Phật giáo huyện Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) (Nguyễn Trọng Thanh)

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc, các nhà Sư yêu nước ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã tích cực tham gia cách mạng, hoạt động trong “Hội Tăng già cứu quốc”. Nhiều nhà Sư bị địch bắt, tra tấn dã man, hy sinh anh dũng quyết bảo vệ an toàn cho cán bộ, bộ đội và dân quân du kích.

HỘI TĂNG GIÀ CỨU QUỐC

Không chỉ là địa phương với rất nhiều chùa trên địa bàn Hải Phòng với 110 ngôi chùa, huyện Tiên Lãng còn là địa phương có số lượng Tăng Ni, Hòa thượng hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nhiều nhất TP. Hải Phòng, với 12 vị được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Trong đó, riêng Tổ đình Thắng Phúc (xã Tiên Thắng), có tới 5 vị Sư trong số Tăng Ni, Hòa thượng của huyện anh dũng hy sinh.

Theo tài liệu lưu giữ, “Hội Tăng già cứu quốc” huyện Tiên Lãng phát nguồn từ Tổ đình Thắng Phúc (còn có tên Vọng Phúc ở thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng). Nằm ngay bên dòng sông Văn Úc, Tổ đình Thắng Phúc được xây dựng từ thời Lý, vào khoảng thời gian năm 1105-1125. Chùa xây theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” hướng quay ra sông, lấy núi Thiên Văn (Kiến An) làm tiền án. Trải qua các đời Lý – Trần – Hồ – Hậu Lê – Mạc – Nguyễn với 60 đời Sư tổ trụ trì, chùa được trùng tu, tôn tạo. Vốn là nơi thờ Phật, tu hành với gần 20 Hòa thượng, Thượng tọa, Tăng Ni, song trước cảnh đất nước lâm nguy vì giặc xâm lăng, các Tăng Ni, Phật tử của chùa đã cầm súng cùng nhân dân cả nước tham gia kháng chiến.

Theo sử sách còn lưu lại, dưới thời Pháp thuộc, ngôi chùa lớn nhất khu vực với gần 100 gian lại nằm ở vị trí giao thông thuận lợi “trên bến dưới thuyền” nên nằm trong tầm ngắm của giặc Pháp với mưu đồ biến nơi đây thành căn cứ, đồn trú và từ đó làm bàn đạp đánh chiếm khu vực các xã cuối huyện Tiên Lãng và các huyện ngoại thành Hải Phòng. Năm 1946, thực hiện lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, chấp hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Kiến An (cũ) và Liên khu 3, Tổ đình Thắng Phúc buộc phải tiêu huỷ không cho địch làm nơi đồn trú. Các Tăng Ni, Phật tử đã bí mật vận chuyển rơm rạ quấn vào cột chùa và đốt cháy suốt hơn 10 ngày đêm, toàn bộ chùa bị tiêu hủy. Một số đồ thờ tự bằng đồng, chuông đồng đã đóng góp cho cách mạng để sản xuất vũ khí đánh giặc. Sau khi chùa bị tiêu huỷ, Viện chủ chùa là Sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sư tổ đã dặn rằng: “Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”. Nghe theo lời dạy của Sư tổ, các Tăng Ni, Phật tử trẻ tuổi tham gia vào các đội du kích tại địa phương, còn các vị Sư tuổi cao thì bám trụ tại các chùa trong vùng và lập thành Hội Tăng già cứu quốc để nuôi giấu cán bộ, tham gia kháng chiến. Cũng tại Tổ đình Thắng Phúc, 5 nhà Sư đã hy sinh thân mình vì đất nước, được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, gồm: Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Đại đức Thích Quảng Hợp, Sư bác Thích Quảng Tại, Sư bác Thích Quảng Tuệ.

NHỮNG TẤM GƯƠNG NHÀ SƯ HY SINH ANH DŨNG

Mỗi vị Sư hy sinh trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chịu sự tra tấn của địch. Điển hình, Hòa thượng Thích Thanh Lãng – Ủy viên Mặt trận Việt Minh, Hội trưởng Tăng già cứu quốc huyện Tiên Lãng. Ngài sinh năm Canh Tý (1900), tại xóm Ngõ, thôn Sơn Đông, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Ngài bị giặc Pháp bắt tại chùa Dương Áo, sau đó bị tra tấn dã man bằng cách đưa lên cối xay lúa, cứa dao vào cổ để tra khảo. Nhưng với chí khí cách mạng và lòng trung kiên, Hòa thượng không chịu khuất phục trước những cực hình của kẻ thù. Bất lực, chúng xử tử ngài bằng cách treo cổ ở cây đa gần chùa Dương Áo. Nhân dân bí mật an táng và sau này đưa di hài về chùa nhập tháp. 

Sau sự hy sinh của Hòa thượng Thích Thanh Lãng là Hòa thượng Thích Nguyên Uyển. Theo lời truyền, Hòa thượng Thích Nguyên Uyển trụ trì chùa Bảo Khánh, thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Hòa thượng đã đào hầm bí mật ngay trong hậu cung chùa để che giấu cán bộ kháng chiến, tổ chức các cuộc họp lớn của huyện Tiên Lãng và tỉnh Kiến An. Năm 1951, giặc Pháp phát hiện và chúng đốt phá chùa. Hòa thượng lánh sang chùa Phú Xuân bên cạnh ẩn náu. Chúng tiếp tục sang chùa Phú Xuân đốt phá chùa và bắt Hòa thượng. Kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng không khuất phục được Hòa thượng. Sau cùng, chúng xử tử Ngài.

Hòa thượng Thích Thanh Quất trụ trì chùa Bảo Khánh, thôn Trữ Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Ngài vừa tu học, hoằng dương Phật Pháp vừa tham gia hoạt động che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội, du kích tại chùa. Ngài bị giặc Pháp và bọn tay sai phát hiện, chúng đã tàn nhẫn giết chết Hòa thượng.

Hòa thượng Thích Quảng Tại là đệ tử trưởng của Hòa thượng Thích Thanh Lãng. Hòa thượng trụ trì chùa Hà Lâu, thôn Đông Linh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Ngài noi gương của thầy nghiệp sư tham gia hoạt động kháng chiến, đào hầm, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội, du kích ngay trong vườn chùa. Năm 1953, bọn chỉ điểm đã báo giặc Pháp, chúng đến đốt phá chùa, giết chết Hòa thượng.

Hòa thượng Thích Thanh Hựu, sinh năm Mậu Tuất (1898), tại tỉnh Thái Bình, từ nhỏ Ngài đã mồ côi cha mẹ. Năm 13 tuổi, Ngài cắt ái ly gia, phát nguyện tu hành, làm lễ thế phát tại chùa Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1939, Ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Quang ở làng Triều Đông (nay là khu 5, thị trấn Tiên Lãng, TP. Hải Phòng). Tại đây, Ngài miệt mài tu hành hoằng dương chánh pháp giúp đỡ Phật tử, nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng, chăm lo tôn tạo chùa cảnh, vận động Phật tử nhân dân quyên góp tiền, gạo ủng hộ kháng chiến đánh giặc Pháp cùng bè lũ tay sai. Chùa Linh Quang có đặc thù gần bốt boongke Trung Lăng (Bốt huyện Tiên Lãng), nên bọn địch hay để ý, nhòm ngó. Ngài đã vận động nhân dân Phật tử tiêu thổ chùa theo kháng chiến, không để địch lợi dụng chiếm đóng. Quả chuông đồng và các đồ thờ tự bằng đồng quý giá đã được Hòa thượng ủng hộ kháng chiến đúc đạn. Ngày 27/5/1950, Ban kháng chiến đang tổ chức họp tại hầm chùa triển khai kế hoạch thì bọn tay sai chỉ điểm, giặc Pháp từ bốt Trung Lăng mở trận càn quét vào làng Triều Đông. Hòa thượng đã kịp thời báo động, số cán bộ đang họp đã rút lui theo đường hầm men theo bờ tre làng chạy thoát ra ngoài. Bọn giặc lùng sục nhưng không tìm thấy cán bộ Việt Minh và phát hiện ra các hầm ở chùa, chúng điên cuồng bắt Hòa thượng trói vào gốc cây ở chùa, dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man, bắt ngài phải khai về hoạt động của ta. Hòa thượng niệm Phật nhẫn chịu mọi cực hình tra tấn của quân địch, quyết không khai. Không làm gì được Hòa thượng, chúng đã bắn chết Ngài ngay tại chỗ. Sau đó, nhân dân Phật tử làng Triều Đông bí mật an táng thi hài và xây tháp thờ Ngài trong khuôn viên chùa Linh Quang.

Cố viện chủ Tổ đình Thắng Phúc – Tổ sư: Tự Tâm Cẩn.

Có thể nói, hiện tại, chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng sự hy sinh của những vị sư huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng nói chung và Tổ đình Thắng Phúc nói riêng vẫn là tấm gương sáng cho thế hệ sau. 

TẠM KẾT

Sau chiến tranh, Tổ đình Thắng Phúc được phục dựng khang trang, trở thành điểm đến tâm linh của Phật tử thập phương, là nơi giáo dục lòng yêu nước, ý chí kiên cường của các bậc cao Tăng tiền bối. Ngoài ra, ven sông Văn Úc chảy qua làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (trong khuôn viên Tổ đình Thắng Phúc) còn Miếu Vua Linh có cây gạo cổ thụ trên 500 năm tuổi, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Dù chịu tác động của dòng sông, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng cây gạo vẫn được chăm sóc bảo tồn và giữ gìn như báu vật. Cây gạo là niềm tự hào của người dân địa phương, là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất, trung dũng, quyết thắng của huyện Tiên Lãng và TP. Hải Phòng.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), chúng ta đốt nén tâm hương, tâm cảm ý giao, thành tâm tưởng nhớ về những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã không tiếc xương máu sẵn sàng tự nguyện dâng hiến, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Họ là những đại diện tiêu biểu nhất cho tấm gương dũng cảm, bi mẫn, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho hạnh phúc chung của đồng bào mà không màng đến sự báo ân. Để sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó, thế hệ hôm nay và mai sau phải sống thế nào để hạt ngọc từ tâm luôn được ươm mầm và nảy nở để không uổng phí tấm lòng của bao thế hệ Tổ tiên, ông cha./.

 

 

Chú thích:

* Nguyễn Trọng Thanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *