LTS: Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng giới thiệu bài viết “Dấu hài của bậc Tông tượng” của Hòa thượng Thích Giác Toàn. Đây là bài tham luận phát biểu tại Hội thảo khoa học “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời – Đạo nghiệp – Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc”, do Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, tổ chức vào ngày 26/8/2022.
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý vị khách quý,
Kính thưa chư liệt vị,
Hôm nay chúng ta tụ hội nơi đây để cùng nhìn lại và suy ngẫm về cuộc đời, đạo nghiệp, những đóng góp của Đại lão Hòa thượng Danh Nhưỡng cho đạo pháp và dân tộc. Thời gian qua, kể từ năm 1962 đến khi Ngài viên tịch, cộng lại là 65 năm. Trong thời này, với đủ mọi phương tiện về tài liệu, thông tin…, thời gian 65 năm không xa để chúng ta có thể quên lãng nhiều sự việc, nhất là đối với một bậc Tông tượng trí đức mà công lao, sự nghiệp lớn như Hòa thượng Danh Nhưỡng.
Tập ghi tiểu sử của Hòa thượng mà Ban Tổ chức hội thảo gửi đến chúng tôi, những thành viên hội thảo và thông tin trên các trang web, báo chí cũng khá đầy đủ để tôi không cần nêu ra đây thêm nữa. Tôi chỉ muốn bày tỏ lòng kính phục, sự biết ơn sâu sắc đến Hòa thượng Nguyên Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, vị Giảng sư Phật học, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII. Ngài còn là một chiến sĩ tham gia công cuộc giải phóng, chống độc tài, chống đàn áp nhân dân tại miền Nam trước năm 1975.
Sự nghiệp của Hòa thượng Danh Nhưỡng để lại cho hệ phái Nam tông Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam rất đáng trân trọng. Ta có thể xét về nhiều động lực tùy theo góc độ đề tài. Nay tôi chỉ xin nói về Bi, Trí, Dũng trong tinh thần Phật giáo:
– Bi (Karuna) là lòng yêu thương, thông cảm với những chúng sinh đang khổ đau và tìm cách làm cho họ vơi bớt hay dứt khỏi khổ đau, tiến đến tình trạng an vui, tiến bộ. Hòa thượng đã hết lòng giảng dạy cho các Tăng sinh của hệ phái, thành lập và là Viện trưởng Học viện Viện Phật giáo Nam tông Khmer, vị chủ đạo trong việc thành lập nhiều chùa Nam tông Khmer. Càng cụ thể, rõ nét hơn, Ngài đã không ngừng đấu tranh cho độc lập dân tộc, chống áp bức, độc tài tại miền Nam, thể hiện lòng thương nhân dân, góp công vào công cuộc thống nhất đất nước.
– Trí (Jnana) là sự sự hiểu biết, sáng suốt, nhận rõ các sự việc, sự thông tuệ trong việc nhìn bản chất của sự việc. Hòa thượng đã sử dụng trí tuệ để lập chương trình, kế hoạch cho từng sự việc, cho toàn bộ sự việc. Do trí tuệ, Ngài phát triển hệ phái, đóng góp hữu hiệu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cho đất nước. Nếu không có trí tuệ để thực hiện những kế hoạch, những tính toán đúng đắn thì Hòa thượng có thể bị thế lực đối nghịch gây hại cho Ngài và cả chư Tăng, quần chúng theo Ngài.
– Dũng (Vesarajjani) hay Vô úy, Vô sở úy là sự dũng cảm, không sợ hãi trước những trở ngại như bạo lực, sự chống đối, sự lười biếng, tham lam… Hòa thượng đã không ngại khó khăn, kiên trì học tập qua các cấp Phật học, các kinh điển, các cấp giáo dục của Nhà nước. Ngài can đảm kêu gọi đoàn kết, chống bạo lực, chống bất công, áp bức của chế độ cũ…
Có trí tuệ thì từ bi càng mạnh, càng có hiệu lực; có trí tuệ thì sự dũng cảm càng có hiệu lực; có dũng cảm thì từ bi mới tăng trưởng. Hòa thượng đã thể hiện ba đức Bi, Trí Dũng trong đời Ngài vậy. Về phía Phật giáo, công lao lớn của Ngài rất có ý nghĩa, không chỉ đối với đất nước mà cả với Phật giáo quốc tế. Năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Myanmar và Hội đồng Tăng-già Myanmar đã trao tặng Ngài tước hiệu vô cùng cao quý Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja (Tối thượng Chiếu quang Đại Pháp sư). Tước hiệu này của Ngài cũng là niềm tự hào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của hệ phái Nam tông Khmer.


Tôi tự hỏi, sau hội thảo đầy ý nghĩa này Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà nước, hệ phái Nam tông Khmer và quần chúng Phật tử sẽ làm gì để ghi nhớ công đức của Đại lão Hòa thượng Danh Nhưỡng? Tôi nghĩ, ít ra cũng có vài điểm sau đây cần được thực hiện:
– Sưu tầm thêm những tài liệu liên quan đến Hòa thượng: Lời thuật lại của những người thường tiếp xúc với Hòa thượng như các vị thị giả, các thành viên trong chùa, trong hệ phái, các thư tịch của Hòa thượng, các hình ảnh, phim ảnh, hồi ký của những vị có liên quan đến cuộc đấu tranh chống áp bức… của Hòa thượng.
– Giáo hội cùng hệ phái Nam tông Khmer và sự giúp đỡ của Nhà nước thực hiện việc phát triển hệ phái Nam tông Khmer, bảo trì các di tích liên hệ đến Hòa thượng Danh Nhưỡng… Cuộc đời Ngài, những bước chân Ngài đã để lại những dấu ấn mà chúng ta cần noi theo để học hỏi, hun đúc tâm trí và đóng góp cho Đạo, cho Đời.
– Tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo về Hòa thượng, rút ra bài học về tấm gương sáng, công đức của Ngài.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày viên tịch của Hòa thượng, tôi vô cùng xúc động khi đọc về cuộc đời Ngài. Nay tôi xin bày tỏ niềm xúc động của tôi qua mấy câu thơ sau đây:
Lần theo dấu hài.
Sáng ngời Phật giáo Việt Nam
Sáng ngời một vị Thiền lâm cao vời
“Pháp sư Tối thượng” trong đời
Tước hiệu vinh hiển một thời công lao
Bi, Trí, Dũng tự kiếp nào
Mà nay hiển lộ nhập vào đời nay
Bước chân để lại dấu hài
Cho hàng hậu bối tháng ngày dõi theo
Ngài về cõi tịnh huyền siêu
Trần gian còn mãi muôn điều vọng trông
Nam-mô… chỉ một tấm lòng
Nam-mô… ngưỡng diện cõi không vĩnh tồn.
Chú thích:
* Hòa thượng Thích Giác Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.