Tìm hiểu sự liên hệ giữa Ngũ uẩn (Pañcakkhandhā) và 18 Giới (Dhātu) (Tỳ kheo Thích Đạo Tấn)

Trong suốt 45 năm, không hề mỏi mệt, Đức Phật đã tận tâm với công việc hoằng pháp. Ngài khải thuyết nhiều pháp thoại phù hợp với căn tính của mỗi người, ngõ hầu mở ra cánh cửa bất tử cho họ. Tìm hiểu về triết lý Phật giáo, có thể tìm thấy những cách thức phân tích khác nhau. Những cách thức phổ biến nhất phải kể đến đó là Danh-sắc (nāmarūpa), Uẩn (khandha), Xứ (āyatana), Giới (dhātu)… Sở dĩ, nói theo nhiều cách như thế là dựa trên căn tính và sở thích của thính chúng. Hay nói cách khác, đây là những cách thức nhằm tối ưu hóa việc tiếp cận chân lý giải thoát. Trên cơ sở đó, A-tỳ-đàm (Abhidhamma) đã cố gắng phát triển học thuyết pháp (dhammā) để tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các phạm trù. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sẽ tiến hành làm rõ sự liên hệ giữa Uẩn (khandha) và Giới (dhātu). 

KHÁI NIỆM VỀ NGŨ UẨN (pañcakkhandhā), GIỚI (dhātu)

Khái niệm Uẩn (khandha)

Uẩn có nghĩa là khandha trong Pāḷi. Từ khandha không được phát minh bởi Đức Phật, mà Ngài đã kế thừa và làm cho nó trở nên rõ ràng hơn. Mathieu Boisvert nhận định từ khandha đã xuất hiện trong văn học tiền Phật giáo và tiền Upaniṣad [1]. Nhận định này của Mathieu Boisvert không có gì là đường đột, vì một số khái niệm khác cũng được tìm thấy trong văn học Pāḷi, mà chính Đức Phật đã chấp nhận chúng trong học thuyết của Ngài như: Kamma, saṃsara, tathāgata, arahatta… Đức Phật đã sử dụng từ khandha để chỉ cho trạng thái của con người.

Cái được gọi là “bản ngã” chỉ là sản phẩm của ý niệm sai lầm về thực tại đang là và ảo tưởng đó chính là thức ăn cho tư tưởng bản ngã. Ảo tưởng chỉ chấm dứt khi con người tự mình thấy rõ bản chất thật của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) bằng sự hiểu biết đến từ thiền tuệ (vipassana).

Thuật ngữ khandha hay Uẩn có nghĩa là tích, chứa, góp [2]. Theo quan điểm Phật giáo, từ khandha được sử dụng để giải thích con người như là một tập hợp gồm nhiều yếu tố. Đây chính là nét đặc thù của Phật giáo. Từ ý nghĩa đó, Dickwela Piyananda đã nhận định rằng: “Các uẩn không chỉ hé lộ sự toàn diện tất cả các phần tử cấu thành của tâm, mà còn phân tích trọn vẹn hữu tình như một hợp thể của danh và sắc” [3]. Như thế, rõ ràng các uẩn là cách phân tích con người như một sự kết hợp của danh (nāma) và sắc (rūpa). 

Uẩn (khandha) có 5 tập hợp, được gọi là Ngũ uẩn (pañcakkhandhā). Năm uẩn đó bao gồm:

Sắc uẩn (Rūpakkhandha), 

Thọ uẩn (Vedanakkhandha), 

Tưởng uẩn (Saññakkhandha), 

Hành uẩn (Saṅkhārakkhandha),

Thức uẩn (Viññāṇakkhandha).

Theo Ấn Độ Phật giáo sử luận, Viên Trí nhận định Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) là giáo lý quan trọng, phản ánh một cái nhìn mới của Phật giáo về bản chất cấu thành con người. Mỗi uẩn không hoạt động riêng lẻ, mà chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau – tức là sự tồn tại của một uẩn có nghĩa là sự tồn tại của năm uẩn [4].

Khái niệm Giới (dhātu)

Giới có nghĩa là dhātu trong Pāḷi. Nó là yếu tố chỉ cho đặc tính riêng của mỗi pháp (dhamma) [5]. Vì có Giới (dhātu) mà mọi thứ được phân định rõ ràng, không lẫn lộn. Hay nói cách khác, Giới (dhātu) là pháp tự trì trạng thái. Ví dụ, tuy các loại vật chất như sắt, đồng, vàng, bạc, đá… được sắp xếp cùng một chỗ, nhưng chúng không bị hòa trộn vào nhau, mà vẫn giữ được đặc tính riêng của từng loại. Cái mà làm ra sự phân định rõ dệt của từng loại đó chính là Giới (dhātu). 

Giới (dhātu) có 18 loại [6], cụ thể là:

Như trên đã đề cập, Giới (dhātu) là pháp tự trì trạng thái, cho nên, nhãn giới (cakkhudhātu) bị hạn định bởi sắc thần kinh nhãn (cakkhupasāda). Đây là phần sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa trong con người. Nó là chỗ nương cho nhãn thức (cakkhuviññāṇa) khởi lên để làm nhiệm vụ nhận biết cảnh sắc (rūpārammaṇa). Còn sắc giới (rūpadhātu) là sắc chất, thứ mà nương vào sắc tứ đại (mahābhūta) để khởi lên như các màu… Và nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) đó là tâm (citta). Nhĩ giới (sotadhātu) bị hạn định bởi sắc thần kinh nhĩ (sotapasāda). Đó là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa bên trong lỗ tai. Nó là chỗ nương cho tâm nhĩ thức (sotaviññāṇa) khởi lên để làm nhiệm vụ nhận biết cảnh thanh (saddārammaṇa). Thanh giới (saddadhātu) đó là thanh chất, thứ mà nương vào sắc tứ đại (mahābhūta) để khởi lên. Nó là loại sắc vô kiến hữu đối chiếu. Còn nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu) chính là tâm (citta). Tương tự như thế đối với các Giới (dhātu) còn lại. Do đó, trong 18 Giới (dhātu) này, mỗi thứ đều có đặc tính riêng và có phận sự riêng. 

BẢN CHẤT CỦA NGŨ UẨN (pañcakkhandhā) VÀ 18 GIỚI (dhātu)

Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), ngài Buddhaghosa chỉ rõ bản chất vô thường (anicca) của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) xảy ra ngay trong bản thân của mỗi uẩn (khandha). Ví dụ, vô thường của sắc có đặc tính là tan rã hoàn toàn và có nhiệm vụ là làm cho sắc pháp (rūpadhamma) chìm xuống. Đặc tính vô thường bị che ám bởi tính tương tục. Mà tính tương tục là một khái niệm được đặt ra khi con người không thấy sự sinh diệt của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) hay Danh-sắc (nāmarūpa). Khái niệm này ngụ ý rằng tất cả các pháp có sự liên tục, không gián đoạn. Cái gì vô thường (anicca) là khổ (dukkha), cho nên năm uẩn có đặc tính khổ (dukkha). Đặc tính khổ (dukkha) này của nó được biểu hiện qua sự bức bách không ngừng. Nó bị che lấp bởi tính duy trì lâu. Ví dụ, nếu ngồi quá lâu trong một tư thế, cảm giác đau sẽ xuất hiện trên thân. Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) là vô ngã (anatta), bởi vì cái gì mang đặc tính khổ (dukkha) là vô ngã (anatta). Nó bị che đậy bởi tính bất khả phân hay tính nguyên khối, cho nên, không thấy rõ được tính cách có thể phân ly. A-tỳ-đàm (Abhidhamma) phân tích danh (nāma) và sắc (rūpa) thành nhiều đơn vị nhỏ. Cách phân tích này với mục đích chỉ rõ mọi thứ có thể chia chẻ thành nhiều thứ cấu tạo nên chúng. Đồng thời cũng chỉ ra tính duyên khởi vốn là quy luật vận hành của vạn hữu. 

Đức Phật đã phủ nhận tất cả quan niệm về “ngã” (atta), vì vậy, theo Phật giáo, không hề có khái niệm người làm hay người tạo tác ngoài hành động được gọi là nghiệp (kamma) và cũng không có người cảm thọ (vedanā) ngoài cảm thọ (vedanā). Chúng chỉ đơn thuần là những diễn trình tâm-vật lý thôi và đều vận hành theo quy luật của pháp hữu vi (saṅkhāra). Sự có mặt của con người chỉ là sự hiện hữu của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) hay Danh-sắc (nāmarūpa). Ngoài những yếu tố thực tại này ra, không có bất cứ cái gì khác hiện hữu để chúng ta gọi đó là ngã (atta). Như thế, cái được gọi là bản ngã chỉ là sản phẩm của ý niệm sai lầm về thực tại đang là và ảo tưởng đó chính là thức ăn cho tư tưởng bản ngã. Ảo tưởng chỉ chấm dứt cho đến khi nào con người tự mình thấy rõ bản chất thật của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) bằng sự hiểu biết đến từ thiền tuệ (vipassana). Vì vậy, ý niệm về bản ngã sẽ không bao giờ tồn tại trong bất kỳ thực tại sinh động tương ứng nào.

Theo Phật giáo, nếu một người cho rằng tự ngã là Ngũ uẩn (pañcakkhandhā), người đó phải có quyền hạn với nó, tức là họ có quyền sai sử Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi, vì con người không thể áp đặt bất kỳ quan điểm cá nhân nào lên những quy luật tự nhiên khách quan. Các uẩn phối hợp với nhau một cách hoàn mĩ và tạo nên một chỉnh thể thống nhất bất khả phân, mà mỗi cái làm duyên cho nhau. Phía sau mỗi uẩn, hoàn toàn không xuất hiện vai trò của người điều khiển, mà chỉ có mối tương giao giữa chúng đang vận hành. Cho nên, nếu ai chấp thủ về một bản ngã bất biến thường hằng trong Ngũ uẩn (pañcakkhandhā), tất yếu người ấy sẽ bị khổ đau. Tóm lại, bản chất của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Ba đặc tính này phô bày thực tính của tất cả các pháp hữu vi (saṅkhāra). Con người là sự kết hợp của năm uẩn, vì vậy con người không thể tránh khỏi sự chi phối của ba đặc tính này. Nhận thức đúng đắn về bản chất của Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) sẽ loại bỏ được tư tưởng bản ngã và mọi ảo tưởng sai lầm, ngõ hầu thiết lập một đời sống an vui, tĩnh tại, giải thoát.

Có hai lý do mà Đức Phật nói về Giới (dhātu). Thứ nhất, là điều chỉnh nhận thức của con người. Thứ hai, là vì lợi ích cho chúng sinh. Về phương diện nhận thức, con người luôn có ý niệm về một bản ngã (atta). Đây là kết quả của việc nhận thức sai lầm về thực tại, mà vô minh (avijjā) và ái dục (taṇhā) đóng vai trò chủ đạo. Trong lịch sử văn minh nhân loại, ý tưởng về bản ngã luôn là vấn đề trọng tâm. Nó được cưu mang trong tất cả các lĩnh vực như: Tôn giáo, nghệ thuật, văn học, chính trị,… và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó bám chặt vào ý thức con người như một thực thể khao khát muốn tồn tại và muốn được công nhận. Như thế, ý tưởng về bản ngã vươn dài những xúc tua bạch tuộc của mình vào xung quanh môi trường mà nó đang có mặt, vào mối quan hệ đó đang có và vào cái nó cảm giác được sở hữu. Tất cả những cái đó được gọi là ngã sở. Ngã và ngã sở đã ăn sâu trong tiềm thức con người, thậm chí nó còn được lập trình và cài đặt dưới nhiều dạng thức hoạt động khác nhau của bản năng, thói quen, tập khí theo dạng nghiệp lực (kamma). Tuy nhiên, đằng sau thứ được gọi là bản ngã kia chỉ là hoạt động của Giới (dhātu). Đức Phật sử dụng danh từ Giới (dhātu) để chỉ rõ cái không có linh hồn hay tự ngã (atta) [7]. Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) gọi nó là nhà không (suñño gāmopeso) [8]. Về phương diện lợi ích cho chúng sinh, trong khi thuyết giảng, tùy thuộc vào đối tượng nghe mà Đức Phật thuận theo đó để dẫn dắt họ thể nhập Thánh đạo (ariyamagga). Vì thế, phương pháp được Ngài sử dụng có thể được trình bày tóm tắt hay diễn rộng về ý nghĩa. Do đó, 18 Giới (dhātu) có khả năng là cách khai triển rộng của Danh-sắc (nāmarūpa) và Ngũ uẩn (pañcakkhandhā). 

SỰ LIÊN HỆ GIỮ NGŨ UẨN (pañcakkhandhā) VÀ 18 GIỚI (dhātu)

Giới (dhātu) có 18 thứ. Đây là cách phân tích theo A-tỳ-đàm (Abhidhamma). Nó có phần khác biệt so với sự phân tích trong kinh tạng Pāḷi. Theo kinh tạng, dhātu được phân thành 6 thứ. Sáu thứ đó là Địa giới (pathavīdhātu), Thủy giới (āpodhātu), Hỏa giới (tejodhātu), Phong giới (vāyodhātu), Hư không giới (ākāsadhātu) và Thức giới (viññāṇadhātu) [9]. Do đó, Giới (dhātu), theo phân tích của A-tỳ-đàm (Abhidhamma), có liên hệ đến căn, trần và thức.  

Mười tám Giới (dhātu) được phân thành hai loại, thô (olārika) và tế (sukhuma). Thô (olārika) có 10 thứ và tế (sukhuma) có 8 thứ. Mười giới thô (olārika) tương ứng với 12 sắc thô. Vì ba loại sắc tứ đại: Đất (patha), lửa (tejo) và gió (vāyo) đều thuộc về Xúc giới (phoṭṭhabbadhātu) [10]. Cho nên, có tổng số là 12 sắc thô, thuộc về Sắc uẩn (rūpakkhandha).

Năm thức Giới (dhātu) đó là nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu), nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu), tỷ thức giới (ghānaviññāṇadhātu), thiệt thức giới (jivhāviññāṇadhātu) và thân thức giới (kāyaviññāṇadhātu) thuộc về 18 tâm vô nhân (ahetukacitta); mỗi thứ có 2 pháp dựa vào đặc tính, quả thiện (kusalavipāka) và quả bất thiện (akusalavipāka), mà A-tỳ-đàm (Abhidhamma) chỉ rõ là ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa). Năm loại thức giới 0này đều thuộc về thức uẩn (viññāṇakkhandha).

Ý giới (manodhātu) được định nghĩa như là tâm (citta), ý (mano), thức (viññāṇa), thức uẩn (viññāṇakkhandha)… [11]. Nó bao gồm 3 pháp liên quan đến thực tính pháp (sabhāva). Ba pháp đó là 1 tâm khai ý môn (manodvāravajja) và 2 tâm tiếp thu (sampaṭicchana). Ba loại tâm này đều thuộc về thức uẩn (viññāṇakkhandha).

Ý thức giới (manoviññāṇadhātu) cũng là tâm (citta), ý (mano), thức (viññāṇa) hay thức uẩn (viññāṇakkhandha) [12]. Trong số 89 tâm (citta), thì ý thức Giới (manoviññāṇadhātu) này bao gồm 76 tâm (citta) [13]. Tuy nhiên, trong trường hợp này chỉ có 68 tâm hiệp thế (lokiya citta) [14] thuộc về thức uẩn (viññāṇakkhandha), trừ ra 8 tâm siêu thế (lokuttara citta), vì các tâm siêu thế là ngoại uẩn. Cuối cùng là pháp giới (dhammadhātu). Nó được định nghĩa như là thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha) [15]. Cả hai Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī) và Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) đều cho định nghĩa giống nhau. Tuy nhiên, Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) liệt kê thêm hai pháp nữa, đó là sắc tế (olārikarūpa) và Niết-bàn (nibbana) [16]. Do đó, pháp Giới (dhammadhātu) bao gồm 20 loại là ba uẩn vô sắc, 16 sắc tế và Niết-bàn [17]. Từ ý nghĩa này cho thấy ba uẩn: Thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và 16 sắc tế (olārikarūpa) thuộc về pháp Giới (dhammadhātu). 

KẾT LUẬN

Tìm hiểu về mối liên hệ giữa Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) và 18 Giới (dhātu) là rất quan trọng. Nó giúp ta thấy rõ bản chất nội tại trong lời dạy của Đức Phật, để từ đó tìm thấy tính bất nhị trong giáo lý. Xét về bản chất, giữa Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) và 18 Xứ (dhātu) không có gì khác biệt, mà sự khác biệt đó chỉ là cách thức khai triển giáo lý tùy theo căn cơ và sở thích của thính chúng. Cho nên, khi Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) thì Ngài cũng nói về 18 Giới (dhātu). Đức Phật thuyết về Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) và Giới (dhātu) với mục đích phá trừ tà kiến (diṭṭhi) của con người về một bản ngã thường hằng, bất diệt; để từ đó mở ra cánh cửa bất tử cho nhân loại. Ngoài ra, hiểu được sự liên hệ giữa Ngũ uẩn (pañcakkhandhā) và 18 Giới (dhātu) sẽ giúp người học Phật tăng trưởng về Pháp học và Pháp hành, đặc biệt là ứng dụng trong pháp hành Thiền tuệ (Vipassana) hay pháp hành thiền Tứ niệm xứ.  

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo: 

[1] Mathieu Boisvert (1995), The Five Aggregates: Understanding Theravāda Psychology and Soteriology, Wilfrid Laurier University Press, Canada, p.16.

[2] Thiều Chửu (2011), Hán Việt Tự Điển, Nxb Văn hoá Thông tin, tr.517.

[3] Dickwela Piyananda (1974), The concept of mind in early Buddhism, Washington, D.C., p.76.

[4] Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.91.

[5] Anuruddhācariya (1987), A Manual of Abhidhamma, Nārada Thera (trans.), BMS, p.394.

[6] Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.61.

[7] Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, tập 2, Thích Nữ Trí Hải (dịch), Nxb. Hồng Đức, tr.268.

[8]Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.61.

[9] Sđd, tr.57.

[10] Bộ Pháp Tụ (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.111.

[11] Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.62.

[12] Sđd, tr.63.

[13] Tâm bất thiện (12) + Tâm vô nhân (5) + Tâm dục Giới tịnh hảo (24) + Tâm đáo đại (27) + Tâm siêu thế (8).

[14] Tâm bất thiện (12) + Tâm vô nhân (5) + Tâm dục Giới tịnh hảo (24) + Tâm đáo đại (27).

[15] Bộ Pháp Tụ (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.21.

[16] Bộ Phân Tích (2012), Tịnh Sự (dịch), Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, tr.62.

[17] Buddhaghosa (2014), Thanh Tịnh Đạo, tập 2, Thích Nữ Trí Hải (dịch), Nxb. Hồng Đức, tr.273.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *