Thanh quy là bộ sách viết về chế độ quản lý tòng lâm tự viện của Thiền tông Trung Hoa. Khởi đầu tác phẩm được Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải biên soạn vào thời Đường, với tên gọi là Quy thức thiền môn. Vì tác phẩm được Thiền sư Bách Trượng biên soạn, nên người đời sau còn gọi là Bách Trượng thanh quy (Cổ quy). Nhờ có nội dung phù hợp với tình hình xã hội bấy giờ, nên tác phẩm trên nhanh chóng trở thành bộ sách điển hình về chế độ quản lý tòng lâm tự viện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, từ thời Ngũ Đại trở về sau, sự phát triển mạnh mẽ của Thiền tông Trung Hoa, cùng với việc hình thành thêm các chi phái thuộc truyền thống Thiền, đã khiến tác phẩm này dần bộc lộ những hạn chế nhất định trước thời đại mới. Trong tình hình đó, trên nền tảng của tác phẩm Quy thức thiền môn, người ta bắt đầu điều chỉnh và gia giảm để nội dung của nó phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời.
Đến thời Tống-Nguyên, có rất nhiều dị bản thanh quy Thiền tông lưu hành, mà nội dung của chúng là những quy định có nguồn gốc từ Quy thức thiền môn của Thiền sư Bách Trượng trước đó và một số bổ sung mới. Năm Nguyên Thống thứ 3 (1355), vua Nguyên Thuận ra sắc lệnh cho Thiền sư Đức Huy (Trụ trì một ngôi chùa trên núi Bách Trượng) biên tập và bổ sung những yếu tố cần thiết vào tác phẩm. Theo đó, Thiền sư Đức Huy đã hiệu đính Bách Trượng thanh quy thành Sắc tu Bách Trượng thanh quy gồm 8 quyển. Để phân biệt với tác phẩm Bách trượng thanh quy có trước đó, người sau gọi tác phẩm mới do Thiền sư Đức Huy biên tập là Thanh quy mới (Tân quy). Bản Thanh quy mới này có nội dung phong phú, hệ thống hoàn chỉnh, kết cấu chặt chẽ, được xem là bản thanh quy biên tập hoàn chỉnh nhất trong 600 năm lịch sử Thiền tông, trở thành tập đại thành của thanh quy Thiền tông Trung Hoa.
Sắc tu Bách Trượng thanh quy kế thừa và hoàn thiện cách thức uống trà được đề cập trong thanh quy Thiền tông trước đó, đồng thời tiến thêm một bước, nghi thức hóa, quy cách hóa để tạo nên một chế độ thiền trà đặc sắc mang tính đặc thù. Từ thời Tống-Nguyên, việc uống trà ở Trung Hoa rất phổ biến, nhưng cách pha chế khác hẳn với cách uống trà từ thời Minh-Thanh trở về sau. Sắc tu Bách Trượng thanh quy hoàn thành vào cuối thời Nguyên, trước khi phong trào thưởng trà ở Trung Hoa bị mai một. Xét về tầm quan trọng, chế độ thiền trà được đề cập trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, đã phản ánh đặc trưng văn hóa trà của cả thời Tống-Nguyên. Vì thế việc nghiên cứu khảo sát chế độ thiền trà trong tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy, không những giúp cho công tác nghiên cứu văn hóa thiền trà Trung Hoa trở nên sâu sắc hơn, mà còn tiến thêm một bước, làm rõ những tư liệu liên quan đến lịch sử của văn hóa thưởng trà thời Tống – Nguyên. Trong nghiên cứu này, người viết khảo sát nội hàm các khái niệm liên quan đến trà được phản ánh trong tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy, như: “Trà lễ”, “trà thang”, “tiễn điểm”… Nếu còn chỗ nào thiếu sót, kính mong các bậc trí giả chỉ giáo thêm.
1. TRÀ LỄ TRONG SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY
Từ thời Đường về sau, chịu ảnh hưởng từ văn hóa nghi lễ Nho gia, Thiền tông Trung Hoa buộc phải hệ thống lại các loại hình nghi lễ dành riêng cho Phật giáo và điều này được thể hiện rõ trong trà lễ. Trong hệ thống tự viện thiền môn ở Trung Quốc, “Trà lễ” được đề cao thành “Tòng lâm thạnh lễ”, thậm chí còn hình thành nên quan niệm phổ biến “Vô trà bất thành lễ” [1]. Trong tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy, có hơn 50 quy định cụ thể về trà lễ, khái quát lại có thể chia thành hai loại lớn: (1) Trà lễ trong tế tự tang chế và (2) Thiền trà trong sinh hoạt Tăng chúng.
1.1. Trà lễ trong nghi thức tang chế thiền môn
Trà lễ trong cúng tế thiền môn
Phật giáo ban đầu vốn không đặt nặng vấn đề cúng bái, nhưng người Trung Hoa cổ đại lại rất xem trọng vấn đề này. Đối với quốc gia mà nói, “việc lớn của quốc gia chính là cúng tế và luyện quân” [2]. Đối với người dân, việc cúng tế được xem là một hình thức quan trọng nhằm thể hiện tinh thần hiếu đạo. Khi giải thích về chữ “Hiếu”, Khổng Tử đã nói rằng: “Sống, dùng lễ ứng xử; chết, dùng lễ chôn cất và cúng bái” [3]. Để thích ứng với bối cảnh mới khi truyền đến Trung Hoa, Phật giáo cũng từng bước tiếp nhận quan niệm trung hiếu của Nho gia.
Sau khi Thiền tông hình thành, sự tiếp nhận này đạt đến một giai đoạn mới. Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, bốn chương “Chúc ly”, “Báo ân”, “Báo bổn”, “Tôn tổ” thể hiện sâu sắc sự ảnh hưởng của quan niệm trung hiếu đối với Phật giáo. Từ phương diện nội dung, ngoài việc quy định về những nguyên tắc, quy phạm mà người xuất gia phải thực hiện trong việc cầu phước giải nạn cho hoàng thất và quốc gia, còn đề cập đến những nguyên tắc, chuẩn mực trong nghi thức cúng Phật và chư vị Tổ sư.
Chẳng hạn, nội dung chương “Chúc ly” chủ yếu quy định về nghi lễ chúc phúc hoàng thất, đứng đầu là hoàng đế, bao gồm các nghi thức như: “Lễ chúc mừng Thánh thọ Thánh hoàng”, “chúc tụng các ngày cảnh mạng và bốn ngày trì trai”, “chúc tụng ở tặng điện vào ngày rằm”, “chúc tụng mỗi ngày”, “lễ chúc thọ Hoàng thái tử sống lâu”, “lễ các tháng tốt lành”. Trong đó, Lễ chúc mừng Thánh thọ Thánh hoàng là lễ mừng sinh nhật của Hoàng đế. Vào dịp này mỗi năm, các tòng lâm tự viện đều thiết trí đạo tràng Kim Cang Vô Lượng Thọ để cầu thọ cho nhà vua. Trong nghi thức này, trà xuất hiện như một sản phẩm tế lễ: “Chờ chánh điện bày hương, nến, nước trà, chuông linh, lư hương cầm tay… Gióng chuông trước Tăng đường, tập hợp chúng sắp hàng trên chánh điện đứng hướng về phía Phật. Vị Trụ trì lên chánh điện dâng trà, Thượng thủ và Tri sự đón nhận và đưa cho Thị giả đốt hương đến trước tòa Phật châm trà. Dâng trà xong, thầy Trụ trì quay về vị trí của mình mà đứng” [4].
Chương “Báo ân” chủ yếu đưa ra những quy định về nghi lễ cầu phước trừ nạn cho đất nước, gồm có hai nghi lễ: “Quốc kị” và “Cầu thọ”. Trong nghi thức “Quốc kị” ghi: “Đến giờ, thỉnh chuông ở Tăng đường tập hợp đại chúng, chờ Trụ trì đến thắp hương, dâng trà cúng” [5].
Chương “Báo bổn” quy định nghi thức cúng bái đối với đức Phật trong ba dịp lễ: Phật đản, Phật thành đạo, Phật nhập Niết-bàn và thầy của vua khi qua đời. Mùng 8 tháng 4 là ngày Phật Đản sinh, mọi tòng lâm tự viện đều “chuẩn bị chu đáo và trang nghiêm hương hoa, đèn nến, trà quả, thức ăn tươi mới bày ra cúng dường” [6]. Trong buổi lễ, vị Trụ trì phải lạy 3 lạy, sau đó dâng hương, cúi xuống châm trà. Ngày mùng 8 tháng Chạp và ngày 15 tháng 2 âm lịch, lần lượt là ngày Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo và nhập Niết-bàn, các chùa viện cũng chuẩn bị phần lễ như ngày Khánh đản. Vào lễ kỷ niệm ngày thầy của vua mất, ngoài việc “chuẩn bị hương hoa, đèn nến, trà quả, món ăn trang nghiêm dâng lên cúng dường”, vị Trụ trì “dâng trà, lễ bái xong”, thì “thắp hương thuyết pháp” [7].
Chương “Tôn tổ” quy định những nghi thức cúng bái trong ngày húy kỵ chư vị Tổ sư thiền môn nhiều đời, bao gồm 4 lễ: “Giỗ kỵ Đạt-ma”, “Giỗ kỵ Bách Trượng”, “Giỗ kỵ các bậc Tổ sư khai sơn”, “Giỗ kỵ các bậc thầy truyền pháp”. Trong nghi thức các ngày giỗ kỵ này, trà được nhắc đến rất nhiều lần. Như phần “Giỗ kị Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma” viết: “Vào giữa giờ cháo sáng và cơm trưa, thỉnh chuông ở Tăng đường tập hợp đại chúng, đứng xếp hàng hướng về chân dung Tổ sư. Trụ trì dâng hương lạy ba lạy, không cuốn thâu tọa cụ, tiến tới trước lư hương, dâng bày trà nước và cơm cúng. Thị giả thỉnh khách, đốt hương đứng bên cạnh bàn Tổ, vị bưng đồ cúng dâng lên đặt trên bàn, Trụ trì thoái lui về vị trí lạy ba lạy, lại tiến tới trước đốt hương ban phát tài vật bố thí xong lạy ba lạy, cuốn thâu tọa cụ, đánh trống rồi dâng trà cúng Tổ. Xong đâu đó, Trụ trì dâng hương và tuyên pháp ngữ” [8].
Phần “Giỗ kỵ Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải” ghi lại: “Đúng ngày lễ chính, bày lễ vật ra cúng giỗ, đặc biệt dọn trà thang, dâng hương đọc sớ” [9]. Ở phần “Giỗ kỵ các bậc Tổ sư khai sơn” thì viết: “Giỗ kỵ các bậc khai sáng chùa cúng các bậc đạo hạnh cao dày và các bậc có công lao to lớn với chùa. Cách đó một đêm, bày biện trang trí trên pháp đường, lễ nghi cùng với lễ giỗ kỵ Thiền sư Bách Trượng giống nhau, nhưng có thể không có đọc sớ. Khố ty cúng dường đầy đủ. Nếu là giỗ kỵ Tổ sư các đời thì không cần dâng sớ, cũng không hiến dâng trà thang” [10]. Phần “Giỗ kỵ các bậc thầy truyền pháp” miêu tả: “Trụ trì dâng cơm cúng, tiến hành lễ dâng trà, dâng hương (giống như ở lễ giỗ kị Tổ sư Đạt-ma). Lưỡng tự dâng hương, đại chúng cùng lễ bái (do dưới Thượng tọa trở xuống đều gọi là người tham học). Vào giờ thọ trai, vị Trụ trì vào Tăng đường thắp hương, trải tọa cụ, lạy ba lạy rồi lui về vị trí. Thị giả tặng tài vật bố thí (có nơi nhân lúc tề tựu pháp đường tụng kinh và tặng phát tài vật luôn, là không đúng lễ). Thọ trai xong, tề tựu pháp tòa dâng trà, thắp hương, Thị giả hành lễ” [11].
Trà lễ trong tang chế thiền môn
Tuy Phật giáo quan niệm tất cả chúng sanh bình đẳng, nhưng việc cúng tế dành cho người xuất gia lớn và nhỏ không đồng nhau, quy cách tổ chức tang lễ cũng có chỗ khác biệt. Chịu ảnh hưởng từ quan niệm cấp bậc trong nghi lễ tang ma của Nho gia, Sắc tu Bách Trượng thanh quy đưa ra những quy định có phần khác biệt giữa tang lễ của người làm Trụ trì và những vị Tăng nhân bình thường.
Tang lễ vị Trụ trì có tiêu chuẩn cao, trình tự tương đối phức tạp, gồm: Nhập liệm (nhập kim quan); mời người làm chủ tang lễ; người lo việc tang lễ; lo tang phục; lo các Phật sự; đưa áo quan đi; lập di ảnh cúng trà nước; sắp xếp việc nghe pháp; tụng niệm; cúng tế trà nước cho người mất; sắp xếp thứ tự tế cúng; xuất tang treo di ảnh cúng trà nước; hỏa thiêu; nhập tháp; xướng y; trình di thư; chiêu đãi người chủ tang và nhân viên ban lo liệu đám tang… Ngoài nghi thức Lập di ảnh ở pháp đường; sắp xếp việc nghe pháp cho người mất; sơn môn thọ tang và treo di ảnh phải ngưng việc “cúng trà” ra, các nghi thức khác hầu như đều dùng đến trà. Chẳng hạn như khi nhập kim quan, phải “dâng trà ba thời vào các buổi sáng chiều và tối” [12]; lúc di quan thì “dâng trà, cơm cháo hai thời” [13]; khi đưa tro cốt vào tháp “quan tài đến tháp, các chùa đều dâng hương cúng trà … Trà dâng ba chén, hương đốt một lò… Mỗi ngày cúng ba lần, hợp chúng lại tụng kinh” [14]. Lúc “Trình di thư” thì: “Thắp hương uống trà xong, đợi hai bên chấp sự đến, Chuyên sứ đứng dậy trước lư hương mời trà cảm tạ thâm tình… Uống trà xong, mọi người đứng dậy. … Mỗi áng vị Phương trượng mời chuyên sứ dùng trà. … Chuyên sứ hướng về vị Trụ trì xá chào vấn an xong, lui về đứng phía sau ban Tri khách. Lúc bấy giờ, vị Trụ trì cử hành nghi thức lên tòa thuyết pháp. Xong xuống tòa đến trước bàn cúng linh đốt hương, bày trà lên cúng, sau đó rót trà, trải tọa cụ xuống nền dập đầu lạy ba lạy thể hiện lòng thành kính” [15]. Khi chiêu đãi người đứng ra chủ trì việc mai táng và các nhân viên phụ tá, “sau buổi mời trà, thỉnh chuông tập hợp chúng đứng ra xếp hàng ở cổng chánh của chùa để tiễn họ ra về” [16].
Nếu là tang lễ của Tăng chúng thì nghi thức đơn giản hơn, thường chỉ bao gồm các nghi lễ như: Ghi chép lưu giữ y bát; thỉnh người lo Phật sự; định giá di vật của người qua đời; tụng niệm ban đêm; đưa vong; trà tỳ; xướng y; nhập tháp. Tất cả các nghi thức này đều liên quan đến trà. Như trong nghi thức ghi chép lưu giữ y bát, “Người canh linh cữu hằng ngày dâng cơm cháo, còn Tri sự mỗi ngày cúng trà nước ba lần” [17]. Trong phần “Các nghi thức dành cho người qua đời” ghi: “Nếu người mất là Tây đường, Đơn liêu, Cần cựu y bát hơi nhiều, thì cần thêm các nghi lễ khác như dâng trà nước, chuyển trang thờ, chuyển cốt,…” [18]. Khi ban đêm, “sau giờ nghỉ ngơi, đánh chuông tại Tăng đường, tập hợp đại chúng, đến trước kim quan tụng niệm. Trước hết vị Tri sự bước ra, đốt hương dâng trà…” [19]. Trong lễ Trà tỳ, “Chờ đến lúc đọc đến câu dâng trà, đốt hương, vị Tri sự trịnh trọng bước ra dâng trà và đốt hương để tiến hành thực hiện nghi lễ của sơn môn” [20].
1.2. Thiền trà trong sinh hoạt Tăng chúng
So với trà lễ trong tang chế thiền môn, những ghi chép của Sắc tu Bách Trượng thanh quy về trà trong sinh hoạt của Tăng chúng càng chi tiết hơn. Ở những chương “Trụ trì”, “Lưỡng tự”, “Đại chúng”, “Tiết lạp” đều có không ít những quy định về thiền trà trong các hoạt động của Tăng chúng. Đối với những buổi thiền trà quan trọng, đều được cụ thể hóa bằng một lộ trình rất trình tự và đồng nhất. Trong giai đoạn chuẩn bị, phải dán bảng “danh mục trà” hoặc gửi tên các loại trà đến những vị được mời tham dự, sắp xếp nơi diễn ra hoạt động và chuẩn bị trà nước. Khi buổi thiền trà chính thức diễn ra, chủ yếu có các nội dung như: Cung nghinh, thỉnh an tọa, thắp hương, thưởng hương, châm trà, thưởng trà, châm thêm trà, thu ấm chén, châm nước trắng, tiễn khách. Để buổi thiền trà diễn ra trang nghiêm, nhịp nhàng và tránh tình trạng chộn rộn, Sắc tu Bách Trượng thanh quy còn vẽ nhiều sơ đồ buổi sinh hoạt dán những nơi công cộng, giúp người tham gia am tường tổng thể trước khi tham gia hoạt động này. Các buổi thiền trà được tổ chức, đều có tên gọi và mục tiêu riêng, các nghi thức và nội dung diễn ra trong buổi lễ chính là quá trình thực hiện mục tiêu đó. Thông qua những buổi trà lễ nơi tòng lâm như vậy, không chỉ khiến các hoạt động giao tế có quy định lễ nghi cụ thể, gia tăng tính quy phạm và nghiêm túc, mà còn giúp hiệu suất làm việc trong chốn tòng lâm tự viện được nâng cao hơn [21].
Việc bổ nhiệm, miễn chức Trụ trì và thiền trà thường ngày
Nội dung chương “Trụ trì” của Sắc tu Bách Trượng thanh quy đề cập vấn đề bổ nhiệm, bãi nhiệm và các chức trách của vị Trụ trì. Theo trình tự, vị Trụ trì mới sẽ do tự viện tiến cử, sau khi được các bộ phận liên quan phê chuẩn xong, tự viện phải tổ chức nghi thức rước đón Trụ trì mới và nghi thức Trụ trì mới nhận nhiệm vụ. Trong các buổi lễ này, trà là yếu tố không thể thiếu. Như trong “Sơn môn đặc vi tân mệnh trà thang” (nhà chùa đặc biệt khoản đãi trà và thang thủy cho Trụ trì mới) chép: “Bảng hiệu báo khoản đãi trà thang tân thọ mạng Trụ trì được treo hai bên phải trái trước Tăng đường (Vân đường). Khố ty chuẩn bị văn trạng thỉnh mời, chuẩn bị mâm gỗ có trải khăn vải đặt lư hương và đèn cầy lên trên đó, đến thất Phương trượng thắp hương bái thỉnh. Nếu được Trụ trì miễn lễ thì gập tọa cụ xuống nền, biểu thị kính ý rồi bẩm bạch: ‘Sau buổi ngọ trai, thỉnh Hòa thượng Trụ trì đến vân đường để đặc biệt đãi trà ngài. Cúi xin Hòa thượng từ bi hạ mình long trọng đến dự!’ Bẩm bạch xong, đệ trình văn trạng thỉnh mời. Liền đó, Trụ trì lệnh cho Khách đầu thỉnh mời tôn túc hai tự, cần cựu và toàn thể đại chúng quang lâm bầu bạn. Treo bảng hiệu đãi trà thang để thông báo đại chúng, trong Tăng đường bày biện vị trí ngồi của Trụ trì. (Mấy lúc gần đây đang buổi độ trai nghe tiếng đánh bản một hồi dài thì trị sự vào Tăng đường đốt hương, trải tọa cụ dập đầu lạy ba lạy, đi vòng Tăng đường khắp lượt mời uống trà, rồi đặc biệt trần tình lời chúc mừng tân thọ mạng Trụ trì. Theo quy định xưa thì khỏi phải cử hành lễ đi khắp Tăng đường để thỉnh mời đại chúng. Nay nếu trừ lễ này thì cũng nên đấy!) …. Hành giả rót trà khắp lượt rồi đưa bình trà ra ngoài, đến trước Trụ trì thăm hỏi vấn an, rồi rút lui. Tri sự từ phía bên phải tượng Thánh tăng bước ra đốt hương, trải tọa cụ dập đầu lạy ba lạy. Xong đứng lên hướng dẫn toàn ban đến trước Trụ trì trải tọa cụ dập đầu lạy ba lạy đại lễ hai lần, đoạn cung kính tiễn đưa Trụ trì ra ngoài rồi quay lại bên trong Tăng đường đốt hương, thăm hỏi vấn an hai dãy phải trái của Tăng đường, thu dọn chén trà rồi tháo lui khỏi pháp tòa. Lễ khoản đãi nước uống cũng giống như lễ đãi trà, nhưng không có khoản tiễn đưa Trụ trì ra khỏi Tăng đường. Dùng nước xong, ngồi lại dùng cơm chiều” [22]. Khi Trụ trì muốn tập hợp đại chúng để thuyết giảng, tổ chức Pháp hội hay quản lý sinh hoạt hằng ngày của Tăng chúng trong tự viện, phần lớn đều thông qua những buổi uống trà để sắp xếp và kiểm tra tiến độ thực hiện.
Như trong mục “Thượng đường” có ghi: “Như bàn công việc nhà chùa, thì Phương trượng mời trà Lưỡng tự và Thủ tọa, rồi cùng nghị luận” [23]. Sau mỗi buổi thượng đường thuyết pháp, thường sẽ có “Tuần đường trà” dành cho Tăng chúng. Khi tổ chức Pháp hội tụng chú Lăng nghiêm thì, “Trụ trì đến trước điện Phật đốt hương, dâng cúng trà nước, rồi trở về vị trí” [24]. Quan phương cử Chuyên sứ đến, hay khi có khách quan trọng viếng thăm, vị Trụ trì phải đích thân đón chào, rồi tổ chức trà lễ để tiếp đãi. Như đối với Chuyên sứ đến đưa pháp y, “Trước tiên gặp Tri khách để thông báo lại ý rồi cùng đến Thị ty để phiền nơi này bẩm báo lại Phương trượng. Trụ trì hoặc tiếp kiến liền lúc đó, hoặc sắp xếp vào sáng mai mới tiếp kiến. Trước buổi tiếp kiến, Thị giả bảo hành giả khách đầu thông báo mời Lưỡng tự đến. Chuyên sứ theo lễ thường thắp hương ra mắt (riêng nhà chùa thì chuẩn bị đãi trà cho Chuyên sứ). Chuyên sứ cảm tạ đãi trà xong, lại thắp hương, trải tọa cụ dập đầu lạy ba lạy hai lần. … Dùng trà xong, kế đến đãi thang thủy. Dùng thang thủy xong, Lưỡng tự đưa Chuyên sứ đến chỗ nghỉ ngơi” [25]. Khi có bậc tôn túc ghé thăm, “phải treo bài hiệu tiếp tôn túc, gióng chuông tập hợp đại chúng, ra đứng tận cổng mà nghinh tiếp. Nếu bậc tôn túc nào thích giản dị thì âm thầm vào chùa mà không báo trước. Trong trường hợp này, Trụ trì phải bày trí đầy đủ hương đèn để tiếp đón, gióng chuông tại Tăng đường tỏ ý kính trọng. Người phụ trách tiếp khách phải bẩm báo thủ tọa hướng dẫn đại chúng thắp hương vái chào vấn an. Xong lễ, chúng Tăng lui ra, còn Lưỡng tự và Chấp sự tăng đã thoái chức hiện trú ngụ tại chùa thì ngồi lại bầu bạn. Thắp hương, uống trà xong, Thị giả mới đến dâng hương lễ bái. … Qua sáng hôm sau, thỉnh mời dùng nước. Thị giả thắp hương, hành giả vái chào vấn an. Người phụ việc lui tới sẵn sàng chờ sai bảo, Trụ trì bầu bạn với tôn túc dùng cháo. Dùng cháo xong, mời dùng trà” [26].
Khi thí chủ thỉnh dự trai tăng, “thí chủ đến cổng chùa, tri khách tiếp kiến dẫn lên thất phương trượng đãi trà nước rồi đưa về phòng khách nghỉ ngơi” [27]. Đối với những khách Tăng lưu trú qua đêm, Trụ trì cũng dùng trà lễ tiếp đãi, và treo bảng “Trà đãi khách lưu trú qua đêm”. Nếu số lượng khách Tăng xin ở qua đêm nhiều, Trụ trì có thể dùng hình thức “ra mắt tập thể” để tiếp kiến. Trong chương “Đại chúng”, phần “Ra mắt tập thể” có viết: “Kế đó cảm tạ thị giả. Sáng hôm sau, đến thất Phương trượng dùng trà cầu xin ghi tên ở lại chùa” [28]. Điều này cho thấy, khi ra mắt tập thể, vị Trụ trì cũng tổ chức trà lễ để tiếp đón.
Để thiết lập sự liên kết gắn bó trong chốn sơn môn, vào bốn ngày lễ lớn của năm, gồm: Mỗi kỳ An cư kiết hạ, giải hạ, đông chí và lễ tết, vị sư Trụ trì đều sẽ tổ chức tiệc trà chiêu đãi Thủ tọa và đại chúng, Phương trượng cũng mời trà đại chúng. Ngày mùng một và rằm, phương trượng đãi trà cho những người làm công việc hành đường ở chùa. Những buổi uống trà do vị Trụ trì tổ chức, đa số dùng để thảo luận những công việc quan trọng trong tự viện, nên rất được chúng Tăng quan tâm. Những người lười biếng không tham gia các buổi thiền trà này, không nắm rõ tình hình, rất dễ xảy ra sai sót và bị đuổi khỏi tự viện.
Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Lưỡng tự và thiền trà trong sinh hoạt Tăng chúng
Trong chốn tòng lâm tự viện, dưới Trụ trì có Đông Tây “Lưỡng tự” chia nhau quản lý công việc thiền môn. Trong đó, “Tây tự” phân thành 6 đầu thủ, gồm: Thủ tòa (phân thành Tiền đường Thủ tòa và Hậu đường Thủ tòa), Thư ký, Tri tàng, Tri khách, Tri điện và Tri cốc. “Tây đường” gồm 5 bộ phận: Giám tự, Duy na, Phó tự, Điển tòa, Trực tuế. Ngoài ra, còn có Nhiên đăng, Thư trạng, Thỉnh khách, Y bát, Thang dược, Thị giả Thánh tăng và các trợ lý chuyên hỗ trợ Trụ trì xử lý công tác hằng ngày. Thông qua sự hỗ trợ của Đầu thủ, Chức sự và Thị giả, vị Trụ trì có thể thuận lợi quản lý tốt chốn tòng lâm tự viện mà mình phụ trách. Vì vậy, Sắc tu Bách Trượng thanh quy rất xem trọng vấn đề bổ nhiệm, miễn nhiệm những vị trí này. Trong nghi thức bổ nhiệm và miễn nhiệm, đều có những buổi thiền trà khá long trọng.
Trong chương “Lưỡng tự”, các buổi thiền trà tương đối quan trọng có: Đường ty đặc biệt đãi trà nước Thị giả cũ và mới; Phương trượng đặc biệt đãi trà tân Thủ tọa; tân Thủ tọa đặc biệt đãi trà Thủ tọa và đại chúng ở hậu đường; Trụ trì thăm hỏi Đầu thủ đãi trà; Tiệc trà đãi Lưỡng tự giao nhận chức vụ; Đãi trà vào liêu ra liêu; Đầu thủ vào Tăng đường đãi trà,… Trong “Tiệc trà đãi Lưỡng tự giao nhận chức vụ” viết: “Theo dõi Phương trượng đặc biệt đãi trà tân Thủ tọa xong, theo thứ lớp các tân chức sự oai nghi tề chỉnh, cầm hương đi đến liêu các người được thay thế, thắp hương giáp mặt giập tọa cụ xuống nền lạy một lạy, mời thỉnh rằng: ‘Sau buổi độ trai, bái thỉnh ngài hạ mình đến liêu đãi trà!’ Tiếp đó bảo Trà đầu mời Lưỡng tự mỗi nơi một người, cần cựu ở Đông Tây tự mỗi nơi một người quang lâm bầu bạn. (Nếu mời trà Tây tự thì Tri sự ngồi hai bên đối mặt nhau, đối với các Đầu thủ đồng hàng, thỉnh bậc dưới một người quang lâm bầu bạn, người bậc trên đến dự có điều không tiện. Mời trà Đông tự thì Đầu thủ ngồi hai bên giáp mặt nhau, nếu như Duy na hiện cư vị ở Đông tự thì lúc mời trà, mời bậc nhỏ hơn là Phó tự đến dự). Phía dưới nội trong liêu thiết đặt chỗ ngồi, chủ tịnh ngồi hai hàng giáp mặt nhau, hai bên phải trái là vị trí của người quang lâm bầu bạn. Sau buổi độ trai, đánh vân bảng trước liêu, tiếp đón người được mời, kế đón người quang lâm bầu bạn. Vào vị trí rồi thị giả vái chào mời ngồi, đốt hương mời những người quang lâm bầu bạn thắp hương. Vào tòa bày trà khoản đãi. Đãi trà xong, người được thay thế đứng dậy, thỉnh hương cắm vào lư, giập tọa cụ xuống đất bái tạ rồi lui ra. Ngày hôm sau, bảo hành giả Đường ty (liêu Duy na) mời hai bên giao và nhận chức vụ dùng điểm tâm. … Phàm Thị giả giao nhận nhiệm vụ, đãi trà và điểm tâm nên thỉnh mời Duy na quang lâm bầu bạn, (thiết bày và hành lễ cũng giống như các chức vụ khác giao nhận)” [29]. Sắp đặt những buổi thiền trà như trên, không chỉ thể hiện sự quan trọng của Lưỡng tự khi nhận nhiệm vụ, thái độ trân trọng đối với người cũ và mới, mà còn để cho sự chuyển đổi diễn ra theo trình tự nhịp nhàng, giúp việc giao nhận nhiệm vụ được thuận lợi, tránh những mâu thuẫn và khúc mắc không cần thiết giữa đôi bên.
Đầu thủ Lưỡng tự coi sóc và quản lý tự viện, hàng ngày cũng phải có những buổi trà đàm lớn nhỏ khác nhau để thông suốt công việc. Như gặp khi tự viện thiếu vắng vị trí Trụ trì, thì “Lưỡng tự phải đến uống trà và thông báo với cơ quan chủ quản sở ty. Cùng nhau bàn luận việc mời Trụ trì mới” [30]. Khi nghinh đón Trụ trì tuần liêu, “trước Tăng đường phải treo bảng tuần liêu thông báo đại chúng. Các liêu bày trí chỗ ngồi, chuẩn bị hương và nước” [31]. Tri khách của Tây tự phụ trách việc tiếp đón khách thập phương, “phàm có quan viên, thí chủ, các bậc tiền bối chốn Thiền lâm hay nhân sĩ nổi tiếng các nơi đến viếng chùa thì tri khách phải chuẩn bị đầy đủ nhang, trà nghinh đón tiếp đãi, rồi bảo Hành giả thông báo với Phương trượng. Sau đó hướng dẫn khách đến thất Phương trượng gặp mặt Trụ trì, rồi sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho khách” [32]. Vì đã có quy định rõ ràng, nên bất kỳ vị khách nào đến chùa cũng đều được mời trà biểu thị sự kính trọng. Đối với khách Tăng đến cầu học, Tri khách tiếp đón, tuần tự chào hỏi xong, “mời thắp hương, mời ngồi, kế mời uống trà, rồi hỏi thăm một cách khái quát lý lịch các vị Tăng du phương” [33].
Để chia sẻ và kết nối thâm tình chốn sơn môn, trong 4 ngày lễ tết hằng năm, Khố ty đều có tiệc trà đặc biệt thiết đãi Thủ tọa và đại chúng. “Vào ngày thứ hai sau ngày lễ chính, khi kết thúc bữa cháo sáng, Khố ty soạn bảng thông báo về việc mời dùng trà (giống như bảng thông báo mời uống nước), rồi đi mời ẩm khách. Thông báo với đại chúng và treo thiệp mời dùng trà. Hành giả đánh một hồi bảng dài, đại chúng vân tập vào Tăng đường, mời uống trà,… Các việc này giống như công việc của Thị giả đã nói ở trước. Sau bữa thọ trai chấm dứt, hành giả đem trưng bày thiệp mời, thiết lập vị trí, đánh một hồi trống tập hợp đại chúng. Khố ty vái chào, mời Tăng chúng ngồi, mời thắp hương, mời dùng trà, đi tuần hành vấn an, rồi đến Trụ trì đảnh lễ, bày tỏ lời cảm tạ một cách chí thành. Các việc này giống như lễ đãi nước đã nói ở trước” [34]. Tiền đường trong những ngày lễ tết cũng tổ chức tiệc trà đặc biệt chiêu đãi Hậu đường và đại chúng. “Ngày thứ ba sau ngày lễ chính, Thủ tọa Tiền đường soạn thiệp mời uống trà. Đi đến liêu Thủ tọa Hậu đường, liêu Phương trượng thỉnh mời dùng trà. Về thứ lớp các nghi thức được tiến hành giống như việc đãi trà của Khố ty, chỉ khác là phải thiết lập thêm vị trí của Tri sự” [35]. Dịp này, Đầu thủ Khố ty cũng đãi trà cho các vị làm trong ban Hành đường: “Khố ty chờ Phương trượng đãi trà xong, Tri sự mới đến hành đường đãi trà. Tri sự ngồi ở vị trí Chủ tọa, Điển tọa ngồi bên cạnh (còn cách hành lễ thì giống như Thị giả, Phương trượng đã làm ở các phần trước). Khi tiễn khách mời ra tới cửa, Thị giả thông báo rằng: ‘Tham đầu đại chúng đến Khố ty cảm tạ về việc đãi trà.’ Thế rồi khách đầu của Khố ty cũng thông báo: ‘Tri sự có lời dạy rằng: Miễn việc cảm tạ về sự đãi trà’. Đầu thủ chờ việc đãi trà tại Tăng đường xong, lệnh cho hành giả Đường ty báo với Tham đầu, treo bảng thông báo để đại chúng biết, rồi mời Điển tọa cùng đến tham dự. (các nghi thức như cảm tạ, miễn sự cảm tạ, tiễn khách mới ra cửa đều giống như việc Khố ty đãi trà)” [36].
1.3. Yêu cầu về thiền trà đối với Tăng chúng
Thiền trà là một trong những hoạt động quan trọng trong chốn tòng lâm tự viện. Một Tăng chúng bình thường tuy không phải là người đứng ra tổ chức, nhưng khi được mời, nhất định phải nghiêm túc tham gia. Trong chương “Đại chúng”, mục “Tham dự tiệc trà nước” quy định: “Hễ Trụ trì, Đông Tây tự đặc biệt mời dự tiệc trà thì phải kính cẩn trân trọng, không được xem thường. Người nào đã được mời thì phải đến dự đúng giờ. Trước khi vào, phải xem kỹ vị trí ngồi ghi trong thư mời để lúc đến không lúng túng. Như có bệnh hoạn cấp bách không đến dự kịp thì nhờ người cùng được mời thưa cho Trụ trì biết. Duy chỉ Trụ trì mời dự tiệc trà thì không được vắng mặt, nếu người nào xem thường không đến thì đuổi ra khỏi chúng” [37]. Trong tiệc trà, oai nghi của những người tham dự cũng được Sắc tu Bách Trượng thanh quy quy định rõ ràng và cụ thể: “Khi ngồi uống trà, chớ để y rũ xuống. Không được chụm đầu nói cười, không được dùng một tay chào người, không được cất giấu trà vụn” [38].
2. “TRÀ THANG” VÀ “TIỄN ĐIỂM” TRONG SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY
2.1. Hàm nghĩa của “trà thang” (茶汤)
Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, trà và thang thủy [39] thường được sử dụng kết hợp với nhau. Khảo sát toàn văn tác phẩm này, từ “trà thang” xuất hiện tổng cộng 65 lần. Lấy “trà thang” làm tiêu đề cho một chương mục cũng không ít, như trong chương “Trụ trì”, mục “Mời tân Trụ trì” ghi: “Vị Trụ trì mới nhận nhiệm vụ từ biệt chúng Thượng đường dùng trà thang”, “người được mời thỉnh thọ mạng tân Trụ trì từ biệt chúng lên tòa dự trà thang” [40]. Trong mục “Tân Trụ trì nhập tự viện” có nghi lễ “Chùa nhà đặc biệt khoản đãi trà và thang thủy tân Trụ trì”. Trong tang lễ của Trụ trì, phần “Đưa quan tài đi”, có các nghi thức như: Treo chân tượng (di ảnh), cử ai và dâng cúng trà thang; các nghi thức tiểu tham trước linh cửu; dâng cúng trà thang tụng niệm kinh kệ và trí tế; xuất tang treo di ảnh, dâng cúng trà thang. Ở chương “Đại chúng” có mục “Tham dự tiệc trà thang”. Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, tùy theo ngữ cảnh khác nhau mà hai chữ “trà thang” mang ý nghĩa khác nhau.
“Trà thang” (茶汤)chỉ cho hai loại thức uống là trà và nước
Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, có khi “trà thang” được hiểu là hai loại thức uống, là trà và nước. Ví dụ như trong phần “Trụ trì mới nhận nhiệm vụ từ biệt chúng thượng đường dùng trà thang” có ghi: “Đến ngày lên đường rời bổn tự, Chuyên sứ đến các liêu chúng nói lời giã biệt. Trụ trì mới nhận nhiệm vụ đến pháp đường thăng tòa, cảm tạ Chấp sự hai tự, các vị cần cựu và toàn thể đại chúng. Sau khi Trụ trì xuống pháp tòa thì ba tiếng trống gióng lên, Ngài đứng hướng mặt về phía pháp tòa, cùng đại chúng dập tọa cụ xuống nền để lạy ba lạy, sau đó theo xuống hành lang mà ra ngoài. Lúc bấy giờ, gióng đại hồng chung và đồng loạt trỗi các loại pháp khí. Đại chúng đều đứng dậy cung kính đưa ra tận sơn môn. Những người phụ việc đứng sắp hàng hầu ngoài sơn môn. Ngoài cửa sơn môn đã chuẩn bị sẵn dựng rạp che màn, trong trướng bày trí tòa cao hướng về bên trong (hướng về bên ngoài cũng bài trí một tọa vị tương ứng với tòa hướng về bên trong). Vị Thủ tọa hướng về bên ngoài tạm an tọa. Các vị Tây đường và Cần cựu ngồi đối diện quang lâm bầu bạn. Chấp sự tăng hai tự Đông Tây chia ra hai bên ngồi đối diện nhau. Một vị Tri sự tăng có tư cách cao (Thượng thủ Tri sự) hành lễ, vái chào mời Trụ trì và mọi người vào bên trong tòa ngồi. Sau đó vái chào mời mọi người thắp hương rồi quay về vị trí cũ dâng trà, đoạn thu dọn chén trà rồi lại đứng dậy đốt hương vái chào, mời mọi người thắp hương, đoạn quay về vị trí cũ dâng bày thang thủy. Dùng thang thủy xong, Trụ trì mới nhận nhiệm vụ đứng dậy cảm tạ mọi người rồi lên kiệu. Các Chấp sự tăng hai tự và các vị Cần cựu cũng chuẩn bị kiệu để lên đường đưa tiễn. Vị tân Trụ trì phải hết sức ngăn cản. Lúc này phải gióng đại hồng chung để tỏ lòng cung kính, cho đến khi kiệu Trụ trì mới nhận nhiệm vụ đã đi thật xa mới thôi” [41]. Đoạn văn trên miêu tả nghi thức vị tân Trụ trì từ biệt Tăng chúng cũ để đến ngôi chùa mình sẽ Trụ trì. Trong nghi thức đó, đề cập việc dùng “trà”, sau đó dùng “thang”, nên ta có thể hiểu “trà” và “nước” ở đây là hai thức uống khác nhau. Theo trình tự nghi thức, trước dâng “trà”, sau đến “nước”, điều này phù hợp với tập tục đãi khách của dân tộc Hán thời Tống – Nguyên. Tác phẩm khuyết danh Nam song kỉ đàm nhà Tống ghi rằng: “Khách đến thì mời trà, rời đi thì mời nước, không biết bắt nguồn từ khi nào, nhưng trên từ quan phủ đến dưới chốn thôn quê hẻo lánh, không ai là không làm theo”. Điều này cho thấy, trà dùng để đón khách, nước dùng để tiễn khách, cho nên khi đãi khách, dùng trà trước rồi mới đến nước. Chịu ảnh hưởng bởi phong tục tiếp khách của người Hán, nên trong nghi thức từ biệt của vị tân Trụ trì, cũng hành “trà lễ” trước, sau đó mới hành “thang lễ”. Trong nghi thức “Sơn môn đặc biệt khoản đãi trà và nước cho Trụ trì mới” cũng theo trình tự sắp xếp trên.
Tuy vậy, trong một số nghi thức khác lại dùng nước trước, trà sau. Như trong mục “Đường ty đặc biệt đãi trà nước Thị giả mới cũ” ghi rằng: “Buổi cơm sơ sài xong, Duy na bảo hành giả Đường ty (liêu Duy na) thỉnh mời Thị giả mới cũ cùng với Thị giả của tượng Thánh tăng trước buổi tiểu tham, đến liêu Duy na đãi nước. Đường ty bày biện vị trí ngồi, treo bảng nêu vị trí, thỉnh người chung liêu quang lâm bầu bạn. Đánh vân bản trước liêu, tiếp rước khách vào mời ngồi (lễ cũng giống như của Khách ty chiêu đãi). Nên đãi nước trước thất Phương trượng để không phương hại đến việc hành lễ. Đợi cho Phương trượng đặc biệt đãi tân Thủ tọa dùng trà xong, thì Khố ty cũng đặc biệt mời thỉnh Thị giả cũ mới dùng trà. Qua ngày hôm sau, những người được chiêu đãi phải đến tạ hai nơi” [42]. Tập tục “tiên thang hậu trà” từng được lưu hành phổ biến trong tộc người Khiết Đan phương Bắc. Tác phẩm Bình châu khả đàm của một người Tống, tên Chu Úc quyển 1 ghi: “Người Liêu khi gặp nhau, có tập tục mời nước trước, trà sau. Đến yến tiệc cũng uống nước trước, sau đó mới thưởng thức các món ăn”. Tập tục uống nước trước, dùng trà sau cũng được phản ánh trong phần “Tống sứ kiến Hoàng thái hậu”, mục “Lễ chí” trong Liêu sử cũng ghi lại trình tự “mọi người ngồi xuống, dùng nước rồi thưởng trà”. Trong “Hạ sanh thần chánh đán Tống sứ triều từ Thái hậu” cũng nghi lại nội dung tương tự: “Dùng nước, thưởng trà xong, các nước chư hầu ngồi nhưng Nam sứ đứng lên cúi chào”. Vào thời Nguyên, tộc người Mông Cổ dù kiến lập chính quyền, nhưng cũng như tộc người Khiết Đan, đều thuộc dân tộc du mục. Họ kế thừa tập tục “tiên trà hậu thang” của người Hán, nhưng đồng thời cũng không phản đối tập tục “tiên thang hậu trà” của người Khiết Đan. Vì vậy nghi lễ trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy cũng có những tình huống dùng “tiên thang hậu trà”.
“Trà thang” chỉ chung cho nước trà
Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, đa số trường hợp “trà thang” dùng để chỉ chung cho một loại thức uống, là nước trà. Như ở quyển 3, chương “Trụ trì”, “trà thang” được đề cập trong các mục như: “Đưa quan tài đi”; “Nghi thức treo di ảnh”, “Cử ai và dâng cúng trà nước”, “Các nghi thức tiểu tham trước linh cửu, dâng cúng trà nước tụng niệm kinh kệ và cúng tế”, “Xuất tang treo di ảnh, dâng cúng trà nước”, đều chỉ chung cho một loại nước trà. Trong nghi lễ Nhập liệm và lễ Trà tỳ, đều ghi chú “dâng cúng cơm cháo mỗi ngày hai lần, dâng cúng trà nước mỗi ngày ba lần”. Phần Nghi thức Nhập tháp viết rõ: “Mỗi ngày ba lần dâng cúng trà nước, đại chúng vân tập tụng kinh”. Phần “trà nước” ở đây nên được hiểu là nước trà vậy.
2.2. Hàm nghĩa của “Tiễn điểm” (煎点)
Khảo sát toàn văn Sắc tu Bách Trượng thanh quy, từ “tiễn điểm” xuất hiện tổng cộng 26 lần, chủ yếu ở chương “Trụ trì” quyển 3. Trong chương này, mục “Nhận sự cúng dường (trai phạn) của người nối pháp”, “Chuyên sứ đặc biệt tổ chức tiệc chay khoản đãi tân Trụ trì”, “Tân Trụ trì nhận Lưỡng tự và Cần cựu mời tiệc chay”, từ “tiễn điểm” ở đây có nghĩa là tổ chức một buổi tiệc trà nước. Lấy phần “Tân Trụ trì nhận Lưỡng tự và Cần cựu mời tiệc chay” làm ví dụ: “Đến ngày lễ, Thủ tọa, Tri sự và Cần cựu cùng đến thất Phương trượng thắp hương bái thỉnh Trụ trì tham dự tiệc, sau đó mời Thị giả và đệ tử Trụ trì (tiểu sư). Bày trí chỗ ngồi của Trụ trì ngay chính giữa Tẩm đường. Riêng tọa vị của Lưỡng tự và Cần cựu thì đặt ở hai nơi như thường lệ, Thị giả dẫn hành giả và tiểu sư vái chào vấn an Trụ trì xong, Lưỡng tự và Cần cựu ngồi ở phía dưới cuối. Đến giờ, Thủ tọa thỉnh Trụ trì ra, chào hỏi mời ngài ngồi rồi hành lễ. Nếu Trụ trì miễn lễ thì chỉ cần đốt hương tiến tới trước mặt thăm hỏi và dâng lễ vật cúng dường. Trong nghi thức dâng lễ vật cúng dường này thì Thủ tọa, Tri sự và Cần cựu đứng đầu. Ba người này thăm chào vấn an xong, quay về vị trí của mình. Dùng cơm chay xong, Thủ tọa đứng lên đốt hương. Như Trụ trì miễn lễ thì mọi người ngồi lại tại chỗ uống trà. Tôn túc các chùa bạn, đồng đạo cũ và các đồng đạo đang tham học cùng tiểu sư thì nghi thức mời mọc cùng với nghi thức mời độ trai tại tẩm đường Trụ trì giống nhau. Tuy nhiên, người được mời dùng cơm ngồi ở vị trí cao thấp thì có thể tùy nghi châm chước” [43]. Từ đoạn văn trên, có thể thấy trong buổi tiệc mà Lưỡng tự và Cần cựu mời tân Trụ trì, quy định rất rõ quy cách và trình tự để Thủ tọa, Tri sự và Cần cựu bái kiến, chính thức ra mắt vị tân Trụ trì. Trong trình tự nghi lễ này, sau khi chào hỏi, việc đôi bên ngồi xuống uống trà, tất nhiên không thể thiếu.
“Đãi tiệc” ở đây chủ yếu là tiệc trà, thông qua phong cách sử dụng ngôn từ để cảm tạ mà tác phẩm đề cập, cho phép chúng ta khẳng định điều này. Như trong phần “Phương trượng đặc biệt đãi trà tân Thủ tọa”, vị tân Thủ tọa đã cảm tạ Phương trượng vì mình mà thiết đãi tiệc trà rằng: “Hôm nay, đặc biệt được dự lễ khoản đãi trà, ý tứ quá ân cần, trong lòng hết sức cảm kích hổ thẹn” [44]. Còn trong phần “Du phương tham học”, lời cảm tạ buổi tiệc trà của vị Tăng du phương tham học như sau: “Chúng con thừa mong chiêu đãi uống trà nên riêng đáp tạ, trong lòng luống những cảm kích vô cùng” [45]. Trong phần “Phương trượng đặc biệt đãi trà các người mới được ghi tên cho ở lại chùa”, những vị khách Tăng cảm tạ như sau: “Chúng con hôm nay được Trụ trì khoản đãi trà trọng hậu nên riêng bái tạ, mà trong lòng thật vô cùng cảm kích” [46]. Trong mục “Phương trượng đãi trà cho Thủ tọa và đại chúng vào dịp bốn ngày lễ lớn trong năm”, khi kết thúc, vị Thủ tọa cũng có lời cảm tạ Trụ trì rằng: “Hôm nay con rất vinh hạnh được Hòa thượng đãi trà, khiến cho lòng con vô cùng cảm kích” [47].
Nhà nghiên cứu Lý Kế Vũ ở Sở Nghiên cứu Tôn giáo thuộc viện Khoa học Xã hội tỉnh Thiểm Tây cho rằng: “Vì trong tiệc trà nước thường hay đính kèm thức ăn nhẹ, nên trong Thanh quy dùng 2 chữ ‘Tiễn điểm’ để gọi chung cho hoạt động này” [48]. Người viết cho rằng hai chữ “Tiễn điểm” dùng để gọi chung cho nghi thức trà nước là rất chính xác, nhưng nếu lấy chữ “điểm” giải thích là “điểm tâm” dễ tạo ra sự hiểu lầm đối với toàn văn. Chữ “điểm” trong “tiễn điểm” nên được hiểu theo nghĩa “điểm trà”, tức pha trà thì hợp với văn nghĩa tác phẩm hơn. Trong thời Đường mà Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải sinh sống, người ta gọi phương pháp nấu trà là “tiễn trà”, tức là trước nấu nước cho sôi lên, sau cho trà vào đun tiếp. Đến thời Tống, phương pháp “pha trà” trở nên thịnh hành, dần thay thế cách “nấu trà” trước đó. Lúc pha trà, lấy bột hoặc lá trà đặt vào trong tách, sau đó lấy ít nước sôi đổ vào tách khuấy đều, rồi bắt đầu pha nước sôi với nước trà trong tách ra bình để châm uống. Thời Nguyên, cách pha trà này vẫn còn thịnh hành. Thời Tống Nguyên, ảnh hưởng về mặt ngôn từ “điểm trà”, có người còn gọi là “điểm thang”. Như trong quyển 6 của tác phẩm Úng dũ nhàn bình của Viên Văn thời này có viết: “Người xưa, khách đến nhà thì pha trà, uống trà xong thì châm nước mời. Đây là lễ thường vậy”. Tạp kịch Đống Tô Tần thời Nguyên miêu tả Tô Tần sau khi sa sút đến thăm Thừa tướng Trương Nghị, nghe Trương bảo người hầu châm nước, Tô Tần liền lên tiếng: “Châm nước là đuổi khách, thôi tôi về vậy”. Trong chương 2 của tác phẩm Ngọc xán đăng lâu của Trịnh Quang Tổ cũng đề cập đến nội dung tương tự: “Châm nước để tiễn khách, có ai không chịu về”. Trong màn thứ 3 “Vân Phong hội” vở hý khúc nổi tiếng của La Quán Trung cũng nhắc đến việc điểm trà. Có thể thấy, bất luận là “nấu” hay “pha”, thì cũng là phương thức chế trà vậy. Sắc tu Bách Trượng thanh quy dùng từ “tiễn điểm” để chỉ cho nghi lễ trà thang nói chung, đã phản ánh chân thật quá trình biến đổi cách pha chế trà trong lịch sử. Trên thực tế từ thời Tống, hai chữ “tiễn điểm” đã được dùng chung với ý nghĩa chiêu đãi rồi. Như trong “Đông kinh mộng hoa lục” của Mạnh Nguyên Lão quyển 3 viết: “Mỗi ngày đến canh năm … đều có người bán nước rửa mặt, thiết đãi trà thuốc đến tận khi trời sáng”.