Nhà tôi cũng đã sắm bếp ga như mọi nhà, nhưng bếp củi thì vẫn dùng như thường. Chúng tôi hỏi mẹ, có bếp ga rồi mẹ còn giữ bếp củi làm gì? Mẹ bảo, cứ để đó thi thoảng mẹ nấu cho đỡ nhớ. Chúng tôi cười, cả nhà cười vì câu nói của mẹ.
Tôi lại ngược về ký ức ấu thơ để thấy bếp củi bập bùng mỗi sáng và bóng mẹ chập chờn in trên vách. Ngày còn nhỏ, tôi thường nằm trong chăn ấm những ngày đông, chưa muốn dậy. Tôi còn quyến luyến cái hơi ấm đã ủ cho tôi ngủ ngon suốt đêm qua hay tôi sợ phải thò người ra ngoài gặp cái lạnh bao vây sẽ làm tôi run lên? Cả hai điều ấy chắc là bằng nhau nên làm tôi dùng dằng mãi mà không dậy nổi. Thế là trong những lúc như thế tôi nằm nghe tiếng những con gà lục tục rời chuồng. Tôi thích nhất khi nghe tiếng lửa lách tách từ căn bếp của mẹ. Tôi cảm thấy hơi ấm từ ánh lửa, tôi ngửi thấy mùi cơm rang thơm phức. Thế là nằm thêm một lúc nữa thôi là tôi bật dậy chạy ào xuống bếp. Mẹ ngồi đó, bóng dáng thân quen chào đón tôi mỗi sáng. Tôi chạy ngay lại ngồi gần bếp củi, nghe mùi khói khê khê phủ đầy căn bếp nhỏ. Tay tôi huơ huơ gần lửa đón lấy hơi ấm về mình để quên đi cái lạnh lúc sáng sớm.
Mùa hè, vẫn bên bếp củi ấy, mẹ hì hụi nấu cho cả nhà bữa cơm ngon. Từ căn bếp ấy, bát canh cua thơm ngọt mời gọi tôi. Từ căn bếp ấy, nồi cá kho đậm chất quê làm nên một bữa cơm ngon, in đậm vào trí nhớ tôi không thể phai mờ. Tôi nhớ, để có bữa cơm ngon như thế, mồ hôi túa ra ướt khuôn mặt mẹ. Mẹ lấy tay vén những sợi tóc lòa xòa trước trán ra phía sau. Mẹ cười với tôi âu yếm, trên má lộ ra một vệt đen nhìn đến là buồn cười. Tôi nhìn thấy và vô tư bảo mẹ sao trông giống chú hề đến thế. Bây giờ khi nhớ lại tôi lại thấy lòng rưng rưng, đúng là những suy nghĩ của một đứa trẻ con.
Bây giờ vào những buổi chiều, nơi căn bếp nhà tôi vẫn bay lên làn khói lam mỏng manh. Mẹ vẫn gắn bó với bếp củi như một người bạn tri âm. Cũng phải thôi, đã bao năm mẹ cùng bếp củi, nơi mẹ chắt chiu, gom góp những chăm chút yêu thương cho gia đình. Mẹ đã quen với bồ hóng, quen với mùi khói khê nồng, khét mùi rơm rạ. Mẹ nào có thể quên ánh lửa hồng ấm áp mà chỉ có thể cháy lên từ củi, từ rơm những nguyên liệu gần gũi sẵn có nơi làng quê, mà nơi đây mẹ đã sinh ra, lớn lên gắn bó suốt cả cuộc đời.
Có lần tôi nói đùa thử lòng mẹ rằng, chúng con quyết tâm bỏ bếp củi không cho mẹ nấu nữa đâu. Thế mà mẹ tưởng thật, mẹ có vẻ giận lắm rồi lại nhẹ nhàng nói với tôi vẻ như nài nỉ: “Không được, cứ để đó cho mẹ nấu, không còn bếp củi thì mẹ thấy trống trải lắm…”. Tôi hiểu mẹ, không phải mẹ không biết tận hưởng những văn minh nhàn hạ, mà mẹ muốn giữ lại hơi ấm thân thương của làng quê, muốn lưu giữ ấp yêu những kỷ niệm gắn liền với cuộc đời mình. Nơi ấy, mẹ đã gửi vào cả tình thương của người vợ, người mẹ cho chồng, cho con với một tấm lòng chân thật, giản đơn.
Có lần đi qua một vùng quê xa xôi, đúng buổi chiều, nhìn xa xa thấy những ngọn khói xanh mờ bay lên trời chiều, lòng tôi dâng lên nỗi nhớ nhà da diết. Tôi muốn chạy ào ngay về căn bếp củi của mẹ, ăn những món quê dân dã, ngửi mùi khói quen thuộc để thấy lòng bình yên. Tôi biết mẹ muốn giữ lại bếp củi là có cái lý của riêng mình. Cũng như tôi, những lúc xa nhà lòng không nguôi nhớ về căn bếp thân thương ấy, trong tâm trí hiện lên bóng mẹ với bao điều ấm áp.