Quý độc giả thân mến!
Quán Vô Lượng Thọ kinh chép: “Tâm của chư Phật là tâm đại từ bi” (Chư Phật tâm giả, đại từ bi thị 诸佛心者大慈悲是). Đại Trí Độ Luận giải thích thêm: “Hết thảy những điều trong Phật pháp, từ bi là quan trọng nhất” (Nhất thiết chư Phật pháp trung từ bi vi đại 一切诸佛法中慈悲为大). Từ bi của Phật giáo là lòng thương yêu không phân biệt mà là bao trùm rộng khắp và mục đích cao nhất của đời sống tu tập chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, phát triển trí tuệ, phá chấp và bồi đắp tính khiêm nhường, cởi mở, bao dung.
Từ khi du nhập vào nước ta, triết lý từ bi của nhà Phật không chỉ cho thấy sự phù hợp với với tâm thức người Việt, mà còn nhanh chóng ăn sâu vào văn hóa Việt, dung hòa với tín ngưỡng bản địa. Thậm chí có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử dân tộc, trở thành cội nguồn của triết lý thân dân như những gì thể hiện trong “Chiếu dời đô”: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”, “Trẫm tự bảo mình: Trên đã không có cha mẹ để nương tựa, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào?”, “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”, “Trẫm muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của muôn dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc”,…
Với tinh thần từ bi, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tính nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng với sức mạnh tập thể theo truyền thống người Việt. Để minh chứng và phân tích rõ hơn về điều này, Tạp chí Văn hóa Phật giáo xin trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 388 với chủ đề “Suối nguồn Từ bi” với nhiều bài viết nhận định sâu sắc. Qua đó, góp phần khơi lên những giá trị tích cực; giác ngộ lòng từ bi, hướng thiện trong tâm hồn con người…
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.
Very great info can be found on website.Expand blog