Không phải ngẫu nhiên, hàng năm, đến ngày Rằm tháng Tư âm lịch, tất cả người con Phật trên khắp hành tinh này đều long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm Phật đản sinh, vị Giáo chủ sáng lập ra một tôn giáo có một không hai trong lịch sử loài người. Theo P.D Mehta nhận định: “Tôn giáo được Đức Phật đề xuất thì rất độc đáo, nó khác biệt một cách sửng sốt với tất cả các tôn giáo lớn khác. Chánh pháp, mà không phải là một con người thần thánh hay tuyệt đối, là suối nguồn. Mục đích là vô ngã, sự chấm dứt khổ đau, và sự chứng ngộ bất tử, Niết-bàn…” [1].
Xem ra, sự thị hiện của Đức Phật giữa cõi đời là sự minh chứng và giải trình về trí tuệ siêu việt của Ngài có khả năng thấy biết tự thân sự thật khổ đau, nguyên nhân khổ đau, thấy biết như thật khổ đau đoạn diệt và con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau trong ý nghĩa: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đây là đời sống cuối cùng, không còn trở lui lại đời sống này nữa”. Hay nói một cách khác, chính sự hiện hữu trí tuệ này là sự minh chứng, sự hiển lộ làm khác biệt, phân biệt rõ ràng giữa những gì gọi là Phật giáo với các tôn giáo khác có mặt giữa cuộc đời này.
Các kinh điển truyền thống như: Kinh Bà-sa-cù-đà Tam Minh (Tevijjà-Vacchagottasuttam, Trung Bộ kinh; Hán tạng: kinh Tam Minh số 26) đều đề cập đến Tam Minh như là sự phân biệt đầu tiên giữa Phật giáo và các tôn giáo khác mà bất cứ ai khi tiếp cận đều không thể lầm lẫn. Tam Minh (Tevijjà) bao gồm: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Tại đây, Túc mạng minh được nhìn nhận là trí tuệ thấy rõ vô lượng kiếp của tự thân với tất cả nghiệp nhân và nghiệp quả. Thiên nhãn minh là trí tuệ thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh, thấy rõ sự sinh tử của chúng sanh với tất cả nghiệp nhân nghiệp quả trong dòng sống tương tục. Lậu tận minh là trí tuệ có công năng đoạn tận hết thảy lậu hoặc, chứng vô lậu Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Ngay trong các bản kinh nói trên, chúng ta cũng thấy nội dung ý tưởng đó, đã diễn dịch trí tuệ của Thế Tôn mang tính đặc trưng thù thắng để phân biệt một cách rõ ràng cụ thể: “Nếu nói rằng Sa môn Gotama là bậc Nhất thiết trí, Nhất thiết kiến, Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn, khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ, khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại và liên tục. Như thế là nói một điều không thực về Ta. Nếu nói rằng Sa môn Gotama là bậc có Tam Minh (với ý nghĩa khi nào Thế Tôn muốn thì Túc mạng minh và Thiên nhãn minh mới khởi lên). Như thế mới không nói điều không thực về Ta”.
Rõ ràng, chính Thiên nhãn minh (hay Tam Minh), Thế Tôn thấy biết và tuyên bố rằng: “Không có một người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử, sau khi thân hoại có thể diệt tận khổ đau. Không phải một trăm năm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm; nhưng điều hơn như thế là những người tại gia không đoạn trừ kiết sử có thể sanh Thiên”.
Tuy nhiên, đối với tà mạn ngoại đạo thì Thế Tôn lại dạy: “Không có một vị tà mạn ngoại đạo nào sau khi thân hoại có thể diệt tận khổ đau và dầu cho Ta nhớ đến chín mươi mốt kiếp, Ta không thấy một vị tà mạn ngoại đạo nào được sanh Thiên, trừ một vị, vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng của nghiệp”. “Sự việc này là như vậy, này Vaccha, thời ngoại đạo giới này là trống không, cho đến vấn đề sanh Thiên”.
Bản kinh Bà-sa-cù-đa Hoả dụ (Trung Bộ kinh III), kinh Xuất gia (Đại II, 246b, Đại II 446a, Hán tạng) cũng xác tín, nếu muốn thì các đệ tử Thế Tôn có thể chứng Tam Minh ngay trong hiện tại đời này.
Các bản kinh truyền thống còn giải trình trí tuệ của Thế Tôn qua sự trình bày về mười Như Lai lực như là sự minh chứng vị trí độc tôn của Đức Phật để phân biệt với các đạo giáo khác. Theo kinh Tăng Chi V, phẩm Mười pháp đã thẳng thắn tuyên bố chính mười Như Lai lực này mà Thế Tôn, bậc Đạo Sư của chúng ta đã cất tiếng rống sư tử và chuyển bánh xe pháp đến khắp mọi nơi trên hành tinh này, đem lại lợi lạc hạnh phúc cho quần sanh. Đó là:
- Như Lai như thật biết xứ và phi xứ.
- Như Lai như thật biết các quả báo tuỳ thuộc sở do, sở nhân của các hành nghiệp quá khứ hiện tại vị lai.
- Như Lai biết như thật con đường đưa các sanh thú.
- Như Lai biết như thật mọi thế giới với mọi sai biệt của chúng.
- Như Lai như thật biết sự hiểu biết sai biệt các loài hữu tình.
- Như Lai như thật biết các tâm tánh sai biệt của tất cả chúng sanh.
- Như Lai như thật biết các tạp nhiễm, thanh tịnh, xuất khởi của các Thiền chứng về Thiền, về giải thoát và về định.
- Như Lai chứng Túc mạng minh.
- Như Lai chứng Thiên nhãn minh
- Như Lai chứng Lậu tận minh.
Rõ ràng truyền thống Bắc tạng và Nam tạng đều tán thán Thế Tôn là bậc đầy đủ thập hiệu, thập lực. Thập hiệu bao gồm: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn càng minh chứng Thế Tôn là bậc đầy đủ trí đức và công hạnh giáo hoá muôn loài. Như thế, trí tuệ vô thượng của Thế Tôn là tuệ giác siêu việt vượt thời gian và không gian không thể tìm thấy bất cứ một hệ thống kinh điển nào hiện diện ở bất kỳ tôn giáo, đạo giáo nào đã đang hiện hữu từ trong quá khứ, hiện tại, tương lai ở đời này.
Điều đáng nói nữa, với trí tuệ Đức Phật đã thân chứng, giáo lý Duyên khởi đã được giải trình. Qua giáo lý Duyên khởi, Thế Tôn dạy toàn bộ khổ uẩn là do 12 nhân duyên sinh khởi và toàn bộ khổ uẩn diệt là do 12 nhân duyên diệt. Điều đó cũng có nghĩa cội nguồn sinh tử khổ đau chính là do vô minh hay ái, thủ đem lại. Sự khám phá sự thật duyên khởi này của trí tuệ Như Lai không có trong bất cứ hệ thống giáo lý tôn giáo nào ở thế gian này.
Giáo lý Duyên khởi mà trí tuệ của Đức Phật tự thân chứng ngộ cũng minh chứng cho sự thật: Tất cả các pháp đều vô thường, hết thảy các hành là vô thường và khổ đau. Đây chính là “Ba pháp ấn” làm nên diện mạo và đặc trưng của Đạo Phật. Chính nhìn sự vật hiện tượng các pháp, ngay cả con người là vô ngã từ giáo lý Duyên khởi dẫn đến con người bước ra khỏi vùng tư duy hữu ngã thường hay gây khổ đau cho người. Chính tư duy vô ngã, khiến con người nhìn nhận thực tại là vô ngã, con người cần phải có trách nhiệm tự thân về chính mình, về môi sinh, về thế giới, con người vạn vật.
Con người với tự thân, tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình làm hòn đảo nương tựa cho chính mình, không nương tựa ai khác, ngay cả đấng Thần linh, Thượng đế hay một thế lực siêu hình nào khác. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Con người sẽ thân chứng, chứng đạt chân lý nếu sống theo một đời sống hướng thượng như Đức Phật và các bậc Thánh đã đi qua, hoặc sẽ đọa lạc khổ hải trầm luân nếu sống theo một đời sống tha hoá. Đây là điểm đặc thù của giáo lý Thế Tôn tuyên thuyết mà không có tôn giáo nào giải trình. Như thế Đức Phật tuyên bố: “Ai thấy biết giáo lý Duyên khởi là thấy biết Như Lai. Thấy biết Như Lai là thấy biết giáo lý Duyên khởi”. Điều đó cũng có nghĩa tuệ giác của Đức Phật chứng ngộ toàn bộ giáo lý Đức Phật đã tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ và Ngài trở thành bậc Đạo Sư của trời và muôn loài.

mà trí tuệ của Đức Phật tự thân chứng ngộ cũng minh chứng cho sự thật: Tất cả các pháp đều vô thường, hết thảy các hành là vô thường và khổ đau.
Tại đây, cánh cửa vô sanh bất tử sẽ mở ra một chân trời mới của thế giới tự do, tự tại, hạnh phúc an lạc thật sự khi mỗi cá nhân con người biết “sống với” chứ không phải “nói về”. Hay nói cách khác, tự thân con người hãy đến với nhau bằng sự yêu thương và hiểu biết của trí tuệ như thật mà Đức Phật đã trao truyền cho chúng ta.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[1] P.D Mehta, Early Indian Religious Thought, Nxb. Lusac và Company Limited, 1956, tr.186 -187.