DẪN NHẬP
Những người học Phật đều hiểu biết về Tam vô lậu học hay còn gọi là Giới-Định-Tuệ. Đây là ba sự học về giải thoát sinh tử. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã từng nhấn mạnh: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới – Định – Huệ” [1], vì thế tu tập Giới – Định – Tuệ chính là việc làm cần thiết và mang lại lợi ích cho chúng sinh, là sự giải thoát để chúng sinh không bị trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.
Những người nghiêm trì giới luật và giới hạnh, chính là nguồn lực to lớn đóng góp vào sự hòa hợp, lớn mạnh và bền vững của Tăng đoàn và của toàn xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng giúp con người có đủ niềm tin vào Phật-Pháp-Tăng. Bậc thầy với đầy đủ phẩm chất cao quý trên không thể không kể đến Ni trưởng Huỳnh Liên, một người thầy giản dị, phạm hạnh. Với chủ trương: “Đời không đạo nên đời loạn khổ/ Đạo ở đời thật chỗ yên vui” [2], Ni trưởng Huỳnh Liên luôn sống vì đạo và đời với trí đức viên dung.
Trong phạm vi bài viết, dựa trên các nguồn tư liệu tham khảo, bài viết khái quát về cuộc đời và hành trạng của Ni trưởng Huỳnh Liên để làm sáng tỏ tài năng và đạo hạnh của Ni trưởng trong sự phát triển xã hội và Đạo Pháp. Tiếp đó, bài viết đưa ra nền tảng và phương pháp thực hành tu tập Giới – Định – Tuệ, mong muốn giúp người đọc hiểu rõ được ý nghĩa của ba phương diện tu tập này. Nếu tinh tấn tu tập, chúng ta sẽ có đủ tự tin vững bước trên con đường hoàn thiện nhân cách, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, tiến lên bậc thang giác ngộ, quay về với thế giới bản nhiên thanh tịnh, tìm lại chính mình và giải thoát trong vòng sinh tử luân hồi:
Thời gian, xoay mãi không ngừng
Bánh xe nghiệp quả, chuyển vần không thôi
Kíp lo thoát cuộc luân hồi,
Nắm dây hoằng nguyện, lên ngồi chuyển luân [3].
CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG CỦA NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
Ni trưởng Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh ngày 19 tháng 3 năm 1923 tại làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tên tuổi của Ni trưởng gắn liền với thời kỳ chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn lịch sử đầy biến động 1963-1975 ở miền Nam Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, được hấp thu nền học vấn căn bản và sớm tiếp cận với tư tưởng và gương sáng của những người làm cách mạng đương thời. Từ nhỏ, Ni trưởng đã bộc lộ bản chất thông tuệ, phẩm hạnh cao quý. Điều này được Tổ sư Minh Đăng Quang nhận định là do có từ kiếp trước: “Quang minh tướng tốt vô ngần/ Nhân lành nhiều kiếp, góp phần tạo nên” [4].
Ni trưởng Huỳnh Liên được người đời nhìn nhận là một bậc chân tu, có tấm lòng từ bi, nhân hậu, luôn đoàn kết thương yêu Ni chúng và chúng sinh. Người là hiện thân của Bồ tát, nhìn thấy chúng sinh khổ vì đói nghèo do chiến tranh, khổ vì thiên tai, bão lũ của trời đất, khổ vì không hiểu đạo nên mãi chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, người luôn tâm nguyện mong cầu tìm ra ánh sáng để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Người khuyên chúng sinh cần phải tinh tấn thực hành Giới – Định – Tuệ mới mong thoát khỏi khổ đau, tìm tới bến bờ giải thoát. Còn với bản thân, Người luôn giữ cho mình một lập trường vững vàng, giàu lòng yêu nước, chủ trương đem đạo vào đời, nhập trần bất nhiễm. Ngay cả vị chức sắc của tôn giáo khác là Linh mục Huỳnh Công Minh cũng khen ngợi: “Ni trưởng Huỳnh Liên là một hình ảnh tuyệt đẹp của một bậc chân tu trong một dân tộc anh hùng bất khuất, là một tấm gương sáng cho mọi người tu hành của mọi tôn giáo gắn bó với dân tộc” [5].
Ni trưởng Huỳnh Liên là một nhà hoạt động cách mạng, là một chiến sĩ kiên cường có trách nhiệm với đất nước “Nguyện xin hiến trọn đời mình/Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương” [6]. Trưởng thành trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc, mặc dù là một nữ tu sĩ Phật giáo, đáng lẽ chỉ an yên trong cuộc sống tu hành, nhưng trước nỗi đau chung của dân tộc, khi phải đối mặt với chiến tranh… Người đã quyết chí đứng lên cùng Ni giới Khất sĩ và Phật tử gia nhập phong trào quần chúng, đấu tranh bằng đuốc trí tuệ, hăng hái xông pha, quyết hy sinh cho nền độc lập tự do của nước nhà:
Mưa tên lửa đạn kinh hoàng,
Muôn ngàn tang tóc, muôn ngàn thê lương.
Lòng từ khơi rộng nguồn thương,
Tay cầm gậy tích, chân nương sức thần [7].
Không những là nhà hoạt động cách mạng, Ni trưởng Huỳnh Liên còn được ghi nhận là một nhà lãnh đạo tài ba. Khi mới xuất gia, Người đã được sư tổ Minh Đăng Quang giao trọng trách hướng dẫn Ni chúng tu tập, cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương. Người thường khuyên răn các đệ tử: “Mỗi người học chữ phải trau dồi đạo đức, lấy sự tu chứng làm chính chứ không phải chỉ học suông. Mỗi người phải biết nhận thức công ơn tín thí, công ơn Thầy Tổ cao dày, lấy đó làm rường cột, kim chỉ nam cho sự tu học và hành đạo” [8]. Bên cạnh đó, Ni trưởng Huỳnh Liên cũng đã có nhiều thành tựu đóng góp và cống hiến xuất sắc cho dân tộc. Trong cuốn Tư tưởng Phật giáo, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có cảm niệm như sau: “Ni trưởng Huỳnh Liên là người đầu tiên thành lập giới Khất sĩ Ni, đã dám thay đổi hướng tu, là người đầu tiên chủ trương cho Ni chúng học và sản xuất để có đời sống kinh tế tự túc, không phải lệ thuộc vào sự cúng dường của đàn na, đào tạo và xây dựng người thừa kế có trình độ tri thức, có khả năng đảm đang Phật sự” [9].
Ni trưởng Huỳnh Liên còn là một nhà thơ có tâm hồn cao đẹp, có tình yêu vô bờ bến đối với đạo và đời. Giáo sư Hoàng Như Mai đã từng viết: “Qua nhiều thời gian suy ngẫm tôi nhận thấy ở Ni trưởng Huỳnh Liên một tâm hồn thi sĩ đích thực” [10]. Người có tài xuất khẩu thành thơ, yêu thơ nên những sáng tác của người rất nhanh, rất hay và đều mang triết lý sâu xa về cảnh vật và con người. Người đã để lại cho hậu thế hàng ngàn bài thơ với nhiều thể loại phong phú mang chất nghệ thuật bình dị, tao nhã và từ bi. Đã có những tác phẩm được chuyển sang thi, kệ bằng thơ lục bát, tứ cú hay thơ tự do như kinh tụng hàng ngày. Bên cạnh đó, Ni trưởng còn chuyển ngữ và thi hóa một số kinh thông dụng từ Hán Tạng sang Pali tạng qua tiếng Việt có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc mà vẫn giữ nguyên được kinh văn, đây là công trình có giá trị lớn về Đạo Phật.
Qua cuộc đời và hành trạng của Ni trưởng Huỳnh Liên, ta có thể nhận thấy, người là một bậc tu hành trí đức viên dung, là một biểu tượng cao đẹp của bậc chân tu. Bằng tài năng và đức độ, Ni trưởng rất xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Tổ sư Minh Đăng Quang, xứng đáng với lòng tôn kính và sự ngưỡng mộ của Ni chúng và chúng sinh. Có thể nói người là hiện thân của tinh thần Phật giáo, là hiện thân của dân tộc hòa bình “Tôi yêu Phật giáo Việt Nam/ Là vì Phật giáo không làm hại ai” [11].
NỀN TẢNG TU TẬP VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH GIỚI – ĐỊNH – TUỆ
Nền tảng tu tập
Nhân cách là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Nhân cách bao gồm lối suy nghĩ, hành vi của con người đối với bản thân và xã hội, là nền tảng quyết định chất lượng các mối quan hệ của đời sống. Thấu hiểu được điều này, Ni trưởng Huỳnh Liên đã lấy Giới-Định-Tuệ làm kim chỉ nam trong đời sống tu tập hàng ngày của các hành giả. Đây là ba pháp vi diệu diệt trừ mọi vô minh, là con đường duy nhất giúp chúng sinh đạt đến tiến trình giác ngộ và giải thoát:
Ngày đã cận cần tu gấp rút
Giới giữ sao trong sạch như xưa
Định, Huệ không thiếu không thừa
Lợi ích dân chúng, đúng vừa khả năng [12].
Giới là mảnh đất nuôi trồng tâm từ bi của chính bản thân, là bước tiến đầu tiên trong việc cải thiện thân – khẩu – ý. Giữ được Giới tốt, thân – khẩu – ý sẽ trở nên tròn trịa, dẫn đến nội tâm thanh tịnh, đây chính là định. Định là hướng tâm vào một đối tượng để tư duy, quán chiếu nhằm loại bỏ mọi tạp niệm xung quanh. Kiểm soát được tâm rất khó, vì tâm mải chạy theo dục vọng. Một khi đã hàng phục tâm thì chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc. Khi tâm đã định thì tinh thần trở thành một nguồn năng lượng vô biên, sẽ xóa bỏ tất cả mọi phiền não để đạt tới Niết bàn. Tuệ được xem là bước tiến cuối cùng trên con đường giải thoát. Theo quan niệm của Đạo Phật, trí tuệ là cái sáng suốt xuất phát từ bên trong mỗi người, chứ không phải là kiến thức thế gian. Cho dù sống giữa bụi bặm của thế gian nhưng những người có trí tuệ sẽ không hề bị ô nhiễm, vì họ đã biết cách xóa bỏ sự vô minh.
Như vậy, Giới-Định-Tuệ chính là nền tảng cốt lõi để con người sở hữu một nhân cách đẹp với đầy đủ chất liệu chân – thiện – mỹ. Nhưng để có được nó, cần phải dựa vào khả năng và ý chí thực hành tu tập của mỗi người. Nếu chúng sinh cố gắng và kiên trì tu tập, chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp: “Nguyện cao cố gắng tập tành/ Nhân cao rồi sẽ đắc thành quả cao” [13]. Giới không vấy bẩn thì tâm không phiền não. Tâm không phiền não thì cuộc sống sẽ được an yên, hạnh phúc. Tâm an yên dẫn đến trí tuệ phát sáng. Đây chính là con đường giúp chúng sinh nhận thấy được thực tướng của vạn vật và vũ trụ. Khi nhận ra chân tướng, chúng sinh sẽ không còn tham ái, dục vọng. Đây cũng chính là con đường dẫn đến Niết bàn, giúp chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Tinh tấn tu tập Giới – Định – Tuệ còn là một công đức lớn mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt giữ cho Phật Pháp mãi được trường tồn.
Phương pháp thực hành
Ni trưởng Huỳnh Liên luôn lấy Giới-Định-Tuệ làm kim chỉ nam để tu tập và chỉ dạy cho các hàng đệ tử, chúng sinh thực hành:
1. Thực hành Tứ y pháp
Quyết tâm xả phú cầu bần
Quyết tâm cầu đạo, xả thân độ đời [14].
Ni trưởng Huỳnh Liên là bậc tu hành thuộc Hệ phái Khất sĩ, vì thế Người luôn tuân thủ đường lối tu tập Tứ y pháp, đây là con đường Trung đạo của Bát chánh đạo: “Làm Tăng ôm bát, đắp y/ Vâng hành pháp báu, giữ gìn giới nghiêm” [15]. Người luôn tinh tấn thực hành một cách nghiêm túc với mục đích: “Treo gương giải thoát soi đời/ Treo gương từ ái, dạy người từ bi” [16]. Khi nhận ra sự vô thường của cuộc sống, nhận ra mọi thứ xung quanh đều là giả tạm: “Thân vô thường, vật vô thường” [17], nên Người không màng tới ăn, mặc, ở, bệnh. Người sống một cuộc đời giản dị, thiểu dục tri túc, không vướng bận bởi vật chất giả tạm của thế gian: “Ăn thanh đạm mỗi ngày một bữa/ Xin vật thường của dở nuôi thân” [18]. Người khuyên chúng sinh đừng tranh giành, đấu đá nhau mà phí công tu tập: “Mãi xao xuyến tranh nhau vật chất/ Phí công linh bùn đất đắp tô” [19], đừng để tham, sân, si đeo bám để mãi trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, đừng mải chạy theo những ảo vọng cuộc đời vì tất cả rồi cũng tan biến vào hư không. Đời người rất ngắn ngủi, hãy “nuôi thân vừa đủ lo trau đức/ Chẳng mộng giầu sang chẳng nhọc nhằn” [20]. Sống cuộc sống tiết kiệm để không phải vất vả, bon chen với đời:
Không dành dụm, khỏi nhọc nhằn
Một điều giải thoát, mấy phần cao thâm
Mặc đơn giản chỉ mỗi năm một bộ
Lượm vải thừa giẻ bỏ kết y [21].
Tinh tấn thực hành Tứ y pháp sẽ mang đến cho hành giả một cuộc sống giản dị, nhẹ nhàng và bình an.
2. Thực hành giữ giới
Mở lời dọn ý xét suy
Bốn điều răn cấm, lòng ghi tạc lòng [22].
Trong bài Bốn nghiệp miệng, Ni trưởng Huỳnh Liên khuyên chúng sinh không nói lời dối trá, lời thêu dệt; Không xui người làm xấu; Không đâm thọc hai bên, nói xấu người này người khác; Không nói tiếng ác cho người, vì “Hoạ tai vì miệng mà nên/ Bệnh căn vì miệng mà truyền vào thân” [23]. Nếu “Trong tâm chứa nghiệp chẳng hiền/ Hở môi tung não, rải phiền chung quanh” [24]. Người luôn tâm niệm: “Tâm hồn thư thái thảnh thơi/ Bao nhiêu phiền não, trên đời tiêu tan” [25], nên Người đã vận dụng trí tâm, nỗ lực dùng thân giáo, khẩu giáo, ý giáo để khuyến tấn môn đồ và chúng sinh giữ cho tâm được chắc khỏe và thanh tịnh để đẩy lùi phiền não: “Cái tâm chớ để bơ phờ/ Phải dùng giới buộc, phải nhờ luật vây” [26]. Muốn có tâm chắc khỏe thì: “Điều lành hãy gắng làm bia/ Lánh xa điều ác phân chia hai đường” [27], đừng nên “Xét dò kẻ khác làm chi/ Hạnh ta, ta giữ cho y mới là” [28]. Ni trưởng Huỳnh Liên cho rằng mọi phiền não đều xuất phát từ việc không giữ giới nên khuyên con người tránh làm điều có hại đến người và vật xung quanh: “Muốn cho mình được thong dong/ Đừng làm kẻ khác, khổ lòng mà chi” [29]. Hãy sống nhường nhịn, không nên tính hơn thiệt với đời: “Nhịn nhường là giới đầu tiên/ Kìa chư Phật vẫn nhắc khuyên ta hoài” [30]. Nếu con người không tinh tấn thực hành giữ Giới thì sẽ phải gánh quả nghiệp:
Bước ra đời tạo lập thanh danh
Ô hô sự nghiệp tan tành
Lại thêm báo hại, chúng sinh khổ sầu [31].
Trong bài Cầu nguyện hòa bình, Ni trưởng Huỳnh Liên khuyên chúng sinh: “Không trộm cướp, không sát sinh/ Ấy là hai đấng thần linh hộ trì” [32]. Sát sinh và trộm cướp là những hành động xấu sẽ dẫn đến tạo nghiệp, nên Người khuyên: “Con ơi hãy nghĩ rộng dài/ Luân hồi, quả báo, xưa nay nhiệm màu” [33]. Nếu con người có thói quen hay tư tưởng trộm cắp, sát sinh sẽ khiến họ mất đi lòng từ, mất đi sự cảm thông và tình yêu thương nhân loại. Vì thế, Người khuyên chúng sinh cố gắng thực hành giữ Giới nghiêm, như thế sẽ dễ dàng xóa bỏ được nghiệp chướng, đạt được tâm an định: “Giới trì, nghiệp dứt, tâm an/ Khai đàng phước đúc, lấp đàng tội duyên” [34].
Tinh tấn thực hành giữ Giới sẽ giúp hành giả đạt được tâm an định, xóa bỏ mọi phiền não và vô minh, hướng tới một cuộc sống an yên và giải thoát.
3. Thực hành hạnh Bồ tát đạo
Từ bi lái chiếc thuyền không
Đưa người khổ hải, lướt dòng mê tân [35].
Thấu hiểu được nỗi khổ của chúng sinh, nên Ni trưởng đã nhập thế để hóa độ chúng sinh, để mong cầu hòa bình và xoa dịu nỗi đau với những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn:
Cầu học đạo ấy là cầu nguyện
Cầu sao cho phổ biến chúng sinh
Thế gian tất cả hiền lành
Tức thì thế giới hòa bình tự nhiên [36].
Mong muốn giúp chúng sinh thấy được giá trị đích thực của sự sống và làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Người khuyên: “Làm người là có lòng nhân/ Hãy khơi tính Phật, lần lần sáng ra” [37]. Trên con đường hoằng pháp, Ni trưởng Huỳnh Liên đã sử dụng phương pháp chứng nghiệm tự thân và dùng thân giáo để làm gương, để đánh thức tâm Phật ở mỗi chúng sinh. Người rất thấu hiểu việc thuyết giảng để Ni chúng và Phật tử nhận thức rõ con đường hành Bồ tát đạo: “Vun phân tưới nước Bồ đề/ Nảy cành vô ngã, trổ huê chơn thường” [38]. Mong muốn được sống trong một xã hội công bằng, con người có quyền bình đẳng, đoàn kết và thương yêu nhau, mong muốn người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, nên Ni trưởng đã khuyên con người: “Người người tự giác độ thân/ Giác tha độ thế, dạy dân tu trì” [39]. Khuyên chúng sinh học cách bố thí, từ bỏ cuộc sống xa hoa, mưu cầu hưởng lợi, những thứ này là kẻ thù của loài người: “Lòng tham làm giặc hiểm nghèo/ Hạnh tu bố thí gương treo sửa đời” [40]. Cố gắng ủng hộ tài vật và xoa dịu nỗi đau với đồng bào đang gặp khó khăn: “Tập lần bố thí ra ơn/ Lòng tham dứt bỏ, đạo chơn hầu gần” [41]. Hơn ai hết Người hiểu:
Biển trần thế đục nhơ đã lắm
Bao anh hùng chìm đắm khổ nguy
Nước tham một dãy đen sì
Gió cuồng nổi giận sân si ai đào [42].
Cuộc sống với nhiều cám dỗ, con người dễ bị tham, sân, si sai khiến nên đừng “Đem thân làm kẻ tội đày/ Cho bao vật chất nó cai trị mình” [43]. Nếu không tinh tấn thực hành Bồ tát đạo để hạt giống Bồ đề được trổ hoa, thì con người sẽ mãi chìm đắm trong khổ đau: “Thói đời càng nhiễm, càng quen/ Bụi đời càng đóng, càng đen tinh thần” [44]. Như vậy, mọi hành động đưa đến nghiệp đều do hành động của chính con người tạo ra, vì thế cần thực hành nghiêm hạnh Bồ tát đạo để có thân tâm thanh tịnh. Khi ba nghiệp thanh tịnh, con người sẽ thoát khỏi nỗi khổ, niềm đau, và có một cuộc sống tốt đẹp.
Như vậy, thực hành hạnh Bồ tát đạo sẽ giúp hành giả chuyển phiền não thành Bồ đề, chuyển mê thành ngộ. Không những thế, thực hành hạnh Bồ tát đạo còn là một việc làm cần thiết, giúp đạo pháp nước nhà luôn rạng rỡ và mãi trường tồn:
Đất tích cực vườn nhà tốt đẹp
Giống vị tha khuôn phép hẳn hoi
Cần người chăm sóc săm soi
Hoa đơm Diệu Pháp, nắng ngời hào quang [45].
4. Thực hành thiền định
Năng nghiên cứu xét tìm chân lý
Gắng tham thiền huệ trí phát sinh [46].
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người luôn bị chi phối bởi tham, sân, si, phải đối mặt với bao áp lực cuộc sống, khiến tâm luôn bị dao động. Muốn kiểm soát được tâm để loại bỏ mọi tạp niệm, thì thiền định chính là phương pháp hữu hiệu nhất:
Nếu ai thiền định thường hoài
Ấy là ý mã được tay vững cầm
Bằng ai phóng túng vọng tâm
Ấy là ý mã sa chân lạc đường [47].
Thiền giúp tâm không chạy theo những cám dỗ tầm thường của thế tục. Không còn bị tham, sân, si và phiền não sai khiến. Thực hành thiền định thường xuyên là “Để tâm trong sáng như gương/ Chẳng màng sự thế, chẳng vương bụi trần” [48], là giúp con người vững tin, xóa bỏ mọi nghiệp chướng để trở về với bản thể, tìm lại Phật tính của chính mình: “Người người biết công phu thiền định/ Dưỡng tinh thần thanh tịnh tự nhiên” [48]. Nối truyền các vị Bồ tát và các bậc chân tu tiền bối, Ni trưởng Huỳnh Liên luôn tham thiền để đạt được trạng thái định tâm: “Đắc trí tuệ, soi ra vạn pháp/ Phóng hào quang chiếu khắp tứ phương” [49]. Nhận ra chân lý của vạn pháp, nên Người khuyên chúng sinh phải thường xuyên thực hành thiền để phòng hộ sáu căn, để chánh niệm trong tứ oai nghi. Người khuyên chúng sinh cố gắng chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm thật sự được an trú và không còn bị dao động bởi những cảnh vật xung quanh: “Thung dung cảnh giới tinh thần/ Trau tâm dồi trí, sắc thân chẳng màng” [51]. Thực hành thiền chính là cắt đứt mọi vọng tưởng của tâm để đạt đến Định.
Những nàng Ma nữ cợt trêu
Ấy là dục vọng, quẩn theo bóng hình
Nhưng ngài dụng sức linh thiền định
Vững tinh thần thanh tịnh chơn tâm [52].
Từ Định có thể tiếp tục tu tập để trí tuệ phát sáng. Đây chính là con đường hành trì Giới – Định – Tuệ:
Thân giải thoát, thân trau giới luật
Tâm tịnh thanh, tâm đạt định thiền
Trí minh, trí chiếu tuệ viên
Tánh an, tánh hiện diệu huyền chơn như [53].
Trên đây là những phương pháp thực hành tu tập Giới – Định – Tuệ mà Ni trưởng Huỳnh Liên đã trải qua. Con đường thực hành Giới – Định – Tuệ chính là con đường tự độ và độ tha của Người, mong muốn hướng chúng sinh đạt tới một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, vì:
Thời gian xoay mãi không ngừng
Bất lai, bất khứ là xuân Niết bàn [54].
KẾT LUẬN
Ni trưởng Huỳnh Liên là hiện thân của Bồ tát với tấm lòng từ bị, vô ngã, vị tha. Là hiện thân của tinh thần Phật giáo và hòa bình. Người là biểu tượng của ngọn đèn soi sáng cho nhân loại, là tấm gương để hậu thế noi theo. Tài năng và đạo hạnh của Người rất xứng đáng với lời nhận xét của Giáo sư Hoàng Như Mai: “Ni trưởng Huỳnh Liên xứng đáng là bông sen vàng trước Phật đài” [55]. Bằng tiến trình tu tập Giới – Định – Tuệ, Người đã chỉ dẫn cho chúng sinh biết rõ con đường để đạt đến hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân. Chỉ dẫn chúng sinh diệt trừ được vô minh, xóa bỏ mọi phiền não để không trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, sớm giác ngộ để quay về với thế giới bản nhiên thanh tịnh của chính mình.
Trần Thị Mai Hương
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* NCS Phật Học, Viện Trần Nhân Tông-ĐHQG Hà Nội.
[1] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
[2] Sđd, tr.137.
[3] Sđd, tr.84.
[4] Sđd, tr.63.
[5] NT. Huỳnh Liên (1994), Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.87.
[6] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.9.
[7] NT. Huỳnh Liên (1994), Kỷ yếu HTKH, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.70.
[8] NT. Huỳnh Liên (1994), Kỷ yếu HTKH, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.23.
[9] HT. Thích Trí Quảng (2004), Tư tưởng Phật giáo Tập 1, Nxb tôn giáo, tr.360.
[10] Sđd, tr.20.
[11] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.71.
[12] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.117.
[13] Sđd, tr.95.
[14] Sđd, tr.95.
[15] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.128.
[16] Sđd, tr.41.
[17] Sđd, tr.108.
[18] Sđd, tr.129.
[19] Sđd, tr.126.
[20] Sđd, tr.34.
[21] Sđd, tr.129.
[22] Sđd, tr.62.
[22] Sđd, tr.47.
[23] Sđd, tr.62.
[24] Sđd, tr.33.
[25] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.54.
[26] Sđd, tr.54.
[27] Sđd, tr.54.
[28] Sđd, tr.61.
[29] Sđd, tr.54.
[30] Sđd, tr.140.
[31] Sđd, tr.138.
[32] Sđd, tr.105.
[33] Sđd, tr.135.
[34] Sđd, tr.81.
[35] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.137.
[36] Sđd, tr.60.
[37] Sđd, tr.29.
[38] Sđd, tr.64.
[39] Sđd, tr.139.
[40] Sđd, tr.139.
[42] Sđd, tr.126.
[43] Sđd, tr.45.
[44] Sđd, tr.48.
[45] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.125.
[46] Sđd, tr.128.
[47] Sđd, tr.50.
[48] Sđd, tr.54.
[49] Sđd, tr.145.
[50] Sđd, tr.123.
[51] NT. Huỳnh Liên (2019), Đoá sen thiêng, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.54.
[52] Sđd, tr.123.
[53] Sđd, tr.130.
[54] Sđd, tr.84.
[55] Sđd, tr.31.