Tìm hiểu về chữ Hiếu trong đạo Phật (SC. Thích Nữ Liên Ðịnh)

Mỗi đất nước đều mang một sắc thái văn hóa, phong tục tập quán riêng biệt, nhưng tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này lại có cùng điểm giống nhau đó là tinh thần Hiếu đạo. Chữ Hiếu từ xưa cho đến nay mang giá trị vượt khỏi phạm trù không gian và thời gian mà ngôn ngữ khó diễn tả hết về giá trị cao đẹp đó. Hiếu đạo chính là bức thông điệp gửi đến những người con hãy hướng về hai đấng sinh thành để niệm ân giáo dưỡng thiêng liêng của cha và mẹ. Đồng thời, người viết muốn khẳng định rằng Phật giáo có vai trò rất lớn trong việc chấn chỉnh lại nền đạo đức hiện nay đang có chiều hướng tụt dốc trong xã hội.

QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU TRONG DÂN GIAN 

Nguồn gốc chữ Hiếu vốn không tài liệu lịch sử nào ghi lại, chỉ biết rằng khi chúng ta hiện hữu thì chữ Hiếu đã xuất hiện và lớn dần theo năm tháng; hình thành rất lâu đời không những ở Việt Nam mà còn khắp phương Đông và phương Tây. Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa khác nhau, vì vậy quan niệm chữ Hiếu và hình thức báo hiếu cũng có đôi nét khác biệt. Đặc biệt, ở mỗi giai đoạn lịch sử, khái niệm chữ Hiếu tuy có chút khác nhau về mặt ngữ nghĩa song vẫn luôn đề cao công ơn cha mẹ. Trong tác phẩm “Lý hoặc luận”, Mâu Tử cho rằng: “Nếu làm việc đức lớn, thì không câu nệ tiểu tiết. Cũng như cha mẹ ngã xuống nước thì cứu cha khỏi chết đuối là đức lớn, còn nắm chân kéo tay, dốc đầu cha để nước trong bụng cha chảy ra hết để cứu cha khỏi chết, tất cả chuyện đó là tiểu tiết” [1].

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ bằng cách tôn thờ, phụng dưỡng cha mẹ ốm đau sớm tối. Cha mẹ chỉ dạy điều hay điều tốt phải biết vâng lời. Nếu một người ngay cả việc Hiếu đạo với cha mẹ không tròn thì làm sao được bạn bè, thầy cô, làng xóm, xã hội,…yêu mến và kính trọng. Tại Việt Nam, mỗi người từ khi sinh ra trên cõi đời, lớn lên và trưởng thành đều nhờ vào ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Công lao ấy trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn to lớn tựa biển trời, thế nên nghĩa tình ấy được thể hiện qua câu thơ:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

 Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.

Khi nói đến chữ Hiếu chẳng mấy ai lấy làm xa lạ, vì nó đã trở thành truyền thống rất quen thuộc và ăn sâu vào tâm trí ngay khi còn bé, trong những lời hát ru hay câu chuyện cổ tích dân gian mẹ kể. Qua điệu nhạc vần thơ mộc mạc, nhẹ nhàng âu yếm đó là cả hệ thống triết lý dạy về đạo đức làm người, dạy con người phải biết “uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nên ở đời trước tiên phải báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Đây chính là nền tảng đạo đức căn bản nhất để bước vào đời. Dẫu thế nào, ngôn từ cũng không thể truyền tải hết công ơn cha mẹ, cho nên chỉ biết mượn điệu nhạc, vần thơ, ca dao tục ngữ bình dị để biểu lộ tấm lòng chân thành mà người con một đời luôn khắc cốt ghi tâm.

Cha mẹ là đấng sinh thành thiêng liêng vô bờ bến, không có gì so sánh được. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô điều kiện, chỉ cho đi mà không cần nhận lại. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dù vạn vật có thay đổi nhưng tinh thần Hiếu đạo vẫn giữ nguyên nét truyền thống riêng biệt, trở thành giá trị đạo đức trong thuần phong mỹ tục nước ta. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng đề cao đạo Hiếu và xem như là bổn phận đầu tiên của con cái. Thúy Kiều hy sinh hạnh phúc bản thân để làm tròn chữ Hiếu.

“Duyên hội ngộ đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn,

Để lời thệ hải minh sơn

Làm con trước phải đền ơn sanh thành” [2].

Lịch sử bao đời nay, “Hiếu” đã trở thành truyền thống giá trị đạo đức cao cả. Trải qua nhiều thế hệ, “Hiếu” bao giờ cũng được đề cao. Dù khoa học có phát triển đến đâu, nhưng triết lý làm người của những bậc cổ nhân vẫn bất diệt theo thời gian và hằn sâu trong lòng mỗi chúng ta. Thế nên “báo hiếu là một quan niệm chính đáng, một hành động hợp lý trong cử chỉ: làm con chúng ta không thể quên được nỗi lao thân khổ thứ của cha mẹ, mải miết lo cho con từ miếng cơm manh áo, có đức rộng tài cao; lo cho con từ khi mới lọt lòng cho đến ngày đầu bạc răng long; không kể gì khó khăn vất vả… Luôn luôn vì nghĩ làm sao cho con mình được thông minh nhân đức mà cha mẹ quên mình dốt nát tội lỗi” [3].

Vì vậy, Hiếu không phải là những gì nói suông mà phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể như: Quan tâm, chăm sóc và phụng dưỡng mẹ cha,… bằng những hành động cụ thể nhất để cha mẹ yên lòng an hưởng tuổi già. Nhưng dù có làm tất cả cũng không thể đền đáp hết được công ơn lớn như biển trời ấy. Cho nên, hàng đêm, chúng ta hãy cầu nguyện cho cha mẹ dù còn sống hay đã mất luôn luôn được an lành.

CHỮ HIẾU THEO QUAN NIỆM NHO GIÁO 

Trung Hoa vốn nổi tiếng với cách giáo dục uốn nắn con người từ nhỏ. Thông qua đạo Hiếu của Nho giáo, chúng ta càng hiểu rõ hơn về nền văn hóa lâu đời có sức lan tỏa rộng khắp phương Đông. Vì “Nho giáo đề cập nhiều nội dung, trong đó có nội dung giáo dục tư tưởng “Hiếu” của con người. “Hiếu” là một phạm trù đạo đức của Nho giáo” [4]. Theo Nho giáo, cách báo hiếu cao nhất là phải lập thân hành đạo, có địa vị trong xã hội. Người con có thành công cha mẹ mới hiển vinh, nở mày nở mặt với dòng họ tổ tiên. Khổng Tử cho rằng thân thể này do cha mẹ sinh ra, người con có Hiếu không được hủy phạm: “Thân thể, tóc da, đều nhận từ mẹ cha, không được để bị hủy hoại, tổn thương, đó là khởi đầu của chữ Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh cho hậu thế, để hiển vinh mẹ cha, đó là tột cùng của Hiếu”. Đồng thời: “Cha mẹ còn sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ” [5].

Như vậy, theo Nho giáo người con phải thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ bằng cách: “1. Quý trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra; 2. Lập thân dương danh ở đời để vinh hiển cha mẹ; 3. Đối với cha mẹ, phải phụng dưỡng khi còn sống và lo hậu sự cho hợp lễ” [6]. Thật vậy, Nho giáo là tôn giáo rất coi trọng đến chữ “Hiếu”, dù cha mẹ có làm sai cũng không dám trái lời. Khổng Tử nói: “thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ, tuy khó nhọc, lo buồn nhưng không được oán hận” [7]. Vì thế, Hiếu được Nho giáo đặt ở vị trí đầu, Tăng Tử nói: “Hiếu là nết đứng đầu trăm nết. Hiếu cảm đến trời thì gió mưa hòa thuận. Hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi. Hiếu cảm đến người thì phúc lộc thịnh vượng” [8].

Đức Phật nói trong kinh Trường Bộ, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt về bổn phận của cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái: “Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con”.

Có thể thấy, Nho giáo có một hệ thống giáo dục con người được áp dụng từ xưa đến nay, trong đó luôn đề cao vai trò “Hiếu đạo”. “Hiếu” như sợi dây vô hình nối kết và thắt chặt tất cả mối quan hệ trong gia đình, biến thành chất liệu xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Ngoài ra, chính chữ “Hiếu” cũng mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho chúng ta.

CHỮ HIẾU TRONG PHẬT GIÁO 

Đạo Phật cũng nói đến chữ Hiếu, nhưng với nội dung và ý nghĩa rộng lớn hơn. Qua câu mở đầu trong tập truyện thơ dân gian “Nam Hải Quan Âm” đã nói lên điều đó:

“Chơn như Đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân

Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.

Trên thời hiếu báo sanh thành, Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta bà” [9].

Bên cạnh đó, những lời dạy của Đức Phật về phương pháp tu tập để đi đến giải thoát được thấy rất nhiều trong Kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy. Có thể thấy, những lời Đức Phật dạy về chữ “Hiếu” thật đầy đủ, sinh động và cụ thể. Điều này đã được Đức Phật tuyên bố trong Kinh Tương Ưng tập I: “Này các Tỷ kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển”. Không phải sữa của mẹ nhiều hơn nước trong bốn biển, mà Đức Phật muốn dạy rằng công ơn của mẹ thật không gì sánh nổi, làm sao đáp đền cho hết. Thật vậy, công ơn cha mẹ không thể dùng ngôn ngữ diễn tả, dù chúng ta có báo hiếu bằng cách nào cũng không đủ.

Trong Phật giáo, đối với người xuất gia việc cạo bỏ râu tóc, tức là hủy hoại một phần mà người đời rất quý để sống đời phạm hạnh. Hàng ngày, mỗi buổi sáng người xuất gia thường sờ lên đầu để tự nhắc nhở mình phải cố gắng đoạn trừ tham, sân, si và hướng đến mục tiêu “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”. Đây cũng được xem là một hành động cụ thể để hồi hướng phước báo đến đấng sinh thành của mình, tuy trọn vẹn không bằng vật chất giống thế gian nhưng bằng tinh thần hướng thượng đúng với tính chất triết lý đạo đức của Phật giáo.

Qua đó, chúng ta thấy được Đạo Phật là đạo nhập thế không rời xa thế gian. Vì vậy, kinh Phân Biệt kể rằng, Đức Thế Tôn thường nhắc nhở đến công ơn cha mẹ Ngài: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ Ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ”. Do đó bổn phận của người con đối với đấng sinh thành đáng được cung kính và cúng dường, tất cả những điều đó Đức Phật đã dạy trong rất nhiều Kinh điển. Ngoài ra, trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt chỉ rõ năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” [10]. Vì vậy, Đức Phật đã nói người nào thành kính nuôi nấng, phụng dưỡng mẹ cha sẽ hưởng những công đức tốt lành do lòng hiếu dưỡng đem lại.

Đức Phật đã liệt kê những điều đó vào năm tội ngũ nghịch, trích trong kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, trang 738: “Có năm nghịch tội này, này các Tỳ kheo, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không có thể chữa trị. Thế    nào là năm? Đoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng” [11]. Chữ “Hiếu” trong Phật giáo mang giá trị quan trọng và cao quý đối với chúng ta. Không chỉ trong phạm vi “Hiếu đạo” nhỏ hẹp mà còn chứa đựng đạo đức mang tính “Chân-thiện-mỹ” để ứng dụng vào cuộc sống, ngoài bản thân còn đem đến lợi ích cho tha nhân, gia đình và xã hội. Điều này cho chúng ta thấy đạo đức Phật giáo là nếp sống hướng thiện không những đề cao vị trí con người mà còn đưa con người tiến đến con đường giải thoát ở hiện tại. Như trong kinh Pháp Cú 183, Đức Phật có dạy:

“Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy” [12].

Thật vậy, đạo đức Phật giáo không những được thể hiện qua luật nhân quả, nghiệp, vô ngã,… mà giáo lý nhà Phật còn chỉ ra cái khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường đoạn tận khổ đau. Do đó, Đức Phật tuyên bố: “Chư Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. Đạo Phật không những chỉ rõ con đường khổ đau của con người, mà còn khích lệ chúng ta làm lành tránh dữ, giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tinh. Bên cạnh đó, Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của mình, là hòn đảo của tự thân”. Vì vậy, khổ đau hay hạnh phúc là do chính nình quyết định.

4. CHỮ HIẾU TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY NHƯ THẾ NÀO?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đang chóng mặt, con người cũng chạy đua với thời gian mà quên đi bổn phận và trách nhiệm hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Phải chăng sự tác động của nền công nghệ 4.0 đã làm con người quên đi những truyền thống xưa, chỉ biết lao đầu vào những thứ hiện đại? Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực như tệ nạn xã hội, sự suy thoái trầm trọng về giá trị đạo đức, nhất là chữ “Hiếu” đang bị xói mòn bởi lối sống thực dụng, trọng về vật chất hơn tình cảm. Tuy nhiên, làm tròn chữ “Hiếu” ngoài việc nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc,… tất cả những điều đó vẫn chưa đủ. Vậy mà trên thực tế vẫn có không ít những câu chuyện thương tâm mà chúng ta được nghe qua từ các phương tiện truyền thông đưa tin vẫn đang diễn ra hàng ngày như: Con cái mắng chửi cha mẹ, anh em đùn đẩy nhau không chịu nuôi cha mẹ, thậm chí đánh cha giết mẹ… Phải chăng giới trẻ bây giờ sống quá ích kỷ, thờ ơ, chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến người khác. Vì thế, việc quan tâm chăm sóc cha mẹ trở thành gánh nặng nên nói gì đến chữ hiếu. Có bao giờ chúng ta đặt mình vào vị trí của cha mẹ chưa? Thật vậy, cha mẹ đã hy sinh tất cả để cho các con nên người, thậm chí dầu cho có phạm tội chỉ mong con đầy đủ. Trong kinh Vu Lan có đoạn:

“Con còn nhỏ phải lo săn sóc

Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con

Phải tắm, phải giặt, rửa trôn

Biết rằng dơ dáy mẹ không ngại gì”.

Vì vậy, Đức Phật nói trong kinh Trường Bộ, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt về bổn phận của cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái: “Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con”. Vì thế, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng con cái đến trưởng thành mà còn phải có trách nhiệm dạy dỗ con trở thành người có ích trong xã hội. Qua đó, là người xuất gia học Phật, trước hết chúng ta cần trang bị cho mình đầy đủ những phẩm chất đạo đức chuẩn mực nhất để góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc ta trong thuyền thống giáo dục xưa và nay, giúp đất nước ngày càng ổn định văn minh, giàu đẹp hơn. Qua đây, người viết muốn gửi đến thông điệp: “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” của HT. Thích Nhất Hạnh như lời nhắc nhở đến tất cả mọi người phải tự ý thức và sống có trách nhiệm với chính mình. Điều quan trọng là biết đối nhân xử thế, “Hiếu đạo” chính là những bậc thang đầu tiên để chúng ta bước tiếp vào trường đời. Ngay từ đầu mà chúng ta thiếu sót việc đền đáp công ơn cha mẹ thì chúng ta đã thất bại.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”

Chính yếu tố của Phật giáo đã đáp ứng và giải quyết nỗi khổ niềm đau ngay trong hiện tại qua các bài giáo lý ứng dụng vào đời sống, giúp cho người đang làm ác biết hồi đầu hướng thiện, người chưa làm các điều ác sẽ phát sinh thiện tâm, giữ “thân, khẩu, ý” trong sạch để mang lại lợi ích cho cuộc đời. Phật giáo mang dáng dấp hoàn toàn khác các tôn giáo còn lại, bởi tính thực tế, không chỉ trên hình thức ngôn ngữ qua loa mà Phật giáo đi sâu vào lòng người, làm thay đổi nỗi khổ niềm đau họ đang gặp phải và mang lại lợi ích cũng như bình an cho toàn thể vạn vật trong vũ trụ.

SC. Thích Nữ Liên Ðịnh

 

Chú thích:

[1] Minh Chi – Lý Kim Hoa (Nhiều tác giả), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 1989, tr.58.

[2] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1972, tr. 195.

[3] HT. Thích Thiện Siêu – HT. Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 8.

[4] Cao Vọng Chi, Đạo Hiếu trong Nho gia, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2014, tr. 5.

[5] Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, “Thiên II. Vi Chính”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 40.

[6] Thích Nhật Từ (Biên tập), Nền Tảng Giáo Dục Phật Giáo Về Đạo Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2019, tr. 445.

[7] Nguyễn Hiến Lê (chú dịch và giới thiệu), Luận Ngữ, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2003, tr. 313.

[8] Tạ Thanh Bạch (dịch chú), Minh Tâm Bửu Giám, Nxb. Thanh Hóa, 2003, tr. 55.

[9] HT. Thích Thiện Siêu – HT. Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.18- 19.

[10] HT. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Viện NCPHVN, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr. 627, 628.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, Chương 5, Phẩm Bệnh, phần Ngũ Nghich, Viện NCPHVN, Nxb. Tôn giáo, 2016, tr. 738.

[12] HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 81.

[13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Ví Dụ Con Rắn, Viện NCPHVN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 185.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *