Dấu ấn Phật giáo trong truyện ngắn Nguyên Hương (ThS. Trịnh Bích Thùy)

NGUYÊN HƯƠNG – NHÀ VĂN YÊU MẾN ĐẠO PHẬT

Nhà văn Nguyên Hương hiện sống và làm việc tại TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Chị được biết đến từ năm 1995 khi đoạt giải Nhất cuộc thi “Văn học tuổi 20” với tập truyện ngắn Quà muộn. Từ đó đến nay, trên hành trình sáng tạo lặng lẽ, bền bỉ và say mê, chị đã cho ra mắt hàng chục tập truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài. Tiêu biểu như các tập: Những giấc mộng, Những bông hoa hình lá, Gia sư, Nguồn cội lênh đênh, Song sinh, Khoảnh khắc tình yêu, Lời hứa của mùa hè, Mẹ con Đậu Đũa, Bố ơi, Website thương nhớ, Hoa rù rì, Tia cầu vồng màu chàm, Sếp phó, Gót hài, Học trò phố huyện, Ngày có bốn mùa… Đặc biệt, với những tác phẩm viết cho trẻ em dí dỏm, đáng yêu, nhẹ nhàng mà đầy sức lôi cuốn, đặc biệt là 8 tập truyện cổ tích viết lại (Viên ngọc bùa mê, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Tấm thảm bay, Đôi hài vạn dặm, Chiếc áo tàng hình, Vùng đất bị phù phép, Sự tích cầu vồng đều do nhà xuất bản Trẻ ấn hành), Nguyên Hương để lại nhiều dấu ấn trong đời sống văn học thiếu nhi đương đại, đúng như nhận định của TS. Lê Nhật Ký: “Với những sáng tạo mạnh về chi tiết, nhân vật, lời văn mượt mà, pha trộn ít nhiều chất dí dỏm, truyện cổ tích của Nguyên Hương thực sự là một giá trị mới mẻ của văn học thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay” [1].

Nguyên Hương là nhà văn yêu mến Đạo Phật. Sáng tác của chị nói lên điều này. Năm 2019, nhà văn cho ra mắt độc giả bộ truyện Cổ tích tiền thân gồm 44 truyện, chia làm 3 tập (Vua chúa và hoàng tử nhỏ; Đứng một chân và há mỏ ra; Nắng vàng, sáng trăng và mặt trời) do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Bộ truyện này chịu ảnh hưởng đậm nét của Đạo Phật. “44 truyện trong 3 tập nói trên đều được khai thác từ nguồn cổ tích Phật giáo, chủ yếu trong Tiểu bộ kinh (tập V) của Kinh tạng. Đó là hệ thống truyện kể về đời sống quá khứ (tiền thân) của Đức Phật, là giai đoạn Đức Phật sắm nhiều vai khác nhau như loài vật, nhà vua, hoàng tử… Dù đóng vai gì, Đức Phật đều thể hiện một phong cách đạo đức tuyệt vời, xứng đáng là tấm gương sáng cho người noi theo để tu tâm dưỡng tính” [2].

Trong lời nói đầu của bộ truyện Cổ tích tiền thân này, nhà văn Nguyên Hương cho rằng những truyện cổ về tiền thân Đức Phật có ý nghĩa giáo dục với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Mong muốn của chị thông qua bộ truyện này là từ những câu chuyện cổ viết lại về kiếp trước của Đức Phật, truyền đến các em tinh thần đạo đức Phật giáo, giúp các em thấy được ý nghĩa tốt đẹp của lối sống nhân ái, ân tình, của tinh thần thức tỉnh. Cổ tích tiền thân là một đóng góp của Nguyên Hương vào sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam trên phương diện đề tài: “44 truyện cổ tích viết lại của Nguyên Hương là kết quả khai thác một phần nhỏ tích truyện trong Tiểu bộ kinh (tập V). Song chừng ấy cũng thật đáng quý, bởi lần đầu tiên, văn học thiếu nhi Việt Nam mới có được một bộ truyện cổ tích viết lại đầy đặn và chuyên về một đề tài như vậy” [3]. Việc lựa chọn đề tài Phật giáo xuyên suốt cho nhiều tác phẩm cho thấy nhà văn Nguyên Hương là người am hiểu Đạo Phật, nhận thức được ý nghĩa giáo dục của tư tưởng nhà Phật đối với trẻ em. Và hơn hết, bằng tình cảm yêu mến sâu sắc với Đạo Phật, Nguyên Hương đã thành công trong việc thể hiện hình tượng Đức Phật trong các kiếp tiền thân cũng như kể những câu chuyện cổ tích Phật giáo vừa hấp dẫn vừa gần gũi, mang tính giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc. 

Không chỉ đối với truyện cổ tích viết lại dành cho độc giả thiếu nhi, các sáng tác dành cho người lớn của Nguyên Hương cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Phật giáo. Trong đó, Mẹ con Đậu Đũa [4] là tập truyện ngắn tiêu biểu. Trong tập truyện này, tác giả không khai thác đề tài Phật giáo nhưng cảm quan nhà Phật chi phối sâu sắc các truyện trên nhiều phương diện như xây dựng nhân vật, tổ chức tự sự, lựa chọn ngôn ngữ. Nếu như ở truyện viết cho thiếu nhi, Nguyễn Hương chủ động tìm đến kho tàng cổ tích Phật giáo như là phương tiện truyền tải những bài học giáo dục thì ở truyện người lớn, Đạo Phật chính là một trong những mạch nguồn tư tưởng xuyên suốt, làm nên giá trị của các tác phẩm.

NHỮNG DẤU ẤN CỦA ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYÊN HƯƠNG

Trước hết, ảnh hưởng của Phật giáo đối với truyện ngắn Nguyên Hương thể hiện qua ý đồ lựa chọn và xây dựng không gian nghệ thuật của tác giả. Trong truyện của Nguyên Hương, không gian rất đa dạng và thường xuyên chuyển đổi giữa các loại hình. Trong đó, không gian chùa thường xuyên xuất hiện và được miêu tả một cách nổi bật với những sắc thái riêng, để lại nhiều ấn tượng. Chùa trong truyện Nguyên Hương thường hài hòa với thiên nhiên, ẩn hiện trong mây, thấp thoáng giữa lưng chừng đồi núi: “Anh ngước nhìn ngôi chùa thấp thoáng trong mây” (truyện Khoảnh khắc tình yêu). Đó là những ngôi chùa mang kiến trúc đặc trưng của chùa Việt, với mái cong ngói sẫm mang đậm hồn dân tộc: “từ khoảng này nhìn lên, ngôi chùa hiện rõ hơn, mái ngói cong cong màu nâu sẫm trong ánh chiều” (Khoảnh khắc tình yêu). Đặc biệt, không gian chùa trong truyện Nguyên Hương thường được đặc tả ở trạng thái bình yên, thanh tịnh với hình ảnh chú tiểu quét sân chùa, tiếng chuông vang vọng: “Thấp thoáng chú tiểu quét lá, màu áo lam bàng bạc”; “Tiếng chuông chùa ngân không vọng tiếng nguyện cầu” (Khoảnh khắc tình yêu). Giữa những không gian bề bộn, thô ráp của hiện thực cuộc sống, không gian chùa trong truyện Nguyên Hương hiện lên với những hình ảnh thật bình dị nhưng không kém phần thi vị. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự chi phối của cảm quan Phật giáo đối với tư duy nghệ thuật của nhà văn.

Trong dòng chảy miên viễn của lịch sử dân tộc, Đạo Phật đến với Việt Nam từ rất sớm và nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức nhân dân ta, trở thành một trong những nguồn mạch giá trị làm nên bản sắc văn hóa người Việt. Trong đời sống hiện đại, Phật giáo có một vị trí quan trọng. Qua cách nói, cách nghĩ, cách sống của nhiều nhân vật trong truyện ngắn Nguyên Hương, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Phật giáo trong đời sống tinh thần, tình cảm của người Việt. Khi tuyệt vọng, người ta thường tìm đến cửa chùa, chọn cuộc sống tu hành như liệu pháp giải thoát, đó là cách mà người đàn bà cao số trong truyện Dư âm đã lựa chọn. Trong những lúc khó khăn, người ta thường tìm cầu, thầm niệm hồng danh Đức Phật để mong được hộ trì, chia sẻ, giãi bày. Người thợ khắc đá trong truyện Khoảnh khắc tình yêu đã làm như vậy khi nghĩ đến thân phận của mình: “Lạy Đức Phật, con biết gã sinh viên hơn con nhiều lắm, con chẳng có gì khác ngoài trái tim, mà trái tim thì không biết nói…”. Từ hình ảnh ông Bụt hiền lành trong nhiều truyện dân gian, Đức Phật trở nên gần gũi, thân thuộc trong tâm thức người Việt. Với câu chuyện về “Cây tre trăm đốt” mà người thầy kể cho cả lớp, tác giả cho chúng ta cảm nhận rõ điều này: “Thầy còn cho cả lớp hình dung quyền phép của Bụt là như thế nào khi chỉ tích tắc nối được một trăm đốt tre liền nhau. […] “Tại sao con khóc?”, giọng Bụt ấm áp bên tai” (truyện Tại sao con khóc). 

Không chỉ đối với truyện cổ tích viết lại dành cho độc giả thiếu nhi, các sáng tác dành cho người lớn của Nguyên Hương cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Phật giáo. Trong đó, Mẹ con Đậu Đũa là tập truyện ngắn tiêu biểu.

Dưới góc nhìn văn hóa, có thể thấy, Phật giáo để lại dấu ấn rất lớn trong đời sống văn hóa, ngôn ngữ của người Việt. Ví như, câu cửa miệng “Mô Phật” của nhiều người Việt bắt nguồn từ nhà Phật. Hoặc như, nhiều tích truyện, nhân vật, phương ngôn của Đạo Phật đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo để hòa vào đời sống văn hóa người Việt, trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Trong truyện Nguyên Hương, dấu ấn của văn hóa Phật giáo trong ngôn ngữ nhân vật thể hiện khá rõ nét. Chẳng hạn, trong truyện Ánh sao xa, bất ngờ với người đàn ông làm nghề xe ôm cho các cô gái đi khách có tấm lòng thiện lương không bận tâm đến chuyện trăng hoa, nhân vật bà Năm Mập bán trứng vịt lộn buột miệng: “Mày tu hả?”. Hoặc như ở truyện Mưa, tích truyện về nỗi oan của Quan Âm Thị Kính được nhân vật “tôi” nhắc đến như một điển tích được dùng phổ biến trong đời sống ngôn ngữ thường ngày: “Rõ ràng oan Thị Kính nhưng An nói oan Thị Mầu, vậy nên tôi mới biết An để ý mình”. Hầu hết các nhân vật của Nguyên Hương không phải là Phật tử. Nhưng từ trong vô thức, cách nói, cảm, nghĩ của họ đều ít nhiều chịu sự chi phối của Đạo Phật. Có thể nói, truyện ngắn Nguyên Hương là một minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Phật giáo đối với tâm hồn, tình cảm, tiếng nói của người Việt.

Một dấu hiệu quan trọng khác cho thấy sự ảnh hưởng của Đạo Phật trong truyện ngắn Nguyên Hương là những tư tưởng, triết lý nhà Phật được chuyển tải trong các tác phẩm của chị. Truyện ngắn Nguyên Hương chủ yếu thuộc đề tài thế sự. Tác giả không có chủ đích minh họa cho các triết lý nhà Phật như những luận đề. Tuy nhiên, trong truyện của chị, nhiều triết lý quan trọng của Đạo Phật được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc, có khi bằng ngôn ngữ nhân vật, khi thông quan ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện, cũng có khi lại khuất sau những hình tượng nghệ thuật mà người đọc không khó để nhận ra. Chẳng hạn, chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi, truyện Nguyên Hương thường nhắc đến các kiếp của con người: “Nàng đã cầu nguyện suốt ngày đêm… gọi cả vong linh cha mẹ ông bà từ kiếp trước”; “Nàng và anh sẽ đưa các con đi nơi khác và vùi chôn sự việc vào quá khứ. Tất cả sẽ bắt đầu một kiếp khác” (truyện Dolly). Triết lý nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật cũng thể hiện sâu sắc ở nhiều truyện của Nguyên Hương. Chẳng hạn, ở truyện Mùa cá đỏ, chồng của Nhi “bây giờ đang ở tù vì buôn thuốc phiện”. Nhi cũng nghiện và đã cai nghiện thành công. Để thoát khỏi cuộc sống tội lỗi, Nhi đưa con đến một nơi xa lạ và xin làm công cho một xưởng làm chả cá. Lão chủ của xưởng chả cá này có một “bí quyết gia truyền” làm chả ngon, khiến người ta càng ăn càng nghiện. Lão thường gửi cho con gái của Nhi một ít chả cá. Sau vài lần nghi ngờ, Nhi phát hiện ra bí quyết của lão ta chính là trộn thuốc phiện vào chả. Nghĩ đến việc “khi chị đang làm chả ở đây thì ở nhà con của chị cũng đang ăn”, Nhi hoảng sợ và chua chát, tự hỏi: “Đây có phải là oan gia oan báo không?” Mùa cá đỏ là câu chuyện gây nhiều ám ảnh, ở đó, triết lý nhân quả của nhà Phật, cũng như triết lý “đời cha ăn mặn đời con khát nước” của người Việt là vấn đề khiến người đọc phải suy nghĩ.

Phật giáo cũng để lại dấu ấn trong truyện ngắn Nguyên Hương trong những thông điệp mà nhà văn gửi đến người đọc. Trong đó, thông điệp về tình yêu thương, từ bi, vị tha thường xuyên được nhắc đến. Có khi, thông điệp ấy được gửi qua hành động của nhân vật, như điều mà “ông” trong truyện Món quà vẫn thầm lặng làm mỗi tuần: “Ông vẫn mỗi tuần một buổi đi trên đường để tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là một tấm chăn bông ấm áp cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ khổ…”. Cũng có khi, thông điệp về lòng từ bi, thương yêu được nhân vật chiêm nghiệm, đúc kết sau những biến cố trong cuộc sống: “Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống, những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn” (truyện Quà muộn). Truyện Nguyên Hương lấp lánh tinh thần từ bi, vị tha của Đạo Phật. Dù cuộc sống vẫn còn đó cái xấu, cái bất công, phi lý nhưng truyện của chị luôn hướng đến các giá trị nhân văn, các nhân vật của chị vẫn dùng tình yêu thương, lòng bao dung, vị tha để đối đãi với nhau. Nương trên tinh thần từ bi của nhà Phật, những thông điệp về tình yêu thương, sự sẻ chia của truyện ngắn Nguyên Hương trở nên sâu lắng, để lại nhiều dư vị trong lòng độc giả. 

Cảm quan Phật giáo còn chi phối nhiều phương diện hình thức nghệ thuật truyện ngắn Nguyên Hương. Trong đó, nghệ thuật xây dựng nhân vật chịu sự chi phối sâu đậm nhất. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyên Hương mang Phật tính rõ nét. Họ dù khác về hoàn cảnh, xuất thân, số phận, tính cách… nhưng thường gặp nhau ở những phẩm tính của người Phật tử: giàu lòng yêu thương, nhân từ, vị tha, bao dung. Nhiều nhân vật được khắc họa nổi bật ở tấm lòng Bồ Tát. Tiêu biểu như nhân vật “ông xe thồ” trong truyện Ánh sao xa. Ông cưu mang một cháu bé là con của một cô gái bán hoa, khiến “con cái cúi gằm mặt, vợ sưng húp mắt” và bản thân bị hàng xóm hiểu nhầm, chịu tiếng oan, bị dè bỉu. Chính ông cũng hiểu “lòng tốt trở thành gánh nặng đè lên ông, đè lên tất cả”. Nhưng “thương vợ bị dày vò, thương mình bất lực, thương con bé sớm kiếp khổ”, ông đã vượt qua tất cả thị phi, ác tâm của người đời để cùng vợ con chăm sóc đứa bé lớn lên. Câu chuyện của ông khiến ta nhớ về nỗi oan của Quan Âm Thị Kính. Chính tấm lòng Bồ Tát trong ông đã mang đến ánh sáng cho một thế giới đầy xô bồ, tội lỗi. Câu chuyện của ông thắp lên trong mỗi chúng ta ánh sáng của từ tâm, của tấm lòng vị tha, bác ái. Có thể nói, xây dựng tính cách nhân vật trên nền tảng đạo đức Phật giáo, truyện ngắn Nguyên Hương đã mang đến cho văn học đương đại nhiều hình tượng nhân vật sâu sắc, độc đáo. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên sự thành công của truyện ngắn Nguyên Hương.

KẾT LUẬN

Nguyên Hương là nhà văn yêu mến, am hiểu Đạo Phật. Chị là người viết ý thức được giá trị giáo dục của đạo đức Phật giáo đối với con người hiện đại, nhất là với trẻ em. Đây chính là nguyên nhân đưa đến lựa chọn đề tài tiền thân của Đức Phật cho bộ truyện cổ tích viết lại dành cho độc giả nhỏ tuổi của nhà văn. Cảm quan Phật giáo chi phối sâu sắc các sáng tác của Nguyên Hương. Ở thể loại truyện ngắn, Đạo Phật để lại dấu ấn đậm nét trong tác phẩm của chị trên nhiều phương diện, từ sự hiện diện của các giá trị văn hóa Phật giáo đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, thể hiện không gian, lựa chọn ngôn ngữ. Không quá để khẳng định tư tưởng Phật giáo là một trong những nguồn mạch làm nên giá trị của truyện ngắn Nguyên Hương. Do đó, đọc truyện ngắn của chị dưới góc độ văn hóa Phật giáo, ta sẽ thu nhận được nhiều điều lắng sâu, ý nghĩa.

 

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Trịnh Bích Thùy, Quảng Ngãi.

[1] Lê Nhật Ký (2015), Cổ tích Nguyên Hương: Thú vị và hấp dẫn, Báo Đắk Lắk điện tử, https://baodaklak.vn/channel/3522/201503/co-tich-nguyen-huong-thu-vi-va-hap-dan-2378122/. 

[2] Lê Nhật Ký (2019), Nhà văn Nguyên Hương và miền cổ tích Phật giáo, Báo Đắk Lắk điện tử, https://baodaklak.vn/channel/3608/201904/nha-van-nguyen-huong-va-mien-co-tich-phat-giao-5630781/.

[3] Lê Nhật Ký (2019), “Nguyên Hương viết truyện cổ tích về Đức Phật”, báo Người lao động điện tử, https://phunu.nld.com.vn/van-nghe/nguyen-huong-viet-truyen-co-tich-ve-duc-phat-20190417212245136.htm. 

[4] Nguyên Hương (2006), Mẹ con Đậu Đũa, Tuyển tập truyện ngắn, Nxb. Trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *