Quý độc giả thân mến!
Trong bảy thiện pháp giúp những người con Phật không theo pháp bất thiện, không bị ô nhiễm bởi phiền não, tinh tấn là yếu tố tối quan trọng. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, tinh tấn không phải là một danh từ trừu tượng, mà là sự thực tập rất thiết thực. Ta thực tập chung với cha mẹ, con cái và xã hội ta. Thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tốt sẽ giúp ta vượt qua chướng nạn và các phiền não.
Tâm thức mỗi người luôn tồn tại cả hạt giống thiện và hạt giống ác. Vì vậy, để gieo được những mầm thiện vào đời, ta cần có đủ thì giờ và năng lực để trở về với tự thân, thực tập tưới tẩm những hạt giống của niềm vui, an lạc, tình thương, lòng tha thứ và bao dung trong ta mỗi ngày. Làm cho những hạt giống tốt, thánh thiện trong mỗi người được phát triển liên tục, đó đích thực là sự thực tập tinh tấn.
Kinh Tương Ưng V, Đức Phật từng dạy: “Như sông Hằng chảy xuôi về phương Đông, Tứ chánh cần được tu tập sung mãn xuôi về Niết bàn”. Hay:“Để thắng tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, Tứ chánh cần cần phải được tu tập”. Và Ngài kết luận: “Như làm việc cần phải có sức lực, như đi phải có hai chân, hành giả trên đường về giải thoát luôn luôn tu tập Tứ chánh cần để hoàn bị thiện pháp”.
Muốn thực tập tinh tấn thành công, ta cần tạo ra môi trường sống tốt lành, trong đó, mọi người sống đúng theo tinh thần Ngũ giới, an trú vững chãi trong chánh niệm, không để những yếu tố độc hại của xã hội xâm chiếm, trấn ngự và làm ô nhiễm ta. Bởi cuộc sống là sống cùng nhau chứ không phải sống một mình. Không một cá thể nào tách rời đoàn thể mà có thể tồn tại được.
Để cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến độc giả số 393 với chủ đề “Vững chãi tinh tấn”. Qua đó vững tâm hơn trên con đường thực hành hạnh tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện.
Ban biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo