ĐẶT VẤN ĐỀ
Pháp tu Tịnh Độ đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Phật giáo và trở thành một thành tố vô cùng quan trọng trong Phật giáo ở Á Đông. Tại Việt Nam, kể từ khi pháp tu Tịnh Độ du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ V, dữ kiện Đàm Hoằng sang chùa Tiêu Sơn (tỉnh Bắc Ninh ngày nay) tu tập Quán kinh được xem là thời kỳ đầu du nhập của pháp tu Tịnh Độ. Sự phát triển của pháp môn này trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam gần đây được quan tâm sâu sắc hơn. Trước đó, phần lớn các công trình nghiên cứu, nhất là lịch sử Phật giáo Việt Nam đều chỉ ra rằng, Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữa Thiền và Tịnh song tu; hay Thiền – Tịnh – Mật. Như thế, có thể thấy pháp tu Tịnh Độ có một vị trí vô cùng đặc biệt trong việc tu hành của các nhà tu hành đạo Phật ở Việt Nam. Nhưng cũng vì thế, thật khó phân tách rõ ràng đâu là Thiền, đâu là Tịnh nếu không xem xét trên các bình diện khác nhau, chẳng hạn lịch sử tư tưởng, lịch sử hình thành của pháp tu hay phương pháp tu tập…
Vậy, pháp tu Tịnh Độ được biểu hiện như thế nào vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Từ “Hội liên xã Niệm Phật” do Tổ Bồ Đề Thích Nguyên Biểu sáng lập, bước đầu chúng tôi nêu ra một số suy nghĩ của mình về pháp tu Tịnh Độ ở thời kỳ này.
TỔ BỒ ĐỀ THÍCH NGUYÊN BIỂU VỚI PHÁP TU TỊNH ĐỘ
Tổ Bồ Đề Thích Nguyên Biểu (1836-1906) họ Phạm, pháp danh Thích Nguyên Biểu, hiệu Nhất Thiết, người ở tổng Thạch Giản, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ban đầu, ngài được gia đình đồng ý cho thế phát quy y tại chùa Phù Lãng (Phúc Long tự), xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1852, Ngài được tôn sư cho sang chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tham học và thụ giới Sa di với Tổ Tâm Viên. Đến năm ngài 20 tuổi (1855) thì thụ cụ túc giới và sau đó Ngài ở lại chùa Vĩnh Nghiêm thêm 5 năm nữa tu học. Cũng trong thời gian này, Ngài còn dìu dắt sư đệ Thích Thanh Hanh từ chùa Hòe Nhai về đây tham học.
Sau thời gian tu học ở chùa Vĩnh Nghiêm, Ngài bắt đầu hoằng pháp và trụ trì chùa Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đặc biệt, năm 1874, khi tới bến Bồ Đề, nhận thấy nơi đây cảnh sắc u nhã, lại là địa danh gắn với người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhân dân nơi đây thỉnh cầu, Ngài đã hưng công khởi dựng ngôi chùa và đặt tên là Thiên Sơn Cổ Tích Tự, nhưng nhân dân quanh vùng quen gọi là chùa Bồ Đề. Khi chùa xây xong, Ngài thuyết pháp, thu nhận đệ tử. Có thể kể đến những đệ tử danh tiếng của Ngài như: Hòa thượng Thanh Ất – Tổ đệ tam tổ đình Trung Hậu; Hòa thượng Thông Toàn – Tổ đệ tứ tổ đình Bà Đá… Đối với Tổ đình Bồ Đề, sau ngài có Hòa thượng Thích Thanh Trủy; Hòa thượng Thích Quảng Ích; Hòa thượng Thích Quảng Gia; Hòa thượng Thích Thiên Bản (Cao Đà); Hòa thượng Thích Tâm Tịch…
Bên cạnh việc đào tạo tăng tài cho đất nước, Tổ Nguyên Biểu còn có công rất lớn trong việc san khắc mộc bản kinh điển Phật giáo. Có thể kể đến bộ Nhật tụng Bồ Đề được san khắc năm 1881; bộ Thụ giới nghi phạm san khắc năm 1887; bộ kinh Hoa Nghiêm hoàn thành năm 1892… Năm 1887, sau một thời gian hưng công xây dựng, chùa Bồ Đề trở thành một tùng lâm lớn ở miền Bắc, “cũng trong thời kỳ hoằng pháp này, Ngài đã toàn tâm toàn trí xiển dương giáo lý Tịnh Độ”. Năm 1887, Ngài lập nên “Hội liên xã Niệm Phật” nhằm khuyên thiền gia thất chúng niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ với tác phẩm “Liên xã niệm Phật” [1]. Hội liên xã Niệm Phật do Tổ Nguyên Biểu sáng lập với mục đích rõ ràng như đã nêu ở trên. Và tên hội lại gợi lên suy nghĩ về pháp tu Tịnh Độ thuở ban đầu.
Về kinh điển, đạo Phật trong quá trình phát triển đã hình thành hai dòng chảy lớn là Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Đại thừa. Pháp tu Tịnh Độ là một phương pháp tu tập quan trọng thuộc Phật giáo Đại thừa, nhấn mạnh vào đức tin và sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà dựa trên nền tảng giáo lý hình thành từ ba bộ kinh [2] với phương pháp tu tập chủ yếu là nhất niệm hồng danh Phật A Di Đà, nguyện được vãng sanh Tây phương Cực lạc. Có lẽ vì thế, pháp tu này đáp ứng được nhu cầu của mọi người, mọi giai tầng trong xã hội, không phân biệt người giàu người nghèo, bậc thượng căn hay hạ căn về cõi nơi Phật A Di Đà làm giáo chủ.
Về lịch sử, sự phân kỳ lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo đem đến sự nhận thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn cho mọi người về đạo Phật. Tuy nhiên, việc phân kỳ cũng chưa được thống nhất [3], nhưng cơ bản như Nguyễn Tuệ Chân phân kỳ thành ba giai đoạn: Giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy, giai đoạn Phật giáo Bộ phái và giai đoạn Phật giáo Đại thừa [4]. Đối với Phật giáo Đại thừa, theo Nguyễn Quang Cư, “sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa là phong trào phát triển một đường lối Phật giáo mới, hình thành từ năm 150 trước Công nguyên đến năm 100 sau Công nguyên. Phong trào này là kết quả của sự kế thừa và phát huy nhưng mang tính độc lập, khởi dậy từ miền Nam, miền Tây Bắc và miền Đông Ấn Độ. Ba đặc tính nổi bật là vũ trụ quan mới, kiến giải mới về Abhidhama (A tỳ đàm hay là giáo pháp vi diệu, thù thắng vì giúp cho người tự giải thoát) và quan niệm mới về Bồ tát đạo làm phương châm thực tiễn, từ đó phát sinh một cách nhìn mới về Đức Phật và Phật pháp, đưa ra nhiều kiến giải mới, dần cấu thành phong trào Phật giáo Đại thừa. Đây là một sự mở đầu cho bước phát triển mới trong hệ thống tư tưởng Phật giáo” [5].
Vào thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa, tư tưởng về tha lực, tức là nhờ vào Phật lực, Bồ tát lực… để được giải thoát không phải bắt nguồn từ kinh tạng Phật giáo Đại thừa nói chung mà từ bộ Na Tiên Tỳ kheo Kinh (Nagasena) thuộc kinh tạng của Phật giáo Nguyên thủy. Bộ này xuất hiện vào khoảng thế kỷ I sau Công nguyên [6], điều này cũng phù hợp với nhận xét của Nguyễn Quang Cư về thời gian và kết quả của sự kế thừa, phát huy tư tưởng trước đó của Phật giáo Đại thừa. Đương nhiên, nội dung Kinh Na Tiên Tỳ Kheo là giáo nghĩa Phật giáo Nguyên thủy, nhưng vấn đề “tha lực” lại được xem là tư tưởng độc đáo của sự chuyển tiếp từ thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Chính tư tưởng Phật lực là khởi nguyên của tư tưởng “tha lực” trong giáo nghĩa các bộ kinh thuộc Phật giáo Đại thừa sau này. Junjiro Takakusu khi đọc Na Tiên Tỳ Kheo Kinh đã cho rằng “được cứu độ” là tư tưởng mới trong đạo Phật [7]. Tất nhiên, tư tưởng “được cứu độ” không đơn giản thế, bởi trong kinh tạng của pháp môn Tịnh Độ không chỉ dạy con người Niệm Phật mà còn dạy con người thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, phát Bồ đề tâm, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, tạo lập công đức, hộ trì tam bảo, phóng sinh… Nhìn chung, “chỉ với Kinh Pháp Hoa và Kinh A Di Đà thì tư tưởng cứu độ mới toàn vẹn, [..] chúng sinh được cứu giúp lên cõi Cực lạc. Đó là tinh thần cơ bản của tông Tịnh Độ” [8]. Mặc dù chỉ có ba bộ kinh và một bộ luận triển khai giáo lý làm căn bản phương pháp tu tập Tịnh Độ, nhưng trong hệ thống Phật giáo Đại thừa cũng hết sức ngợi ca tư tưởng Tịnh Độ, làm cho pháp tu Tịnh Độ trở nên phổ biến và nổi bật trong lịch sử tư tưởng Phật giáo.
Theo Phật giáo sử, tư tưởng Tịnh Độ gắn bó chặt chẽ với sự tôn thờ Phật A Di Đà của nhân dân Trung Quốc đã tồn tại từ thời Hán và dần dần trở nên phổ biến hơn nhờ vào các bản dịch của một vị hoàng tử nước An Tức là An Thế Cao vào năm 150. Nhưng về kinh điển Tịnh Độ thì phải đến thế kỷ thứ III trở đi mới dần xuất hiện trọn vẹn [9] nhờ các vị dịch giả xuất chúng. Lịch sử truyền thừa của tông này không rõ ràng như Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông hay Thiền tông. Mãi sau này, các cao tăng đời sau thường căn cứ vào sự đóng góp trong công cuộc xiển dương giáo lý Tịnh Độ, thậm chí căn cứ vào sự linh ứng lúc viên tịch của các cao tăng tiền bối để suy tôn; từ đó hình thành nên mối quan hệ truyền thừa của pháp môn Tịnh Độ [10] và pháp tu này ngày càng trở lên quan trọng không chỉ đối với tín đồ Phật tử mà còn cả quần chúng nhân dân mến mộ đạo Phật.
Trong thập tam tổ (13 vị tổ) Tịnh Độ tông Trung Quốc đã được suy tôn thì sư Huệ Viễn (333-416) là Đệ nhất tổ. Sư Huệ Viễn người họ Cổ, người Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây. Sư Huệ Viễn vốn thông minh xuất chúng, sau khi tôn thiền sư Đạo An làm thầy, không lâu sau ông đã tinh thông kinh Bát nhã. Vì hoàn cảnh lịch sử nên ông xuống Tương Dương, sau đến Lô Sơn và lập chùa Đông Lâm. Ở đây, ông “vừa truyền Đại thừa, vừa truyền Tiểu thừa, rước các vị tăng Tây Vực, Thiên Trúc đến dịch kinh” [11]. Nhưng mặt khác, Sư Huệ Viễn cũng chủ trương xiển dương pháp tu niệm Phật, ẩn dật tu hành không màng thế sự… Năm 402, ông lập ra Hội niệm Phật tại Lô Sơn, lấy tên Bạch Liên xã quy tụ hơn 3.000 người, trong đó có 18 người nổi tiếng nhất gọi là Đông Lâm thập bát hiền. Họ cùng nhau thệ nguyện, rước tượng Phật A Di Đà cùng vãng sinh Tịnh Độ. Điều này chính là sự “tin tưởng và nguyện sinh về Tây phương Cực lạc của vị Phật A Di Đà làm giáo chủ. Phép tu cao nhất của Tịnh Độ là tự coi thể tính của mình là A Di Đà. Và nếu quán được linh ảnh của Di Đà là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được sinh về cõi Tịnh thổ Cực lạc của Ngài” [12].
Như vậy, về hình thức, Hội liên xã Niệm Phật do Tổ Bồ Đề Nguyên Biểu lập năm 1887 cũng có thể giống như là Hội Niệm Phật ở Lô Sơn do sư Huệ Viễn thành lập năm 402, đây là tổ chức tập hợp đông đảo quần chúng ưu chuộng đạo Phật, không phân biệt người tại gia hay xuất gia. Về nội dung, cả hai vị Tổ đều triển khai xiển dương pháp tu Tịnh Độ. Đối với Bạch Liên xã, Phật giáo sử ghi chép hội niệm Phật này quy tụ hơn 3.000 người tham gia, còn Hội liên xã Niệm Phật do Tổ Nguyên Biểu thành lập thì hiện nay chúng tôi chưa rõ có bao nhiêu người, những rõ ràng ngài “không ẩn dật, không màng thế sự” như tổ Huệ Viễn, mà tích cực xiển dương pháp tu Tịnh Độ, đào tạo tăng tài, ấn tống kinh sách,… Mặt khác, việc ngài thành lập Hội liên xã Niệm Phật cho thấy pháp tu Tịnh Độ được đặc biệt chú trọng phát triển, nhiều tổ đình danh tiếng ở miền Bắc, nơi ngài giáo hóa, hoằng pháp đến nay pháp tu Tịnh Độ vẫn hiện diện.
Vậy đâu là cơ sở để ngài xiển dương pháp tu Tịnh Độ ở thời kỳ này. Thật tiếc, chúng tôi chưa có trước tác “Liên xã niệm Phật” để thấy được quan niệm hay tư tưởng của ngài. Song, việc ngài chú trọng phát triển pháp tu Tịnh Độ thông qua việc thành lập Hội liên xã Niệm Phật là bước tiếp nối truyền thống, nhưng ở mức cao hơn trong việc xiển dương pháp tu Tịnh Độ.
Như đã đề cập ở trên, phải đến thế kỷ thứ V, pháp tu Tịnh Độ mới truyền nhập vào nước ta. Cao tăng truyện chép: “Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, nhỏ tu giới hạnh, chuyên sành luật bộ. Trong khoảng Tống Vĩnh sơ (420-422) nam du Phiên Ngung, dừng lại ở chùa Đài, sau lại đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ, tụng Vô lượng thọ và Quán kinh, lòng thề về an dưỡng. Vào năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), nhóm củi trên núi, lén vào trong củi lấy lửa tự thiêu. Đệ tử đuổi kịp, ôm giữ đem về, thì nửa mình đã cháy, trải tháng mới bớt chút ít. Sau đó, xóm gần có hội, cả chùa đều phó. Hoằng vào ngày ấy lại vào trong hang núi tự thiêu. Dân xóm đuổi tìm thì mạng Hoằng đã dứt. Do đó, họ chất củi thêm, đốt lửa cháy đến ngày hôm sau mới tắt. Ngày hôm đó, dân xóm đều thấy Hoằng thân vàng sắc vàng, cưỡi một con nai vàng, đi về phía tây rất nhanh, không nghỉ hỏi han. Tăng và tục mới hiểu thần dị, cùng lượm xương tro, để dựng tháp thờ” [13]. Nhưng từ sau thế kỷ thứ V đến khoảng nửa đầu thế kỷ thứ IX, không có tư liệu nào để lại đề cập đến Tịnh Độ. Dưới thời nhà Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), đất nước ta bước vào thời kỳ tự chủ ổn định, Phật giáo được triều đình ưa chuộng và phát triển hơn trước. Những sử liệu Phật giáo chép về thời kỳ này chủ yếu liên quan đến Thiền tông và các yếu tố Mật tông. Tuy nhiên, với sự đề cao sự cứu vớt của các vị Bồ tát, đặc biệt là Bồ tát Quan Thế Âm nên tư tưởng Tịnh Độ vẫn được bảo lưu trong sự dung hòa với Thiền tông, Mật tông. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, đây là thời kỳ nước ta hưng thịnh với hai triều đại Lý và Trần. Và đây cũng là thời kỳ Phật giáo phát triển nhất, gắn bó sâu sắc với các vương triều. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời kỳ này đã cho thấy tư tưởng Tịnh Độ khá phát triển, chẳng hạn vua Lý Thánh Tông (1023-1072) cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà năm 1066, hiện được thờ phụng tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự), tỉnh Bắc Ninh ngày nay; sư Trì Bát (1049-1117) tạo tác tượng Phật A Di Đà vào năm 1099 ở chùa Hoàng Kim, nay thuộc xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai (Hà Nội)…
Các thiền sư thuộc phổ hệ truyền thừa các thiền phái vẫn tu tập theo pháp tu Tịnh Độ như: Thiền sư Tịnh Lực (1112-1175), thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, chuyên kinh Viên giác, song “trong 12 thời sư lễ Phật sám hối, thâm nhập được pháp môn niệm Phật tam muội nên âm thanh trong trẻo như tiếng Phạm thiên”[15]; Thiền sư Trì Bát (1049-1117) thuộc thế hệ thứ 7 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, nhân tưởng niệm Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục, dựng một đạo tràng lớn [15] … Thời Trần, các nhà tư tưởng, uyên thâm Phật giáo như: Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… thường bàn về vấn đề niệm Phật dưới góc độ lý luận hơn là thực tiễn. Như Trần Thái Tông đã kiến giải sâu sắc về vấn đề niệm Phật [16], hay Tuệ Trung Thượng Sĩ “là một trí thức tam giáo mà Phật giáo trội hơn chứ không độc tôn”[17]. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi một trí thức điển hình về sự uyên thâm Phật pháp, đề cao “kiến tính”, tìm về bản ngã chân như, khai mở Phật tính trong mỗi chúng sinh lại có những vẫn thơ như chẳng đề cao ngồi thiền hay niệm Phật:
Tự thị quyện thời tâm tự tức
Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền
(Khi nào mệt mỏi thì tâm tự tắt
Chẳng cần niệm Phật, chẳng ngồi thiền)
(Ngẫu Tác).
Nhưng sâu lắng bên trong tâm vẫn là sự khẳng định A Di Đà là bản tâm của mỗi người, với pháp thân bao trùm khắp chốn:
Tâm nội Di Đà tử ma khu
Đông tây nam bắc pháp thân chu
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.
(Di đà vốn thực thân ta
Nam bắc đông tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa) [18].
Phật giáo Trúc Lâm một mặt rất đậm tính dân tộc, mặt khác lại theo tư tưởng của Mã Tổ Đạo Nhất, nhưng phóng khoáng hơn và như thế không phải là không có tư tưởng Tịnh Độ như đã nói ở trên là minh chứng cho sự “…thích hợp với tâm linh tôn giáo của người Việt, hướng về tu tâm dưỡng tính, làm việc thiện hơn là nghiên cứu giáo lý uyên bác…” [19]. Cho nên, khi Phật giáo Trúc Lâm được thành lập thì lập tức thành dòng Phật giáo chủ lưu, và có lẽ vì thế mà pháp tu Tịnh Độ không trở thành “tông” như ở Trung Quốc hay Nhật Bản mà hòa hợp trong dòng chảy của Trúc Lâm Phật giáo.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Nho giáo được đề cao và Phật giáo, Đạo giáo nói chung bị hạn chế. Nhưng ngay sau thế kỷ XVI, từ thời nhà Mạc, Phật giáo được phục hưng, nhiều quý tộc, đặc biệt là phụ nữ quý tộc đã có công đức lớn với chùa, song không có một tông phái nào nổi bật, hoặc ít được ghi chép. Cuộc chiến Nam-Bắc triều rồi Trịnh-Nguyễn phân tranh đã đưa con người quay trở lại mạnh mẽ hơn với Phật giáo. Đây là lý do giúp cho các tông phái Phật giáo như Lâm Tế, Tào Động du nhập sâu vào xã hội Việt Nam. Đối với Tịnh Độ, xu hướng Thiền Tịnh song tu [20] trở thành chủ đạo trong tu tập của tín đồ Phật giáo Việt Nam. Hiện tượng này đã thấy từ thời Lý-Trần, song thời kỳ này nổi trội hơn cả. Nhiều tác phẩm viết về pháp tu Tịnh Độ, phiên âm và chú giải nhằm truyền bá cho pháp môn này như ngài Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644) trước tác Bồ đề yếu nghĩa, thuyết minh về Tự tính Di Đà; Thiền sư Hương Hải (1628-1708) vừa tuyên truyền tư tưởng thiền phái Trúc Lâm, đề cao Phật tại tâm vừa phiên dịch A di đà kinh sớ sao của Châu Hoằng; Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) vốn đọc Tam tổ thực lục mà nảy tâm tu hành, nhưng sau khi tham vấn Thiền sư Minh Lương được trao tâm ấn làm tổ đời thứ 36 tông Lâm Tế. Vì vậy, ở thiền sư Chân Nguyên, là sự hội tụ của hai tông phái Trúc Lâm và Lâm Tế. Năm 1684, ngài còn dựng tòa Cửu phẩm liên hoa thể hiện tư tưởng Tịnh Độ qua điêu khắc rất độc đáo. Như vậy, Thiền sư Chân Nguyên còn là minh chứng rõ ràng nhất ở Việt Nam về Thiền Tịnh song tu thời kỳ này. Bản thân ngài còn trước tác, nghiên cứu sâu sắc về pháp tu Tịnh Độ như: Tịnh độ yếu nghĩa, Long thư Tịnh độ văn, Long thư Tịnh độ luận bạt hậu tự…
Tổ Nguyên Biểu được tôn sư chùa Phù Lãng cho phép sang tham học và thụ giới với Tổ Tâm Viên tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm gắn bó với giai đoạn các vị Tổ Trúc Lâm và là trung tâm Phật giáo Trúc Lâm lớn không chỉ ở thời Trần mà mãi về sau. Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm là nơi đào tạo tăng tài, nơi san khắc mộc bản ấn tống kinh điển danh tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trên phương diện san khắc mộc bản ấn tống kinh điển Phật giáo, vào thời kỳ Tổ Tâm Viên trụ trì đã san khắc khá nhiều bộ văn sách Phật giáo như: Kính tín lục, Tây phương mỹ nhân truyện, Tỳ kheo ni giới kinh, Sa di ni kinh, Đại A Di Đà kinh (gồm: A Di Đà vấn sao biện, A Di Đà kinh sớ sao tục vấn, A Di Đà yếu giải, A Di Đà sự nghĩa, Tịnh Độ tứ thập bát vấn. Đầy đủ nhất là bộ A Di Đà kinh sớ sao). Trong đó, có bộ Kính tín lục là loại sách của Trung Quốc, có tính chất và mục đích khuyến thiện, trừng ác, có sức truyền cảm lớn. Trong lời tựa san khắc bộ sách này để lưu truyền ở nước ta do Cử nhân khoa Canh Tuất là Nguyễn Huy Tuấn viết vào năm Tự Đức thứ 29 (1876) đã cho biết mộc bản (ván in) lưu tại chùa Phúc Long, xã Phù Lãng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Như thế, chùa Phúc Long hay còn gọi là chùa Phù Lãng chính là nơi đầu tiên Tổ Nguyên Biểu tu hành. Không chỉ có thế, ngoài bộ Kính tín lục còn có bộ Tây phương mỹ nhân truyện, ngoài bìa còn ghi tàng bản chùa Phù Lãng, nhưng mộc bản hiện lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm. Như thế, chùa Phù Lãng và chùa Vĩnh Nghiêm cũng có mối liên hệ vô cùng mật thiết, mà trong lời tựa A Di Đà kinh sớ sao cho biết rõ điều này: “Tháng giêng năm Đinh Tỵ niên hiệu Tự Đức, Sa môn Thông Duệ chùa Phúc Long xã Phù Lãng huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh phát tâm khắc in lại các bộ kinh Di Đà kinh sớ sao, Sự nghĩa vấn biện, Di Đà kinh yếu giải, Tây phương mỹ nhân truyện. Đến năm Mậu Ngọ, sa bà báo mãn, tịnh độ duyên thành, truyền y bát cho môn đệ và phó chúc việc in kinh cho môn đồ pháp quyến làm thay. Đệ tử là Tâm Viên vâng mệnh làm theo, thân tâm rất vui mừng. Trộm nghĩ ơn sâu tam bảo, đức nặng hai thầy, huống nữa mình và người cùng muốn được chân pháp, há dám chậm trễ! Nhưng mà thế sự vô thường, phải đến năm Đinh Mão mới bắt đầu khắc in lại được, đến năm Quý Dậu thì hoàn thành” [21].
Đối với kinh điển Tịnh Độ, văn bản A Di Đà sớ sao đã cho biết nguyên nhân san khắc, ấn tống kinh điển là để khuyến thiện, phúc báo “huống chi pháp môn Tịnh Độ vượt ra ngoài sinh tử luân hồi, mãi không thoái chuyển cho đến khi thành Phật, cho nên khuyên mọi người tu Tịnh Độ là thành tựu cho tất cả chúng sinh. Làm Phật ắt độ cho vô lượng chúng sinh, chúng sinh được độ đều bắt đầu từ ta, phúc báo ấy thực vô cùng tận. Cho nên muốn khuyên hết thảy những người có kiến văn hãy mở rộng tâm ấy, lấy tâm Phật làm tâm mình, khiến cho người người đều biết đến, mà hết thảy được sinh về cõi Tịnh Độ”[22].
Như thế, Tổ Nguyên Biểu đã có sự kế thừa truyền thống tu hành từ chùa Phù Lãng (Phúc Long tự), chùa Vĩnh Nghiêm. Với sự hiện diện của các bộ kinh luận Tịnh Độ đã cho thấy thời kỳ này vẫn theo xu hướng Thiền-Tịnh song tu. Song yếu tố Tịnh đã trội hơn Thiền. Yếu tố này theo chúng tôi bắt đầu từ thiền sư Chuyết Chuyết, thiền sư Hương Hải, thiền sư Chân Nguyên, nhưng rõ ràng hơn ở Tổ Nguyên Biểu với việc thành lập Hội liên xã Niệm Phật.
3. ĐÔI LỜI TẠM KẾT
Trên cơ sở tiếp nối truyền thống tu tập Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là từ sự ảnh hưởng trực tiếp từ tổ đình Phù Lãng, Vĩnh Nghiêm. Tổ Nguyên Biểu không chỉ am hiểu sâu sắc Phật giáo mà còn tinh thông giáo lý Tịnh Độ. Bên cạnh đó, việc san khắc mộc bản, ấn tống kinh điển Tịnh Độ ở chùa Phù Lãng và chùa Vĩnh Nghiêm cùng “tâm nguyện” của các vị tổ như ngài Thông Duệ, Tâm Viên một mặt cho thấy giáo lý Tịnh Độ đã hoàn bị, nhưng sâu xa hơn là đáp ứng nhu cầu của tín đồ, Phật tử cùng đông đảo quần chúng nhân dân trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động.
Việc Tổ Nguyên Biểu thành lập Hội liên xã Niệm Phật, thiết nghĩ, trước hết là việc đáp ứng nhu cầu đó. Với hình thức “hội” đã góp phần xiển dương pháp tu Tịnh Độ sâu rộng hơn trong nhiều tầng lớp. Góp phần đào tạo nhiều tăng tài am hiểu đạo Phật, am hiểu giáo lý, phương pháp tu tập Tịnh Độ, nâng cao hơn về mặt lý luận, và có thể thấy, thời kỳ này yếu tố Tịnh Độ rất được quan tâm. Tất cả góp phần tạo cơ sở cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam sau này. Nhiều nhóm chuyên thực hành niệm Phật tiếp tục được thành lập như: Liên Trì xã, Niệm Phật liên xã, nhiều sách báo đã chuyển tải, giải thích tính hợp lý của việc tu tập Tịnh Độ. Đây là sự thích ứng của Phật giáo Việt Nam với thời đại, với xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
[1] Tài liệu do Ban tổ chức Hội thảo cung cấp.
[2] Đó là bộ Vô lượng thọ kinh, Quán vô lượng thọ kinh và Phật thuyết A Di Đà kinh.
[3] Chẳng hạn như Edward Conze chia thành ba giai đoạn: “Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, phần lớn trùng khớp với giai đoạn mà sau này được gọi là Tiểu thừa. Thời kỳ thứ hai được đánh dấu bởi sự phát triển của giáo lý Đại thừa. Thời kỳ thứ ba là sự phát triển của Mật tông và Thiền tông. Các thời kỳ này kéo dài đến khoảng thế kỷ XI. Sau đó Phật giáo không còn sự thay đổi nội tại nào đáng kể nữa mà tiếp tục duy trì”. Xin xem: Edward Conze (Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải), Lược sử Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.16.
[4] Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), Lịch sử Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.31
[5] Nguyễn Quảng Cư (2014), “Cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (số 7), tr.36-37.
[6] Ban đầu, bản kinh này truyền sang Tích Lan và các nước theo Phật giáo Nguyên Thủy với tên gọi là Milindapanhà hay Di Lan Dà vấn kinh thuộc văn hệ Pàli. Sau đó, bản kinh này được truyền sang Trung Quốc và dịch sang văn hệ Hán với tên gọi là Na Tiên tỳ kheo kinh. Nội dung kinh Na Tiên tỳ kheo ghi lại những lời vấn đáp giữa Tỳ kheo Na Tiên, người Trung Ấn, sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ II trước Công nguyên và vua Di Lan Đà (Milinda) tại kinh thành Sa Yết La (Sàkalà) thuộc thượng lưu Ngũ Hà. Trong cuộc đối thoại này, nổi bật quan điểm nếu ai đó từng làm việc bất thiện, nhưng khi lâm chung biết tưởng nhớ đến Phật sẽ được Phật lực nâng đỡ mà sinh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ. Xin xem: Ban biên Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb. Thời Đại, Hà Nội. tr.147-148; Cao Hữu Đính soạn thuật (1996), Na Tiên tỳ kheo kinh, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế ấn hành.
[7] Ông viết: “Nếu chúng ta mô tả một vị Phật dựa trên căn bản giác ngộ viên mãn, chúng ta sẽ đi đến một lý tưởng về Phật, nghĩa là Đức Phật của ánh sáng vô tận (Vô lượng quang) và của tuổi thọ vô tận (Vô lượng thọ). Khi lý tưởng về Niết Bàn, vốn là phi không gian, phi thời gian, bất sinh, bất diệt, bất động được thể hiện, thì đất chính là Vô tận hay Vô lượng (Adiđà, Amita hay Amitabha). Sự mô tả về cõi Cực lạc, ý nghĩa Vô lượng quang và Vô lượng thọ và nhân cách giác ngộ của trí tuệ và từ bi vô cùng tận, tất cả giản dị là những giải thích về “Vô lượng”: Xin xem: Junjiro Takakusu (Tuệ Sỹ dịch), Các tông phái của đạo Phật, Ban Tu thư viện Đại học Vạn Hạnh, tr.318.
[8] PGS. Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr.234.
[9] Đó là Sư Khương Tăng Ngãi dịch kinh Vô lượng thọ; Cư sĩ Chí Khiêm dịch kinh Đại A di đà; La Thập dịch kinh A di đà (còn gọi là kinh Tiểu A di đà); Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) dịch kinh Tân Vô lượng thọ, kinh Quán Phật tam muội; Trí Nghiêm dịch Tịnh Độ tam muội; Cương Lương Da Xá (thế kỷ 5) dịch kinh Quán Vô lượng thọ; Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI) dịch Vô lượng thọ kinh luận. Đến đây các bộ kinh căn bản của Tịnh Độ đã hoàn chỉnh, trong đó ba bộ kinh tạng được coi là nền tảng Tịnh Độ tông là Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ và Kinh A Di Đà, sau thêm bộ Vãng sinh Tịnh Độ luận do ngài Thế Thân trước tác được dịch thì Tịnh Độ tông đã hoàn chỉnh xét trên hai phương diện chính là giáo lý và phương pháp tu tập. Hẳn nhiên, không chỉ có các bản kinh Tịnh Độ được dịch ở thời kỳ này, nhưng qua các bản dịch này đã cho thấy sự phát triển liên tục của Phật giáo Trung Quốc, sự thích ứng, hoà hợp, kết hợp nhịp nhàng với xã hội, tư tưởng, văn hoá truyền thống nơi đạo Phật truyền đến. Tuy nhiên, ở ngay trong chính Phật giáo Trung Quốc, việc phân chia để hình thành tông phái, cùng sự truyền thừa thích hợp phần nào đó cũng đem đến sự phát triển. Trên bình diện này, nó mang ý nghĩa lý luận nhiều hơn thực tiễn tôn giáo, bởi chỉ có các bậc tu hành uyên thâm Phật học, đức cao vọng trọng mới có thể chia thành tông phái khác nhau và vô hình chung đã duy trì tính liên tục của Phật giáo Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Còn phần lớn các tín đồ Phật giáo chỉ biết đến với Phật giáo với mong muốn được cứu độ, mong được giải thoát hay đơn giản là mong cầu bình yên sau khi lễ chùa, lễ Phật. Xem thêm: Edward Conze (Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải), Lược sử Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.174).
[10] Sự truyền thừa của Tịnh Độ tông được ghi nhận bắt đầu từ thời Tống (960-1279), theo tác phẩm Lịch sử Phật giáo do Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) thì Tông Hiểu (1151-1214) trong tác phẩm Lạc bang văn loại đã tuyên dương pháp môn Tịnh Độ, ông đề cử Đông Tấn Lô Sơn Huệ Viễn là vị Tổ đầu tiên của Tịnh Độ tông cùng năm vị thứ tự là Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Tĩnh Thường, Tông Trạch kế thừa hình thành truyền thừa Tịnh Độ tông. Nhưng sau này, tăng nhân Chí Bàn viết bộ Phật tổ thống ký sửa lại thành bảy vị thứ tự như sau: Huệ Viễn, Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Diên Thọ và Tĩnh Thường. Và từ thời nhà Minh (1441-1644), thời nhà Thanh (1644-1911) cho đến thời gian gần đây, lại trải qua nhiều lần bổ sung, suy tôn được mười ba vị cao tăng là tổ sư được hầu hết giới tu hành Tịnh Độ chấp thuận, thứ tự như sau:
1. Lô Sơn Huệ Viễn (334-416 TL) đời Đông Tấn làm sơ Tổ.
2. Quang Minh Thiện Đạo (613-681 TL) đời Tùy Đường, đệ nhị Tổ.
3. Bát Châu Thừa Viễn đời Đường, đệ tam Tổ.
4. Ngũ Hội Pháp Chiếu đời Đường, đệ tứ Tổ.
5. Đại Nham Thiếu Khang đời Đường, đệ ngũ Tổ.
6. Vĩnh Minh Diên Thọ đời Tống (?-975), đệ lục Tổ.
7. Chiêu Khánh Tĩnh Thường đời Tống, đệ thất Tổ.
8. Vân Thê Châu Hoằng (1535-1616), đời Minh, đệ bát Tổ.
9. Ngẫu Ích Trí Húc (1599-1655) đời Thanh, đệ cửu Tổ.
10. Phổ Nhãn Hành Sách tự Triệt Lưu đời Thanh, đệ thập Tổ.
11. Tiên Lâm Thất Hiền (1686-1734) đời Thanh, thập nhất Tổ.
12. Tư Phúc Tế Tỉnh đời Thanh, thập nhị Tổ.
13. Linh Nham Ấn Quang, đầu đời Dân Quốc, thập tam Tổ.
[11] Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr59
[12] Cư sĩ Nguyên Hòa (2014), “Nguồn gốc lịch sử, ra đời và phát triển của Tịnh Độ tông”, Tạp chí Nghiên cứu Phật Học, (số 3), tr.41.
[13] Dẫn theo: Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.749.
[14] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP Hồ Chí Minh, tr.223.
[15] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP Hồ Chí Minh, tr.276.
[16] Ngài đã chia người tu hành thành ba hạng là Thượng trí giả, Trung trí giả và Hạ trí giả. Trong đó, người Thượng trí là thân Phật, người Trung trí phải nhờ vào niệm Phật, luôn chuyên cần tịnh tiến, tự tâm mình thuần thiện và sau khi lâm chung sẽ nhập Niết bàn, người Hạ trí phải luôn miệng niệm Phật, thân cầu sinh đất Phật và sau khi chết được sinh vào đất Phật thì lại nhờ chư Phật dạy dỗ mới được Phật quả…
[17] Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.604.
[18] Nguyễn Lang (1977), Phật giáo sử luận, Nxb. Lá Bối, tr.78.
[19] PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo và Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.463.
[20] Xu hướng này do Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) đời Tống (Trung Quốc) khởi xướng, nhưng ở Việt Nam không nhất thiết ảnh hưởng xu hướng từ Vĩnh Minh Diên Thọ.
[21] Nguyên văn trong quyển 4, tr.99, bộ A Di Đà kinh sớ sao hiện lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm: “Đại Nam Tự Đức Đinh Tỵ mạnh xuân, Bắc Ninh tỉnh Từ Sơn phủ Võ Giàng huyện Phù Lãng xã Phúc Long tự Sa môn Thông Duệ phát tâm trùng san: Di Đà kinh sớ sao, Sự nghĩa vấn biện, Di Đà kinh yếu giải, Tây phương mỹ nhân truyện. Ư Mậu Ngọ sa bà báo mãn, Tịnh Độ duyên thành, truyền y bát dư ti tịnh san kinh sự, phó chúc pháp quyến đại lao. Đệ tử Tâm Viên đẳng phụng tự pháp ty, thân tâm biến hỉ. Thiết niệm tam bảo ân thâm, nhị sư đức trọng, huống tự tha dục đắc chân pháp đại pháp, khởi cảm trì đình. Nhiên nhi thế tướng vô thường, triển chuyển chí Đinh Mão sơ san, Quý Dậu khắc kính”.
[22] Trong lời dẫn quyển 4, tr.98, A Di Đà kinh sớ sao. Nguyên văn: Huống Tịnh Độ pháp môn siêu xuất sinh tử luân hồi, vĩnh bất thối chuyển, nghi chí thành Phât nhi hậu dĩ, thị khuyến nhất nhân tu Tịnh Độ nãi thành tựu nhất thiết chúng sinh tác Phật dã. Phàm tác Phật giả tất độ vô lượng chúng sinh. Tòng can độ chi chúng sinh giai do ngã nhi thủy. Kỳ phúc báo, tín bất khả cùng tận, Cố dục khuyến nhất thiết kiến giả văn giả quảng đại kỳ tâm, dĩ Phật tâm vi tâm, sử nhân nhân tri chi, nhi tận sinh Tịnh Độ.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Ban biên Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb. Thời Đại, Hà Nội.
2. Nguyễn Quảng Cư (2014), “Cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (số 7).
3. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), Lịch sử Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Cao Hữu Đính soạn thuật (1996), Na Tiên tỳ kheo kinh, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế ấn hành.
5. Edward Conze (Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải), Lược sử Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
6. Cư sĩ Nguyên Hòa (2014), “Nguồn gốc lịch sử, ra đời và phát triển của Tịnh Độ tông”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, (số 3)
7. PGS. Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội
8. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo và Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
10. Nguyễn Lang (1977), Phật giáo sử luận, Nxb. Lá Bối.
11. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
12. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP Hồ Chí Minh.
13. Trần Quang Thuận, Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
14. Junjiro Takakusu (Tuệ Sỹ dịch), Các tông phái của đạo Phật, Ban Tu thư viện Đại học Vạn Hạnh.
Và một số tư liệu điền dã của tác giả.