Ảnh hưởng văn hoá Phật giáo trong tiến trình mở đất phương nam của các chúa Nguyễn (ĐĐ. Thích Thiện Mãn)

Đối với Đàng Trong, ngoài việc tổ chức Pháp hội thuyết pháp và bố thí, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) trùng tu nhiều danh lam Phật giáo và cho xây dựng một số chùa như: Chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hóa (1602), chùa Bảo Châu (1607), chùa Kính Thiên (1609),… (Ảnh: Vnexpress)

Từ buổi đầu du nhập, Phật giáo sớm bén rễ vào lòng dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trải qua những giai đoạn thăng trầm, trong đó thời đại Lý – Trần là giai đoạn rực rỡ trong việc sử dụng chánh pháp để hộ quốc an dân. Đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn (Đàng Trong) cũng khéo léo dung hoà văn hoá Việt Nam với giáo lý nhà Phật và tín ngưỡng bản địa trong cuộc mở đất về phương Nam.

PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI NAM – BẮC PHÂN TRANH

Vào thời vua Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Trung thần nhà Lê khởi nghĩa chống Mạc, lập nhà Lê ở Thanh Hoá và Nghệ An. Khi đó, nhà Lê nhờ nhà Trịnh giành lại ngôi, cho nên nhà Trịnh nắm quyền điều hành vua Lê. Nhà Nguyễn không phục tùng Trịnh nên đã lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt đất nước thành hai đàng: Đàng Trong ở phía Nam (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài ở phía Bắc (vua Lê – chúa Trịnh).

Đối với Đàng Ngoài, vào thời vua Lê Thế Tông (1573-1599), tông Tào Động của Thiền sư Thuỷ Nguyệt [1] truyền bá tại Việt Nam phát triển. Trong đó, có Thiền sư Hương Hải lúc đầu theo chúa Nguyễn Phúc Tần, nhưng sau vì sự hiểu lầm nên Ngài cùng 50 đệ tử ra Đàng Ngoài vào thời chúa Trịnh Căn (1633-1709) trị vì. Đời vua Lê Hy Tôn (1676-1705), xuất hiện phái Liên Tôn do Thiền sư Lân Giác sáng lập. Đồng thời, Thiền sư Nguyệt Quang [2] cũng lập phái Liên Tôn ở Kiến An. Từ năm 1719 đến năm 1737, các chúa Trịnh trùng tu các ngôi chùa, thỉnh Đại tạng kinh ở Trung Hoa về. Bấy giờ, nhiều vị cao Tăng truyền pháp tại Đàng Ngoài như: Thiền sư Chuyết Chuyết, Thiền sư Minh Hành, Thiền sư Chân Nguyên,…

Đối với Đàng Trong, ngoài việc tổ chức Pháp hội thuyết pháp và bố thí, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) trùng tu nhiều danh lam Phật giáo và cho xây dựng một số chùa như: Chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hóa (1602), chùa Bảo Châu (1607), chùa Kính Thiên (1609),… Đến năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) trùng tu chùa Thiên Mụ, lập chùa Quốc Ân truyền bá dòng thiền Lâm Tế. Bấy giờ, các vị Tăng từ Trung Hoa sang ở tại Việt Nam như: Thiền sư Tế Viên, Thiền sư Giác Phong, Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Liễu Quán,… đã phát triển Phật giáo miền Nam rực rỡ. Thời chúa Nguyễn Phúc Thái (1649-1691), tông Tào Động và Lâm Tế du nhập và phát triển. Các chúa quy y phái Tào Động: Pháp danh của chúa Nguyễn Phúc Chú là Vân Tuyền, của chúa Nguyễn Phúc Khoát là Từ Tế, chúa Nguyễn Phúc Chu là Hưng Long,…

Thiền sư Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăng sang Trung Hoa thỉnh Thiền sư Thạch Liêm và các danh Tăng; đồng thời thỉnh nhiều kinh điển, tượng Phật và pháp khí về để mở Đại giới đàn tại chùa Thiên Mụ. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), trùng tu chùa Thuý Vân, chùa Linh Mụ,… Năm 1695, chúa mời Thiền sư Thạch Liêm sang, đồng thời thỉnh Đại tạng kinh, xây Tàng kinh lâu để bảo quản. Năm 1710, chúa Chu cho đúc chuông nặng 3.285 cân, ăn chay, bố thí,… [3]. Từ năm 1738-1744, chúa Nguyễn Phúc Hoạt cho trùng tu chùa Thiên Mụ, cho người sang Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát thường đến chùa Viên Thông để thăm và hỏi đạo với Thiền sư Liễu Quán; đồng thời, chúa cũng tổ chức bốn Đại giới đàn từ năm 1733-1735 tại Thừa Thiên Huế.

PHẬT GIÁO TRONG TIẾN TRÌNH KHẨN HOANG PHƯƠNG NAM

Nhà Lý sáp nhập ba châu là: Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính, đồng thời thiền phái Thảo Đường truyền vào và phát triển. Đến thời Trần, kinh tế và văn hoá phát triển, Phật giáo nhập thế và mang bản sắc Đại Việt. Năm 1306, Thuận Hoá [4] là vùng đất Chiêm Thành do vua Chế Mân dâng cho vua Trần Nhân Tôn bằng con đường hòa bình và cưới Công chúa Huyền Trân. Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông cắm cột mốc phía Nam của Đại Việt trên núi Đá Bia ở Phú Yên [5]. Đến triều Nguyễn (Đàng Trong), cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc mới hoàn thành.

Theo Đại Nam thực lục, chúa Nguyễn Hoàng là người có công rất lớn trong việc tạo nên diện mạo mới cho vùng đất Thuận Hóa bằng chính sách nhân văn, từ bi của Đạo Phật: “Chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp; thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn Thuận Hóa ngày càng trở thành một nơi đô hội lớn” [6].  Chúa Nguyễn Hoàng đã chọn Thuận Hóa làm đất dựng nghiệp, các chúa kế vị như: Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát tiếp tục cuộc trường chinh tiến về phương Nam.

Các chúa mời các Thiền sư đến khai sơn và hoằng dương Phật pháp như: Tại Thuận Hoá có Thiền sư Minh Hoẳng ở chùa Ấn Tôn, Thiền sư Thạch Liêm ở chùa Thiền Lâm, ngài Giác Phong ở chùa Diên Thọ,…; tại Quảng Nam có Thiền sư Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh, Quốc sư Hưng Liên ở chùa Tam Thai; tại Quảng Ngãi có Thiền sư Pháp Hóa ở chùa Thiên Ấn; tại Phú Yên có ngài Tế Viên ở chùa Hội Tông; tại Bình Định có chùa Thập Tháp. Nhìn chung các Thiền sư khai sơn đều thuộc phái thiền Lâm Tế, chỉ trừ hai vị Hưng Liên và Thạch Liêm thuộc phái thiền Tào Ðộng.

Chúa Nguyễn Phúc Chu là một nhà lãnh đạo, một Phật tử, có vai trò quan trọng đối với công cuộc Nam tiến của dân tộc, đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.  Năm 1698, chúa ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh thành lập trấn Gia Định, chính thức mở rộng biên cương như hiện nay. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo mới phát huy mạnh mẽ vai trò hộ quốc và an dân. Các Thiền sư phát triển vùng đất mới bằng con đường hòa bình dựa trên Phật pháp như: Chân Nguyên, Huệ Hồng, Như Sơn, Hương Hải, Thủy Nguyệt, Tông Diễn, Như Hiện, Như Trừng, Tính Dược,… Về sau có các Thiền sư như: Toàn Nhật, Tính Tĩnh, Tính Tuyền, Từ Phong, Kim Liên, Chiếu Khoan, Phúc Điền, Phổ Tịnh, Thông Vinh, Nguyên Thiều, Liễu Quán,… Trước ngài Liễu Quán, phần nhiều các Thiền sư ở Đàng trong là người Trung Hoa. Phật giáo đã đồng hành cùng chúa Nguyễn trong tiến trình mở rộng bờ cõi về phương Nam.

ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG VÀO THẾ KỶ XVII – XVIII

UNESCO định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là tổng thể nói chung các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Văn hóa là chìa khóa của sự phát triển”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá là tập hợp những sáng tạo và phát minh ra các ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những vật dụng sinh hoạt và một số phương thức sử dụng trong đời sống của con người từ xưa đến nay.

Văn hóa Phật giáo Việt Nam là sản phẩm của giao lưu tiếp biến văn hoá Việt Nam, Trung Hoa và Ấn Độ. Ngay từ buổi đầu du nhập, nó đã tạo mối quan hệ tương tác biện chứng giữa văn hoá và tôn giáo. Phật giáo từng bước gần gũi và hoà hợp với tín ngưỡng dân gian và phong tục của người Việt Nam. Tôn giáo Việt Nam nặng về tình cảm hơn là giáo lý. Chính vì thế, niềm tin tâm linh Phật giáo và tín ngưỡng thờ Thần của người Việt có nhiều nét giống nhau, song không phải là một.

Những tư tưởng Phật giáo thời các chúa Nguyễn khởi sắc nhất là ảnh hưởng bởi dòng thiền Lâm Tế và Tào Động, Nguyên thuỷ Phật giáo và Phật giáo Trúc Lâm hòa lẫn với nền văn hóa truyền thống tín ngưỡng của nhân dân cùng với những cách tân, những tư tưởng mới mà các Thiền sư Việt Nam đã sáng tạo ra cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Một số nét văn hoá tiêu biểu của Phật giáo Đàng Trong ảnh hưởng đến các chúa Nguyễn trong cuộc khai khẩn phương Nam như: 1/ Xây dựng và trùng tu nhiều ngôi chùa; 2/ Tham cầu tu học Phật pháp; 3/ Lập đàn truyền giới và làm lễ bố thí (từ thiện); 4/ Thỉnh kinh điển, Tôn tượng và pháp khí; 5/ Tinh thần từ bi và trai giới trong việc cai trị đất nước,…. Cụ thể với chúa Nguyễn Phúc Chu như sau:

Thứ nhất là tham cầu học Phật, sau khi Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch vào năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh Thiền sư Thạch Liêm từ Quảng Đông (Trung Hoa) sang dạy đạo cho triều đình và nhân dân. Chúa đã được ngài Thạch Liêm giải thích rõ ràng mối quan hệ giữa người trì chú và câu thần chú, đồng thời nhận được bản điều trần mười tám điều về việc trị nước theo tinh thần Phật giáo [7].

Tư tưởng Phật học của Thiền sư Thạch Liêm gồm Thiền – Tịnh song tu “Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng,… Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Ðà tự tính. Thế giới nhiều như vi trần. Lúc đó không còn cách nhau mảy may nào nữa, chỉ sợ ta thiếu đức tin thôi” [8], Nho – Phật nhất trí, Lâm – Tào tổng hợp đã tác động đến chúa Nguyễn Phúc Chu và Thái hậu Hưng Tín.

Thứ hai về tinh thần từ bi và trai giới trong việc trị quốc an dân, chúa được ngài Thạch Liêm giải thích chữ “trai giới” đối với một bậc Quân vương như sau: “Trai giới không phải chỉ để cho sạch miệng sạch mình và sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên tới dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng. Làm cho được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua” [9]. Qua đó, ngài Thạch Liêm đề nghị chúa trai giới bằng cách trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích bớt những tù nhân trong ngục, chẩn cấp cho người khó khăn, bãi bỏ bớt những luật lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho người buôn thúng bán bưng và cho thợ thuyền,… Trong đó, đặc biệt hình phạt “tượng hình” tức là bắt tù nhân để cho voi quật đến chết, Thiền sư Thạch Liêm cũng khuyên chúa bỏ hình phạt này. Chúa Chu vâng lời, ra lệnh bãi bỏ.

Thứ ba là xây chùa, mở Pháp hội và làm từ thiện, sau một năm lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu chùa Mỹ Am, vâng lời khuyên của Thiền sư Thạch Liêm trong việc nâng đỡ các bậc cao Tăng ở các tỉnh và ban biển ngạch sắc tứ cho nhiều chùa. Năm 1710, chúa cho đúc chuông chùa Linh Mụ nặng 3.285 cân. Trên chuông có khắc những dòng sau đây: “Quốc chúa Ðại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Ðộng Chánh tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ Thiền Tựu để vĩnh viễn cung phụng Tam bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật Đản tháng Tư Canh Dần” [10]. Năm 1714, chúa trùng tu chùa Thiên Mụ. Sau khi trùng tu xong, chúa mở Đại hội, ở lại chùa một tháng ăn chay, phát chẩn tiền và gạo cho người nghèo. Phiên Vương Chiêm Thành là Kế Bà Tử cùng hoàng gia và triều thần cũng có qua dự hội.

Thứ tư là thỉnh Đại tạng kinh, chúa đã thỉnh một bộ Ðại tạng kinh từ Trung Hoa về và cất giữ ở Tàng kinh lâu. Những nét tinh túy của Phật giáo như: Lòng từ bi, trai giới, dựng chùa, bố thí, thỉnh Đại tạng kinh,… được phát triển trong nếp sống thiền môn nói riêng và mọi người nói chung. Văn hóa Phật giáo thời chùa Nguyễn góp phần trong việc mở mang bờ cõi, phát triển đời sống người dân và dựng lập vùng miền, văn hóa dân tộc.

Tóm lại, Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam, đã phát triển từ Phật giáo chức năng sang Phật giáo nhập thế, đã đồng hành cùng dân tộc trong việc dựng nước, mở nước và giữ nước. Đến thời phân tranh Đàng Trong và Đàng Ngoài, tư tưởng Phật giáo đã tác động đến các chúa Nguyễn như xây chùa, tham vấn học Phật, trải tâm từ bi, trai giới, giới đàn, bố thí từ thiện,… trong cuộc hành tiến mở rộng, xây dựng, phát triển đất nước. Sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc và chúa Nguyễn trong cuộc mở mang bờ cõi vẫn giữ một niềm tin mạnh mẽ trong lòng dân tộc Việt Nam, vẫn rạng ngời trong trang sử Phật giáo nói riêng và trang sử Việt Nam nói chung.

ĐĐ. Thích Thiện Mãn

 

Chú thích:

* Thích Thiện Mãn: Học viên Thạc sĩ khoá III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704): Thuộc đời thứ 36 của tông Tào Động tại Trung Hoa và là Sơ tổ của tông Tào Động Việt  Nam ở Đàng Ngoài. Ngài được Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo truyền pháp tại Trung Hoa, sau đó về Việt Nam sáng lập tông Tào Động.

[2] Thiền sư Nguyệt Quang: Ngài cùng với Thiền sư Lân Giác đều là đệ tử của thiền sư Chính Giác thuộc tông Lâm Tế Trung Hoa.

[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn Học, Hà Nội, tr.240-241.

[4] Thuận Hoá: Bao gồm cả Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.

[5] Viện Sử học (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.17.

[6] Thích Trí Hải (2014), “Phật giáo Thuận Hoá dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng”, Giác Ngộ Online, đăng 07/02/2014, truy cập 04/01/2022. Nguồn: https://giacngo.vn.

[7] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.630.

[8] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.624.

[9] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.630.

[10] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.631.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *