Cảm quan Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên (ĐĐ.ThS Thích Quảng Thông)

Tóm tắt: Nhụy Nguyên là một nhà văn trẻ trong làng văn học Việt Nam thế kỉ XXI, với bút lực dồi dào, anh chạm thấu đến từng thể loại sáng tác trong văn học, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút…, tác phẩm của anh mang nhiều hơi hướng Phật giáo. Những nội dung tư tưởng Phật giáo được Nhụy Nguyên khéo léo đưa vào tác phẩm của mình một cách cụ thể và dụng ý. Trong văn xuôi, Nhụy Nguyên rất thành công ở thể loại truyện ngắn, Trôi trên dòng thời gian trắng xóa là tập truyện ngắn được Nhụy Nguyên dày công sáng tác nhất, anh tạo ra một thế giới nhân vật đầy màu sắc Phật giáo, thể hiện rõ nội dung tư tưởng Phật giáo. Bên cạnh đó, những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo của ngòi bút Nhụy Nguyên trên các phương thức thể hiện, như: Không gian – thời gian nghệ thuật. Những thành tựu đó, không chỉ mang đậm cảm quan Phật giáo mà còn tạo nên dấu ấn riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Các sáng tác của anh đã tạo nên một thế giới văn chương mới mẻ, vừa có chiều sâu về nội dung tư tưởng, vừa có sức hấp dẫn cuốn hút trong nghệ thuật biểu hiện. Bài viết này bước đầu mở ra những nghiên cứu, đánh giá đầu tiên về cảm quan Phật giáo trong các truyện ngắn của Nhụy Nguyên.

Chân dung nhà văn Nhụy Nguyên

DẪN NHẬP

Nhụy Nguyên một nhà văn trẻ trong giới văn học Việt Nam hiện đại, với bút lực dồi dào anh chạm thấu đến từng thể loại văn học, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tiểu luận,… Với khả năng chế tác ra những con chữ đầy tính triết mỹ, Nhụy Nguyên sáng tác văn chương với những dụng ý sâu thẳm, chuyển tải những giá trị tư tưởng Phật giáo vào tác phẩm của mình hết sức chân thực. Hơn mười năm sáng tác văn chương, Nhụy Nguyên rất thành công ở thể loại văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn. Truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa (2018) ra đời, với tiếng vang dội, đón nhận tích cực của giới độc giả yêu thích văn học Phật giáo, cảm thấu đến các nhà nghiên cứu văn học như Phan Tuấn Anh, với bút hiệu Yến Thanh trong bài viết: “Nhụy Nguyên – trôi giữa hai chiều kích” đăng trên tạp chí Sông Hương (số 367, tr. 82-91), hay Nguyễn Khắc Phê với bài viết: “Nhụy Nguyên – mở lòng với sách” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế, với những lời khen và đánh giá cao sự nghiệp viết lách của anh. Nhụy Nguyên tuy không nổi tiếng như những nhà văn lớn viết về Phật giáo, như Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái,… nhưng Nhụy Nguyên có một giá trị bản sắc độc đáo riêng mà những ai đọc đến tác phẩm của anh cũng đều cảm phục, bởi lẽ trong văn xuôi của Nhụy Nguyên dung chứa một khối lượng tư tưởng Phật giáo lớn, có sự thẩm thấu vào thế giới nhân vật và cả phương thức thể hiện.

CẢM QUAN PHẬT GIÁO

Cảm quan Phật giáo chính là sự cảm nhận thông qua nền tảng nhận thức của Phật giáo về sự tồn tại của vạn vật trong vũ trụ. Khi nhắc đến cảm quan Phật giáo đồng nghĩa là nói đến quan điểm nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan. Đối với quá trình phát triển của văn học Việt Nam, Phật giáo đã có những ảnh hưởng khá sâu đậm trên mặt tư tưởng và phân tích thế giới khách quan. Do đó, để làm sáng tỏ vấn đề cảm quan Phật giáo trong văn học Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu sâu vào hệ thống văn học xuyên suốt qua mỗi thời kỳ. Và đặc biệt ở đây, người viết muốn khẳng định giá trị cảm quan Phật giáo trong tập truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa của Nhụy Nguyên, với mục đích làm sáng tỏ tư tưởng Phật giáo được thể hiện trong tác phẩm của anh một cách cụ thể và chi tiết.

Điều ấn tượng đầu tiên của người viết đối với nhà văn Nhụy Nguyên, chính là khi lật trang cuối của 4 cuốn tiểu luận về Phật giáo, có in dòng chữ: “Tác giả không giữ bản quyền sách”! Đầu năm 2019, 5 tác phẩm của Nhụy Nguyên được Nxb Hồng Đức & Nhà sách Hoa Sen phát hành cùng lúc: Trôi trên dòng thời gian trắng xóa gồm 14 truyện ngắn; và 4 tập tiểu luận viết về Phật giáo: “Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể”, “Sực nhớ quê hương là cực lạc”, “Phía sau văn bản đời người” và “Mộng thoát luân hồi”. Nhụy Nguyên hoàn toàn không giữ bản quyền với 4 tập tiểu luận, anh chia sẻ rằng: “Những điều Nhụy Nguyên viết trong 4 tập tiểu luận là những bài dạy của Đức Phật, và được các vị Thầy giảng giải lại, cho nên việc Nhụy Nguyên viết ra không phải là sản phẩm riêng của Nhụy Nguyên, mà là của Đức Phật và các vị Thầy”, điều này kể ra cũng thật đặc biệt.

Trong truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa của Nhụy Nguyên, tác giả nói về cái “khổ” chỉ ra nguyên nhân của cái “khổ” và hướng đến sự tu tập để “giải thoát khổ” như là một hệ thống xuyên suốt của các truyện ngắn của Nhụy Nguyên. Ở đây chúng tôi nghiên cứu về cuộc đời con người từ góc nhìn nội dung tư tưởng Phật giáo, kế tiếp sẽ tìm hiểu cảm quan Phật giáo được biểu hiện trong phương thức thể hiện qua truyện ngắn của Nhụy Nguyên.

CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI TỪ GÓC NHÌN TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO 

Trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, nội dung tư tưởng Phật giáo như là mạch nguồn xuyên suốt chủ đạo sáng tác cho toàn bộ tác phẩm của anh. Những tư tưởng về tứ diệu đế, khổ, vô thường, luân hồi, giải thoát, thiền – tịnh,… được tác giả khéo léo đưa vào tác phẩm của mình một cách chi tiết và cụ thể có dụng ý. Nhụy Nguyên yêu thích Phật giáo và luôn lấy những giá trị tư tưởng Phật giáo để làm chất liệu sáng tác nghệ thuật của mình. Ở đấy yếu tố Phật giáo được quan tâm và nghiên cứu khá nhiều, những giá trị đóng góp cho hiện tượng văn học, đặc biệt cho văn học Phật giáo nước nhà. Từ góc nhìn tư tưởng Phật giáo về cuộc đời con người, chúng tôi nhận thấy xuyên suốt tác phẩm truyện ngắn của anh, với những nỗi khổ của đời người, từ đó dẫn ra lộ trình giải thoát khổ đau. Những yếu tố “cuộc đời khổ đau” và “giải thoát khổ đau” như trở thành trục cấu tứ lớn cho toàn bộ tác phẩm của Nhụy Nguyên.

Xuyên suốt tập truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa của Nhụy Nguyên, chúng ta bắt gặp những câu chuyện về sinh tử, ranh giới của sự sống chết, sự vô thường chớp nhoáng, những hình ảnh ấy thể hiện cho thời gian nhanh chóng “sát na vô thường” của Phật giáo.

Cuộc đời khổ đau

Khổ đau là một trạng thái mà con người đã cảm nhận được từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa xa cõi đời. Con người luôn tha thiết mong cầu giải thoát khổ đau, tìm kiếm sự hạnh phúc đích thực. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cả cuộc đời của Ngài đi tìm và giáo hóa cho quần chúng về chân lý hạnh phúc, Ngài cho rằng: “Hạt giống của sự khổ đau trong bạn có thể rất mạnh mẽ, nhưng đừng đợi tới khi không còn đau khổ nữa bạn mới cho phép mình hạnh phúc” [1] và theo Thiền sư: “Hạnh phúc là được sống trong phút giây hiện tại, Hạnh phúc thực sự tìm thấy trong sự bình an, hạnh phúc là khi được sẻ chia, hạnh phúc còn là một kiểu tư duy và hạnh phúc là buông bỏ những điều không cần thiết” [2]. Chân lý hạnh phúc ấy của Ngài chính là giây phút hiện tại, mình phải tự chế tác ra chất liệu hạnh phúc cho chính mình.

Hiện thực cuộc đời trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên là những mảnh đời bất hạnh hoặc chịu đựng những đau khổ từ người khác mang lại cho họ. Những số phận bi đát và tủi nhục, họ than vãn với trời đất về cuộc đời khổ đau. Đặc biệt, trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên không chỉ nói đến những nỗi khổ của con người, mà còn đưa ra phương pháp để diệt trừ khổ đau. Chính vì thế, khi Nhụy Nguyên chọn thể loại văn xuôi để sáng tác, anh tất yếu sẽ đưa vào tác phẩm những tư tưởng, triết lý cơ bản của Phật giáo. Giáo lý Tứ diệu đế xoay quanh nỗi khổ của con người, Đức Phật chỉ ra quá trình của sự hoàn tất diệt khổ và giải thoát trong giáo lý này. Nhụy Nguyên đã liễu ngộ và hiểu rõ chân lý ấy, cho nên người đọc luôn bắt gặp những câu chuyện khổ đau của cuộc đời trong tác phẩm của anh. Bên cạnh đó, anh cũng có những câu chuyện khuyên người tu tập để thoát khỏi sự khổ đau. Đối với truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa, Nhụy Nguyên xây dựng một thế giới nhân vật mang trong mình cốt cách của những con người bình dị, phản ánh đến nỗi khổ của con người trong cuộc sống đời thường. Mở đầu tác phẩm là truyện Mần nhói như là sự cảnh tỉnh về nỗi khổ đau mà tác giả muốn gửi gắm đến cho bạn đọc. Mần nhói như là mần người, ở đây ánh sáng thế giới quả là nhói cả lòng hư vô. Bao nhiêu đứa trẻ không được chào đời do sự mê muội của lòng người không được gội rửa bằng đức tin và không hiểu về nhân quả, luân hồi. “Tôi quẫy trong bụng mẹ, hy vọng có thể sớm ra ngoài, nhưng bác sĩ đã dùng tay ấn vào đầu chích một liều thuốc, đột nhiên tôi cảm thấy toàn thân tê đau không còn sức nữa; rồi bác sĩ dùng kéo cắt tay phải tôi, dùng kiềm gắp ra, lại cắt chân hai miếng, dùng máy hút… Thân vô cùng đau đớn, máu chảy không ngừng…” [3]. Truyện kể về những sinh linh bé nhỏ không được chào đời, đồng thời lên án tội ác của con người về nạn phá thai, một tội ác vô cùng của kiếp người.

Cùng với mạch nguồn đó, truyện ngắn Trôi qua miền sáng cũng đã phản chiếu rõ những nỗi khổ vô cùng của người mẹ, câu chuyện vô cùng kỳ bí, người kể chuyện thay đổi liên tục giữa cõi âm và cõi dương, đôi khi là tiếng than van của chính tác giả và lời tuyệt vọng của nhân vật. Nhân vật chính của câu chuyện là người mẹ và linh hồn đứa con. Tác giả đã hóa thân mình vào người con để kể chuyện, anh đã dùng yếu tố kỳ ảo để dẫn dắt câu chuyện một cách cuốn hút. Nỗi khổ của mẹ được thể hiện qua cách kể chuyện của người con: “Những lần lão tới nhà đều dẫn theo mấy người xa lạ, việc duy nhất là uống rượu và hút thuốc. Có gã say nằm luôn đến nửa đêm mới về. Những lần như vậy mẹ tôi khổ, sáng ra mắt thâm quần, tiều tụy…” [4]. Cuộc đời đã khổ đau, thế mà mẹ con họ còn phải chịu cái chết thương tâm. Nhà văn đã rất nhân đạo khi đến cuối câu chuyện, anh vẽ ra một thế giới ánh sáng của sự siêu thoát, nhằm gửi gắm đến người đọc về một thế giới an lành mà những ai thánh thiện sẽ được đón nhận.

Trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, người đọc sẽ thấy rất ít những trang miêu tả về niềm vui, cảnh sống thanh bình, tiếng cười hạnh phúc của con người. Ngay cả những đứa trẻ chưa kịp ra đời và đến những nỗi đau của người mẹ khi thấy con mình bị bóp cổ chết: “Con ơi… con không biết sao? Con chết từ đêm qua kia mà! Hắn bóp cổ con…”. Tôi vùng dậy. Mẹ cúi sập. “Mẹ cũng chết rồi… Lại đây con ơi. Hai mẹ con ta đã chết! Mẹ con ta giờ là âm hồn. Con không tin à. Con nhìn vào căn phòng kia đi. Xác mẹ nằm trên đó…” [5]. Giọng văn đầy xót thương của tác giả đã hiện lên một hiện thực xã hội đầy khổ đau của con người. Những khổ đau này, con người chỉ muốn được giải thoát. Nhưng vì họ không nhận ra được cái nguyên nhân của khổ đau để tìm ra phương pháp diệt trừ khổ đau, nên họ thường tìm đến cái chết để giải quyết nỗi khổ ấy. Chúng ta nhận thấy Nhụy Nguyên đã đưa vào văn học những con người vô minh, họ không nhìn thấy được tội đồ của chính mình đã gây ra, như người đàn ông trong truyện Trôi qua miền sáng và những đôi nam nữ phá thai trong truyện Mần nhói. Vô minh chính là không thấy được ánh sáng của thiện pháp, với dụng ý của tác giả khiến cho người đọc nhận thấy được hậu quả của vô minh mê mờ gây ra khổ đau như thế. Trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, anh khá đặc sắc ở vấn đề này, những truyện ngắn như Máu đang lọc bởi sự lặng yên; Bóng thuyền ảnh hiện; Không thể nói ra; Vung tay chạm đến vô cùng; Apsara và dòng kinh sám hối. Đây chính là sự khác biệt của văn xuôi Nhụy Nguyên khi viết về nỗi khổ của con người. Cũng chính những điểm này đã tạo nên một màu sắc đặc trưng riêng trong văn học Phật giáo Việt Nam đương đại.

Giải thoát khổ đau

Giải thoát theo triết lý Phật giáo tức là trạng thái tinh thần con người vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới nhục dục, là sự diệt hết mọi dục vọng, dập tắt ngọn lửa dục vọng để đạt tới cõi Niết bàn (Nirvana) với cái tâm tuyệt đối thanh tịnh. Triết lý Phật giáo cho rằng xuất phát điểm của tư tưởng giải thoát là từ nỗi khổ của cuộc đời con người. Vì vậy muốn được giải thoát thì cần dập tắt mọi dục vọng, trở về với chân tâm bản tính của mình.

Tư tưởng giải thoát như là sự cứu cánh cho những số phận bế tắc của cuộc đời. Biểu hiện tư tưởng giải thoát trong hiện thực, dưới ngòi bút của Nhụy Nguyên đã tỏ ra nhạy bén đặc biệt với những trạng thái tâm lý con người. Sự quan sát tinh tế cùng sự chiêm nghiệm, thấu hiểu chân lý giải thoát nên anh đã miêu tả những nỗi niềm trăn trở của con người về con đường giải thoát. Sau khi ngộ ra được sự khổ đau, họ muốn tìm ra con đường giải thoát. Truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa, khiến cho bạn đọc để lại một cảm xúc quạnh hiu, phảng phất nỗi buồn, đôi khi xen lẫn một chút niềm vui. Tác giả đã có cái nhìn thấu đáo và miêu tả tâm lý nhân vật một cách chân thực và tường tri nhất. Câu chuyện xoay quanh nhân vật “Chân sư” một người đàn ông dũng cảm từ bỏ vợ con lên chùa tu hành. Nhân vật chính nhận ra rằng: “Ban đầu chỉ ước đăng thơ trên báo địa phương như các cụ hưu trí, rồi ước đăng ở các báo trung ương, đến những tờ có uy tín văn chương. Tạm đủ. Vẫn không thỏa mãn. Thực ra do bởi cái tâm mong cầu không bao giờ như ý” [6]. Anh nhận ra mong cầu mà không được như ý “Cầu bất đắc khổ” trong bát khổ của Tứ đế, sự mong cầu đó nếu bị vô minh che lấp thì con người sẽ lại càng lấn sâu vào khổ đau, ở Chân anh đã ngộ ra được đó là khổ đau. Chính điều đó, Chân nhận ra được nguyên nhân của nó là dục vọng và tham ái. Nỗi niềm trăn trở tìm đường giải thoát của anh, thôi thúc anh tìm đến vị Sư trên núi chùa Pháp Vân để học đạo, Chân thường lui tới chùa mỗi ngày, dần dần Phật tánh trong con người anh bắt đầu khơi dậy. Phật ở ngoài khơi xa là một cốt truyện rất đặc biệt của nhà văn Nhụy Nguyên, truyện bộc lộ rõ tư tưởng giải thoát, tư tưởng ấy được biểu hiện rất tinh tế qua nhân vật Chân sư, nó đã toát hiện lên đầy đủ và chân thực nhất. Giá trị của tư tưởng ấy đã ăn sâu vào tâm thức của chính nhân vật, giúp cho bạn đọc hiểu rõ về con đường giải thoát của đạo Phật một cách sâu sắc. Ở góc độ này, người viết đã khai thác những giá trị tư tưởng của Phật giáo, vốn dĩ đỉnh cao của Phật giáo chính là tư tưởng giải thoát. Tư tưởng ấy còn được thể hiện đậm nét trong nghệ thuật sáng tác của anh.

KHÔNG GIAN PHẬT GIÁO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NHUỴ NGUYÊN 

Trong văn xuôi đương đại, xu hướng xây dựng không gian tâm linh trong tác phẩm văn học ngày càng gia tăng, nhất là đối với các tác phẩm theo chiều hướng tả thực. Nhà văn Bùi Hiển trong bài tiểu luận văn học Cánh cửa sổ mở ra cõi mung lung đã viết: “Đúng ra có thể nói: Mở vào. Vì cái chốn mung lung cần phải soi rọi vào ấy, lại chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim con người trước khi thể hiện ra ngoài (mà cũng có thể không thể hiện) bằng cử chỉ và hành động. Văn học, với chức năng của nó là khám phá bản thể con người (song song với việc khám phá ngoại giới), lẽ tự nhiên nó rất khát khao soi tìm vào những miền uẩn áo của nội tâm, vào những động cơ thầm kín đến mức tăm tối của những ứng xử ý thức: các hiện tượng mà người ta gọi siêu tâm lý” [7]. Những thứ thuộc về bên trong con người gắn liền với tâm linh, với niềm tin và sự linh diệu cùng với các bí ẩn của con người, những khả năng kỳ lạ và những dự cảm, trực cảm thuộc về sức mạnh của tâm linh mà khoa học chưa giải thích được. Những điều ấy được diễn tả thông qua nghệ thuật, bằng cảm xúc linh thiêng và những khoảnh khắc vụt sáng của toàn bộ tâm thức có sự mách bảo của một thế giới vô hình. Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã mở cánh cửa vào thế giới tâm linh Phật giáo, nhiều nhà văn đã đi vào khám phá hiện thực không gian Phật giáo đó. Nổi bật như các tiểu thuyết: Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh; Đức Phật nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái; Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo và Về nhà của Phan Việt… Ngoài ra, không gian Phật giáo còn thể hiện đậm nét trong truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa của Nhụy Nguyên mang một màu sắc không gian Phật giáo cụ thể và chi tiết.

Khảo sát truyện ngắn của Nhụy Nguyên, chúng tôi nhận thấy yếu tố không gian tu hành, chốn chùa chiền Phật giáo biểu hiện rất rõ rệt và đậm chất cảm quan Phật giáo, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những hình ảnh ngôi chùa, Đức Phật, Thiền sư… nó tạo nên một không gian Phật giáo, tu hành, chùa chiền thêm phần phong phú và đặc sắc hơn.

Như trên đã phân tích và khẳng định: Văn chương Nhụy Nguyên mang đậm chất tư tưởng Phật giáo, tác phẩm được Nhụy Nguyên dày công nghiên cứu và sáng tác, từ khâu sắp đặt nhân vật vào các sự kiện và quan trọng hơn hết là sự sáng tạo không gian cho các nhân vật được vẫy vùng, sinh sống, thể hiện chức năng của mình. Đọc truyện ngắn, chúng ta bắt gặp khá nhiều hình ảnh Đức Phật, nhà sư, thiền sư, chú tiểu, Phật tử… Chính những hình ảnh mang đậm chất Phật giáo đó, cho nên người đọc sẽ bắt gặp khá nhiều không gian chùa chiền của Phật giáo ngay chính trong tác phẩm. Ở truyện ngắn, không gian chùa chiền được Nhụy Nguyên khắc họa rất đậm chất Phật giáo, như Chùa Phong Vân trong truyện Phật ở ngoài khơi xa… hay là những không gian chùa chiền không nêu rõ tên trong truyện Mưa hoa bên sườn đồi, Máu đang lọc bởi sự yên lặng, Vung tay chạm đến vô cùng…

Chùa Phong Vân trong truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa được xem là không gian Phật giáo, chốn thiền môn thanh tịnh. Nhụy Nguyên xây dựng không gian chùa Phong Vân để làm điểm kết nối giữa vị Sư trụ trì và Chân, nơi mà hai người đàm đạo về sự tu tập, để từ đó Chân tìm ra được con đường giải thoát, cũng là nơi mà Nhụy Nguyên biểu hiện những tư tưởng Phật giáo trong đó. Không gian chùa Phong Vân là một không gian tuyệt đẹp trong truyện, bởi vì sau những bộn bề ưu phiền của cuộc sống, chùa Phong Vân là nơi giúp cho con người lắng dịu và yên tĩnh hơn để suy ngẫm về những thứ xảy ra trong cuộc đời họ. “Quảng thời gian đó Chân thường lên chùa Phong Vân trên núi xa, xe máy chạy khoảng tiếng mới đến nơi. Sư trụ trì xưa cũng lang bạt trần ai, sau thất cơ lỡ vận lên chùa trú thân, duyên nghiệp sao ở lại tu luôn” [8], “Sáng sớm, lúc vợ còn ngủ sâu, sau giờ xem kinh và lập thiền, Chân lội sương lên chùa Phong vân dự tuần trà sớm với Sư trụ trì. Sư dẫn Chân dạo khắp khuôn viên, trèo lên cả những ngọn núi vây quanh đều được đặt tên” [9]. Qua cách miêu tả chùa Phong Vân của Nhụy Nguyên chúng ta có thể mường tượng được khung cảnh chốn thiền môn tĩnh mịch đến nhường nào, tác giả đã miêu tả một khung cảnh hết sức thơ mộng và huyền diệu. Với không gian tu hành, chốn chùa chiền Phật giáo, Nhụy Nguyên cũng đã khắc họa nên các không gian mang màu sắc Phật giáo như: không gian thiền thất trong chùa Phong Vân, nhằm miêu tả sự trang nghiêm của thế giới tu hành nhà Phật, mà người đời ít ai trải nghiệm: “Chân cúi lạy Sư rồi thẳng vào thất. Sư trụ trì giao bình nước cho một đệ tử. Chân và Sư đối diện. Thưa Sư. Con đến thông công án. Giải được hay không sáng nay con cũng dứt nhà ra đi” [10]. Thiền thất là một không gian chuyên tu của các hành giả muốn nhập thất tu luyện. Thiền thất là biểu tượng của một sự thoát tục với trần thế, không còn vướng tạp với duyên trần. Nhụy Nguyên sử dụng không gian Thiền thất trong tác phẩm của anh, như muốn cho nhân vật của mình có nơi để toát lên vẻ thoát tục, đẩy đỉnh cao tư tưởng giải thoát lên cao cũng là để cho người đọc ngầm hiểu ra vấn đề ranh giới giữa mê và ngộ; giải thoát và luân hồi; thoát tục và trần tục… Thiền thất chính là yếu tố mang lại cho không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên thêm phần hấp dẫn và đặc sắc hơn. Bởi vì, cũng chính thiền thất là nơi mà Sư trụ trì với Chân – thông công án thiền, sự chứng ngộ của Chân được Nhụy Nguyên sắp đặt trong một không gian tu hành (thiền thất) đó là một điểm đặc sắc trong nghệ thuật sáng tạo của Nhụy Nguyên. Cuối truyện, người đọc còn bắt gặp thêm một ngôi chùa ngoài hải đảo, có lẽ nào đó là một nghệ thuật chuyển cảnh không gian trong truyện, nằm mang lại những ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm đến cho bạn đọc. Sự tương đồng của ngôi chùa trên núi và ngôi chùa ngoài đảo là gì? Đó là sự yên tĩnh và tách biệt với thế gian. Vậy còn nó có sự đối lập gì, theo chúng tôi ngôi chùa ngoài đảo mang một không gian mênh mông bao la, giúp cho nhân vật thả hồn với mây trời, quên lãng chuyện quá khứ, tĩnh tâm để tu luyện. Khi quang cảnh bao la mênh mông, lòng người cũng không còn eo hẹp. Nhụy Nguyên đã tạo ra một dấu ấn đặc sắc trong phong cách nghệ thuật sáng tác, có thể nói anh là một người am hiểu giáo lý Phật giáo và sự chuyển tải thành văn của anh cũng có những ẩn ý đến mức đặc biệt.

Bên cạnh đó chúng ta có thể nhìn sâu sắc hơn, Nhụy Nguyên rất khéo léo khi sử dụng không gian Phật giáo, để thể hiện triết lý nhân quả, là nơi bắt đầu của nguyên nhân và kết thúc quả báo, như Nõ trong truyện Vung tay chạm đến vô cùng, là con người si mê, tham lam, không sợ thần Phật, khi chịu những quả báo thì mới bắt đầu cải tà quy chánh, sám hối tội lỗi đã phạm và được tiếp tục sống và làm mọi điều tốt. Thật vậy, Phật giáo luôn lấy từ bi, trí tuệ làm gốc cho sự hành trì tu tập, cho nên chính từ tư tưởng này Nhụy Nguyên đã vận dụng tư tưởng từ bi, trí tuệ của nhà Phật để tạo nên một không gian bao dung, không gian cứu rỗi các nhân vật của anh. Không gian ấy còn là nơi giúp con người gửi gắm, nguyện cầu những điều mong muốn của bản thân như Nõ và Nường vì hiếm muộn sinh con nên đến chùa làng để cầu tự, không gian chùa đã là một hình ảnh vốn dĩ quen thuộc với người Việt. Bởi vì nó là một không gian giúp con người trở nên hoàn thiện và tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Những dấu ấn của không gian nghệ thuật ở bình diện không gian Phật giáo được tác giả miêu tả rất nhiều trong truyện ngắn của anh, như không gian chùa trong các truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa; Con mắt nhìn vào; Không thể nói ra; Buông; Dấu chân hải đảo; Máu đang lọc bởi sự lặng yên; Bóng thuyền ảnh hiện. Những hình ảnh ngôi chùa đó rất gần gũi với con người, văn hóa Việt Nam. Nói tóm lại, không gian Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên là rất nhiều, người đọc có thể bắt gặp rất nhiều ngôi chùa có rõ ràng về tên tuổi lịch sử hiện thực và có những ngôi chùa không tên. Nhìn chung, ở bình diện này, không gian Phật giáo được miêu tả rất rõ nét. Qua đó chúng ta nhận thấy trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên, hình ảnh Phật giáo được thể hiện rõ ràng. Không gian chùa chiền của Phật giáo, được Nhụy Nguyên lấy chùa Phong Vân và một số ngôi chùa không tên làm điển hình cho không gian nghệ thuật này. Điều này đã tạo nên bình diện nghệ thuật sáng tác của anh trở nên đặc sắc và đa diện hơn.

THỜI GIAN PHẬT GIÁO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NHUỴ NGUYÊN 

Thời gian nghệ thuật là đặc trưng của văn học, là hình thức cảm nhận thế giới của con người với một quan niệm nhất định về thế giới. Thời gian nghệ thuật được Thi pháp học định nghĩa “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai” [11].

Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thực hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Khảo sát văn xuôi của Nhụy Nguyên, chúng tôi nhận thấy, các bình diện thời gian nghệ thuật, thì thời gian Phật giáo là bình diện thời gian nổi bật nhất. Sự khai triển bình diện thời gian này trong tác phẩm, vừa làm nên nhịp điệu của truyện kể, vừa giúp cho những ẩn ý sâu sắc của tác phẩm được hiển lộ hơn.

Xuyên suốt tập truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa của Nhụy Nguyên, chúng ta bắt gặp những câu chuyện về sinh tử, ranh giới của sự sống chết, sự vô thường chớp nhoáng, những hình ảnh ấy thể hiện cho thời gian nhanh chóng “sát na vô thường” của Phật giáo. Thời gian đối với Phật giáo là sự biến chuyển, vô thường. Ở đấy, Nhụy Nguyên đã chuyển tải được những quan niệm thời gian này vào từng câu chuyện trong truyện ngắn của anh.

Thời gian theo quan niệm của Phật giáo được tính theo khái niệm sát na hơi thở (là thời gian ngắn nhất) và A tăng kỳ kiếp (là thời gian dài nhất)… Sự vô thường, tuổi già, bệnh tật không bao giờ hứa hẹn thời gian với chúng ta, chúng có thể đến bất chợt lúc nào mà chúng ta không thể nhận biết trước được. Bởi vì cuộc đời vốn vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng có còn sống ở sát na sau hay không? Nếu một tai nạn xảy ra và cướp đi mạng sống này thì mạng sống của chúng ta được ví như hạt sương rơi. Những ý niệm của chúng ta sẽ thay đổi rất nhanh trong từng sát na. Để hiểu nghĩa cụ thể của từ sát na, chúng tôi xin giải thích như sau:

Sát-na, “chữ Hán 刹 那, âm dịch là xoa nô 叉孥, ý dịch là niệm, niệm khoảnh (念 頃, khoảnh khắc của niệm). Ở Ấn Độ, nó được dùng như là đơn vị biểu thị thời gian ngắn nhất. Thông thường người ta cho rằng đối với một người có sức mạnh thì trong một giây lát đã trải qua 65 sát na. Theo đó, ta thấy 1 sát na là 1/75 giây, thể hiện thời gian ngắn đến nỗi không thể có cảm giác biết được” [12]. Theo Abhidhamma Mahàvibhàsa (Đại Trí Luận) sát na được giải thích một cách rõ ràng như sau: “Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát na liên tiếp”. Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na.

Qua đó chúng ta thấy, sát na là một trạng thái trôi qua rất nhanh, nhanh đến nỗi người thường không thể cảm nhận được. Trong kinh, Đức Phật cũng rất nhiều lần sử dụng danh từ sát na để chỉ cho kiếp người vô thường nhanh như từng sát na. Nhụy Nguyên cũng vậy, anh am hiểu tinh thông giáo lý Phật giáo nên anh đã sử dụng từ sát na để chỉ cho sự nhanh chóng trong giây phút qua bài thơ thiền: “Ngồi thiền đội cả không trung, Sát na chánh niệm vô chừng tạp ngôn” [13]. Sát na chánh niệm không chừng tạp ngôn, nhằm ý nói đến hành giả khi ngồi thiền, nếu không tập trung cao độ, rất dễ bị vọng tưởng tạp ngôn, mà vọng tưởng Nhụy Nguyện mượn thời gian Sát na để biểu thị cho thời gian ngắn nhất, vô thường nhất trong tâm con người luôn luôn biến chuyển không ngừng.

Thời gian trong Phật giáo còn được hiểu qua góc độ tư tưởng vô thường, vạn vật vô thường, con người vô thường. Vô thường từ ý niệm, vô thường đến hành động, nó luôn luôn dịch chuyển không ngừng, đó được xem là một khái niệm về thời gian nhanh vụt của Phật giáo. Trong bình diện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh thời gian vô thường theo quan niệm của Phật giáo. Thời gian vô thường biến chuyển theo từng sát na, còn được biểu hiện ở trạng thái tâm lý nhân vật, điển hình trong truyện ngắn Bóng thuyền ảnh hiện, như: “Khoảnh khắc tâm tôi trong lặng không khởi ý niệm, từ đâu rơi xuống một thông điệp: Nàng không thể dối thêm nữa. Không ai nói dối với linh hồn bao giờ. Tôi liền quay lại bờ sông. Kia rồi. Nơi những que nhang vừa tàn lụi, đúng như lời hứa trên mảnh giấy đã thành tro: Nàng để lại cho tôi một con thuyền” [14]. Đoạn văn trên, được tác giả dùng từ “khoảnh khắc” để miêu tả về ý niệm của nhân vật kể chuyện độc thoại nội tâm. Trong truyện ngắn Buông cũng sử dụng khoảnh khắc vô thường để tả về vị Sư giáo hóa cho Phật tử bằng những lời chánh pháp: “Khoảnh khắc hiếm hoi tưởng Sư phải nói khác những lời ở chánh điện trước nhiều Phật tử; hay Sư vẫn dùng chánh pháp để đẩy lùi vọng tưởng. Con người phải hướng nội, biết khước từ hư danh, nhẫn nhục siêu phàm làm hiền thánh” [15]. Những khái niệm về thời gian của Phật giáo được tác giả sử dụng một cách tinh luyện, uyển chuyển vào tác phẩm. Đôi khi người đọc lướt qua cũng khó cảm nhận được thời gian trong văn xuôi của Nhụy Nguyên lại mang một khoảnh khắc, sát na ngắn nhất như thế theo quan niệm của Phật giáo. Bởi vì, vốn dĩ sát na và vô thường là hai khái niệm về thời gian nhỏ nhất, mà chúng ta cũng khó thể nhận biết được.

Tâm thức của các nhân vật còn thay đổi suy nghĩ nhanh chóng theo quan niệm thời gian sát na của Phật giáo, như trong Mần nhói: “Họ dắt nhau trong bóng đêm, tôi thấy nụ cười lóe trên đôi môi xinh của cô gái. Chính nụ cười ấy khiến tôi chững lại, thay đổi suy nghĩ” và truyện ngắn Về những đỉnh tuyệt mù: “Phải chăng khoảnh khắc thấy Việt, trái tim Nhơn rung động làm rơi lưỡi chạm”. Những nội dung trên đây, đã góp phần giúp cho thời gian nhanh chóng của Phật giáo thêm phần rõ ràng đặc sắc hơn.

Tóm lại, thời gian theo quan niệm của Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên là khoảng thời gian chớp nhoáng, vụt mất, nhanh chóng như khái niệm sát na. Thể hiện cao triết lý vô thường của Phật giáo trong văn xuôi, thời gian sát na như là yếu tố bổ trợ cho dụng ý của nhà văn khi chuyển tải tư tưởng Phật giáo đến với văn học. Có thể nói, bình diện nghệ thuật này đã góp phần đặc sắc cho nghệ thuật sáng tác của Nhụy Nguyên, giúp cho độc giả ngộ nhận được nhiều giá trị nhân sinh trong cuộc sống.

KẾT LUẬN

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên được xem là cam chịu, và không dám đối diện với những thử thách, mất mát của cuộc đời, cho nên tư tưởng giải thoát đã giúp cho họ một con đường để giải thoát khổ đau. Bằng con mắt tinh tường và thiền vị, nhà văn đã miêu tả một thế giới nhân vật mang màu sắc Phật giáo, để thể hiện những giá trị nội dung tư tưởng Phật giáo trong tác phẩm của mình. Bên cạnh những thành công về nội dung, tư tưởng; Với nghệ thuật, Nhụy Nguyên mang một dấu ấn đặc sắc làm nên một thế giới nghệ thuật đậm chất Phật giáo, với không gian, thời gian Phật giáo. Những yếu tố không gian chùa chiền, thời gian Phật giáo đã làm nên một đề tài Phật giáo đặc sắc trong nghệ thuật sáng tác của Nhụy Nguyên.

Có thể nói, văn xuôi của Nhụy Nguyên được đánh giá ở vị trí cao trong mảng văn học Phật giáo. Dưới giác quan của người viết, Nhụy Nguyên như là một yếu tố đại diện cho văn học Phật giáo đương đại. Bởi lẽ, văn xuôi của anh không chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ để miêu tả những yếu tố Phật giáo, mà còn chuyển tải nhiều triết lý, tư tưởng, giáo lý kinh điển, phương pháp tu tập chuyển hoá khổ đau thành hạnh phúc trong tác phẩm của anh.

ĐĐ.ThS Thích Quảng Thông

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* ĐĐ.Th.S. Thích Quảng Thông (Thạc sĩ Phan Công Việt): Thành viên Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế – Chùa Long Hưng, Đông Anh, TP Hà Nội.

[1] Thích Nhất Hạnh, Suối nguồn hạnh phúc đích thực là đâu, 2007 https://phattrongtam.net/thien-su-thich-nhat-hanh-suoi/.

 [2] Thích Nhất Hạnh, Tlđd, 2017.

[3] Nhụy Nguyên, Trôi trên dòng thời gian trắng xóa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.12-13.

[4] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.46.

[5] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.49-50.

[6] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.25.

[7] Dẫn theo Trần Thị Mai Nhân, Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, 2008 http://www.tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c113/n905/Van-de-tam-linh-trong-tieu-thuyet-Viet-Nam-thoi-ky-doi-moi.html

[8] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.28.

[9] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.29-30.

[10] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.34.

[11] Trần Đình Sử, Những công trình lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục Hà Nội, Hà Nội, 1998, tr.83.

[12] Thích Nguyên Tâm, Từ điển Phật học tinh tuyển, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr.1189.

[13] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.32.

[14] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.65.

[15] Nhụy Nguyên, Sđd, 2018, tr.85.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *