Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển (TT.TS. Thích Phước Đạt)

Không phải ngẫu nhiên các thiền đường, tự viện Việt Nam sau mỗi thời khóa đều có lời phục nguyện: “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc”. Đây cũng là tâm nguyện của mỗi Phật tử Việt Nam trong tiến trình tu tập, hướng tâm đến giải thoát khổ đau qua mọi thời đại lịch sử dân tộc. Bởi lẽ, từ trong cội rễ tâm thức mỗi người dân Việt nghiễm nhiên hiểu rằng, chỉ khi đạo Phật được xiển dương trong một quốc gia hưng thịnh, đất nước phồn vinh thì con người mới thật sự hạnh phúc an lạc. 

PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC 

Đây cũng chính là câu trả lời tại sao kể từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã trở thành thực thể gắn kết và đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình dựng nước, giữ nước. Để đạt được mục đích và lý tưởng cao đẹp ấy, cộng đồng người Việt đã thực thi ước nguyện “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển” bằng sự trải nghiệm, hành trì trong đời sống thực nghiệm tâm linh, tự nguyện giải thoát mình chính là giải thoát khổ đau, nói theo ngôn ngữ của Thiền sư Khương Tăng Hội trong Lục độ tập kinh là: “Bồ tát cứu độ chúng sinh, giải thoát nhân dân thoát khổ”. Nó minh chứng cho sự hội nhập Phật giáo vào tâm khảm người Việt trong tiến trình chống lại sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc ở giai đoạn Bắc thuộc. 

Đó cũng là quá trình tu tập của người dân Việt trong chí hướng cầu đạo giải thoát khỏi mọi xiềng xích nô lệ, để vươn tới chân trời tự do, độc lập. Người dân Việt có đạo có thể tự mình khai mở tư duy, kiên định tâm thức, dũng mãnh trong mọi hoàn cảnh, tự tin chắt lọc từ trong giáo lý đạo Phật những yếu tố phù hợp với điều kiện lịch sử – xã hội của đất nước ta, giúp dân tộc vững tiến mà chưa bao giờ quy phục bất cứ kẻ thù nào. 

Kết quả, Phật giáo Việt Nam ngay từ buổi đầu đã tự thân khẳng định sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của một đất nước độc lập với tất cả bản sắc văn hóa thích hợp, phóng khoáng không bài ngoại và càng không lệ thuộc ngoại. Đây chính là đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, biểu hiện bằng sự đề cao tính tự cường dân tộc, được nhân dân đồng tình, chấp nhận, trở thành cốt tủy của chính mình. Hay nói cách khác, dân tộc Việt Nam đã hoằng dương đạo Phật qua việc khai mạch dòng thiền để “Pháp môn ngày càng tỏ rạng”, tạo thành sức mạnh nội tại từ trong các dòng thiền. Tất cả đều có đủ khả năng giải quyết mọi khổ đau từ trong nội tâm người dân, rồi hướng đến cả xã hội, chung tay đồng lòng giải phóng khỏi sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc. 

Đạo Thiền cứ thế phát triển, các Thiền sư và Phật tử tự mình nỗ lực hành thiền, tu đạo, chứng đạo đã tạo nên kỳ tích, mở ra một thời đại mới: Thời đại thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng, phục hưng mọi giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn 1.000 năm bị đô hộ. Các Thiền sư Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác… đã tùy duyên, tích cực đóng góp cho vương triều Lý kiến thiết quốc gia, xây dựng kinh đô Thăng Long, tạo dựng chùa chiền, dùng chánh pháp để an dân. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh mà thượng thư Nguyễn Công Bật đời Lý ghi nhận mục đích của việc xây chùa là nhằm minh chứng cho Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an: “Hương trầm khói tỏa quanh, Gấm vóc khoe xuân sắc, Phúc lành khắp chúng sinh, Gông cùm và tục ngục, Phá bỏ, đời thanh bình” [1]. 

Đó là hiện thực cuộc sống hạnh phúc mà vương triều Lý thọ hưởng trong bối cảnh quốc gia hưng thịnh, Phật pháp ngày càng tỏ rạng. Đạo Phật Việt Nam được xem như quốc đạo. Đó là đạo Thiền soi tỏ ánh sáng huy hoàng của Chánh pháp khắp muôn nơi từ hoàng cung tráng lệ cho đến thị thành nông thôn, mọi thành phần xã hội đều biết tu tập. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh ghi: “Để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua mình ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay, hương hoa bày lễ cầu an, bồn chậu để tắm Phật. Trang sức tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng, tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa, tinh cần chẳng trễ, kính phụng nào ngơi. Vì vậy mà huyền tạo linh thông đều phù hộ. Đó là bệ hạ dựng chùa để cầu phúc thọ” [2]. 

Việc kỳ an đầu năm, đầu tháng được nhà vua xuống chiếu tổ chức thành lệ không còn ý nghĩa chỉ riêng hoàng tộc mà của trăm họ muôn dân đang sống trong biên cương lãnh thổ Đại Việt bấy giờ. Và ta chẳng ngạc nhiên gì, các thư tịch văn bia liên hệ đến việc xây dựng chùa chiền đều nhất quán quan điểm, việc tạo dựng chùa chiền, tổ chức lễ hội kỳ an nhằm thực thi ý nguyện xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên cường thịnh, đạo pháp được trường tồn. Cho nên, trong bài An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký do Chu Văn Thường viết vào khoảng năm 1100, đã không ngần ngại ghi: “Nhóm người dựng chùa là để mãi mãi giữ lấy nước nhà” (mộ tu tượng pháp, vĩnh bảo bang gia).

Chính nếp sống đạo Thiền khiến mọi người tự tin vào khả năng ngộ đạo của chính mình, tin vào sức của mình, tin ở dân tộc, tin ở luật nhân quả nghiệp báo, giúp cuộc sống toàn dân hướng đến chân – thiện – mỹ. Đó là triết lý sống của người dân theo đạo Phật. Thiền sư Pháp Thuận đã từng chỉ dạy cho vua Lê Đại Hành về đường lối “vận nước” của quốc gia Đại Việt độc lập: “Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình”. Nếu cả nước đoàn kết như dây mây quấn (đằng lạc) thì nước Nam sẽ thái bình, không có bất kỳ kẻ xâm lược nào lay chuyển nổi. 

Sang đời Trần, vua quan và Thiền sư, Phật tử, thần dân Đại Việt đã xây dựng thành công đạo Thiền nước ta với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trong bài tựa Thiền Tông chỉ nam (Khóa hư lục), vua Trần Thái Tông khi gặp Quốc sư Viên Chứng trên núi Yên Tử, đã nghe lời khuyên của Ngài: “Phàm đã là bậc nhân quân thì phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình”. Và sau đó, vua Trần Thái Tông tự dựa vào nội lực chính mình mà khẳng định chân lý, mầm giác ngộ, cội nguồn của mọi sức mạnh nằm sâu trong nội tâm mỗi người, chứ không phải ở bên ngoài. Bằng triết lý sống đó, Trần Thái Tông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Mông-Nguyên lần thứ nhất, sau đó thêm hai lần nữa dưới đời vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Đây chính là cơ sở, động lực cho chí nguyện: “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an” bước sang thời kỳ mới, tạo nên tầm vóc mới trong lịch sử Đại Việt. 

Chưa bao giờ niềm tin đối với đạo pháp hòa lẫn vào niềm tin dân tộc đến cao độ như vậy. Giới lãnh đạo quốc gia chính là lãnh đạo của Phật giáo đã cùng các Phật tử đời Trần tự nhận thấy mình là Phật, chứ Phật không phải ở đâu xa, do đó phải sống và hành động như Phật không khác. Nếu ở trong một nước, ít nhất là trong lớp người lãnh đạo đất nước, tất cả đều có niềm tin và hành động như vậy thì đất nước sẽ biến thành cõi Phật. Cả vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đều khẳng định những tư tưởng siêu việt như thế được ghi trong Khóa hư lục: “Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng…” (Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng). Trần Nhân Tông cũng nói lên ý tứ đó trong bài Cư trần lạc đạo phú, nhưng với lời nôm na hơn: “Bụt ở trong nhà/ Chẳng phải tìm xa/ Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt/ Đến mới hay chính Bụt là ta”. 

Tất cả chứng minh chính triết lý sống mà giới lãnh đạo Phật giáo và Đại Việt đã thật sự được lòng dân, thật sự giải đáp những nhu cầu tâm linh, hướng dẫn dân chúng sống an lành và hạnh phúc. Tự tin ở mình, tin rằng Phật chính ở trong bản thân, nếu biết tu tập sẽ có được sức mạnh phi thường lay trời chuyển đất. Đức tin đó là một trong những giá trị tinh thần quý báu mà Phật giáo đã đem lại cho người Việt. Tư tưởng tự lực tự cường, tin ở sức mình, không vọng ngoại là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, nếu để mai một thì thật là mất mát lớn.

Đến thời Hậu Lê – Nguyễn, dưới ánh sáng đạo Thiền soi tỏ, Phật pháp thể nhập vào lòng dân, tạo nên sức mạnh nội tại toàn dân để giảm bớt đau thương trong cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh. Một lần nữa triết lý sống của Phật tử nước ta lại được vận dụng, thực thi trong đời sống thực tiễn, nhất là trong việc xây dựng vương triều Nguyễn, mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, thiết lập xã hội an bình, hạnh phúc, đúng như lời chúa Nguyễn Phúc Chu đúc kết trong bài minh viết trên chuông đồng chùa Thiên Mụ (năm 1710): Duy nguyện: phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí (Xin cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, nước thịnh dân yên, mọi chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ).

NẾP SỐNG ĐẠO THIỀN TRONG LÒNG DÂN TỘC

Chính nếp sống đạo Thiền khiến mọi người tự tin vào khả năng ngộ đạo của chính mình, tin vào sức mình, tin ở dân tộc, tin ở luật nhân quả nghiệp báo để cuộc sống của toàn dân hướng đến chỗ chân, thiện, mỹ, đó là triết lý sống của người dân theo đạo Phật. Trong tinh thần hướng đến quốc thái dân an, các chúa Nguyễn đã: “Vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, quân lệnh nghiêm trang, mở mang ngoại thương, khiến cho dân trong cõi an cư lạc nghiệp” (Lê Quý Đôn toàn tập). Đồng thời, vương triều Nguyễn bước đầu tạo niềm tin Phật pháp đối với quần chúng trong việc an dân; nhất là khi một số Phật tử xuất thân từ hoàng tộc thuộc thành phần lãnh đạo quốc gia, đóng vai trò là những vị hộ quốc an dân trong tiến trình mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước.

Hải ngoại ký sự cũng ghi nhận sự vận dụng giáo lý Phật đà của nhà Nguyễn trong việc thực thi các chính sách thu phục nhân tâm, sống theo tinh thần đạo đức Phật giáo thông qua ý nghĩa việc hành trì trai giới mà Thiền sư Thích Đại Sán dạy: “Việc trai giới chẳng phải chỉ giữ cho sạch miệng sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc Trai giới của nhà vua cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yểm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi cho thợ thầy. Nói tóm lại nên đem tất cả công việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, Tăng chúng y bát, vật dụng hương hoa… sẽ kê đơn chế biện” [3].

Đến thời hiện đại, đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời đã minh chứng tinh thần Phật nhật tăng huy và pháp luân thường chuyển, mở ra thời kỳ Phật giáo mới trong tinh thần Việt hóa kinh điển giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, với những tổ chức hội đoàn khắp ba miền, tiến đến hình thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tiền thân cho các tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này. Đặc biệt, năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình thành trên cơ sở hợp nhất 13 tổ chức Phật giáo trước đó. Chí nguyện: “Nguyện chúc đạo Phật sáng thêm, Pháp môn ngày càng tỏ rạng. Gió hòa mưa thuận, Đất nước bình an. Khắp nơi thành thị, nông thôn, Mọi giới biết noi theo đường tu tập. Thiên nhiên được bảo vệ an lành, Xã hội hưởng tự do bình đẳng” lại vang lên trong các thiền đường tự viện, nhất là trong tâm khảm người dân Việt Nam được sống trong một đất nước độc lập và hội nhập toàn thế giới. Sự kết nối yêu thương, hòa hợp và đoàn kết muôn dân: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông” đã hội tụ, kết tinh, lan tỏa những truyền thống văn hóa, xây dựng đời sống hạnh phúc cho muôn dân. Đúng như giá trị thực đạo Phật đem lại:

“…Vì vậy làng tôi sống thái bình, 

Sớm chiều gần gũi tiếng chuông linh, 

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi, 

An ủi dân lành mọi mái tranh”. 

 

Sức mạnh nội tại của đạo Phật nhiệm mầu đi vào thành thị sầm uất và thể nhập sâu vào từng con đường làng: 

“Trên đường cát mịn, một đôi cô, 

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa, 

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc, 

Lần lần tràng hạt niệm Nam mô”.

(Nguyễn Bính)

 

Và như thế, thiên nhiên đồng xanh cỏ nội khắp nơi được bảo vệ, chung sống trong hòa bình, an lạc mà mỗi người dân Việt được thọ hưởng. Trong chiều hướng đó, giáo lý từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải và lý trí thực sự trở thành cốt tủy đạo Phật nước ta. Phật pháp ngày càng tỏ rạng, nhân dân hoan ca trong đời sống thanh bình và hội nhập toàn cầu. 

 

 

Chú thích:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Viện Văn học (1978), Thơ Văn Lý – Trần tập I, Nxb. Hà Nội, tr.411.

[2] Viện Văn học (1978), Sđd, tr.405.

[3] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoải kỷ sự, Viện Đại học Huế, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, tr.97.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *