Quý độc giả thân mến!
Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới-Định-Tuệ. Đây không chỉ là chỗ nương tựa, là người dẫn đường, là bậc thầy của người xuất gia mà còn là nền tảng cho sự tồn tại của Phật pháp. Trong đó, Giới luật là bước đi đầu tiên, căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đời sống.
Giới hạnh của người tu liên quan mật thiết đến thịnh suy của Phật pháp, như lời Đức Phật dạy khi sắp nhập Niết bàn: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy” (kinh Di giáo).
Nỗ lực tinh tấn không ngừng trau dồi giới đức, vì Giới là cội gốc Bồ đề, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là tấm phao đưa người qua bể khổ sinh tử và duy trì mạng mạch. Dù ở đâu, khi nào, nếu Giới còn được hành trì nghiêm túc thì chánh pháp sẽ mãi mãi trường tồn. Nhân tháng An cư kiết hạ, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo xin gửi đến quý độc giả số báo 392 với chủ đề “Duy trì mạng mạch”, để cùng bàn luận về tầm quan trọng của tinh nghiêm Giới luật.
Để chánh pháp tồn tại lâu dài và truyền bá rộng rãi, các sứ giả Như Lai không chỉ tự mình tinh nghiêm Giới luật, lấy giới làm mạch sống tu hành, mà còn phải biết tùy theo căn cơ thời đại và hoàn cảnh để áp dụng linh động Giới luật, miễn sao không hại đến mục đích giải thoát. Như lời Đức Phật dạy trong Ngũ phần luật quyển 22: “Tuy điều giới ta chế nhưng phương khác chẳng cho là thanh tịnh đều chẳng nên dùng. Tuy chẳng phải điều ta chế nhưng phương khác cần phải làm thì chẳng được chẳng làm”.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo