Đếm ngược (Minh Tâm)

Cuộc đời của mỗi con người ngay từ khi hoài thai cho đến lúc phải đớn đau cài lên ngực bông hồng màu trắng tang thương, có lẽ, đều được ghi dấu bằng những lần đếm ngược của mẹ.

Khi còn là một hình hài nhỏ xíu nằm trong bọc ối với món đồ chơi duy nhất là chiếc dây rốn, dường như em bé nào cũng đã quen tai nghe những lời rủ rỉ rù rì vô cùng trìu mến: Còn bốn tháng nữa… Còn hai tháng nữa… Hơn tháng nữa thôi là bé con của mẹ chào đời… Hết đếm được tháng, mẹ lại đếm tuần: Còn ba tuần… Hai tuần nữa là mẹ được ẵm bồng con trên tay. Rồi nửa tháng cuối cùng của thai kỳ cũng đến, mẹ mòn mỏi đếm từng ngày theo mốc dự sinh đợi hình hài nhỏ bé ra đời, để uống dòng sữa mát thơm ngọt lành của mẹ, để mẹ được ôm ấp trong tay và ru hỡi ru hời về cái cò cái vạc… Đến lúc lên bàn sinh, nhớ lời bà ngoại dặn, phải cố gắng rặn chừng ba hơi thật khỏe, thật dứt khoát là con chào đời, mẹ cũng lại gồng mình cắn môi đếm thầm từng cơn rặn… Đều là đếm ngược!

Sau khi ta chào đời, mẹ lại đếm ngược mỗi lần ta cán một cột mốc nào đó trên chặng đường phát triển: “Năm ngày nữa đầy tháng. Gái hơn hai, trai hơn một. Các cụ ngày xưa đã dạy, con gái phải cúng Mụ trước khi tròn tháng hai ngày, con trai cúng trước một ngày”. Hay: “Ba ngày nữa tròn một trăm ngày tuổi, phải rơ lưỡi rơ hàm bằng lá hẹ để mai mốt mọc răng không sốt”. Rồi: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, mẹ lại lần lượt đếm ngược từng ngày, từng tháng mong con khôn lớn.

Khi ta lên ba, mẹ đếm ngược để mong mau đến ngày đôi chân lon ton của ta bước qua cổng trường mẫu giáo – nơi ta sẽ trưởng thành hơn khi không có vòng tay mẹ ôm ấp, cưng nựng. Rồi mỗi ngày, mẹ đều tất tả đếm ngược thời gian để kịp đón ta trước cánh cổng trường ấy, sợ đến trễ, đón muộn một xíu, các bạn về hết, con của mẹ sẽ bơ vơ, tủi thân. 

Sáu tuổi, mẹ đếm ngược đợi ngày đưa ta vào lớp 1 để bắt đầu chặng đường dài hướng đến một tương lai tươi sáng mà mẹ nói là sẽ “không như đời mẹ”. Rồi suốt 12 năm sau đó, không ai khác ngoài mẹ đếm ngược lo lắng trước mỗi kỳ thi.

Mười tám tuổi, mẹ đếm ngược, nôn nao trước ngày ta bước chân vào phòng thi tốt nghiệp; sau đó hồi hộp đếm ngược chờ ngày công bố điểm chuẩn xem ta có toại chí thỏa lòng hay không; rồi lại đếm ngược thời gian đến ngày ta chính thức rời xa gia đình, tay xách nách mang, rời nhà đi trọ học; để rồi suốt những năm sau đó, mẹ lại chạy đôn chạy đáo mỗi lần đếm ngược trước kỳ đóng tiền phòng trọ hay đóng học phí cho ta… Cứ thế cứ thế, chú chim non “ra ràng”, lớn lên, đủ cánh đủ lông và tung bay khắp bốn phương từ vô số lần đếm ngược của mẹ.

Những tưởng như thế đã xong, mẹ không còn phải lao tâm khổ tứ đếm ngược hết lần này đến lần khác nữa khi con đã lớn. Mẹ đã đến sườn dốc bên kia của cuộc đời rồi, đến lúc cần nghỉ ngơi, thảnh thơi cả thân lẫn tâm. Vậy mà… dường như “đếm ngược” là chức năng đã lập trình sẵn dành cho người mẹ!

Con cái trưởng thành, mỗi đứa một nơi, công việc bộn bề, mưu sinh tất bật… mẹ vò võ nơi quê nhà, ứa nước mắt đếm ngược từng ngày chờ Tết đến xuân về để các con quây quần, đoàn tụ. Mẹ chỉ mong mỗi năm có vài ba cái Tết, vì không phải là Tết, dễ gì các con về. Mẹ mong các con còn hơn cả ngày nào đỏ hỏn con thèm hơi mẹ!

Lúc con còn độc thân thì mẹ bấm tay tính tuổi, giục giã lập gia đình để yên bề gia thất, để mẹ sớm có cháu ẵm bồng. Rồi bao nhiêu đứa con thì bấy nhiêu lần mẹ đếm ngược đến ngày lo cho nó đám cưới, không hơn thì cũng bằng người, thỏa mãn ước ao chu toàn cho con của mẹ. Con có cặp có đôi rồi, đến lúc con dâu, con gái mang thai thì mẹ lại thấp thỏm đếm ngược từng tháng, từng ngày để được đón cháu chào đời, nâng niu cháu nội, cháu ngoại như chính mẹ là người mang thai vậy. Rồi không ai khác, vẫn là mẹ tự mình đếm ngược để nhắc con gái, con dâu mình: “Gái hơn hai, trai hơn một. Các cụ ngày xưa đã dạy rồi, chớ có làm khác mà phải tội. Còn ba ngày nữa cúng Mụ cho thằng Tí”…

Vậy đó! Cả đời mẹ đếm ngược để mong con cháu thuận xuôi. Nhưng cũng bởi đã quá quen với những lần bấm tay đếm ngược tháng ngược ngày của mẹ, nên ta ỷ y, vô tâm, quên ngày tháng vẫn âm thầm trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Lúc còn nhỏ, ta như chú chim non vô tư rúc vào ngực mẹ để được chở che mà không cần biết mẹ đói hay no, lạnh hay nóng, vui hay buồn… Lớn hơn, ta vùi mình vào chuyện học hành, thi cử. Ta yên chí luôn có mẹ ở đó, sẵn sàng chu cấp, sẵn sàng đáp ứng mọi thứ ta cần mà không hay biết mẹ phải vất vả, cực nhọc thế nào, đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra sao… Đến khi trưởng thành, ta mê mải chạy theo tiền tài, danh vọng. Ta chìm nổi lênh đênh vì cơm áo gạo tiền. Ta hẹn lần hẹn lữa những giờ phút trọn vẹn bên mẹ, dành sự yêu thương, chăm chút cho mẹ mà không biết tâm mẹ cô đơn, buồn tủi, thân mẹ đau nhức, rệu rã thế nào… Đến một ngày, mẹ bệnh nằm đó, ta mới hoảng hốt tìm về. Khi mẹ tỉnh tỉnh mê mê nhưng vẫn đếm ngược tính ngày cúng giỗ tổ tiên, ta mới giật mình nhận ra, ta sắp phải tự mình đếm ngược. (Mà liệu trên đời này có mấy người không sợ hãi khi đếm ngược những ngày còn bên mẹ?).

Nước mắt chảy xuôi nên suốt đời mẹ đếm ngược. Mẹ ơi…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *