Duy trì và phát triển mạng mạch đạo Thiền Việt Nam (TT. Thích Phước Đạt)

Kể từ khi truyền bá vào Việt Nam, thực hành nếp sống đạo Thiền đã trở thành con đường để Phật giáo hòa nhập vào đời sống thực tiễn. Đạo Thiền được Thiền sư Mâu Tử diễn giải ở trong điều 4 của Lý hoặc luận như sau: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì phải biết tu thân”. Chính nếp sống đạo Thiền này khi đi vào hiện thực cuộc sống của từng người dân Việt đã góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến công hiển hách, chấm dứt 1.000 năm phong kiến Trung Quốc đô hộ, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông vào thời Lý – Trần, thiết lập một thời đại hòa bình và hội nhập toàn cầu từ cột mốc đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc Nam sum họp một nhà. Như thế, đạo Phật Việt Nam với cốt tủy là đạo Thiền đã trở thành hệ tư tưởng soi sáng cho con đường sống đạo của mỗi người Phật tử Việt Nam kể từ khi mạch thiền khai mở. 

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận, vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khi đạo Phật đã dần thể nhập và lan tỏa ở Giao Châu, Luy Lâu đã trở thành trung tâm học thuật và tín ngưỡng của nước ta, là nơi chư Tăng khắp nơi trong và ngoài nước hội tụ dịch kinh, giảng dạy, truyền bá chánh pháp để duy trì, phát triển mạng mạch Phật pháp. Từ đó, số lượng người phát tâm xuất gia, thọ giới, sống theo đạo Thiền ngày càng tăng. Sự kiện ấy được Việt Nam Phật giáo Sử luận tổng kết, ghi nhận thành quả ban đầu rất ấn tượng: “Những kinh điển đầu tiên được phiên dịch hay tuyển dịch tại Giao Chỉ như kinh Tứ Thập Nhị Chương đã nhắm tới đối tượng người xuất gia hơn là người tại gia. Chúng ta đã biết Tăng đoàn Giao Chỉ vào thời Mâu Tử đã có hơn 500 vị, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ thứ ba mới có Tăng đoàn. Giáo lý truyền dịch trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, phần lớn là để dành cho giới Tăng sĩ” [1].

Vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên, Thiền sư Khương Tăng Hội trên nền tảng đạo Phật bước đầu thể nhập triết lý Thiền từ kinh điển và sự hành trì các Thiền sư. Ngài chính thức dịch kinh và mở lớp dạy pháp thiền tại Luy Lâu, đặt nền tảng cho Thiền học Việt Nam, từ đó mạch thiền lan tỏa trong đời sống tu học ở nước ta. Điều này minh chứng, Thiền sư Khương Tăng Hội là người đặt nền tảng, khai mở mạch thiền ở nước ta vào thế kỷ III trên nền tảng mạng mạch Phật giáo từ thời Mâu Tử. An ban thủ ý và Lục độ tập kinh là hai bản kinh cơ bản dạy đạo Thiền ở nước ta bấy giờ, hẳn nhiên có tác động lưu truyền từ đó về sau, không chỉ xiển dương Thiền học mà còn làm cho đạo Thiền đi vào đời sống thực trong tiến trình tu tập, hướng tâm đến sự giải thoát.

Thế nên, khi đề cập đến vai trò của Thiền sư Khương Tăng Hội trong việc truyền thừa mạng mạch thiền ở nước ta, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận định Ngài Khương Tăng Hội đã thiết lập một Thiền phái nội sinh hồi thế kỷ thứ III và có truyền thừa đến thế kỷ XIII, với đại diện tiêu biểu được nhắc đến là Thiền sư Lôi Hà Trạch: “Truyền thống của thầy Khương Tăng Hội thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh, tồn tại tới đời Lý và sau đó đến đời Trần mới hòa nhập vào cùng các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường… vào Thiền phái Trúc Lâm. Sách Thiền uyển tập anh có cho biết là đại diện Tăng Hội là Thiền sư Lôi Hà Trạch” [2]. 

Điểm đáng nói, sau thời Khương Tăng Hội, các Thiền phái lần lượt được khai sáng và truyền thừa ở nước ta. Cụ thể, vào thế kỷ VI, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ra đời tại chùa Pháp Vân và truyền thừa qua 19 thế hệ. Đến thế kỷ IX, Thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời tại chùa Kiến Sơ và truyền thừa đến 17 thế hệ. Thế kỷ XI, Thiền phái Thảo Đường ra đời trong hoàng cung, truyền thừa được 6 thế hệ. Đến thế XIII, cả ba thiền phái này đều sáp nhập vào dòng thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng.

Đại diện cho các thiền phái này là những tên tuổi lớn, như: Thiền sư Vạn Hạnh – người có công khai sáng vương triều Lý, Thiền sư Viên Thông, Minh Không, Thông Biện, Mãn Giác, Cảm Thành, Thiện Hội, Từ Đạo Hạnh, Thường Chiếu… Tất cả đều là những người trực tiếp tham gia chính sự, xây dựng và phát triển vương triều, thực thi chính sách hợp lòng dân, hình thành và phát triển văn hóa, văn minh Đại Việt ở thời Lý – Trần. Điều này giúp mạng mạch thiền tuôn chảy, góp phần làm vẻ vang lịch sử dân tộc, mở ra thời đại độc lập tự chủ và hưng thịnh giá trị văn hóa Việt. Đồng thời, đưa nhà Lý trở thành vương triều xứng danh thuần từ nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. 

Sang thế kỷ XIII, thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng đã khẳng định vai trò và vị thế của đạo Thiền trong lịch sử Thiền tông Việt Nam. Nổi bật hơn cả là tinh thần Việt hóa thiền tông, khẳng định ý thức độc lập tự chủ dân tộc không chỉ trên biên cương lãnh thổ mà còn ở mọi phương diện kinh tế – chính trị – văn hóa – giáo dục và cả tín ngưỡng tâm linh. Dưới sự lãnh đạo của Tam tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, Thiền phái Trúc Lâm đã được các ngài tiếp tăng độ chúng, truyền thừa qua bao thế hệ và đưa đạo Thiền thâm nhập đời sống thực tiễn với tinh thần nhập thế, tùy duyên vui với đạo, hòa quang đồng trần, góp phần làm nên nước Đại Việt hùng cường. Hệ quả, những Phật tử Việt Nam không phân biệt thành phần xuất gia hay tại gia đã cùng sống đạo Thiền, yêu đạo chính là yêu nước, nối kết yêu thương, đặt sự tồn vong của quốc gia trong sự tồn vong của đạo. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao Phật giáo thời Lý-Trần là Phật giáo thế sự, định hình cho tư tưởng sống đạo bằng triết lý thiền hành động để những người Phật tử làm nên kỳ tích rực rỡ trong lịch sử dân tộc và lịch sử Thiền tông nước nhà. 

Sang thời Hậu Lê – Nguyễn, với sự thể nhập hai dòng thiền mới vào nước ta, các Tổ sư đã nỗ lực truyền thừa và Việt hóa dòng Thiền phái Tào Động, Lâm Tế để đáp ứng nhu cầu lịch sử. Các vị Tổ sư: Thủy Nguyệt, Nguyên Thiều, Liễu Quán, Hưng Liên… đã truyền đăng tục diệm, xây dựng niềm tin bất động đối với chánh pháp, kết nối lòng yêu thương, hiểu biết của đạo lý từ bi và trí tuệ, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, kết thúc nội chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài. Qua đó, đưa đạo pháp trường tồn trong tinh thần tu đạo, hành đạo và chứng đạo ngay giữa hiện thực cuộc đời đầy biến động.

Dù có những thăng trầm cùng với biến động của lịch sử dân tộc, nhưng ngọn đèn Thiền của Phật tổ vẫn luôn được tiếp nối và ngày càng tỏ rạng hơn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các Thiền sư đã cùng đồng bào Phật tử tu học góp phần đồng hành với dân tộc đấu tranh thống nhất nước nhà vào năm 1975. Chính Thiền sư Hòa thượng Thích Trí Thủ từng nói: “Những gì tôi làm cho dân tộc chính là làm cho đạo pháp, những gì làm cho đạo pháp chính là cho dân tộc”. Vào năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đạo Thiền tiếp tục phát triển trong lòng dân tộc Việt qua sự thống nhất các tổ chức hệ phái. Những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó có thể kể đến như: Sự phục hưng và phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm do Thiền sư Thanh Từ giáo hoá; Thiền Như Lai được Hòa thượng Thích Minh Châu giảng dạy và thực tập trong các thiền đường, tự viện cho Tăng Ni, Phật tử kể từ khi Ngài khai sáng Viện Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964 (tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh), và Thiền chánh niệm do Thiền sư Nhất Hạnh chủ trương đã lan tỏa khắp muôn nơi…

Có thể nói, những sinh hoạt Thiền của Tăng, Ni và Phật tử trong cả nước từ khởi nguyên Thiền học đến nay đã tạo nên sắc thái đặc trưng của đạo Thiền Việt Nam, không lẫn lộn với sắc thái Thiền nào khác ở các nước xung quanh. Ngày nay, trong xu hướng phát triển và toàn cầu hóa, đạo Thiền nước ta đã hội nhập toàn cầu, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Việc thực hành Thiền định giúp con người có khả năng đối diện, giải quyết, vượt qua những khổ đau trong đời hay xung đột về bản ngã, chuyển hoá nội tâm trong đời sống thực tiễn với những khát vọng về một thế giới thái bình văn minh cùng các giá trị sống hữu ích. Như thế, từ khi khai mở ở buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, tự thân mạch thiền đã truyền thừa, duy trì, phát triển xuyên suốt hơn 26 thế kỷ và tiếp tục lưu chảy trong tương lai. Có thể nói, với những giá trị tốt đẹp vốn có, đạo Thiền Việt Nam sẽ tiếp tục hiện thực hóa vị thế Phật quốc hiện hữu trong tiến trình đất nước ta hội nhập và phát triển.

 

 

Chú thích:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Nguyễn Lang (1986), Việt Nam Phật giáo sử luận, tr.50.

[2] Thích Nhất Hạnh (2000), Thiền sư Tăng Hội, Nxb. An Tiêm, tr.11.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *