Phật giáo cho rằng nghiệp là do hành động vô minh, nên cần tu tập, đoạn trừ vô minh để dứt khỏi khổ đau, thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chủ trương của đạo Phật là tránh xa hai phạm trù cực đoan, đó là ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc và cần nhất là thực hành theo con đường Trung đạo. Ðức Phật không chấp nhận phương pháp tu tập ép xác khổ hạnh và cũng không chấp nhận đời sống hưởng thụ dục lạc; vì khổ hạnh và hưởng thụ dục vọng là hai cực đoan, chỉ mang lại khổ đau, không giúp ích gì cho việc thực hiện con đường giải thoát.
KHÁI NIỆM VỀ NGHIỆP
Nghiệp là thuật ngữ được dịch từ chữ karma, là hành động có tác ý. Sự tác ý đó thể hiện qua thân, khẩu, ý. Và khi đề cập đến giáo lý nghiệp, Đức Phật đã xác nhận: “Này các Tỳ kheo, Như Lai nói rằng Tư tác chính là Nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý” [1]. Một mặt hoàn cảnh của ta có chịu sự tác động của những nghiệp quá khứ, nhưng ta cũng có thể thay đổi bản thân bằng những việc nên làm và không nên làm. Cụ thể:
Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy. [2]
Khi có cái nhìn chánh kiến về nghiệp, ta sẽ có phong thái sống tỉnh giác, luôn quán sát về những việc đang và sẽ làm. Trong bài Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala [3], Đức Phật dạy rằng, khi làm một việc gì, phải quán sát xem việc làm ấy có đưa đến khổ đau cho mình cho người hay không. Nếu một việc làm đưa đến khổ đau cho mình và cho người, thì việc làm ấy là bất thiện và đưa đến kết quả khổ đau, do đó phải tránh. Phật giáo không tập trung quan tâm vào việc con người có bị chi phối bởi những nghiệp quá khứ hay không, mà tập trung vào việc chăm sóc ở hiện tại. Hiện tại chắc chắn là con đẻ của quá khứ, đồng thời cũng là mẹ sanh của tương lai và con người có đủ tự do để quyết định những việc làm đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho mình và cho người.
Trên con đường thực nghiệm tâm linh nếu không có chánh kiến dẫn đường, mà chỉ hành động theo bản năng thì ắt sẽ lạc lối. Trong cuộc sống hằng ngày, khi gặp những chuyện không như ý, một số người thường đổ lỗi cho quá khứ hoặc chấp nhận nó như định mệnh đã an bài, cho rằng tất cả hành động của con người đều bị chi phối bởi vũ trụ và vũ trụ lại do một đấng tối cao nào đó an bài định đoạt. Chính vì có những nhận thức sai lệch ấy nên con người đành chịu khuất phục trước số phận mà tạo hóa đã định đoạt. Và cũng có không ít người vì mong tránh khỏi những tai ương đến với mình mà sa vào con đường tìm kiếm sự bình an qua việc cúng tế, lễ cầu để cầu xin được gia ân, ban phúc điều này, điều kia. Việc ấy khiến con người trở nên thụ động, sợ sệt, bất an.
CON NGƯỜI LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP, THỪA TỰ CỦA NGHIỆP
Ví dụ, khi gặp một người bị bệnh hiểm nghèo, phá sản, gia đình trắc trở… người xung quanh thường nói rằng đó là do nghiệp của người ấy. Điều này làm cho người khác hiểu nhầm họ đã làm gì đó “ác độc” và mắc nợ trong quá khứ nên đời này phải chịu quả báo như vậy. Đây là cái nhìn thiếu chánh kiến. Hãy xét đơn cử một trường hợp người tài xế lái xe gây tai nạn trên đường. Việc đụng xe này là do nghiệp trong quá khứ của người ấy trổ ra, hay là do sự bất cẩn của tài xế kia đã kéo theo những hậu quả tiêu cực? Người tài xế đâu cố tình gây tai nạn để nhận lại những quả xấu về mình. Và nạn nhân có thể làm chủ vận mệnh hay không, khi bất ngờ bị tai nạn như vậy?
Đạo Phật xem nghiệp quá khứ chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống hay kinh nghiệm vui khổ của từng người, cũng không chủ trương có một cuộc phán xử sau kiếp sống hay hứa hẹn một hạnh phúc hão huyền nào trong tương lai. Khổ đau hay hạnh phúc theo Phật giáo không phải là câu chuyện ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống hay từ lòng đất trồi lên; cũng không phải là do sự thưởng phạt của bất cứ một quyền lực nào. Hạnh phúc hay khổ đau cũng là do duyên sanh, điều mà ngay trong hiện tại con người có thể hiểu được và tạo dựng cho chính mình. Với sự thiết lập trên một nền tảng đạo đức luân lý nhân bản và tích cực, chính con người là trung tâm của vũ trụ. Con người không bị trói buộc nhất định trong một hoàn cảnh nào, vì nghiệp không phải là định mệnh hay do một thế lực toàn năng nào định đoạt cho con người một cách bất khả kháng. Trong Kinh Tiểu nghiệp phân biệt [4], Đức Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”, hay “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[5]. Phật giáo khích lệ con người vận dụng tuệ giác và ý chí của mình để đoạn diệt nghiệp ác, thoát ly hoàn toàn vòng vay ràng buộc của nhân quả. Bởi vì theo đạo Phật, không ai có thể tránh được nghiệp quả do chính mình đã tạo ra: “Không trên trời, giữa biển. Không lánh vào động núi. Không chỗ nào trên đời. Trốn được quả ác nghiệp”[6].
Và Đức Phật dạy cần phải sống quay về với bên trong hay phản quang tự kỷ để xứng đáng là đệ tử Thế Tôn. Để tạo nên thế giới cực lạc tại thế gian, thân, khẩu, ý nghiệp cần thuần tịnh, không sát hại, không lấy của không cho, không tà hạnh, không ác khẩu, không uống các chất kích thích gây hại… Thực hành tâm từ bi, phát tâm Bồ-đề, cứu độ chúng sanh, đưa họ đến đời sống an lạc, thanh thản nhẹ nhàng, luôn hành thiện nghiệp xây dựng đời sống hướng thượng không còn ưu não ở đời.
Con người ngoài sự tạo tác nghiệp riêng cho bản thân thì chính sự tạo nghiệp của bản thân họ cũng góp phần vào sự cùng chung sống trong một cộng đồng xã hội. Tính thừa tự nghiệp từ cộng đồng, như một người sanh ra từ một gia đình gia giáo thì thường những hành động suy nghĩ của họ có khả năng tương ứng với gia đình đang sống. Bên cạnh đó, nếu như một người sống trong gia đình có hoàn cảnh phức tạp, có những việc làm bất thiện thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân trong gia đình, những người thọ nghiệp chung giờ đây lại trở thành nghiệp của riêng mình. Chính con người là kẻ thừa tự những nghiệp để tạo thành chánh báo và y báo của riêng họ. Nếu chánh báo thanh tịnh thì quyết định y báo sẽ trang nghiêm. Cho nên con người có quyền thưởng phạt mình bằng tác ý của chính mình.
Trong Kinh Đại nghiệp phân biệt [7], Đức Phật xác định khi một người cố ý thực hiện các hành động về thân, khẩu, ý có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm nhận khổ thọ; khi một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng mang lại lạc thọ, người ấy sẽ cảm nhận lạc thọ; còn nếu một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng đưa đến cảm thọ không khổ không vui thì người ấy sẽ có được cảm nhận không khổ không vui. Qua đó, Đức Phật giải thích về sự sai khác của bốn hạng người: Có người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, có tà kiến, khi chết sinh vào nẻo ác, cõi dữ, địa ngục. Cũng có người phạm đủ mười tội ác như trên, nhưng khi chết sinh vào cõi tốt lành như cõi người, cõi trời. Có người từ bỏ mười nghiệp ác nói trên, chết sinh vào cõi lành. Nhưng cũng có người đã từ bỏ mười nghiệp ác, nhưng khi chết lại sinh vào cõi dữ, địa ngục. Như vậy, chắc chắn có ác nghiệp và quả báo của ác nghiệp; nhưng không phải tất cả những ai thực hiện ác nghiệp cũng nhận quả báo ác nghiệp ngay lập tức. Tương tự, chắc chắn có thiện nghiệp và quả báo thiện nghiệp; nhưng không hẳn tất cả những ai thực hiện thiện nghiệp đều nhận được quả báo thiện nghiệp hiện tiền. Vấn đề là người làm ác nghiệp có thể nhận được quả dị thục của một thiện nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên chánh kiến; trong khi người làm thiện nghiệp có thể chịu đựng quả dị thục của một ác nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên tà kiến.
Có thể nói, nghiệp quyết định sự sai biệt trong cuộc sống giữa những cá thể của mọi loài hữu tình. Nghiệp có ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp; trong đó thân nghiệp và khẩu nghiệp chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của ý nghiệp; chính ý nghiệp mới có tính cách quyết định. Lập trường tu tập của Phật giáo dẫn xuất từ nhận thức trên đây về nghiệp. Lập trường ấy chú trọng tới việc phát triển trí tuệ theo con đường Tam vô lậu học là Giới đưa đến Định, rồi Định đưa đến Tuệ. Giữ Giới là đặt mình vào môi trường an toàn, từ đó, tâm được thanh thản để thực hành các giáo pháp của Phật thay vì chấp nhận cực đoan thực hành các khổ hạnh khiến tâm thiếu an lạc.
Như vậy, người có trí tuệ là người biết quay về mình, tin vào chính bản thân, không tin một cách mù quáng vào những điều phi lý, vô căn cứ. Khổ đau sẽ xuất hiện khi có tham muốn vô độ, càng có nhiều sự tham muốn thì sẽ càng nhiều khổ đau. Tham ái là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sinh tử luân hồi, khiến chúng sanh phải chịu khổ trong nhiều kiếp. Do đó, đoạn trừ được tham ái chính là con đường đưa đến hạnh phúc, đây là việc được Đức Phật khen ngợi trong tất cả các việc làm. Vì vậy, mỗi người cần phải có trách nhiệm với nhận thức và hành động của chính mình, xây dựng lối sống không ỷ lại, không cầu xin, không sợ hãi mà thay vào đó sẽ là một lối sống bình tĩnh, có niềm tin vào khả năng thay đổi nghiệp của mình. Tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa vào ai khác trên bước đường tìm kiếm sự an lạc giải thoát cho tự thân.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ.
[2] HT. Thích Minh Châu (dịch), Pháp Cú 183.
[3] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tr.447-452.
[4] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ.
[5] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ.
[6] HT. Thích Minh Châu (dịch), Pháp Cú 127.
[7] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ.