Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức (Nguyễn Vĩ Kiện)

Mỗi dịp ghé chùa tham dự các khóa tu, khóa thiền, chúng tôi lại được ngồi ăn cơm với nhau, thọ trai bữa trưa. Có một câu ở chùa mà tôi nhớ nằm lòng và tự răn dạy mình: “Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức”. Tôi rất ưa thích được ngồi ăn trong thinh lặng và tận hưởng từng miếng nhai, ý thức về sự hiện hữu của những người thương chung quanh (Tăng thân), ý thức về tất cả những công phu lao tác và tình thương đã có mặt trong chén cơm của mình. Khi ăn theo cách thức như vậy, không những thể chất vật lý của tôi mà còn phần tinh thần và tâm linh cũng đều được nuôi dưỡng.

Ăn trong chánh niệm, làm trong chánh niệm và sống trong chánh niệm tỉnh thức. Chánh niệm thật ra không thuộc phạm trù tôn giáo nào cả. Chánh niệm đơn giản là tỉnh thức và nhận biết chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại, nghĩa là tập trung toàn tâm toàn ý và tận hưởng từng giây phút của hiện tại là chánh niệm. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khi có chánh niệm sẽ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe, từ đó hiểu rõ hơn về cảm giác của những căng thẳng mệt mỏi, có được tinh thần ổn định hơn. Thực hành chánh niệm hiệu quả giúp con người giảm căng thẳng, cải thiện khả năng tập trung và hồi phục thần kinh tự chủ.

Những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới hiện nay như: Google, Facebook, Intel… hay những chính trị gia nổi tiếng đều đang khuyến khích nhân viên thực hành thiền chánh niệm. Điển hình như: Oprah Winfrey – một nữ Giám đốc truyền thông, diễn viên, người dẫn chương trình, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện người Mỹ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tỷ phú Bill Gate… Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người được cộng đồng Phật giáo thế giới gọi bằng cái tên trìu mến là “Thầy”, đã được tập đoàn Google mời đến trụ sở tập đoàn ở Mỹ để giảng giải về chánh niệm.

Những bài giảng của Thầy hay còn gọi là pháp thoại, những câu nói của Thầy (pháp ngôn) được học trò lưu giữ, ghi nhớ, học thuộc và xem là phương châm sống mỗi ngày. Thầy dường như đã làm một cuộc cách mạng về ngôn từ. Theo Thầy, “an trú trong hiện tại” là an trú trong giây phút hiện tại, là trở về quê hương đích thực của mình, quê hương đích thực không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc tịch hay chủng tộc. Quê hương đích thực không phải là một ý niệm trừu tượng, với niệm và định, năng lượng của Bụt thì ta có thể tiếp xúc và sống trong quê hương ấy mỗi giây phút, với sự hoàn toàn buông thư của thân và tâm.

Đối với Thầy không có diệt, không có sinh, như trong cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” mà chỉ là sự tiếp nối. “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới”. Những bài pháp thoại của Thầy giúp người vượt qua đau khổ một cách nhẹ nhàng, như: “Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn. Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có đó là cái phải có đó cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc” (trích: Có bùn mới có sen).

Có lần Thầy có bài pháp thoại cho những vị lớn tuổi, Thầy tặng các vị hai câu: “Con trân quý những tháng năm còn lại/Hạnh phúc cười trên nẻo đường con đi”. Thầy dặn với các quý bạn lớn tuổi rằng: “Tuy đây không phải là hai câu đối mà chỉ là hai câu thơ, nhưng quý vị có thể dán lên để trong năm mới mình biết trân quý những tháng ngày, những giây phút còn lại của cuộc đời mình. Mình phải sống như thế nào để mỗi giây phút trở thành một huyền thoại cho con cháu”. Thầy nói với các vị ấy rằng: Mình là những bậc cha mẹ, đã lớn tuổi rồi. Trong thời niên thiếu, mình đã lãng phí tuổi trẻ, đã chạy theo những ảo ảnh của hạnh phúc. Giờ đây phải tỉnh dậy và phải thay đổi cách sống. Mình sống như thế nào để mỗi giây phút của sự sống trở nên sâu sắc, có hỷ, có lạc và có bình an.

Thầy đã ra đi nhưng vẫn để lại những bài pháp thoại, những pháp ngôn. Các thế hệ học trò của Thầy ở lại sẽ luôn nhớ mãi pháp thoại, pháp ngôn của Thầy, với tâm nguyện “Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức”. Bản thân con sẽ luôn trân quý những tháng năm còn lại như lời dạy của Thầy.

(Nguyễn Vĩ Kiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *