hiện thân để thực hành trọn vẹn lục độ Ba-la-mật, kiên trì thực hành Bồ-tát đạo, thể hiện chí nguyện thực hành giải thoát của Đại sĩ. Nghĩa là lý thuyết thực hành giải thoát của Tổ Phi Lai nằm ở sáu pháp Ba-la-mật để tự độ mình và cứu độ người. Vì vậy, cả đời Tổ sư đã theo đuổi, thực nghiệm, chứng đắc pháp vị giải thoát, bằng việc thực hành nghiêm mật hạnh tự lợi và lợi tha. Để rồi, trong giờ phút Tổ sư viên tịch, vào ngày 10/3/1933 (nhằm ngày Rằm tháng Hai), “Di Đà Phật Tổ phương Tây, Quan Âm Thế Chí Đông dầy Thánh Tiên, Hoàn quang chiếu sáng khắp miền, Nhạc trời gióng trổi kiền thiền âm thinh. Tòa sen rước lấy chơn linh, Tràng phang bảo cái tiếp nghinh Thầy rồi” [Thiện Minh, 1934, tr.20]. Đây là lý do Thiền sư Phổ Huệ (Bình Định) và Ngư Khê (Vĩnh Long) đã tán thán Tổ, “đương thế Phi Lai chân đạo tôn” và “công đức khả gia xưng Bồ tát”. Cho nên, dù Tổ sư đã về với Phật, nhưng công hạnh và đạo nghiệp của Người vẫn là một ánh từ quang sáng ngời, làm chúng con cảm được hạnh phúc và an ổn.

Tỳ kheo Thích Ðức Quang

 

Chú thích:

[*] Tỳ-kheo Thích Đức Quang (Thế danh: Nguyễn Ngọc Ánh), Th.S Triết học (Đại học Delhi) và Phật học (Đại học Kelaniya).

Bài viết này bắt nguồn từ duyên hạnh ngộ, tìm thấy bản PDF về “Lịch sử Hòa thượng Phi Lai” do thầy Trưởng tử Thiện Minh chấp bút (năm 1934) ở website của Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) và một số bài viết có liên hệ đến Tổ sư Chí Thiền trong Tạp chí Pháp Âm, Từ Bi Âm tại Thư viện Huệ Quang, trong khi tìm tư liệu viết luận án.

[1] Thiện Minh, Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai: Nhà in Xưa & Nay, Sài Gòn, 1934, tr.3.

[2] Từ Bi Âm, Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai, trong Từ Bi Âm, kỳ thứ 16,  1932, tr.40-43.

[3] Từ Bi Âm, “Đám tang rất long trọng của ngài Chí Thiền: Hòa thượng chùa Phi Lai” trong Từ Bi Âm số 32, 1933, tr.38-44.

[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.756-757.

[5] Thích Trí Quảng, Cương Yếu Kinh Pháp Hoa, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008, tr.37.

[6] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Chư Tôn Thiện Đức & Cư Sĩ Hữu Công Phật Giáo Thuận Hóa, Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, t.1, tr.513-514. Cả nhà Hòa thượng Thiện Hoa đều quy y với tổ Phi Lai. Sau đó, khi lên 08 tuổi, Ngài xuất gia với Hòa thượng Chơn Quý – Khánh Anh được pháp danh Như Quả, rồi năm 1946 thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới được Hòa thượng Khánh Anh ban hiệu Hoàn Tuyên nhưng thầy Thiện Hoa cảm ân đức của tổ Phi Lai nên vẫn giữ đạo hiệu Thiện Hoa và tự đổi tên mình thành Trần Thiện Hoa.

[7] Thích Trí Quảng, Khai Thị, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.75.

[8] Khánh Hòa, “Hành trình nhựt ký đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo Hội” trong Pháp Âm, 1929, tr.40-48.

[9] Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr.590.

[10] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2009tr.557.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *