Quý độc giả thân mến!
Ðức Phật dạy: “Người Phật tử phải sống tỉnh thức, an trú trong giờ phút hiện tại để thấy giá trị cuộc sống và những điều mầu nhiệm đang xảy ra với mình”. Tiếc rằng, nhiều người lại thường lưu giữ trong tâm quá nhiều chuyện đã qua. Trong khi, mọi suy nghĩ về quá khứ hay tương lai đều chỉ là vọng tưởng, mộng huyễn không thực.
Dù vậy, giống như khi ngủ mơ, ta chẳng hề biết mình đang mơ mà cứ ngỡ những cảnh trong mơ hoàn toàn có thật. Thế nên, kinh Pháp Cú mới có câu: “Thà sống một ngày mà thấy được diệu pháp, còn hơn sống một trăm năm trong khổ đau, thất niệm”. Mục đích của tu tập là làm cho đời sống an lạc, giải thoát và giúp những người xung quanh bớt khổ đau, phiền muộn. Đó chính là cách sống tỉnh thức theo hạnh của Ðức Phật. Ðiều này không phải mơ hồ viễn tưởng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện ngay trong đời sống hiện tại.
Trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Đức Phật cũng dạy: “Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận. Tương lai lại chưa đến. Chỉ có pháp hiện tại. Tuệ quán chính là đây. Không động không rung chuyển. Biết vậy nên tu tập. Hôm nay nhiệt tâm làm. Ai biết chết ngày mai. Không ai điều đình được. Với đại quân thần Chết. Trú như vậy nhiệt tâm. Đêm ngày không mệt mỏi. Xứng gọi nhất dạ hiền. Bậc an tịnh trầm lặng.”
Chỉ những ai quay về sống trong chánh niệm, mới thực sự tìm thấy hạnh phúc, bởi không bị dằn vặt khi tiếc nuối quá khứ. Đồng thời, không mong cầu tương lai, tức không sống trong ảo tưởng nên không rơi vào trạng thái thất vọng, không dính mắc những ham muốn nên không khổ.
Nhân đây, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 387 với chủ đề “Sống tỉnh thức” để cùng bàn luận sâu hơn. Tỉnh thức không thể do ai cho mình hoặc tự nhiên mà có, mà phải kiên nhẫn tập luyện, tạo cho mình một thói quen làm việc trong tỉnh thức. Càng tỉnh thức, càng làm chủ tâm mình tốt hơn, cuộc sống nhờ đó càng an lành và bình yên hơn, tránh vuột mất hạnh phúc chúng ta đang có.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo