Người Hoa nơi vùng đất Thủ xưa và nay (SC. Thích Nữ Trung Như)

Vùng đất Thủ từ xa xưa với nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, khí hậu, tài nguyên khoáng sản,… đã thu hút người dân khắp nơi di cư đến và lập nghiệp, trong đó có tộc người Hoa. Ngày nay, Thủ Dầu Một không những có vị trí địa lý thuận lợi, còn có nhiều đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh/thành lân cận có nền kinh tế thuộc hàng bậc nhất trong cả nước. Không những vậy, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thu hút các doanh nhân về vùng đất này đầu tư phát triển, đồng thời thành lập nhiều khu công nghiệp tạo thành vành đai phát triển tối ưu về mặt kinh tế,… Vì vậy, nhiều người Hoa trong cả nước cũng như các doanh nhân đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia,… đến kinh doanh và làm việc.

KHÁI LƯỢC VỀ VÙNG ĐẤT THỦ DẦU MỘT

Thủ Dầu Một là địa danh có từ thời Pháp thuộc và nay là TP. Thủ Dầu Một trực thuộc tỉnh Bình Dương. Địa phương này phía Đông giáp với thị xã Tân Uyên, phía Tây giáp huyện Củ Chi thuộc TP Hồ Chí Minh, phía Nam giáp TP. Thuận An, phía Bắc giáp thị xã Bến Cát. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thủ Dầu Một cũng là huyện Bình An: “Lị sở huyện Bình An: Chu vi 30 trượng rào gỗ, ở địa phận thôn Phú Cường, dựng từ đời Gia Long. Trước kia đặt 2 viên tri huyện và huyện thừa, nên có 2 tòa đông đường và tây đường, đời Minh Mệnh bỏ huyện thừa, dùng nhà tây đường làm nhà học của huấn đạo” [1] và “Chợ Phú Cường: Ở thôn Phú Cường huyện Bình An, tục gọi chợ Dầu Một, ở bên cạnh huyện lị, xe thuyền tấp nập”  [2].

Theo Gia Định thành thông chí, cái tên Thủ Dầu Một vẫn chưa xuất hiện thời bấy giờ, tuy nhiên sở lỵ huyện Bình An được đặt tại thôn Phú Lợi, về sau thuộc thôn Phú Cường: “Lỵ sở huyện Bình An, công việc đơn giản, ở thôn Phú Lợi, tổng Bình Chánh, quy chế như trên” [3]. Khi nhắc đến hành trạng tướng Lý Tài [4] thời vua Gia Long, tác phẩm có đề cập đến địa danh Dầu Một: “Riêng Lý thì vẫn giúp đỡ siêng năng, có ý tôn phò Mục vương, hai bên đã tin hiểu nhau từ hồi còn bị Tây Sơn lung lạc. Đến nay, Lý Nhận được tin chính xác, tức thời sai 4 thuộc tướng là Tân, Hổ, Hiền, Nam đem hết thủy binh thẳng xuống Bến Nghé nghinh đón Mục vương về đồn Dầu Miệt [Thủ Dầu Một]” [5].

Nhà văn Sơn Nam cho rằng địa danh Thủ Dầu Một có nguồn gốc chữ Hán: “Thời trước, khi viết chữ Hán, người Hoa viết ‘Thổ Long Mộc’ để gọi xứ Thủ Dầu Một, kiểu phiên âm, theo giọng đọc lên nghe na ná. Cây dầu từ xưa theo chữ Hán là ‘dù mộc’, (dù là dầu). Dầu lấy từ cây dầu rái, chữ Hán gọi ‘mãnh hỏa’, theo nghĩa dầu bốc cháy rất mạnh”. (Hình ảnh khu chợ của thị trấn Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh Thủ Dầu Một thời thuộc địa, ngày nay là thành phố Thủ Dầu Một trực thuộc tỉnh Bình Dương – yeubinhduong.com)

Còn nhà văn Sơn Nam cho rằng địa danh Thủ Dầu Một có nguồn gốc chữ Hán: “Thời trước, khi viết chữ Hán, người Hoa viết ‘Thổ Long Mộc’ để gọi xứ Thủ Dầu Một, kiểu phiên âm, theo giọng đọc lên nghe na ná. Cây dầu từ xưa theo chữ Hán là ‘dù mộc’, (dù là dầu). Dầu lấy từ cây dầu rái, chữ Hán gọi ‘mãnh hỏa’, theo nghĩa dầu bốc cháy rất mạnh” [6].

Năm 1862, thực dân Pháp xâm lược các tỉnh Nam Kỳ và khu vực Bình Dương lúc bấy giờ là một trong những nơi chịu sự quản lý của Pháp. Năm 1866, Pháp chia Bình An thành 2 huyện là Bình An và Ngãi An. Năm 1867, đổi huyện thành hạt Bình An. Năm 1869, từ hạt Bình An đổi thành hạt Thủ Dầu Một. Năm 1899, đổi thành tỉnh Thủ Dầu Một. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, đổi thành tỉnh Sông Bé, năm 1996 tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cho đến nay [7].

Hiện tại Thủ Dầu Một cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 30km về phía Bắc, cách TP. Biên Hòa 30km, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc lưu thông giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam, nằm trên trục Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) và đường Mỹ Phước – Tân Vạn nên dễ dàng giao lưu các tỉnh lân cận và ngược dòng về Tây Nguyên [8]. Chính vị trí địa lý thuận lợi đã thu hút người Hoa, người Việt cũng như các dân tộc khác đến sinh sống và làm việc.

NGƯỜI HOA ĐỊNH CƯ Ở THỦ DẦU MỘT

Trên địa phận Thủ Dầu Một, người Hoa đa phần tập trung theo phương ngữ riêng của họ. Người Hoa Quảng Đông phần lớn ở khu phố chợ như: phường Phú Cường, Hiệp Thành, một số ở chợ Bưng Cầu…; người Hoa Phúc Kiến tựu cư tại khu vực Lò Chén thuộc phường Chánh Nghĩa, một số ít ở cảng Bà Lụa thuộc phường Phú Thọ; người Hoa Triều Châu tập trung nhiều ở chợ Thủ Dầu Một phường Phú Cường, rải rác ở phường Hiệp Thành và Chánh Nghĩa; người Hoa Sùng Chính đa phần tập trung tại phường Phú Cường, Hiệp Thành và một số ở phường Hiệp An (chợ Bưng Cầu) [9]. 

Thời khai hoang mở đất, chính sách ưu đãi khá tốt đối với cộng đồng người Hoa của triều Nguyễn tạo điều kiện cho những người Hoa cũ và mới nhập cư vào nước ta. Triều đình cũng ghi chép việc định cư trong sổ Tiêu bạ, nhằm kiểm soát được cư dân nước ngoài đến lập nghiệp. Theo hồi ký của đại úy L.De Grammont người Pháp ghi lại, số lượng người Hoa ở Thủ Dầu Một khoảng 200 người [10] (đây chỉ là số liệu trích từ sổ hàng bang của địa phương, nhưng chỉ ghi lại theo quy định của triều Nguyễn đối với người Hoa là người Thanh). Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc, số lượng người Hoa tăng đáng kể, đồng thời mở rộng sang các địa phương lân cận vùng Thủ Dầu Một như: An Thạnh, Lái Thiêu, Tân Khánh,…

Tại Thủ Dầu Một, có thể nói, nhóm cộng đồng người Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Sùng Chính đến định cư lập nghiệp khá sớm. Mỗi nhóm có đặc điểm sinh hoạt cũng như ngành nghề phát triển kinh tế khác nhau và nhất là đa phần tụ cư từng nhóm theo phương ngữ riêng của họ. 

NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG

Người Hoa Quảng Đông đến sinh sống ở chợ Phú Cường (thuộc huyện Bình An [11]) từ khá sớm nhưng hầu như đi bằng đường biển cập cảng đến vùng Gia Định sinh sống rồi mới đến chợ Thủ, vùng đất gần Sài Gòn – Gia Định xưa. Tuy nhiên, họ vẫn đi lại giữa khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn và chợ Thủ [12]. 

Theo tài liệu nghiên cứu người Hoa ở Bình Dương do tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên, khoảng năm 1940, người Hoa ở chợ Phú Cường có gần 10.000 người trong đó có khoảng 5.000 từ các phủ lỵ khác đến. Thế nên, người Quảng ở đây ước tính khoảng 1.500 người, bang Quảng Đông thành lập trước năm 1930. Chính điều này giúp cộng đồng người Quảng ở Thủ Dầu Một phát triển nhanh chóng, nhất là về lĩnh vực kinh tế mua bán. 

Hiện tại Thủ Dầu Một cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 30km về phía bắc, cách TP Biên Hòa 30km, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc lưu thông giữa các tỉnh thành khu vực phía nam, nằm trên trục Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) và đường Mỹ Phước – Tân Vạn nên dễ dàng giao lưu các tỉnh lân cận và ngược dòng về Tây Nguyên. (Hình ảnh một dãy phố buôn bán ở chợ Thủ Dầu Một thập niên 1920 – yeubinhduong.com)

Sau năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi, với bản tánh vượt mọi khó khăn, chịu thương chịu khó, người Quảng có truyền thống kinh doanh, đã cần cù lao động, vươn lên tạo dựng sự nghiệp vững chắc. Đồng thời, họ góp phần phát triển hệ thống mua bán nhộn nhịp tại khu chợ Phú Cường với nhiều ngành nghề buôn bán khác nhau, giống như khu người Hoa ở Chợ Lớn.

NGƯỜI HOA PHÚC KIẾN

Cư dân gốc Hoa Phúc Kiến ở Thủ Dầu Một có lượng người định cư đông nhất, họ đa phần tập trung tại khu vực Lò Chén thuộc phường Chánh Nghĩa và với đặc thù nghề gốm truyền thống từ Trung Quốc sang, nhưng có một số người theo ngành nghề khác. Tuy nhiên, nói đến cư dân Phúc Kiến là gắn liền với nghề gốm và phát triển mạnh mẽ. Điều này hình thành loại hình kinh doanh đặc sắc, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước từ trước cho đến nay.

Đặc biệt vùng đất Bình Dương có thổ nhưỡng thích hợp cho việc sản xuất gốm sứ mỹ nghệ. Khu vực phường Chánh Nghĩa, Bà Lụa có nhiều nguồn vật liệu cung ứng cho sản xuất gốm, nên nhiều lò gốm đã tập trung thành lập tại đó. Vì vậy, nơi đây được gọi là khu Lò Chén và người Hoa Phúc Kiến tựu trung sinh sống ở đó với mật độ dân số đông hơn hẳn [13] Lò gốm nổi tiếng thời bấy giờ có thể kể đến lò ông Tía (của ông Vương Lương), lò Chín Thận (ông thứ 9 tên là Thận), lò Tứ Hiệp Thành (của ông Trần Lâm từ Cù Lao Phố qua) [14]. 

Tài liệu “Người Hoa Bình Dương” đã khẳng định: “Người Hoa Phúc Kiến đến tụ cư ở Thủ Dầu Một rất sớm, có thể là sớm nhất so với người Hoa thuộc các nhóm ngôn ngữ khác. Địa điểm tụ cư đầu tiên của người Hoa Phúc Kiến chính là khu vực Chánh Nghĩa, Bà Lụa hiện nay” [15]. Và họ định cư ở đây trước năm 1850, từ đó lập thành trung tâm sản xuất gốm bậc nhất của Bình Dương thời đấy.

NGƯỜI HOA TRIỀU CHÂU

Cư dân Triều Châu tụ cư chủ yếu ở chợ Thủ, một số ít định cư các phường lân cận như Hiệp Thành, Chánh Nghĩa. Nhưng để biết chính xác họ di cư và nhập cư ở lỵ Phú Cường thì không có tài liệu ghi rõ ràng, chỉ có thể ước chừng người Hoa Triều Châu đến đây vào giữa thế kỷ XIX [16]. Nguồn gốc đa phần xuất phát từ huyện Triều Dương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông với nghề truyền thống là trồng trọt và chăn nuôi. Khi ra đi bốn phương tìm nơi lập nghiệp, Việt Nam là một trong những địa điểm dừng chân để phát triển sự nghiệp với mong ước cuộc sống có nhiều thay đổi tốt hơn.

Khi mới đến vùng đất Thủ, người Hoa Triều Châu hầu như sinh sống bằng nghề chuyên về gia công, chế biến thực phẩm, buôn bán tạp hóa (người Hoa thường gọi là chạp phô), buôn bán ẩm thực như các tiệm hủ tiếu mì, há cảo,… Về sau, với tình hình kinh tế, xã hội, chính trị ở nước ta mỗi giai đoạn có nhiều sự thay đổi, nên họ phát triển nhiều ngành nghề khác, như buôn bán nhiều loại hàng hóa, cà phê, trà, thuốc bắc,… Có thể kể đến sự thành công của tiệm Ong Ích Sanh của Ong Lợi, với việc buôn bán nhiều mặt hàng nông cụ, gạo…; hay tiệm vải vóc Thái Lai của ông Văn Điển Cường; hoặc tiệm cà phê, trà Phước Sanh của ông Trương Châu; lĩnh vực thuốc bắc phải kể đến tiệm Trường An,…

NGƯỜI HOA SÙNG CHÍNH (HẸ)

So với 3 nhóm trên, nhóm này [17] có dân cư đến định cư khá khiêm tốn và hầu như tụ cư ở phường Phú Cường, phường Hiệp Thành, phường Hiệp An [18]. Thời điểm họ đến cũng giống như các cộng đồng người Hoa khác, không được xác định rõ ràng. Theo tài liệu “Người Hoa ở Bình Dương”, họ đến Thủ Dầu Một khoảng cuối thế kỷ XIX [19]. Với bản tính siêng năng và tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì là đồng hương xa xứ, họ kết nối và truyền kinh nghiệm làm ăn. Đặc điểm nổi bật về ngành nghề có thể kể đến như ngành thuốc bắc [20] với thương hiệu nổi tiếng ở Thủ Dầu Một từ xưa cho đến nay như: Thiên Thọ Đường, Thiên Ích Thọ, Thiện Đức Đường,… Ngoài ra, họ còn kinh doanh và làm các nghề khác.

Nguồn: luhanhvietnam.com.vn

Chính nhờ vị trí đắc địa và được thiên nhiên ưu ái, cùng với Gia Định, Đồng Nai, vùng đất Thủ trở thành một điểm đến của người dân trong tiến trình mở rộng vùng đất phương Nam từ thế kỷ thứ XVII. Trong lịch sử những cuộc di dân, cộng đồng người Hoa đã đóng góp rất lớn trong hành trình này, dễ thấy nhất chính là qua quá trình di cư và định cư của người Hoa từ Trung Quốc sang, họ đến từ vùng Thuận Quảng rồi tiến dần về vùng đất phía nam như: Sài Gòn – Gia Định, Cù Lao Phố, Hà Tiên,… Tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) là một trong những nơi “đất lành chim đậu” đã thu hút cư dân khắp nơi quy tụ về lập nghiệp, minh chứng điều này qua việc định cư cũng như gia tăng dân số theo thời gian. Người Hoa là đã hòa nhập cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam chung sức xây dựng quê hương xứ sở giàu đẹp, nghĩa tình.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Nghiên cứu sinh Thích Nữ Trung Như

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb. Thuận Hóa, tr.49.

[2] Sđd, tr.80.

[3] Trịnh Hoài Đức (Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng) (2019), Gia Định thành thông chí, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.564.

[4] Lý Tài: là người nhà Thanh trước theo Nguyễn Nhạc, năm 1775 đầu hàng theo chúa Nguyễn, ông là tướng quân của đạo Hòa Nghĩa (hay quân Hòa Nghĩa) thời vua Gia Long [Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.177].

[5] Trịnh Hoài Đức (Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng), Sđd, tr.82.

[6] Trần Bạch Đằng (chủ biên, 1991), Địa chí tỉnh Sông Bé, Nxb. Tổng hợp Sông Bé, tr.364.

[7] Trần Hồng Liên (chủ biên, 2016), Phật giáo ở Bình Dương – Hiện trạng và lịch sử, Nxb. Phương Đông, tr.8-9.

[8] https://thudaumot.binhduong.gov.vn/chinh-quyen/gioi-thieu/gioi-thieu-chung, truy cập 14/1/2022.

[9] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Người Hoa ở Bình Dương, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 46-78.

[10] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr. 38.

[11] Theo tư liệu của sử gia Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí.

[12] Nhà Nguyễn kiểm soát chặt chẽ về nhập cảnh và cư trú của người Hoa tại nước ta nhưng ưu ái đặc biệt đối với thuyền buôn Trung Hoa miễn họ có thẻ bài thuyền do Trung Quốc cấp, khi đến họ được phép lên bờ sinh sống trên đất Việt Nam. Tuy nhiên đến thời vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ về thủ tục nhập cảnh khá chi tiết là vừa phải được quan lại sở tại cấp phép và được bang trưởng của từng phương ngữ (như bang trưởng người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu,…) hiện cư ngụ tại nước ta bảo lãnh chịu trách nhiệm để có chỗ ở ấn định và thu thuế để chính quyền nhà Nguyễn dễ dàng quản lý. [Huỳnh Ngọc Đáng (2018), Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.120-121].

[13] Theo lời của ông Lý Phát.

[14] Nguyễn Minh Giao (2001), Sự phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp gốm sứ Bình Dương trong thời kỳ 1986-2000, Luận văn thạc sĩ sử học, tr.19-20, http://www.sugia.vn/portfolio/detail/544/nguyen-minh-giao-luan-van-thac-si.html

[15] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr.54.

[16] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr. 62.

[17] Người Hoa Sùng Chính: Sùng nghĩa là tôn sùng, Chính là chính nghĩa; hay còn gọi Khách Gia (theo cách phát âm của người Quảng Đông là Hakka): Đời Tấn thế kỷ thứ IV, nhiều người di tản đến vùng đất Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Bắc,… do chiến tranh loạn lạc nên được coi là khách hoặc gọi Khách Gia; Hoặc gọi là người Hẹ theo cách gọi dân gian nghĩa là người nước Hạ (từ thời Hạ – Thương – Chu). Họ chủ yếu đến từ huyện Đại Bộ, huyện Hải Phong, huyện Nhiêu Bình, Mai Huyện (hay còn gọi là Mai Châu) thuộc tỉnh Quảng Đông; huyện Thiên Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc

[18] Huỳnh Ngọc Đáng (2012), Sđd, tr.71.

[19] Nt.

[20] Nghề thuốc bắc: họ phát triển mạnh về ngành này vì từ quê hương nơi họ sinh sống có nhiều dược liệu, nên nơi đây phát triển nhiều bài thuốc gia truyền nổi tiếng, lưu truyền trong dòng tộc từ đời này sang đời khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *