Ngày nay, thiền định không những được biết đến qua tên tuổi các vị Thiền sư, qua những công án thiền, mà còn thực sự đi sâu vào đời sống tu tập nội tâm của mỗi người. Các khóa tu tập thiền định, thiền quán dành cho Tăng Ni, Phật tử và người mến độ đạo Phật được tổ chức ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Từ đó, nếp sống hành thiền đã đi sâu vào đời sống. Đây thật sự là một phương thức minh triết, trở về nếp sống tu tập thiền định để chuyển hóa tâm thức, nhằm đem lại bình an nội tại trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay.
GIỚI THUYẾT VỀ THIỀN
Bởi mang ý nghĩa “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, “Thiền (trở nên) là cái phi lý nhất, khó quan niệm nhất trong đời” [14, tr.1992]. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hiểu thiền từ nhiều phương diện khác nhau.
Định nghĩa về thiền: Thiền tiếng Pali là Jhàna, Phạn ngữ là Dhyana. Từ Jhàna hay Dhyana có nghĩa là tịnh lự hay tư duy. Trong đó, tịnh lự: Là để tâm vắng lặng mọi vọng thức điên đảo, mọi tư tưởng tư lự (mang tính chất thiền chỉ); tư duy: Là suy nghiệm, nghiên cứu, suy tư những đối tượng của tâm thức (mang tính chất thiền quán). Từ ghép “thiền định”, với “định”: Phạn ngữ là Samadhi đi từ động từ căn là Dha, nghĩa là nhóm lại, tụ vào một điểm chính xác, hợp lý. Như vậy, “thiền định” được hiểu là một phương pháp làm cho tâm vắng lặng, đưa tâm đến trạng thái chuyên chú, nhất tâm.
Thiền sư Huệ Hải cũng định nghĩa về thiền định như sau: “Vọng niệm chẳng sanh là thiền, thấy bản tánh là định”. Cũng trong ý đó, Lục tổ Huệ Năng nói: “Bên ngoài dứt tất cả các huyễn tướng ấy gọi là thiền, bên trong đoạn trừ tất cả các tâm niệm loạn động, tà vạy ấy gọi là định” [6, tr.187].
Từ các định nghĩa trên, ta thấy thiền định là một phương pháp làm cho thân chánh tâm an, dứt trừ mọi ràng buộc vọng động, hướng tâm thẳng vào đối tượng để khám phá sự thật của chính nó. Thiền gọi đó là “Ngộ”. Ngộ là ý nghĩa quan trọng trong thiền. Thiền không thể thiếu sự chứng ngộ, sự chứng ngộ không thể tách rời thiền. Đó là chất keo tạo nên ý nghĩa rốt ráo và đầy ý vị trong thiền.
Phân loại
Theo truyền thống tu tập, thiền của Phật giáo gồm hai nhánh lớn là: Thiền chỉ và thiền quán.
– Thiền chỉ: Tự điển Phật học của Đoàn Trung Còn định nghĩa: “Chỉ” tiếng Phạn là Samatha, tức là ngưng lại, tắt đi… là ngừng tắt cái tâm náo động của mình, khiến cho tâm định chỉ về một nơi. Nói cho dễ hiểu, “chỉ” là dừng lại, là “chế tâm nhất xứ”. Bởi vì tâm chúng sanh là con vượn chuyền cành lao xao loạn động nên muốn định, trước phải dùng thiền chỉ, một hình thức trú tâm trên một đối tượng nhất định. Chẳng hạn như trú tâm vào hơi thở vào và ra, bạn chỉ ý thức về hơi thở vào ra mà tuyệt nhiên không để tâm rong ruổi theo trần cảnh. Đây là bước đầu của người hành thiền vậy.
– Thiền quán (vipassana): Là phương pháp tu tập bằng cách theo dõi, phân tích một đối tượng qua cái nhìn tư duy vận chuyển trên nền tảng Duyên khởi hay ba pháp ấn, tức là chánh tư duy. Thiền quán là sắc thái trí tuệ đặc biệt của thiền Phật giáo.
Thiền chỉ và thiền quán đều thể hiện rõ đặc trưng của thiền là tịnh chỉ, là định, là hướng đến tuệ. Cho nên, điểm gặp nhau đáng chú ý của hai loại thiền này là cùng dùng đến điểm trú tâm. Bởi nếu “chỉ” là dừng tâm thì cũng phải dùng tâm trên một đối tượng nào đó; và nếu “quán” là soi chiếu, là nhìn và thấy thì cũng phải có sự trú tâm trên đối tượng cụ thể, sự soi chiếu mới đưa đến nhất tâm được. Chỉ và quán là hai pháp tu của thiền Phật giáo, tuỳ căn cơ, trình độ và tuỳ “hoàn cảnh tâm” mà chọn thiền chỉ hay thiền quán cho thích hợp. Hành giả cần biết rõ mình đang cần chỉ hay quán cho tâm hiện tại. Xét cho cùng, phương thức thực hành thiền định rốt ráo nhất vẫn là chỉ quán song tu.
THIỀN VÀ TƯ TƯỞNG SỐNG
Tinh thần vô cầu
Tinh thần vô cầu không nên hiểu theo nghĩa ngộ nhận là không được mong cầu gì cả, chỉ ăn không ngồi rồi, ai cho gì thì tốt, không cũng tốt; không phải theo chiều hướng thụ động như vậy. Vô cầu ở đây chính xác là thiểu dục tri túc, biết đủ với những với những gì mình đang có. Chúng không phải là một giáo lý khuyến khích sự tự mãn mà biểu lộ thái độ sống biết đủ với những nhu cầu chính đáng của con người.
Thiểu dục tri túc
Nguyên nghĩa là ít ham muốn – biết đủ. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh, là hệ quả của tri thức sâu xa bắt nguồn từ sự chứng ngộ của Đức Phật. Tri thức ấy, về nhận thức là xác chứng theo nguyên lý duyên khởi hình thành nên vũ trụ vạn hữu, về mặt giới đức là từ bỏ hai cực đoan sống đam mê trong dục vọng và khắc khổ huỷ hoại bản thân. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải là một giáo điều cứng nhắc trói buộc con người, vì nói biết đủ chứ không nói bao nhiêu là đủ; cũng như nói ít ham muốn, chứ không nói chừng nào mới là ít ham muốn. Nên thiểu dục tri túc giúp chúng ta cân bằng lại sự sống, không đắm vào thỏa mãn những dục lạc bản thân, cũng không cực đoan khổ hạnh. Hai cực đoan này, lúc đi tìm thầy học đạo, Đức Phật đã kinh qua nhưng thật sự không đem lại hạnh phúc cho bản thân. Từ bỏ hai cực đoan này, đi trên con đường trung đạo, Ngài đã giác ngộ. Khi thành Chánh giác, Đức Phật liền nhớ đến những người bạn cùng tu với mình đang mắc phải hai cực đoan này không thể tu tập giải thoát được. Ngài liền rời cội Bồ đề ở Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) tiến về vườn Nai (Migadaya) chỗ chủ Thiên đọa xứ để độ cho năm anh em Kiều Trần Như (Kodãnnà). Mở đầu bài Sơ chuyển pháp luân, Đức Phật dạy: “Này Kiều Trần Như! Năm ông hiện nay đang mắc phải một cái bệnh hiểm nghèo là bệnh chấp chặt một phía. Bắt nhục thể phải chịu khổ chỉ càng khiến tâm thần thêm rối loạn. Trái lại, cho thân trọng bên này hoặc bên kia, đều không thể thành tựu đại đạo căn bản. Vấn đề này, ta đã thấu rõ khi còn ở trong vương cung và khi ta cùng các ông tu khổ hạnh sáu năm. Xa lìa ép xác khổ hạnh lẫn dục lạc đó là con đường trung đạo, đưa đến giác ngộ tối cao” [4, tr.54].
Do đó, khi dạy về thiểu dục tri túc, Đức Phật không có ý định thắt chặt những nguyện vọng, những nhu cầu của con người. Sự thật, dạy thiểu dục tri túc, Đức Phật chỉ nhắm đến khía cạnh tâm lý, thấy rằng về mặt tâm lý, thiểu dục tri túc có tác dụng chữa khỏi những ham muốn không biết đủ, gây nên những khổ não, giày vò bất an cho con người. Lại nữa, thiểu dục tri túc còn giúp con người bình đẳng trước hạnh phúc, vì hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý con người, chứ không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít. Nên Đức Phật dạy: “Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Cũng trong ý đó, nhà Nho Nguyễn Công Trứ đã nói: “Biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ” [10, tr.72]. Đây là nhân tố khiến chúng sanh bất an và khổ đau.
Con đường đoạn tận khổ đau không gì ngoài phương thức sống ly dục. Ở đây, ly dục không có nghĩa là phủ nhận sự hiện diện của vật chất mà sử dụng vật chất ở vị thế của người chủ, không phải một nô lệ. Khi chúng ta là chủ, tài, sắc, danh, thực, thùy đều không cám dỗ được ta. Nên đời sống thiểu dục tri túc của một tu sĩ không những làm cho tự thân thanh tịnh giải thoát mà còn giúp xã hội ổn định an sinh.
Tuy nhiên sự thể hiện thiểu dục tri túc của Phật giáo không chỉ dừng lại trong phạm vi dục giới, sắc giới và vô sắc giới mà với cả ý niệm về Niết bàn cũng vậy. Nghĩa là không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không xa lìa sanh tử, cũng không ham thích Niết bàn, không chấp trú pháp vô vi, không chấp xả pháp hữu vi mà vượt ra ngoài phạm trù nhị nguyên đối đãi. Thậm chí, ngay cả ý niệm về thiểu dục tri túc của hành giả cũng phải xả, chỉ sống với phương châm “im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp”. Cái im lặng không còn ý niệm hữu – vô, thường – đoạn, sinh – diệt, khứ – lai. Cái im lặng bởi không còn bóng dáng của tham, sân, si, chủng tử bất thiện. Chính giây phút đó mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi đều chứa đựng Phật pháp, đều thể hiện tinh thần vô trụ vậy.
Tinh thần vô trước
Đức Phật dạy nguyên nhân của đau khổ là do vô minh dẫn đến tham ái và chấp thủ, mà căn bản là tham, sân, si. Càng bớt tham, sân, si thì càng an lạc hạnh phúc, hay nói cách khác, khi vắng mặt tham, sân, si sẽ tự tại giải thoát. Sở dĩ chúng sanh chìm đắm trong mọi phiền não và khổ đau là vì bệnh chấp ngã, chỉ cần đoạn trừ được ngã chấp thì phiền não sinh tử không còn. Đoạn trừ ngã chấp có nghĩa là không chấp trước cái ngã và ngã sở nữa. Sự xả bỏ của cải, thân mạng và những cái ngã ái chấp đây là của ta, đó là xả ly ngã sở. Sự xả bỏ tâm niệm và ý niệm chấp đây là ta, đây là tự ngã của ta, đó là xả ly ngã. Cho nên, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, phàm sắc gì quá khi, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần cần phải được như thật quán với chánh trí: Cái này không phải là của ta, cải này không phải là ta, cải này không phải là tự ngã của ta. Phàm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì…thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thẳng, xa hay gần cần phải được như thật quán với chánh trí: Cải này không phải là của ta, cải này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.
Này các Tỳ kheo, bậc đa văn thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán vị ấy ly tham và giải thoát. Khi giải thoát biết rằng đã giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên: Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này” [1, tr.143-144].
Chấp ngã là chấp ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngã. Con người chấp cả năm uẩn là ngã, hoặc chấp từng uẩn riêng làm ngã, như chấp sắc là ngã, thọ là ngã hay hành là ngã. Nhưng dù chấp cả năm uẩn hay một uẩn cũng dẫn đến phiền não khổ đau. Vì con người không hiểu rõ thân ngũ uẩn là giả tưởng của năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo thành, nó không phải là một thực thế mà chỉ là sự giả hợp, nó luôn luôn thay đổi và biến hoại. Chấp năm uẩn kết hợp lại làm ngã tức chấp thân là một cá thể tồn tại độc lập, là một chủ thể có tự tính. Nhưng thật ra bản chất của nó là do năm uẩn kết hợp tạo thành, năm uẩn nương vào nhau mà tồn tại và luôn ở trạng thái sinh diệt và biến dị. Đức Phật đưa ra sự tác hại của sự chấp ngã: “Ai khởi lên ý nghĩ: “Cái gì chắc chắn là của ta, nay không còn của ta nữa. Cái gì chắc chắn của ta, chắc chắn ta không được cái ấy. Suy nghĩ như vậy, nó phiền muộn than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đưa đến bất tỉnh”. Còn những ai cho rằng: “Sau khi ta chết, sẽ thường hằng, thường tồn, thường tại mãi mãi. Khi nghe Đức Phật giảng pháp, sẽ bạt trừ được kiến xứ, tịnh chỉ được các hành, từ bỏ mọi sanh y, đoạn trừ khát ái”. Thời vị ấy sầu muộn… vì nghĩ rằng mình sẽ bị hoại diệt, không còn tồn tại. Cho nên mọi khổ đau khởi lên đều do chấp năm thủ uẩn này, là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Sắc là vô thường, cái gì vô thường là có khổ” [1, tr.310].
Vậy để diệt trừ tham, sân, si chúng ta phải làm thế nào? Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” – nghĩa là không nên trú vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không trú vào tài sản, danh lợi, ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả… mà sanh tâm phân biệt chấp thủ ngã tướng. “Không trụ” ở đây không có nghĩa là nhắm mắt, bịt tai giữa cuộc đời, cũng chẳng phải rời xa hay chạy trốn cuộc đời, mà chính trong đời ác trược này, ngay tại đây, ta vẫn hít thở, vẫn sống, vẫn nhìn,… Nghĩa là, đối với năm giác quan, ta vẫn sử dụng nhưng theo thái độ khác. Nhìn chỉ là nhìn, nghe chỉ là nghe, ngửi chỉ là ngửi, nếm chỉ là nếm mà thôi. Ở đây, không phải mắt, tai, mũi, lưỡi mất tác dụng mà chúng vẫn làm mọi việc, nhưng hoạt động dưới ánh sáng vô ngã, vô trụ, vô nhiễm, đã thoát ra khỏi mọi hệ lụy cuộc đời. Như Đức Phật từng dạy: “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong các nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ, tưởng sẽ chỉ là thọ, tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Như vậy là đoạn tận khổ đau”. Được như thế, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mọi thanh sắc có quyến rũ đến đâu thì lòng vẫn an nhiên tự tại, không sợ bất cứ điều gì nữa, khi đó có xông pha giữa cuộc đời và dạo đi khắp các xứ sở cũng không bị cuộc đời chi phối. Vì ngộ được ý nghĩa đó nên ngài Bàng Uẩn nói rằng: “Thể tự vô tâm nơi vạn vật
Đâu sợ vạn vật thường nhiễu quanh”.
Am hiểu tinh thần này nên Quốc sư Vạn Hạnh đã đóng góp vai trò quyết định trong cuộc chuyển giao nhà Tiền Lê – lập ra nhà Lý, đứng đầu là Lý Công Uẩn, học trò của Ngài. Từ đó, mở ra triều Lý là giai đoạn thịnh thế của Phật giáo Việt Nam thời Trung đại. Làm một việc có giá trị lịch sử muôn đời như vậy, nhưng trong thị tịch, Thiền sư Vạn Hạnh chỉ viết:
“Nhậm vận thần suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
(Vận động tuỳ theo quy luật thịnh suy
Xem thịnh suy chỉ như là sương mai trên đầu ngọn cỏ).
Không còn bảo thủ, cố chấp về tư tưởng, sở kiến, sở hành, do đó chúng ta không bị ràng buộc, chi phối và phiền não khổ đau. Ngã chấp được đoạn tận đồng nghĩa với tham, sân, si không còn, chúng ta sẽ giải thoát khỏi những nỗi lo sợ và bất an. Không còn thấy tự ngã, tức là một cái ta riêng biệt với những cái ta khác, tất nhiên ta sẽ sống một đời sống hữu ích cho mình và cho người, dám hy sinh cho tất cả.
ỨNG DỤNG THIỀN TRONG NẾP SỐNG HÀNH GIẢ THỜI HIỆN ĐẠI
Tinh tấn thực hành thiền để xây dựng nếp sống minh triết
Từ lâu, Thiền tông đã được xem là suối nguồn tinh thần của người dân Việt Nam. Cuộc sống mọi người sẽ an lạc, hoàn thiện hơn khi tu tập theo tinh thần Phật giáo. Bởi Phật giáo khước từ những bạo động, chấm dứt nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chỉ rõ cho con người biết đâu là con đường đưa đến xấu xa, tội lỗi, đâu là con đường đến với đời sống cao thượng. Thực tập thiền là thực tập khả năng thương yêu, bao dung và tha thứ; biết ôm ấp và chia sẻ những khó khăn của người mình thương, để tạo ra chất liệu hiểu biết và thương yêu, an lạc và hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Khi trong tâm thật sự có an lạc và hạnh phúc do tu tập đem lại, chúng ta sẽ không thể nào đi tìm kiếm những ảo tưởng bên ngoài.
Xã hội bình an và hạnh phúc khi nào con người biết dừng lại và chuyển hóa những yếu tố tiêu cực đang hiện hữu trong tự thân, để xây dựng nếp sống cao đẹp, để có chất liệu của con người và bảo vệ tình người, tình đồng loại. Vì vậy, thế giới ngày nay đang kêu gọi con người phải hiểu nhau, thương nhau, cùng nhau tạo dựng một xã hội bình an và hạnh phúc dựa trên nguyên tắc hòa bình, không tranh cãi. Do đó, thực tập thiền với nếp sống hiểu biết và thương yêu là rất cần thiết. Đừng nghĩ rằng thực tập thiền là thực tập cho Phật giáo. Chúng ta thực tập thiền để có an lạc và hạnh phúc trước, sau đó đem nguồn năng lượng tích cực đó đến với người khác; tự độ – độ tha lưỡng lợi.
Kiến tạo nếp sống tỉnh thức
Như trong căn phòng được thắp sáng bởi một ngọn nến lung linh, bóng tối sẽ tan biến và chúng ta nhìn thấy rõ từng vật dụng trong đó. Cũng vậy, khi chánh niệm tỉnh giác được thắp lên, mọi vọng tưởng sẽ biến mất, chúng ta sẽ ý thức tất cả những ý niệm như chúng đang là. Chúng ta sẽ biết mình đang làm gì, nói gì, nghĩ gì. Ba nghiệp thường xuyên được kiểm soát như vậy, chúng ta sẽ nhanh chóng có niềm an lạc hạnh phúc trong hiện tại. Nếp sống chánh niệm tỉnh thức như Đức Phật dạy: “Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại/ Kẻ thức giả an trú/ Vững chãi và thảnh thơi” [1, tr.442].
Thật vậy, nếu như một người tập thiền đợi đến giờ nhất định mới đi vào tọa thiền để có được sự chánh niệm tỉnh giác thì người hành thiền ấy chưa phải là người thực tập thiền giỏi. Một người hành thiền giỏi là người biết ứng dụng thiền đi vào đời sống có hiệu quả nhưng không đánh mất đi sự chánh niệm tỉnh giác của mình. Như ở trong thiền đường, ngồi im lặng và theo dõi từng hơi thở để cho thân và tâm tĩnh lặng, tự chủ và an lạc thì chúng ta cũng phải biết áp dụng thiền như thế nào đó để cho ta ở trong thiền đường hay trong một môi trường khác thì tâm vẫn được an lạc.
Lại nữa, việc hành trì thiền định liên tục trong đời sống sẽ tạo sự chuyển hóa nội tâm, bước vào sự quân bình thân tâm để triệt tiêu những tác nhân gây rối loạn tâm lý thường xuyên quấy nhiễu, kích thích các dục hoạt động trong đời sống hằng ngày. Thật ra các dục ở đời sống được thể hiện bởi lòng tham muốn, khát khao thỏa mãn tâm ý con người. Chúng chỉ là kết quả của sự khổ đau đè nặng lên thân phận kiếp người, đúng như lời Phật dạy: “Từ tham dục nảy mầm khổ đau /Từ tham dục nảy mầm sợ hãi/ Với ai thoát khỏi vòng tham dục/ Không còn khổ đau, và sợ hãi” (Pháp Cú 214).
Thiền định là con đường trở về thực tại, thường xuyên chánh niệm tỉnh giác trong mọi nẻo đường của ý tưởng, hành vi. Khi tâm đã làm chủ các pháp, những trạng thái biến chuyển tâm lý bị ức chế bởi sầu, bi, khổ, ưu, não, thất vọng, lo lắng, sợ hãi trong tâm hồn được thanh lọc, tẩy rửa để rồi tự phá hủy mọi gông cùm của thực tại, được đúc kết từ sự tham dục từ vô thỉ của con người. Chính sự duy trì chánh niệm tỉnh giác giúp chúng ta vượt ra khỏi sự hỗn loạn đang chế ngự trong cõi lòng của mỗi người. Thực tại là cuộc sống đang là, một sự thanh thản tâm hồn trong chánh niệm tỉnh giác. Tại đây sự quân bình thân tâm trở về với chính mình trong từng giây phút: “Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười/ An trú trong hiện tại/ Giây phút đẹp tuyệt vời” [7, tr.19].
Chánh niệm tỉnh giác thường xuyên có mặt thì tâm thức được lắng đọng. Đây là phương cách để tẩy sạch các hạt giống chất chứa sự ô nhiễm, nhằm đạt đến sự tĩnh lặng an lạc và giải thoát. Tất nhiên, một tâm thức trong sáng như thế sẽ vận hành theo một chiều hướng mới, tạo ra một loạt hoạt động, lời nói và ý nghĩ tốt lành. Khi bước vào đời sống nội tâm, chúng ta cần có sự bình an nội tại để quan sát, thẩm thấu chân lý cả. Nên cần có nếp sống hành thiền thường xuyên mới có thể chuyển hóa các hạt giống phiền não đang còn tồn đọng trong tâm thức. Giống như một tấm gương trong suốt phản chiếu mọi đối tượng khi được soi rọi vào mà không hề dính mắc một chút mảy may bụi trần. Cũng vậy, hành giả phải thường xuyên quan sát sự vận hành của tâm trong chiều hướng thanh tịnh, để viễn ly và trừ bỏ mọi tác nhân gây nhiễu loạn trong tâm thức, từ đó tâm thức mới được khai phóng và thoát ra khỏi lớp sương mù ảo giác giữa cái ngã và chân lý. Trong kinh Giáo giới La Hầu La, Đức Phật đã dạy La Hầu La phải phản tỉnh và phản tỉnh nhiều lần nhằm điều chỉnh tâm thức trước khi làm, đang làm và sau khi làm để tâm thức khỏi phải lo âu sợ hãi. Đây chính là phương pháp tịnh hóa ba nghiệp mà dù ta ở đâu và làm việc gì, lúc nào cũng có thể thực hiện được.
Đi vào thiền định là đi vào con đường nhận rõ và không chấp thủ các vọng niệm của tâm thức và tại đó cái ngã không còn cơ hội để len lỏi khắp nơi. Như La Hầu La, sau khi phản tỉnh nhiều lần về ba nghiệp trước khi làm, đang làm và sau khi làm thì mọi hạt giống bất thiện đã bung vỡ không còn mầm mống để đâm chồi nữa. Cũng thế, với tâm tĩnh lặng tỉnh giác, bạn sẽ có sự cân bằng nội tại, một trạng thái tâm lý thoải mái và hoàn toàn tự do.
KẾT LUẬN
Những nan giải và phức tạp trong cuộc sống thường nhật sẽ được giải quyết triệt để, nếu như con người biết thực tập đời sống thực hành thiền định. Tất nhiên, hành giả phải biết điều chỉnh tâm thức như thế nào để tâm được tĩnh lặng và tự chủ. Đồng thời, sử dụng chánh tinh tấn để duy trì sự miên mật. Có như thế, chúng ta mới bước ra ngoài vùng tâm lý rối loạn bởi những định kiến sai lầm và những tác nhân bên ngoài thường xuyên kích động, quấy nhiễu tâm thức. Chính nhờ sự thực tập làm cho tâm thức tỉnh lặng mọi lúc, mọi nơi một cách đều đặn đã làm lắng đọng và tẩy rửa mọi vết nhơ, tạo nên sự bình lặng trong tâm thức. Thiền định là chìa khóa có thể làm hóa giải những bức xúc trong tâm và bên ngoài đời thường. Rõ ràng, thiền định đã đưa nếp sống văn hóa ứng xử lên đỉnh cao nhất trong các mối quan hệ giữa con người với con người và các mối quan hệ cộng hưởng xung quanh. Với nếp sống chánh tỉnh giác như vậy, tất nhiên hạnh phúc sẽ có mặt mà bất cứ ai đi vào con đường này cũng đều được lãnh hội. Phật giáo xây dựng hạnh phúc bằng tất cả niềm tin nhận chân sự thật khổ đau và đoạn tận khổ đau. Nếp sống thiền định là nếp sống có giá trị thiết thực hiện tại, đến để mà thấy. Cốt lõi của một đời sống hạnh phúc có ngay trong đời sống bình nhật, khi một tâm thức có nhân cách hoàn mỹ, tâm hồn trang trải lòng từ đối với mọi loài và được soi sáng bằng trí tuệ vô biên.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu dịch (1992), Trung bộ kinh I, III, Viện Nghiên cứu Phật học TP. HCM ấn hành.
2. Thích Minh Châu dịch (1999), Tiểu Bộ Kinh I, Đại Tạng Kinh Việt Nam.
3. Đoàn Trung Còn dịch (1950), Tứ thư Mạnh Tử, quyển Thượng Hạ, Nxb. Trí Đức.
4. Cao Hữu Đính (1996), Phật và Thánh chúng, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Thích Thanh Từ (1971), Sử 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Hoa, Tu viện Chơn Không ấn hành.
6. Thích Thanh Từ (1992), Kinh Pháp Bảo Đàn, Thiền viện Thường Chiếu xuất bản.
7. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1987), Kinh quán niệm hơi thở, Nxb. Lá Bối.
8. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1999), Thiền môn nhật tụng, Nxb. Lá Bối.
9. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1999), Bước tới thảnh thơi, Nxb. Lá Bối.
10. Thích Viên Giác (1997), Kinh Di Giáo lược giải, Nxb. TP. HCM.
11. Thích Thanh Kiểm (1991), Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, Nxb. TP. HCM.
12. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận I & III, Nxb. Văn học.
13. Trần Tuấn Mẫn (1995), Vô Môn quan, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
14. D.T. Suzuki (Trúc Thiên – Tuệ Sỹ dịch) (1998), Thiền luận, Nxb. TP. HCM.
15. Kamura Taiken (1959), Đại thừa tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Tu thư ĐHVH.
16. Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. TP. HCM.
17. Thích Chơn Thiện (1997), Phật học khái luận, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
18. Thích Chơn Thiện (1997), Tìm vào thực tại, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
19. Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb. Văn hóa – Thông tin.