Sắc Tứ Tam Bảo Tự thành phố Hà Tiên Theo dòng lịch sử (Thích Nữ Huệ Giác)

DẪN NHẬP

Hình thành khoảng thế kỷ XVI và có vị trí đắc địa trên vịnh Thái Lan, Hà Tiên được xem là cửa ngõ giao lưu văn hóa, thương mại. Nơi đây được mệnh danh là chốn: “Huyền ca đất Phật người hiền/Ngàn năm Văn hiến Hà Tiên lưu đời”, bởi người dân chủ yếu theo đạo Phật. Qua bao thăng trầm của lịch sử, đạo Phật vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần ở địa phương. Nhắc đến Hà Tiên, không thể không nhắc đến công lao của Mạc Cửu – Tổng binh trấn Hà Tiên, người đã khai hoang và xây dựng vùng đất này thành nơi trù phú, phát triển thương mại và Phật giáo. Ngôi chùa nổi tiếng nhất trên đất Hà Tiên – Sắc Tứ Tam Bảo tự – cũng do chính ông xây dựng.

1. LỊCH SỬ KHAI NGUYÊN CHÙA TAM BẢO

Về Mạc Cửu

Mạc Cửu (1655-1735) là người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc [1]. Theo Nguyễn Văn Nguyên [2], ông sinh ra trong thời loạn, khi triều đình nhà Minh suy sụp. Vì không chấp nhận sống dưới sự cai trị của nhà Thanh, vào năm 1671, ông vượt biển về phương Nam, đến vùng đất ngày nay là Hà Tiên khai khẩn. Sau một thời gian, từ chốn hoang sơ, dưới bàn tay và trí óc của Mạc Cửu, nơi đây đã trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú. Ông lập thành 7 thôn và đặt tên là Hà Tiên. Với khả năng nhìn xa trông rộng, biết thời thế, Mạc Cửu quyết định quy thuận chúa Nguyễn ở Đàng Trong và xin làm Trưởng đất Hà Tiên. Chúa Nguyễn bằng lòng trao cho ông chức Tổng binh. Như thế, Hà Tiên trở thành một vùng trù phú, người dân khắp nơi đến đây an cư, lạc nghiệp. 

Sà Đại Việt ta tự

Sắc Tứ Tam Bảo tự còn gọi là chùa Tam Bảo hay chùa Tiêu. Theo “Mạc thị gia phả” ghi chép: “Ngày trước, khi Thái công (Mạc Cửu) vượt biển đi về phương Nam, cụ Thái thái Bà bà vì nhớ con da diết, nên cũng từ Lôi Châu vượt biển đến thăm. Thái công nhân đó giữ Bà bà ở lại để phụng dưỡng. Ít lâu sau, Thái Bà bà vào điện Tam Bảo lễ Phật, Thái bà đang ngồi tĩnh tọa hành lễ trước tượng Phật thì tự nhiên mà hóa. Nhân đó mới đúc một pho tượng lập khám thờ cụ ở chùa Tam Bảo, đến nay di tích vẫn còn” [3]. Sách Gia Định thành thông chí cũng nhắc đến chùa Tam Bảo như sau: “Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn, chùa do Tổng binh Mạc Cửu dựng lên từ buổi đầu” [4]. Trong Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo có ghi: “Khi Mạc Cửu rời Trung Quốc qua khai thác đất Hà Tiên, không đem mẹ theo một lượt. Sau đó ít lâu, bà mẹ nhớ con sang tìm, Mạc Cửu dựng ngôi chùa sau chấn thự cho mẹ tu hành, thỉnh tượng Phật bằng đồng để thờ” [5]. Chùa được xây dựng vào năm 1730 [6].  

Vị trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là Hòa thượng Ấn Trừng,
đạo hiệu Huỳnh Long, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35.

Sau hàng trăm năm tồn tại, có lịch sử hình thành gắn với vùng đất Hà Tiên, đến nay, ngôi chùa vẫn uy nghiêm vững chãi, ngày càng phát triển theo dòng lịch sử và đồng hành cùng người dân Hà Tiên qua bao khó khăn, đúng với câu: 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống bao đời của Tổ tông”. 

2. SƠ LƯỢC CÁC VỊ TRỤ TRÌ CỦA CHÙA SẮC TỨ TAM BẢO

Vị trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là Hòa thượng Ấn Trừng, đạo hiệu Huỳnh Long, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Trong Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo có ghi: “Tương truyền, một đêm mẹ của Mạc Cửu nằm mộng thấy con rồng vàng ngậm cành hoa sen, quấn trên cột buồm của một chiếc ghe thương hồ, từ hướng Bắc đến. Sáng ngày, bà thuật lại điềm mộng trên cho Mạc Cửu nghe. Ít lâu sau có một vị tu sĩ, tướng mạo phương phi đến xin diện kiến. Khi tiếp chuyện, hỏi ra mới biết vị tu sĩ ấy trước là một danh tướng của Minh triều rời tổ quốc đến quy phục Nam triều. Ngài chán cảnh thế nhân xuất gia theo Phật, đó đây vân du giáo hóa pháp hiệu là Ấn Trừng, đạo hiệu là Huỳnh Long ứng với điềm mộng của Thái thái Bà bà là “Rồng vàng”. Mạc Cửu liền lưu ngài lại Trấn phủ truyền trao quy giới cho mẹ tu hành. Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Mở đầu khai nguyên cho Phật giáo Hà Tiên bắt đầu từ đó” [7]. Như thế, vị trụ trì đầu tiên của chùa Sắc Tứ Tam Bảo là Hòa thượng Ấn Trừng – người có công lao to lớn trong việc khai nguyên Phật giáo tại Hà Tiên lúc bấy giờ. Nhờ thế, Phật giáo tại Hà Tiên phát triển cho đến ngày nay. 

Tượng Kiều Đàm Di Mẫu và các Tỳ kheo Ni.

Gần 03 thế kỷ trôi qua, tre già măng mọc, các bậc Tôn đức nối tiếp nhau truyền bá chánh pháp. Chùa Sắc Tứ Tam Bảo trải qua 21 đời trụ trì [8]:  

1. HT. Thượng Ấn hạ Trừng Thiền sư (đạo hiệu Huỳnh Long).

2. HT. Hòa Quang Hiền Thiền sư

3. Minh Tam Nhất Đới Thiền sư

4. Minh Giác Trí Tàng Thiền sư

5. Minh Liêm Hoằng Ấn Thiền sư

6. Minh Thông Hải Huệ Thiền sư

7. Minh Chơn Giác Ngạn Thiền sư

8. Như Đức Vĩnh Trọng Thiền sư

9. Như Khả Chơn Truyền Thiền sư

10. Nhứt Huy Phước Chơn Thiền sư

11. Thuần Hạnh Hòa thượng

12. Phước Thành Yết ma

13. Phước Ân Hòa thượng (1920-1946)

14. Phước Quang Hòa thượng

15. Thích Quảng Đức Hòa thượng (1957-1959)

16. Thích Vĩnh Đạt Hòa thượng

17. Thích Chánh Định Hòa thượng

18. Thích Thiện Giác (1960-1974)

19. Thích Thiện Hạnh

20. Ni trưởng Thích Nữ Như Hải.

Và vị trụ trì hiện tại là Ni sư Thích Nữ Như Kim. Trải qua 19 đời trụ trì đầu tiên là chư Tôn đức Tăng. Bắt đầu vị trụ trì thứ 20 trở đi là các vị Tôn đức Ni. 

3. KIẾN TRÚC SẮC TỨ TAM BẢO TỰ THEO DÒNG LỊCH SỬ 

Được xây dựng vào năm 1730, chùa Sắc Tứ Tam Bảo nằm trong khu vực giáp với biên giới Tây Nam, chịu ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh. Nhưng gần 03 thập kỷ qua, ngôi Sắc Tứ Tam Bảo vẫn ngày càng hưng thịnh, cũng nhờ vào các vị trụ trì nơi đây phát tâm tu sửa, với hạnh nguyện cho Phật giáo Hà Tiên phát triển. Để có được ngày hôm nay, ngôi Sắc Tứ Tam Bảo phải trải qua nhiều lần trùng tu. Đáng kể nhất là hai lần trùng tu sau:

Lần thứ nhất, thời Hòa thượng Phước Ân (1920-1946) [9] thuộc dòng Lâm Tế thứ 40, chứng kiến cảnh ngôi chùa bị thời gian làm hư hoại dần, đã vận động Phật tử tu bổ lại khang trang hơn. Để tôn tạo cảnh quan, Hòa thượng đã trồng một số cây cổ thụ lớn, chủ yếu là cây sao để tăng thêm sự uy nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa. 

Chùa Tam Bảo.

Ngôi Sắc Tứ Tam Bảo được trùng tu và xây mới lần thứ hai dưới thời Ni trưởng Thích Nữ Như Hải. Ni trưởng Thích Nữ Như Hải thế danh là Huỳnh Thị Phước, sinh năm 1941 tại huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Năm 15 tuổi, Ni trưởng đã phát nguyện xuất gia tại chùa Quan Âm (Tiền Giang). Năm 1962, Ni trưởng tiếp tục tu học tại chùa Diệu Ấn (Phan Rang), sau đó đến chùa Dược Sư (Sài Gòn) tu học đến hết năm 1973. Vào ngày 08/4/1974, Ni trưởng Thích Nữ Như Hải được Hòa thượng Thích Huyền Vi và Hòa thượng Thích Thanh Từ tin tưởng và bổ nhiệm về trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo [10].

Ni trưởng có công trùng tu và xây mới các hạng mục công trình, tôn tạo cho ngôi Sắc Tứ Tam Bảo hoàn thiện, khang trang. Năm 2014 khánh thành cổng Tam quan chùa Sắc Tứ Tam Bảo, hai bên có đôi câu đối: “Nhất trần bất nhiễm Bồ đề địa. Vạn thiện đồng quy Bát nhã môn”, nghĩa là: “Không có một bụi trần nào có thể nhiễm vào đất Bồ đề. Tất cả mọi điều thiện đều quay về cửa Bát nhã”. 

Hiện nay, Ni sư Thích Nữ Như Kim là vị trụ trì thứ 21 – tiếp nối hoằng dương ngôi Tam Bảo. Ni sư Thích Nữ Như Kim thế danh Trần Thị Phương Chi, sinh ra và lớn lên tại TP. Hà Tiên, hiện giữ chức vị Phó ban Ban Trị sự Phật giáo TP. Hà Tiên. Từ năm 2014, Ni sư được Ni trưởng Thích Nữ Như Hải bổ nhiệm trụ trì Sắc Tứ Tam Bảo tự. Là di tích lịch sử cấp tỉnh, Ni sư luôn gìn giữ và phát triển ngôi Sắc Tứ Tam Bảo trên nhiều phương diện. Vào năm 2019, Ni sư cho xây dựng ngôi nhà mát bằng gỗ mang đậm chất thiền để làm nơi đón tiếp các bậc chư Tôn đức Tăng Ni ghé thăm. Năm 2021 xây dựng đài Quan Âm tự tại ngay giữa ao sen cạnh cổng chùa và mở lối đi xung quanh đài Quan Âm cho du khách thập phương đến chiêm bái. 

4. VAI TRÒ CỦA CHÙA SỨC TỨ TAM BẢO ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN HÀ TIÊN

Từ xa xưa, khi đất Hà Tiên vừa thành lập. Ngôi chùa Sắc Tứ Tam Bảo đã được Mạc Cửu xây dựng đầu tiên cho mẹ tu học giáo lý nhà Phật. Là tôn giáo đầu tiên đồng hành cùng người dân từ thuở đó nên đa số người dân nơi đây đều theo đạo Phật. Với người Hà Tiên, ngôi Tam Bảo là nơi gửi gắm nỗi niềm tâm linh, là chỗ dựa tinh thần của mình khi gặp những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Như một nét văn hóa đẹp từ xưa đến nay, vào thời khắc giao thừa, chùa Sắc Tứ Tam Bảo trở thành tâm điểm cho nhiều người dân đi viếng chùa cầu bình an và những điều tốt đẹp đầu năm. 

Chùa Tam Bảo còn là nơi sinh hoạt Gia đình Phật tử qua nhiều thế hệ. Nhiều người cho con em mình đến đây để học giáo lý nhà Phật từ nhỏ đến lớn, với mong muốn các em trở thành người có nhân cách tốt. Bên cạnh đó, chùa còn là nơi hoạt động thiện nguyện với nhiều nghĩa cử cao đẹp như: Phát lương thực và một số nhu yếu phẩm ủng hộ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hà Tiên, góp phần làm “tốt đời – đẹp đạo”.  

TẠM KẾT

Theo dòng thời gian, cùng với những thăng trầm lịch sử, chùa Sắc Tứ Tam Bảo vẫn tồn tại và ngày càng khang trang, tôn lên vẻ uy nghiêm, cổ kính. Chùa còn là niềm tin, nơi người dân hội tụ vào những dịp trọng đại, gắn với văn hóa, truyền thống như: Giao thừa, những ngày Rằm lớn,… khẳng định vị thế và sự phát triển của đạo Phật trong lòng người dân và đất Hà Tiên.

 

 

Chú thích:

[1] Trường Đại học Thủ Dầu Một (2018), Nam Bộ từ năm 1698 đến cuối thế kỷ XIX qua nghiên cứu của người nước ngoài, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.118.

[2] Nguyễn Văn Nguyên (2006), Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, Nxb. Thế giới, tr.13-14.

[3] Nguyễn Văn Nguyên (2006), Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, Nxb. Thế giới, tr.41.

[4] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Quyển VI: Thành trì chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, TS. Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu, tr.24. PDF. Truy xuất từ: file:///C:/Users/Admin/Downloads/GIA-DINH-THANH-THONG-CHI-Quyen%206.pdf.

[5] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.06.

[6] Đặng Việt Thùy (2013), Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, tr.190.

[7] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.06-07.

[8] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.7-8.

[9] Sđd, tr.8.

[10] Sđd, tr.13-14.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *