Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre: Ba mươi năm đồng hành cùng phát triển (ĐĐ. Thích Trí Thuận)

Phật giáo Việt Nam có quyền tự hào về bề dày lịch sử gần 2.000 năm song hành cùng dân tộc. Vui niềm vui của dân tộc, đau nỗi đau của dân tộc, thịnh suy thăng trầm cùng dân tộc. Trong những trang sử vẻ vang của nước ta, dù dưới vai trò giải phóng hay xây dựng và bảo vệ đất nước đều có phần đóng góp tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập vào ngày 07/11/1981, trong bối cảnh đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Cả nước ta, một mặt hăng hái lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh; mặt khác phải đương đầu trước mọi âm mưu thù địch chống phá cách mạng… Sau bao khó khăn trong công cuộc đổi mới đất nước, GHPGVN từng bước phát triển bền vững, ổn định về mọi mặt. Phật giáo Việt Nam tự hào đã ba lần đăng cai Đại lễ Vesak (Phật Đản Liên Hợp Quốc), đồng thời, thành lập được 04 học viện. Trong những thành tựu to lớn đó có sự đóng góp khiêm tốn sau 30 năm thành lập (từ năm 1992) của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre.

CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH BẾN TRE

Sau khi GHPGVN thành lập ngày 07/11/1981, đến năm 1989, các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã giúp đỡ và vận động Tăng, Ni tự viện thành lập Ban đại diện lâm thời Phật giáo tỉnh Bến Tre do cố Hòa thượng Thích Thiện Tín làm Chánh Đại diện. Đây là thời kỳ xây dựng và củng cố, nhằm chuẩn bị cho sự hình thành Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ I (1992-1997), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ nhất. Qua đó, đưa Phật giáo Bến Tre đi vào phát triển theo đường hướng của Giáo hội với 08 Ban Đại diện huyện/thị cùng 08 Ban chuyên ngành, gồm 04 vị Hòa thượng Chứng minh và 28 thành viên Ban Trị sự. Giữa nhiệm kỳ I, cố Hòa thượng Thích Thiện Tín vì tuổi cao sức yếu đã đề cử Thượng tọa Thích Nhựt Tấn – Phó ban Thường trực đảm nhiệm quyền Trưởng ban để điều hành Phật sự tỉnh nhà. Đây là thời kỳ tiếp tục phát triển mọi mặt trong bối cảnh cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới và mở cửa.

Trong những trang sử vẻ vang của nước ta, dù dưới vai trò giải phóng hay xây dựng và bảo vệ đất nước đều có phần đóng góp tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Tháng 9/1997, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ II (1997- 2002) với 08 Ban Đại diện và 08 Ban chuyên ngành, gồm 05 vị Hòa thượng Chứng minh, 26 vị thành viên do Thượng tọa Thích Nhựt Tấn làm Trưởng ban. Đây là nhiệm kỳ chuẩn bị vững vàng bước sang thế kỷ XXI.

Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh lần III diễn ra ngày 29-30/7/2002 thành công tốt đẹp, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III (2002-2007) gồm 03 vị Hòa thượng Chứng minh, 35 thành viên Ban Trị sự do Thượng tọa Thích Nhựt Tấn làm Trưởng ban.

Từ ngày 13-14/8/2007, Đại hội lần IV (2007-2012) chính thức suy cử 04 vị Hòa thượng Chứng minh, 38 thành viên Ban Trị sự. Thượng tọa Thích Nhựt Tấn tiếp tục được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban. Đây là giai đoạn kiện toàn tổ chức với 03 cấp hành chánh: Trung ương, tỉnh/thành và cấp huyện/thị/thành phố, các cấp Giáo hội và đơn vị cơ sở của Giáo hội đều được sử dụng con dấu hợp pháp.

Ngày 18-19/9/2012, Đại hội lần thứ V (2012-2017) chính thức suy cử 03 vị Hòa thượng Chứng minh, 57 thành viên Ban Trị sự, Thường trực 16 vị đảm nhiệm 21 chức danh, Thượng tọa Thích Nhựt Tấn tiếp tục được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban. Đây là giai đoạn kiện toàn trẻ hóa tổ chức, đơn vị hành chánh gồm 08 huyện và 01 thành phố, giai đoạn này Phật giáo Bến Tre phát triển về mọi mặt.

Ngày 17-18/3/2017, Đại hội lần thứ VI (2017-2022) chính thức suy cử 04 vị Hòa thượng Chứng minh, 04 vị Ni trưởng Chứng minh Phân ban Ni giới, 57 thành viên Ban Trị sự tỉnh, trong đó Thường trực 17 vị đảm nhiệm 22 chức danh, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn tiếp tục được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban. Đây là giai đoạn chuyển mình kiện toàn hiệu năng và thành lập thêm 03 ban mới (Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế, Ban Thông tin Truyền thông), tiếp tục trẻ hóa nhân sự, đơn vị hành chánh gồm 08 huyện và 01 thành phố, giai đoạn này Phật giáo Bến Tre phát triển về mọi mặt, khánh thành Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre.

HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH

Phật giáo tỉnh nhà trong 30 năm qua luôn đồng hành cùng dân tộc trên nhiều lĩnh vực.

Về Tăng sự, Tăng Ni tỉnh nhà luôn tuân thủ Hiến chương, các Nội quy, Quy chế… và Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng như Nghị định 162 của Chính phủ, pháp luật Nhà nước. Ngoài ra, căn cứ vào các văn bản pháp luật, Ban Trị sự ban hành nội quy Văn phòng Tỉnh hội nhằm cụ thể hóa những điều quy định trong hoạt động hành chánh của Giáo hội.

Về tự viện, Phật giáo tỉnh Bến Tre hiện có 268 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Đa số các tự viện sinh hoạt tôn giáo ổn định trước năm 1981, có 09 cơ sở thuộc diện khôi phục và đăng ký gia nhập mới trong nhiệm kỳ VI (2017-2022). Từ ngày thành lập Giáo hội đến nay đã tổ chức thành công 14 Đại Giới đàn truyền giới cho 2.312 giới tử.

Về giáo dục Tăng Ni, những nhiệm kỳ đầu của Ban Trị sự, do chưa đủ điều kiện mở trường Trung cấp Phật học để đào tạo Tăng tài, Ban Trị sự giới thiệu Tăng, Ni sinh tham dự các cấp học tại các trường Trung cấp Phật học của các tỉnh/thành bạn. Từ năm 2010, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã xin được phép thành lập trường Trung cấp Phật học tỉnh và đã chiêu sinh đào tạo được 04 khóa.

Về từ thiện xã hội, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bến Tre có những thành tựu tích cực. Nhà Phật luôn coi trọng “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”, lấy con người làm trọng tâm, từ bi và nhập thế. Với truyền thống “Hộ quốc, an dân”, Phật giáo luôn đồng hành cùng với những thăng trầm của dân tộc, mặc dù nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là người nghèo, người già không nơi nương tựa, người có công với cách mạng, xây dựng cầu đường, nhà tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi… Tinh thần nhập thể “Ích đạo, lợi đời” của Phật giáo đã phần nào giúp những người nghèo khó vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài 03 ban đã sơ lược trong hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà, 08 ban ngành trực thuộc Ban Trị sự luôn nỗ lực cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ 30 năm cùng phát triển trong lòng dân tộc. Như vậy, Tăng Ni tỉnh Bến Tre đã hoàn thành công tác Giáo hội giao phó với những đóng góp tích cực vào Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp… nhất là công tác an sinh xã hội. Có thể khẳng định Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay và đối với sự phát triển bền vững của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng rộng lớn, phong phú và có chiều sâu, trở thành một nguồn cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục và là nguồn lực văn hóa đạo đức cũng như chức năng mới mẻ “An ninh sinh tồn”.

KẾT LUẬN

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre qua 30 năm thành lập và phát triển là kết quả của sự đoàn kết hòa hợp cao độ, vì đạo pháp, vì dân tộc của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà. Thành quả của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh là thành quả tốt đẹp của những hoạt động, phụng đạo yêu nước, góp phần ổn định xã hội theo tinh thần khế lý, khế cơ của Đạo Phật.

Tiếp nối truyền thống song hành cùng dân tộc, Tăng Ni, Phật tử Bến Tre kiên trì thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” trong mọi hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tạo thành những nhân tố tích cực tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện/thành phố cũng như xây dựng nhân sự khóa VII, nhằm trẻ hóa lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh, lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Bên cạnh đó, gắn việc học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác Phật sự. Thời gian tới, Ban Trị sự tiếp tục đưa vào các chương trình giáo dục, học tập theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tầng lớp Tăng Ni trẻ. Điều đó nhằm phát huy truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân vì lợi ích dân tộc, đem tài năng sức lực cống hiến cho đất nước, cho Giáo hội. Qua đó, tạo nhiều nguồn lực, chung sức chung lòng với Giáo hội, đồng hành với dân tộc, tích cực khắc phục khó khăn phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 và thiên tai hạn mặn, nhằm góp phần phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh như tâm nguyện của chư Tổ đức “Phụng vụ chúng sanh, thiết thực cúng dường chư Phật”.

ĐĐ. Thích Trí Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *