“Cho dù trong quá khứ đã từng gặp phải chuyện đau khổ đến đâu, thì bạn vẫn có thể bắt đầu lại bằng ngày hôm nay”. Nhưng “ngày mai” đó đã không đến với nhiều người. Trong không khí ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, nhiều câu chuyện lịch sử bi hùng được nhắc lại. Trong đó, có một câu chuyện khiến người đọc ám ảnh, day dứt mãi không nguôi. “Cái đêm kinh hoàng mẹ giết con để cứu cả làng đã trôi qua gần nửa thế kỷ, nhưng thời gian không thể xóa nhòa nỗi đau ấy. Người mẹ đau đớn hóa điên dại, 46 năm nay vẫn ngày ngày ôm chiếc khăn từng quấn con, đi từ làng trên đến xóm dưới hát ru” [1]. Câu chuyện về người mẹ Lê Thị Nghê chôn sống con để cả làng không bị địch phát hiện nơi trú ẩn và thoát chết gần 50 năm trời đâu đã có cái kết. Sự khổ tâm và nỗi đau mất con đó khiến bà không thể bắt đầu lại cuộc sống, thậm chí còn hoá điên dại. Sự sống lúc này đâu khác gì cái chết. Đời người có ai muốn mình phải khổ vậy đâu. Trong cuộc sống này ai mà chẳng cầu lấy an vui và hạnh phúc. Nhưng bình yên vốn thường đến sau bão tố. Mà bão tố cuộc đời không phải ai cũng có thể vượt qua.
Lời dạy đầu tiên của Đức Phật khi thành Đạo chính là Tứ Diệu Đế. “Tứ” có nghĩa là bốn. “Diệu” có nghĩa là kỳ diệu, màu nhiệm hay cao quý. Cuối cùng, “Đế” có nghĩa là chân lý hay sự thật. Vì vậy, “Tứ Diệu Đế” có nghĩa là bốn chân lý màu nhiệm hay bốn sự thật. “Bài giảng sau khi giác ngộ của Đức Thế Tôn đã chỉ ra rằng đau khổ vốn đã là một phần không thể thiếu của cuộc sống, sự khổ này có thể được kết thúc và vốn dĩ luôn có con đường để đoạn trừ điều này” [2]. Ngõ hầu nếu ai cũng biết đến giáo lý nhiệm mầu thì có lẽ đã không có những sự sống vật vờ như cái chết. Cuộc sống xoay vần mỗi ngày mỗi nhanh hơn, ta phản ứng lại những biến cố cuộc đời như một thói quen bình thường đến tầm thường mà không hay tâm hồn ta vốn đã quá mỏi mệt và cạn kiệt. Ta sống mà không cần biết rằng đôi khi ngay chính trong sự sống này, ta cần được hồi sinh.
“Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa – Trịnh Công Sơn). Có phải ngay từ giây phút sự sống hình thành thì sự khổ cũng đã theo đó mà phôi thai. Cũng chính trong “Tứ Diệu Đế” Đấng Từ Tôn đã chỉ rõ tám loại khổ: Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngoài những câu chuyện chiến tranh còn dư âm nỗi đau đến hôm nay, cuộc sống luôn có muôn ngàn vạn nẻo mà ở đó đi đâu chúng ta cũng gặp được nỗi lòng của bao con người.
Trong quyển sách “Người sống cũng phải hồi sinh” của tác giả Tánh Pháp (Soul) đã có những trang để chia sẻ về “những người mẹ cần được hồi sinh”. Đó là những trường hợp người mẹ có thai nhi sản nạn do chính sự chủ ý hay vô ý từ những sai lầm trong quá khứ của mình. Tác giả cũng đã chia sẻ rằng: “Và lần đến nghĩa trang thai nhi của giáo xứ Thanh Xuân (Bảo Lộc), bà con giáo dân lập nên để dành cho các thai nhi sản nạn, trên cổng khắc to dòng chữ: Nơi an nghỉ chờ ngày sống lại. Con số hàng chục ngàn thai nhi đang yên nghỉ tại đây, làm mình hết sức bàng hoàng. Vì trên đất nước mình còn nhiều lắm những nghĩa trang thai nhi khác với số lượng nhiều hơn. Số thai nhi mất đi, tỷ lệ thuận với những người mẹ, có lẽ đang sống trong rất nhiều day dứt”. Mà đã gọi là day dứt thì có qua năm tháng cũng chẳng thể xoá nhoà được. Cũng như sau trận đại dịch kinh hoàng, tính đến sáng ngày 10/01/2022 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng hơn 5,5 triệu ca tử vong [3]. Nghĩa là đâu đó trên khắp thế gian này có hơn 05 triệu nỗi đau sinh ly tử biệt. Người mất cũng đã mất rồi nhưng người ở lại có khi cũng mãi đau khổ khôn nguôi. Họ khổ vì khi còn sống đã không quan tâm, yêu thương nhau nhiều hơn. Họ khổ vì những hoàn cảnh trớ trêu nên dằn vặt mãi không lối thoát. Hoá ra, sự hồi sinh lúc này lại cần cho người sống hơn là người đã khuất. Vậy thì, cuộc đời này còn gì đáng để mà sống đâu. Chúng ta sinh ra để làm gì khi luôn bị bao trùm trong chữ khổ?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Điều làm chúng ta khổ là mong muốn mọi thứ phải kéo dài vĩnh viễn, trong khi chúng không phải như vậy”. Phải vậy, con người khổ vì chính những thành kiến mà mình đặt ra. Suy cho cùng, vì những cái “muốn” nên có những cái “khổ”. Ta muốn được mãi sung túc, mãi hạnh phúc sở hữu người thân thương, mãi thành công và giữ vững địa vị,… Khi mãi trôi lăn trong cuộc đời để lấp đầy đời sống bởi những giá trị vật chất mà quên mất về phần giá trị tâm linh, ta càng vùi đời mình vào màn đêm đau khổ hơn nữa.
“Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành”. Nếu nói cuộc đời là một phương trình hoá học thì khổ là chất xúc tác không thể thiếu để mang đến một kết quả tốt đẹp. Bạn không đọc nhầm đâu. Con người không muốn khổ, nhưng thực chất chúng ta cần phải khổ. Có trong ngày gian khổ mới quý những lúc bình yên, cũng như từ đó sức mạnh nội tại mới được kích thích để phát huy. “Thuyền to thì sóng lớn” và nếu không vượt qua những con sóng của đại dương thì làm sao cập được bến bờ bình yên. Kiếp này ta đã đến và ta đã khổ để nhận ra rằng của cải vật chất vốn không phải là mục đích để ta tồn tại. Bạn thử nghĩ mà xem từ chiếc xe, đến căn nhà, đến những quyển sổ tiết kiệm,… có còn là của bạn khi bạn nhắm mắt xuôi tay? Rõ ràng ta là người đứng tên sở hữu, nhưng cuối cùng sự sở hữu đó cũng hữu hạn theo thời gian. Những người ta thương quý hay gia đình của ta cuối cùng rồi ta có sở hữu được không?! Vậy thì ta sở hữu được gì ở đời này? Đó chính là tâm hồn tịnh an. Cái an đó bất biến giữa dòng đời vạn biến. Cũng như ta nên ý thức rằng những điều xảy đến với ta đều không nằm ngoài quy luật nhân quả, nên hãy ngừng than trách, oán thán mà hãy bắt đầu bước chân đầu tiên trên hành trình “hồi sinh từ chính sự sống” này.
Thực ra có rất nhiều nhân duyên để con người rồi cũng quay về cúi đầu dưới ánh đạo vàng Tam bảo, nhưng nhân duyên lớn nhất không thể ra ngoài chữ khổ. Hoặc vả khi đã quá vô vọng, không còn lối thoát ta đành nương náu nơi đạo mầu. Rồi từ đó mà tinh tấn đi lên. “Người Phật tử chân chính hãy nên nhớ rằng từ bi là phương thuốc nhiệm màu, trị lành các bệnh khổ đau ở đời, nhờ biết giữ giới, thiền định và buông xả” (Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác).
Cũng như kinh Pháp Cú 190-191 có dạy:
Nếu quy y Phật, Pháp, Tăng
Riêng phần trí tuệ vinh thăng nhiệm mầu
Hiểu ra Tứ Đế thâm sâu:
Biết rằng trần thế khổ đau là gì,
Hiểu ra nguồn gốc khổ kia,
Biết đường diệt hết khổ đi là rồi
Biết Bát chánh đạo tuyệt vời
Tám đường chân chính con người nên theo.
Ta hay lầm tưởng rằng đời sẽ an lành khi ta hết khổ. Nhưng lời dạy bao đời của Đấng Thế Tôn đã chỉ rõ những điều mang đến cái khổ ở đời vốn không có sự chấm dứt. Có chăng điều mà ta chấm dứt được là sự khổ mà ta cho là đang khổ. Ngày ta tỉnh thức là ngày ta nhận ra rằng: Khi ta thấy bình an giữa những bất an, khi ấy đời bắt đầu đẹp. “Diệt hết khổ” thực chất là diệt đi cái ham muốn của con người, diệt đi cái u minh níu chấp trong tâm khảm để bắt đầu trên con đường tu tập. Hồi sinh ở đây không phải ta đang nói đến cái chết vật lý, mà là hồi sinh cho tâm hồn đang kiệt quệ. Nhờ sự hồi sinh này mà đời sống mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhiều người vẫn thường hay lầm tưởng phải quy y Tam bảo, phải là Phật tử thuần thành, phải ăn chay trường thì mới là tu tập. Vậy ở đời này có bao nhiêu người thực sự được đến gần với pháp Phật? Còn những con người ngoài kia thì sao? Thực ra như Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác đã nói: Giữ giới – thiền định – buông xả; với các phương thức này, tâm hồn ta dẫn sẽ được hồi sinh. Khi được hồi sinh với một tâm hồn mạnh mẽ biết an trú trong thực tại, khi cái khổ đến, ta vẫn thấy mình tràn trề hạnh phúc và an nhiên.
Nhưng có lẽ trước khi đủ tỉnh thức để hồi sinh, mỗi người cần phải trau dồi về mặt tri thức. Không có hiểu biết về sự thật đời sống tâm linh là gì, ta sẽ không thể nào đặt viên đá đầu tiên cho kim tự tháp tỉnh thức của chính mình. Khi có đủ trí tuệ để đối diện với sự thật, ta cũng phải có đủ dũng cảm để nhìn nhận sự tồn tại của sự thật đó để mà buông bỏ. Vậy thì đến đây ta hiểu rằng: Khi nói đến hồi sinh ta phải tự hỏi bản thân ta có thực sự muốn được hồi sinh hay không?
Kinh Phước Đức từng dạy:
“Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết bàn
Là phước đức lớn nhất”.
Có mấy ai ở đời này hiểu được bản thân mình vốn dĩ có thể tự mang đến phước đức cho chính mình. Đó chính là sự tỉnh thức.
Tỉnh thức để thấy rằng, khổ đau ở đời, không ai là không từng nếm trải. Dù xuất phát điểm mỗi người có ở đâu, thì rồi cũng không ai tránh được sự khổ. Người có đủ của cải vật chất sẽ khổ ở ngai vàng của họ. Người thiếu thốn sẽ khổ ở những khúc ngoặt o ép cuộc đời mang tới. Nhưng nực cười là thà trôi lăn trong cái khổ, con người lại ít khi chịu trả giá cho sự bình yên. “Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó, ít ai được trọn vẹn. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận thật nhiều thì phải cho đi tất cả, muốn được thành công và hạnh phúc lâu bền thì ta phải trả giá bằng sự nỗ lực và cố gắng trong kiên trì bền bỉ” (Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác). Để thoát khỏi khổ đau không phải không có cách. Để hồi sinh từ một chồi cây héo úa, quặt quại ta phải nén đau thương thành sức mạnh đâm chồi, bén rễ. “Thép đã tôi thế đấy”, phải trải qua bao giờ liền nung trên lửa đó đau đớn mới thu về những gang và thép
Đó là hy sinh những giờ vui chơi bình thường và chóng qua cho những lúc quay về bên trong bằng các giờ tham thiền. Hy sinh những cuộc vui cho việc hướng tới lối sống lành mạnh. Hy sinh sự giãi đãi của bản thân mình để o ép vào những ngày tu tập. Hy sinh những buổi ngồi tán chuyện vô bổ để quay về tịnh ý – tâm – thân. Để từ trong gian khổ một tâm hồn tươi đẹp chói sáng sẽ hồi sinh. Cho những ngày giông bão thôi không còn gió dữ. Cho một cuộc đời đang sống ý nghĩa tràn đầy hơn. Cho một kiếp người thôi hoài phung phí.
(Hoàng Hữu Công)
Chú thích:
[1]https://baophapluat.vn/me-chon-song-con-de-ca-lang-thoat-chet-post195762.html.
[2] https://hoasenphat.com/kien-thuc-phat-giao/y-nghia-bon-chan-ly-cua-tu-dieu-de.html.
[3] https://backan.gov.vn/pages/the-gioi-co-hon-55-trieu-ca-tu-vong-vi-covid19-fa3c.aspx.