Dấu ấn Phật giáo trong “Tư Dung vãn” của Đào Duy Từ – nhìn từ phương diện ngôn ngữ (ThS. Phạm Tuấn Vũ)

“TƯ DUNG VÃN” – TÁC PHẨM MANG CẢM QUAN PHẬT GIÁO SÂU SẮC

Đào Duy Từ, hiệu Lộc Khê (1572-1634) là nhà chiến lược quân sự, nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thời Trung đại. Là vị trọng thần dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ có công lớn trong việc xây dựng vương triều Đàng Trong hùng mạnh dù thời gian ra làm quan của ông chỉ vỏn vẹn 08 năm. Ông được các chúa, vua Nguyễn tôn vinh là Đệ nhất Công quốc khai thần, được truy tặng Quận công và thờ tại Thái miếu.

Trong lịch sử văn học dân tộc, Đào Duy Từ có một vị trí trang trọng. Ông “có những đóng góp đáng ghi nhận vào sự phát triển của văn hóa, văn học Thuận Quảng” [1]. Đối với nghệ thuật tuồng, Đào Duy Từ là “người có công phát triển nghề hát bội, là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu” [2]. Trong sự phát triển của văn học Nôm, với hai bài thơ Nôm trường thiên hiện còn là Ngọa Long cương vãn và Tư Dung vãn, ông được xem là người mở đầu dòng văn học chữ Nôm ở Đàng Trong, đúng như nhận định của Bùi Duy Tân: “Đào Duy Từ là một tác gia có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thơ văn Nôm; hai bài vãn nói riêng và những bài thơ Nôm nói chung của ông mà ta chưa sưu tầm hết được, là những tác phẩm Nôm xuất hiện vào loại sớm nhất ở khu vực Đàng Trong” [3].

Trong di sản văn chương Đào Duy Từ, Tư Dung vãn là tác phẩm quan trọng. Tư Dung vãn được viết bằng chữ Nôm, theo thể vãn ca. Tác phẩm này dài 380 câu thơ, gồm 332 câu lục bát và 48 câu thuộc các thể thất ngôn xen lục ngôn, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, trường đoản cú… Đây là “một bài ca trường thiên ca tụng phong vật cửa biển Tư Dung (Thừa Thiên Huế), đề cao sự nghiệp của chúa Nguyễn, ca ngợi cuộc sống tươi vui, yên bình và miêu tả cái thú yên hà  mà người cao sĩ có thể tìm thấy trong phong cảnh nước non tươi đẹp” [4].

Trên phương diện cảm quan nghệ thuật, Tư Dung vãn chịu ảnh hưởng của ba luồng tư tưởng Nho, Phật, Lão. Có điều này là bởi Đào Duy Từ tuy là một nhà Nho “nhưng trong tư tưởng của ông không chỉ thuần túy chịu ảnh hưởng Nho gia, mà ít nhiều còn chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền – Phật, Lão – Trang” [5]. Sự kết hợp hài hòa giữa các luồng tư tưởng trên mang đến cho khúc vãn ca nhiều giá trị độc đáo. Trong các mạch nguồn tư tưởng của Tư Dung vãn, cảm quan Phật giáo chi phối tác phẩm này một cách khá đậm nét. Trong bài viết “Cảm quan Phật giáo trong Tư Dung vãn của Đào Duy Từ”, Nguyễn Công Lý chỉ ra: “Riêng viết về thiền Phật, có thể thấy bài Tư Dung vãn có mấy đoạn viết về cảnh chùa chiền, sư sãi, mang cảm quan Phật giáo, thể hiện tư tưởng sắc không, ngợi ca cuộc sống tự tại nơi thiền môn, thể hiện quan điểm Phật ở trong tâm, không cần nhọc công tìm ở nơi nào khác” [6]. Sự ảnh hưởng của cảm quan Phật giáo đối với tác phẩm còn thể hiện rõ nét ở ý thức lựa chọn từ ngữ của tác giả mà lớp từ ngữ có nguồn gốc từ kinh sách nhà Phật là một dấu ấn nổi bật.

TỪ NGỮ NHÀ PHẬT TRONG “TƯ DUNG VÃN”

Nhìn từ phương diện ngôn ngữ, ảnh hưởng của Đạo Phật trong Tư Dung vãn thể hiện sinh động của lớp từ ngữ nhà Phật được tác giả chủ động đưa vào tác phẩm. Ý đồ lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ này góp phần kiến tạo nhiều giá trị quan trọng cho bài vãn nói chung, sự thể hiện cảm quan Phật giáo của tác giả nói riêng. Khảo sát 380 dòng thơ của Tư Dung vãn [7], chúng tôi thống kê được hơn 64 lượt từ, ngữ có nguồn gốc nhà Phật được sử dụng. Không chỉ xuất hiện với tần suất tương đối cao, lớp từ ngữ này còn khá đa dạng, được sử dụng linh hoạt với nhiều kiểu loại khác nhau. Dưới đây là những nhóm từ, ngữ tiêu biểu:

– Nhóm từ, ngữ chỉ danh xưng của Phật có: Di Đà, Như Lai, Phật, Thích Ca…

– Nhóm từ, ngữ chỉ chư Tăng: Đồ Lê, thiền Tăng, thầy…

– Nhóm từ, ngữ chỉ địa danh Phật giáo: Linh Sơn, Tây Thiên…

– Nhóm từ, ngữ chỉ không gian tự viện: Chùa chiền, tam quan, hải tự, mái thiền, mái chiền, Phật đình, tháp…

– Nhóm từ, ngữ chỉ kinh, sách, pháp khí nhà Phật: Kim Cương, Bát nhã, kinh, kệ, chuông, chày, mõ, nhang…

– Nhóm từ, ngữ chỉ hoạt động tu hành: Cứu vật độ người, niệm, tu…

– Nhóm từ, ngữ chỉ giáo lý nhà Phật: Thế giới ba nghìn, thế giới Bà sa, từ bi, nước Ma a, tuệ kiếm, y bát, Bồ đề, thiền, Nam mô, đạo hằng, tâm chánh, duyên, hạnh…

Trong bài vãn, từ ngữ nhà Phật được tác giả sử dụng với những mục đích nghệ thuật cụ thể. Trước hết, nhà thơ sử dụng lớp từ ngữ này nhằm miêu tả cảnh chùa, cụ thể là ngôi hải tự nơi cửa biển Tư Dung, cũng như không khí thanh tịnh, đậm chất thiền môn của nơi này. Chẳng hạn:

– Tam quan trông thấy uy linh động người;

– Phật đình nào khác vương đình;

– Kinh ngâm thánh thót, chuông chiền đỉnh đang;

– Chuông đâu vừa động mái thiền

Mây lành kết đóa, trái tiên phơi màu;

– Trăng thiền soi tỏ, rừng thiền rạng thanh;

– Ngày vắng vang reo chuông Bát nhã

Đêm thanh dóng dõi kệ Di Đà;

Thể hiện cuộc sống tu hành giản dị, thoát tục của nhà sư nơi rừng thiền, chốn già lam, tác giả cũng sử dụng nhiều từ ngữ nhà Phật:

– Rừng thiền lẩn dấu vào ra;

– Dạo chơi thế giới bà sa;

– Tới lui cẩn niệm đạo hằng

Loan le gá bạn, giá trăng kết mành;

– Người đà nên đứng cao thiền

Phật dầu chưa hẳn, ắt tiên đã gần;

Bày tỏ những suy nghiệm về đạo Phật sâu xa, nhiệm mầu, nhà thơ mượn nhiều từ ngữ có nguồn gốc kinh sách nhà Phật, chủ yếu lấy từ Kinh Bát nhã:

– Há đạo đâu xa mà nhọc kiếm

Bồ đề kết quả ở lòng ta;

– Sao bằng tâm chánh thân tu;

– Ngẫm thế sự thể bóng đèn

Cớ chi quyến luyến trần duyên nhọc mình;

– Nghiêm thay tướng pháp Như Lai

Giơ cao tuệ kiếm, sáng ngời thủy tinh;

– Vẳng nghe tiếng mõ Đồ Lê

Ngòi phiền bến não rửa thì sạch không;

Trong các trường hợp trên, từ ngữ nhà Phật rõ ràng được dẫn dụng một cách có chủ đích. Thể hiện cảnh chùa, hình ảnh nhà Sư, triết lý nhà Phật không gì thích hợp và hiệu quả bằng chính lớp từ ngữ nhà Phật. Hơn nữa, “Đào Duy Từ tuy là một nhà Nho nhưng ông rất am hiểu và thông tỏ Kinh văn Phật giáo Đại thừa” [8]. Bằng cảm quan Phật giáo sâu sắc, nhà thơ ý thức giá trị của lớp từ ngữ nhà Phật và sử dụng chúng một cách đắc lực nhằm mang đến những sắc thái thẩm mỹ mới lạ cho tác phẩm.

Xét trên phương diện hình thức nghệ thuật, cũng như Ngọa Long cương vãn, thơ Nôm trong Tư Dung vãn được đánh giá là “khá hoàn chỉnh, có nhịp điệu hài hòa, âm thanh réo rắt; ngôn ngữ bình dị, tự nhiên” [9]. Ngôn ngữ Tư Dung vãn là một thành tựu nghệ thuật lớn của thơ Nôm đầu thế kỷ XVII, đúng như nhận định của Bùi Duy Tân: “Về mặt thể tài và ngôn ngữ “Ngọa Long cương vãn”, nhất là “Tư Dung vãn” có nhiều thành tựu đáng ghi nhận ” [10]. Trong tác phẩm, cùng lớp thi liệu, điển cố Hán học kết hợp hài hòa với ngôn ngữ dân tộc, lớp từ ngữ nhà Phật đã để lại dấu ấn riêng với những giá trị độc đáo, khác biệt.

Trước tiên, chuyển tải các tư tưởng của đạo Phật, lớp từ ngữ nhà Phật góp phần kiến tạo nên tính chất triết lý, uyên áo cho lời thơ của tác phẩm, chẳng hạn:

– Nghiêm thay tướng pháp Như Lai

Cao giơ tuệ kiếm, sáng ngời thủy tinh;

– Rừng công cây đức diềm dà

Trổ chồi y bát, kết hoa bồ đề;

– Kíp thâu thế giới ba nghìn;

– Dạo chơi thế giới bà sa;

Mang trong mình sắc thái trang nghiêm, lớp từ ngữ nhà Phật còn giữ vai trò quan trọng trong việc làm nên tính chất trang trọng, thanh nhã, đĩnh đạc cho lời thơ Tư Dung vãn, như trong các câu:

– Đã rằng nương dấu Thích Ca

Nào thuyền Bát nhã vượt qua ái hồ;

– Thời lành cả mở hội lành

Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà;

– Trăng thiền soi tỏ, rừng thiền rạng thanh;

Nhiều từ ngữ vốn gắn liền các hình ảnh, địa danh, tích truyện Phật giáo góp phần gia tăng tính gợi cảm, sức liên tưởng cho lời thơ, mang đến cho câu thơ nhiều hình ảnh thi vị, ấn tượng; ví như:

– Những khi khói tỏa yên hà

Những âu mấy chốn Di Đà Tây Thiên;

– Linh Sơn một đỉnh tần ngần

Tám phương cõi thọ đài xuân sum vầy;

– Vẳng nghe tiếng mõ Đồ Lê

Ngòi phiền bến não rửa thì sạch không;

Như vậy, không chỉ xuất hiện một cách thường xuyên, đa dạng, lớp từ ngữ nhà Phật trong Tư Dung vãn còn được sử dụng vào nhiều mục đích nghệ thuật khác nhau, mang đến nhiều hiệu quả thẩm mỹ đặc sắc cho lời thơ nói riêng, tác phẩm nói chung. Từ ngữ nhà Phật xuất hiện trong khúc vãn ca không phải do ngẫu nhiên hay gượng ép. Đây chính là phương tiện, chất liệu nghệ thuật quan trọng, đắc lực được nhà thơ lựa chọn nhằm phục vụ cho ý đồ thể hiện cảm quan Phật giáo của mình trong tác phẩm. Điều này phần nào cho thấy tác giả Đào Duy Từ là người am tường và có nhiều tình cảm tốt đẹp đối với đạo Phật.

TẠM KẾT

Có thể thấy, lớp từ ngữ có nguồn gốc đạo Phật được sử dụng linh hoạt, hiệu quả trong Tư Dung vãn là minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng của Phật giáo đối với tác phẩm này trên phương diện ngôn ngữ. Được sử dụng một cách hợp lý, lớp từ ngữ đặc biệt này đã mang lại cho bài vãn những thành công nhất định; đóng góp vào thành tựu chung của ngôn ngữ thơ Nôm Tư Dung vãn.

Lộc Khê Đào Duy Từ “không chỉ là một trong vài tác giả cắm cái mốc mở đầu cho văn học Đàng Trong, đặc biệt là văn học Nôm, mà còn là tác giả mở đầu viết về cảm hứng thiền Phật của văn học vùng đất mới, tạo tiền đề cho bộ phận văn học Phật giáo nơi đây về sau tiếp tục khơi dòng và phát triển” [10]. Trong ý nghĩa đó, Tư Dung vãn là tác phẩm có vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của văn học Đàng Trong nói chung, văn học Phật giáo khu vực này nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu Tư Dung vãn không thể không đặt tác phẩm ở vị trí đặc biệt.

 

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ, Quảng Ngãi.

[1] Trần Thị Băng Thanh (Chủ biên, 2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam – Tập 4. Văn học thế kỷ XV-XVII, Nxb. Khoa học xã hội, tr.1063.

[2] Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học – bộ mới, Nxb. Thế giới, tr.379.

[3] Nhiều tác giả (2004), Sđd, tr.379.

[4] Trần Thị Băng Thanh, Sđd, tr.1063.

[5] Nguyễn Công Lý (2018), “Cảm quan Phật giáo trong Tư Dung vãn của Đào Duy Từ”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn học Phật giáo Bình Định và văn học Bình Định, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.42.

[6] Nguyễn Công Lý, Tlđd, tr.44.

[7] Chúng tôi sử dụng bản Tư Dung vãn trong Hợp tuyển văn học Việt Nam, tập 2, Nxb. Văn học, 1976; in lại trong Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 4. Văn học thế kỷ XV-XVII, Nxb. Khoa học xã hội làm văn bản khảo sát.

[8] Nguyễn Công Lý, Tlđd, tr.49.

[9] Trần Thị Băng Thanh, Sđd, tr.1063.

[10] Trần Nho Thìn (giới thiệu và tuyển chọn) (2007), Bùi Duy Tân tuyển tập, Nxb. Giáo dục, tr.398.

[11] Nguyễn Công Lý, Tlđd, tr.49.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đoàn Trung Còn (2015), Phật học Từ điển, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

[2] Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học. Bộ mới, Nxb. Thế giới.

[3] Nhiều tác giả (2018), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn học Phật giáo Bình Định và văn học Bình Định, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội

[4] Đinh Gia Khánh (chủ biên), Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2006), Văn học Việt Nam (thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb. Giáo dục.

[5] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb. Văn học.

[6] Trần Thị Băng Thanh (Chủ biên, 2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 4. Văn học thế kỷ XV-XVII, Nxb. Khoa học xã hội.

[7] Trần Nho Thìn (giới thiệu và tuyển chọn) (2007), Bùi Duy Tân tuyển tập, Nxb. Giáo dục.

[8] Phạm Tuấn Vũ (2022), “Từ ngữ nhà Phật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 388, tr.52-57.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *