Thập vương pháp và phẩm chất đạo đức của một nhà lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo (SC. Thích Nữ Huệ Nhật)

Với giáo lý cao thâm, những lời dạy quý báu của đức Từ Phụ Thích Ca trải qua bao thế kỷ vẫn mang đầy ý nghĩa giá trị đạo đức, phù hợp với từng thời đại. Đức Phật giảng thuyết cho các vị vua thời bấy giờ về phẩm chất đạo đức của một vị lãnh đạo xây dựng quốc gia hưng thịnh. Thiết nghĩ, ngày nay sau hơn 26 thế kỷ, nếu biết vận dụng những lời dạy đó chắc chắn góp phần phồn vinh, an lạc cho xã hội.

ĐỊNH NGHĨA THẬP VƯƠNG PHÁP

Thập vương pháp là mười phẩm chất tốt đẹp của một vị vua hay vị lãnh đạo anh minh và hiền đức. Thập vương pháp được nhắc đến trong nhiều bản kinh, nhất là trong Kinh Tiểu bộ, tuy văn từ có khác nhưng chung một nội dung là không ngoài mười phẩm chất lãnh đạo của một vị vua. Đó là: 1. Bố thí (làm từ thiện, thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội); 2. Trì giới, giữ gìn nền tảng đạo đức (giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu); 3. Bao dung, rộng lượng, giàu lòng hy sinh; 4. Liêm khiết, nghiêm minh, chính trực, công bằng; 5. Nhu hòa; 6. Sống khắc kỷ, giản dị (không đắm mình trong hưởng thụ, trụy lạc, không xa xỉ, biết chế ngự những ham muốn, dục vọng); 7. Không sân hận (không gieo thù kết oán, không ganh ghét hay đố kỵ, thù hằn); 8. Yêu hòa bình (không gây chiến tranh, từ bi, bất bạo động); 9. Kham nhẫn, chịu đựng; 10. Thuận lòng dân. 

Theo Đức Phật, đây chính là mười phẩm chất chung dành cho các vị vua, các lãnh đạo quốc gia, nếu áp dụng và thực thi được như vậy sẽ giúp đất nước yên ổn, ấm no. Người đứng đầu sẽ trở thành hình mẫu cho mọi người, được dân chúng ủng hộ và kính trọng.

Thập vương pháp qua Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống

Trong Kinh Trường Bộ có nêu, muốn trở thành Thánh vương chánh pháp hay người lãnh đạo tốt trước hết phải biết cung kính và cúng dường Phật pháp, thương yêu và chăm lo cho dân, không làm điều phi pháp. Người lãnh đạo phải đối xử công bình, không phân biệt, không thiên lệch, vị kỷ vị thân, không tạo bất công do tiền tài mua chuộc hoặc vì khiếp sợ uy quyền, thế lực; không gieo lòng thù hận trong dân chúng; không ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết; phải thông hiểu pháp luật rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải hợp tình và hợp lý [1]. Tinh thần bình đẳng, không thiên vị một ai chính là đức tính thanh liêm, sáng suốt và khéo léo trong quá trình lãnh đạo. Từ đức tính cao quý này mà vị lãnh đạo cảm hóa được lòng dân, luôn đem lại lợi ích cho dân, thương dân như bản thân, gia đình và không đối xử bất công với bất cứ ai. Đây cũng nói lên tấm lòng vị tha của người lãnh đạo, thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của dân chúng, không cậy quyền thế mà áp dụng vô lý, pháp luật công minh và không bao giờ làm theo sở thích hay cảm tính chính mình.

Cũng trong kinh này, Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỳ kheo, như vậy vì không cho người nghèo tiền của, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm được tăng thịnh; và đao kiếm được tăng thịnh, nên sát sinh tăng thịnh; vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên tuổi thọ của loài hữu tình giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu…”[2]. Đức Phật cho biết, nghèo đói là nguyên nhân chính của trộm cướp, hung ác, thù hằn, bạo động và các hành vi trái đạo lý. Vì thế, chỉ có cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo và quan tâm giáo dục tri thức, đạo đức mới ngăn chặn, giảm thiểu tệ nạn xã hội. Các hình phạt tàn khốc như: nhục hình, lưu đày, khổ sai… không hữu hiệu, không thể kiềm hãm tệ nạn xã hội và bất ổn chính trị. Các hình phạt này quá khốc liệt, gây nên lòng hận thù cho những tù nhân khi chết, sau nữa để lại nỗi buồn khổ mất mát cho người thân họ. Lãnh đạo phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội, biết được mấu chốt mới có thể đề ra giải pháp hữu hiệu. Vì khi nghèo đói, con người dễ túng quẫn và làm càn, gây ra những việc đáng tiếc; nhưng họ vẫn có thể làm lại cuộc đời nếu được cảm hóa và cho cơ hội sửa sai.  

Theo đoạn kinh trên, nghèo khổ và bất bình đẳng tài sản là nguyên nhân dẫn đến xã hội bất an, suy đồi đạo đức. Cho nên phục hồi các tiêu chuẩn đạo đức thì trật tự xã hội sẽ được khôi phục. Không phải ai cũng có chí hướng cao thượng về đời sống tâm linh đưa đến giác ngộ, giải thoát, nên tùy căn cơ trình độ mà Đức Phật nói pháp, trong đó có các pháp mang lại an lạc cho đời sống thế tục trong hiện tại và tương lai. Vì thế, khi có vị lãnh đạo quốc gia nào xin ý kiến về các vấn đề xã hội, Đức Phật đều nêu lên quan điểm của mình về chính sách trị quốc an dân. Ngài xem đó là dịp để các nhà đạo đức, tâm linh, các nhà giáo dục góp phần mang lại an lạc, hạnh phúc cho người dân ở một phương diện khác. Nhưng khôi phục bằng cách nào? 

“Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn (…). Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”[3]. Hay: “Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, bạc cho những ai cần bạc và vàng cho những ai cần vàng” [4]. Đây chính là tinh thần từ bi, quảng đại của Phật giáo, tùy bệnh mà cho chúng sanh thuốc uống, tùy phương tiện mà giáo hóa chúng sanh xa lìa bể khổ. Khi nhà lãnh đạo đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng hay lĩnh vực đam mê, chắc chắn họ sẽ thành công và làm lợi ích cho xã hội.

Tuy không phải là một nhà chính trị hay xã hội học, nhưng cái nhìn của Đức Phật hết sức sáng suốt và thấu đáo. Ý kiến của Ngài có hữu ích, có tầm nhìn chiến lược nên được các nhà lãnh đạo quan tâm, đó là trị nước bằng con đường trí tuệ và hòa bình trên cơ sở duyên sinh. Thập vương pháp qua Kinh Chuyển Luân Thánh Vương đã cho thấy rõ trách nhiệm của một vị vua, vị lãnh đạo tối cao phải sống vị tha, bao dung và thương yêu chăm lo cho đất nước, không phân biệt đẳng cấp hay thiên lệch vào bất cứ ai. Không dùng quyền lực điều hành đất nước, mà dùng tài đức của chính mình để trị nước và an dân, có như vậy thiên hạ mới dẹp bỏ đao binh, nhà nhà ấm no hạnh phúc. 

Thập vương pháp qua Kinh Tăng Chi Bộ 

Trong Kinh Tăng Chi Bộ I, Đức Phật đã nêu lên vai trò quan trọng của một người lãnh đạo, một tổ chức hay một quốc gia như sau: “Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi sai lạc/ Cả đàn đều đi sai/ Vì hướng dẫn sai lạc/ Cũng vậy, trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành phi pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước bị đau khổ/ Nếu vua sống phi pháp/ Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi đúng hướng/ Cả đàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường/ Cũng vậy trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành đúng pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước được an vui/ Nếu vua sống đúng pháp”[5]. Bài kệ cho thấy trách nhiệm của người lãnh đạo là điều hành, dẫn dắt và tự thân làm tấm gương tiêu biểu để mọi người lấy đó làm thước đo tiêu chuẩn. Với tài năng, đạo đức, họp đưa ra những chính sách, chủ trương đúng hướng mang lại lợi ích cho dân tộc và quốc gia, chắc chắn đất nước đó luôn được thái bình, thịnh vượng. Ngược lại như vậy sẽ đưa đến những tiêu cực và hệ lụy không thể lường trước được [6]. 

Khi vua A-xà-thế muốn đem binh đi xâm chiếm đất đai của dân Bạt-kỳ giàu có, bèn phái đại thần Vũ-xá đến Phật để thưa hỏi về ý định xâm lăng. Đức Phật liền nói chuyện với ngài A-nan để gián tiếp trả lời vị khách của Ngài rằng, dân Bạt-kỳ đối xử với nhau bằng chính sách rất khôn ngoan để bảo tồn vĩnh viễn bờ cõi và sự phồn vinh của họ. Từ đó, Đức Phật mới nêu ra bảy điều căn bản để duy trì đất đai và sự giàu có xứ sở dân Bạt-kỳ mà xưa nay chẳng có một cuộc ngoại xâm nào thắng được họ, khiến vua A-xà-thế bỏ đi ý định xâm lược. Bảy pháp đó là: Tụ tập một nơi không để phân tán và chia rẽ, trên dưới hòa thuận; không dâm dục với đàn bà của người khác; không đem việc ở đây truyền đến chỗ kia và cũng không đem việc đàng kia truyền lại đàng này; biết cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, lễ kính người Phạm hạnh…; không tham lam tài sản của người khác; đều đồng một lòng không theo thần tự; chuyên tinh ý mình, liền chẳng bị giặc ngoài phá hoại [7]. 

Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh và không bị giặc ngoài xâm phạm của một quốc gia, nếu không làm được như vậy thì quốc gia sẽ đi xuống theo chiều hướng trì trệ, không thể có được sự bình an và hạnh phúc cho người dân. Đặc biệt, người lãnh đạo có phẩm chất không tốt, sống ích kỷ và không có trách nhiệm với mọi người thì đây là con đường, là cánh cửa đưa chính mình và mọi người vào sự bại vong, không còn niềm hy vọng nào, bởi: “Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi đúng hướng/ Cả đoàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường”[8]. Người lãnh đạo một tổ chức hay quốc gia cần cân nhắc mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình, lắng nghe những ý kiến từ những người thân cận và tiếng nói của người dân, sau đó đi du hành thực tế quan sát kỹ đời sống của mọi người như thế nào. Từ đó vua có thể phát huy và sáng tạo những điều hay, điều thiện và chỉnh sửa những điều sai và lỗi thời, không phù hợp với đời sống nhân dân.

Thập vương pháp qua Kinh Tiểu bộ 

Trong Kinh Bổn sinh (Jàkata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là Thập vương pháp: 1. Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân; 2. Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức; 3. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước; 4. Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực; 5. Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người; 6. Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm; 7. Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai; 8. Có lòng kiên trì, nhẫn nại; 9. Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu; 10. Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới [9]. Đây là những phẩm chất chung của người lãnh đạo các cấp cần phải có chứ không riêng của vua. Đức Phật vốn không phải là một nhà chính trị hay chủ trương chuyên vào thiết lập pháp luật hay quy chế nhà nước. Với tinh thần từ bi và trí tuệ, Ngài đóng vai trò là nhà đạo đức, nhà tâm linh vĩ đại, sẵn sàng giúp đỡ những khó khăn trong đời sống của các giới lãnh đạo, các thành phần khác nhau trong xã hội được sống và làm việc theo chánh pháp, đem lại lợi ích cho con người. Chính vì tinh thần từ bi đó mà các vị vua thời bấy giờ thường đến đảnh lễ và thưa thỉnh Đức Phật cho lời dạy trong việc trị nước an dân, chẳng hạn như: vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), vua Bimbisara (Bình Sa vương), vua Tần-bà-sa-la…

Trong Kinh Tiểu bộ I, Đức Phật cho biết, nếu người lãnh đạo tuy có quyền thế nhưng không có phẩm chất đạo đức thì sẽ đưa chính họ và những người khác vào cánh cửa bại vong: “Đàn bà hay đàn ông/ Rượu chè, tiêu hoang phí/ Được địa vị, quyền thế/ Là cửa vào bại vong”, “Người tự hào gia thế/ Về tài sản, dòng họ/ Khinh miệt những người khác/ Là cửa vào bại vong” [9]. Đức Phật chủ trương thiết lập đường hướng chính trị đặt trên nền tảng đạo đức và tâm linh, tuyệt đối không dùng uy quyền và bạo lực để trị nước an dân. Mục đích từ những lời dạy của Ngài là đem yêu thương và an lạc đến với tất cả chúng sanh, dù là ai trong xã hội, bởi tất cả chúng sanh đều có tánh Phật như nhau, ai cũng có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc theo những chuẩn mực đạo đức. Đối với các nhà lãnh đạo quốc gia quản trị đất nước, những lời dạy của Ngài giúp họ đem lại kết quả tốt cho việc lãnh đạo quốc gia được hạnh phúc, thái hòa.

Trong Kinh Chuyện Đại vương Janasandha, Đức Phật dạy: “Một vị vua phải trị vì sáng suốt; trong mọi phận sự của một vị vua, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi việc làm ác. Khi một vị vua chân chính, bầy tôi cũng chân chính noi gương” [10]. Tình thương của vua, người lãnh đạo đối với các cấp dưới của mình cũng như cha mẹ thương con cái, vui khi thấy dân được ấm no hạnh phúc, lo với nỗi lo khó khăn của dân, có như vậy mới có thể sống và làm việc với đúng ngôi vị của chính bản thân, thương dân như con. Khi làm được như vậy, người dân sẽ cảm động và biết ơn vị lãnh đạo của dân tộc, luôn lấy tấm gương đó làm biểu mẫu răn dạy con cháu, sống và làm việc theo đúng những pháp luật của vua – chính phủ ban hành. 

Về phương pháp lãnh đạo, quản lý và điều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy bốn pháp nhiếp hóa (Tứ nhiếp pháp): Bố thí nhiếp; Ái ngữ nhiếp; Lợi hành nhiếp; Đồng sự nhiếp. Bốn phương pháp nhiếp hóa này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo. Nghĩa là bố thí đến những người dân nghèo khổ, gặp hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện và cơ hội đến với họ, chỉ bày phương pháp làm việc để cuộc sống của họ được cải thiện hơn. Không những bố thí tiền tài vật chất mà còn ủng hộ tinh thần, chính là bố thí pháp – những lời khuyên theo tinh thần chánh pháp. Dùng những lời nói từ hòa, nhã nhặn, dễ nghe và xuất phát từ lòng thương đến với mọi người gọi là ái ngữ nhiếp. Tiếp đến là lợi hành nhiếp, là hành động tốt đẹp của chính bản thân chúng ta đưa đến sự tin tưởng, bình an và hạnh phúc cho người khác giúp họ có thể cảm nhận và noi gương theo. Từ việc hành động thiết thực đó, họ có thể sẵn sàng cải thiện tâm tính, quyết đi theo những lời khuyên đúng đắn, chẳng hạn như sống có đạo đức và trách nhiệm đối với lợi ích quốc gia, thọ trì ngũ giới theo lời Phật dạy. Cuối cùng là đồng sự, vị lãnh đạo luôn cùng đồng hành với dân tộc, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng hay những thăng trầm trong cuộc sống của người dân, từ đó nhà lãnh đạo có sự cảm thông sâu sắc và điều chỉnh kịp thời chính sách cai trị sao cho phù hợp.

Trong Jātaka số 385, Bồ tát đưa ra lời khuyên nhằm giúp việc cai trị đất nước của nhà vua được hưng thịnh: “Bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chính: bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức” [11]. Muốn cho xứ sở thanh bình, thịnh trị thì trước hết những người cầm quyền phải công minh, chính trực. Với trí tuệ và lòng từ vô hạn, Đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự. Đức Phật thường khuyên họ phải trau dồi đạo đức của mình, luôn tu trì theo Thập vương pháp nhằm tăng trưởng giới đức, xứng đáng là bậc quân vương hiền đức.

Với trí tuệ thấu rõ duyên sinh, Đức Phật đã đưa ra những lời khuyên đầy giá trị mang tính nhân văn, đúng với tinh thần thương dân và vì dân. Với Thập vương pháp, các vị vua hay nhà lãnh đạo có đường hướng cai trị đất nước ngày một tốt hơn, thu phục được lòng dân. Đặc biệt luôn đoàn kết thương yêu nhau, sống và làm việc theo luật pháp, xây dựng một thế giới an lành.

2. PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO QUA THẬP VƯƠNG PHÁP 

Nhà lãnh đạo giỏi cần có khả năng hiểu biết rộng và sâu, tiếp thu nhạy bén. “Hiểu biết” có nghĩa là hiểu đúng, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Khi có kiến thức hiểu biết sâu rộng ta mới có thể hoạch định các công việc rõ ràng, quản lý các cấp dưới một cách hiệu quả, có tầm nhìn xa trông rộng, không phụ thuộc vào những người khác. Từ đó, đưa ra những giải pháp hạn chế rủi ro có thể xảy ra, không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, chính trị của quốc gia. Hiểu biết sâu rộng chưa gọi là đủ và cần cho một vị lãnh đạo mà cần phải biết linh hoạt trong việc kết hợp giữa đức trị và pháp trị: “Vua tuy trước rõ pháp như như/ Nghe thêm lời Phật tăng thêm hiểu/ Giống như Tường phấn ánh trăng soi/ Há chẳng tươi sáng thêm thù diệu”[12]. Vì nếu chỉ nghiêng về đức trị thì những thành phần xấu sẽ lợi dụng lòng nhân từ của vua để làm loạn, còn nếu quá đặt nặng pháp trị mà thiếu đức thì pháp đó dù có thể đem đến sự ổn định tạm thời nhưng điều đó mang tính hà khắc. 

Khiêm tốn được thể hiện trong cách nhìn và thái độ đúng mức khi đánh giá tự thân, không tự cao, tự phụ. Người lãnh đạo theo Phật giáo cần có cái nhìn khách quan về tài năng và đạo đức của mình, chính cái nhìn này sẽ mở lối cho người lãnh đạo vươn tới những kết quả tốt. Khiêm tốn là chuẩn mực đạo đức đáng quý, không phải hạ thấp mình mà thật ra chúng ta đang nâng giá trị của bản thân, tôn trọng bản thân. Như lời Đức Phật dạy: “Hãy học các dòng nước/ từ khe núi vực sâu/ nước khe núi chảy ồn/ biển lớn động im lặng/ cái gì trống kêu to/ cái gì đầy yên lặng/ ngu như ghè vơi nước/ bậc trí như ao đầy” [13]. 

Khiêm nhường lại xuất phát từ sự tự tin của nội tâm, không màng hư danh, lợi ảo của người đời, chỉ làm những việc không hại người và tốt cho đời. Những vị chân chính từ xưa đến nay vẫn luôn khiêm nhường, tôn kính vạn vật. Càng khiêm hạ càng gặt hái nhiều thành công, giúp giảm đi lòng kiêu mạn, bớt đi cái tôi bản ngã đã có từ vô thỉ. Khiêm nhường cũng là cách giúp bản thân thoát khỏi dục vọng danh lợi và tham lam. Một người có thể đứng ngoài danh lợi, khi đó họ sẽ có thể nhìn được càng cao, hiểu được rộng hơn những người khác. Người chịu cúi thấp bản thân hơn người khác không hẳn đã là người chịu thiệt, họ là những người hiểu rõ bản thân, hiểu rõ làm người càng ung dung điềm đạm sẽ càng đi xa thêm, biết cách dựa vào chính thực lực mà đi lên. 

Người lãnh đạo theo Phật giáo là người phải có khả năng lắng nghe, nghe để hiểu những tâm tư và nguyện vọng của người khác, nghe để chỉnh lại những sai lầm mình đã vấp phải và phòng ngừa những sai lầm mình có thể vấp phải. Được như thế, việc lãnh đạo và mục đích của tập thể mới bảo đảm tốt được vì sức mạnh và sự hiểu biết phát sinh từ sự lắng nghe. Thế giới chung quanh khác biệt với những khái niệm và thành kiến, sống là phải biết lắng nghe, cảm nhận hiện tượng một cách trọn vẹn, sâu sắc. Trong đời sống hằng ngày “lắng nghe” là một phương cách thần kỳ để khám phá ra sự thật ẩn nấp từ trong ngõ ngách của mọi tâm hồn. Ngày nay, các chuyên gia trị liệu tâm thần đã áp dụng phương thức ngồi hằng giờ chỉ để lắng nghe bệnh nhân nói mà không có phản ứng gì cả. Phương pháp này đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân xả bỏ được những uất ức tùy miên ngủ ngầm trong tâm họ bấy lâu. Pháp lắng nghe giúp con người mở mang tầm hiểu biết của chính mình về nhữngthông tin từ mọi phía, giúp ta có sự bình tĩnh trong việc xử thế, là nền tảng đầu tiên giúp ta nhận định đâu là chánh đâu là tà. Việc lắng nghe quan trọng như vậy nên trong nhà Phật đã nâng nó lên thành một pháp tu gọi là tu Hạnh Lắng Nghe: “Đại vương tùy thường nghe/ Phạm âm, Như Lai nói/ Do đa văn tỏ ngộ/ Thường nghe thì tin sâu/ Như nhật chiếu sắc trắng/ Há chẳng thêm rực rỡ?” [14].

Thập vương pháp là mười phẩm chất tốt đẹp của một vị vua hay vị lãnh đạo anh minh và hiền đức. Thập vương pháp được nhắc đến trong nhiều bản kinh, nhất là trong Kinh Tiểu bộ.

Lòng khoan dung, tha thứ độ lượng là một trong những đức tính, phẩm chất vô cùng cao quý, tốt đẹp của con người. Khoan dung là lòng rộng lượng, bao dung, thương yêu con người, sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt và sẵn sàng tha lỗi hay tạo cơ hội cho họ chuộc lại những lỗi lầm đã phạm phải. Có khoan dung, tha thứ lỗi lầm cho người khác thì mới có thể cảm hoá được những người dưới quyền quản lý của vị lãnh đạo. Khi được nhận lòng khoan dung, bản thân người đó sẽ ăn năn hối lỗi, tự tu chỉnh bản thân mình, sửa chữa lỗi lầm và có thể biết ơn, từ đó không tiếp tục phạm lỗi mà họ đã từng mắc phải. Sự khoan dung và nhường nhịn là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất để nhằm hoàn thiện nhân cách và đưa lại sự bình an cho cuộc sống. Trong tập thể, nội quy có chức năng đảm bảo tính trật tự và kỷ luật chung cho mọi người và giúp tập thể đi ra khỏi rối loạn. Nên người lãnh đạo phải sử dụng nội quy đúng chỗ, biết mở ra một lối thoát cho người dưới quyền khi họ vi phạm. Nhà lãnh đạo hiểu rằng, quyền lực tập trung vào tay mình; vì thế khi làm một điều gì đó trong cơn giận dữ có thể ảnh hưởng uy tín bản thân và tổ chức. Khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp, nhờ đó mà cân bằng cuộc sống. Luôn tu tập các thiện pháp, giữ tâm thanh tịnh, siêng tu thiền định và hồi hướng đến con đường vô thượng bồ đề. Nếu tu tập hạnh lành như vậy, tương lai sẽ không còn khổ não, cùng các vị Bồ tát [15] qua lại trong trời người, hóa độ chúng sanh.

Việc xây dựng hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội là trách nhiệm của mỗi người. Là một người điều hành, để tổ chức và có được hiệu quả như mong muốn từ những thành viên khác thì không thể chỉ tập trung chỉ trích một cá nhân hay một vấn đề. Mà điều cần thiết là cần xác định và cùng giải quyết công việc, cùng ghi nhận những đóng góp, cố gắng của tất cả mọi người, không khoe khoang hay tự hào riêng bản thân, khiêm nhường trước mọi người là những gì mà người lãnh đạo thông minh cần có. Không những sống có trách nhiệm với mọi người mà Đức Phật còn dạy các vị vương chủ nên dành thời gian tu tập vì thời gian trôi qua nhanh chóng, vô thường không đợi ai trong mỗi chúng ta. 

3. NHỮNG VỊ VUA ĐẠI DIỆN TIÊU BIỂU TRONG VIỆC LÃNH ĐẠO QUỐC GIA THEO PHẬT GIÁO 

Pasenadi Seniya (Ba-tư-nặc) là vua của vương quốc Kosala, thuộc vùng Bắc Ấn. Ông sớm quy y và thường đến chỗ Đức Phật đảnh lễ và thưa hỏi những vấn đề khác nhau, trong đó bao gồm cả việc trị nước, an dân. Vua đem hết tài năng cùng với nhiệt tâm để điều hành đất nước, ngoài ra còn thực hiện chính sách bang giao tốt đẹp với các nước láng giềng. Trong Kinh tạng Nikāya, có nhiều lời dạy của Đức Phật dành cho vua nước Kosala được ghi lại. Sau khi nghe những lời giải đoán mười sáu điềm chiêm bao, vua Pasenadi cảm thán: “Vậy thì, trách nhiệm của một vị vua lớn lắm, cao cả lắm mà cũng nặng nề lắm! Vận mệnh của đất nước, sự vui khổ của muôn dân tùy thuộc đạo đức, giới hạnh bản thân của vị vua ấy cùng cán cân nghiêm minh của công lý. Thiếu một trong hai, không được; nghiêng lệch bên này, bên kia, không được! Toàn thể triều đình, các quan hãy ghi nhớ lời trẫm hôm nay”[16] . 

Đoạn kinh này cho thấy, nhà vua nhận ra đạo đức, giới hạnh (đức trị) và cán cân nghiêm minh (pháp trị) là hai điều không thể thiếu trong việc lãnh đạo đất nước. Thiếu một trong hai thì vận mệnh đất nước sẽ đi xuống, vì vậy cần kết hợp cả hai mới có thể quân bình được và đem lại kết quả tốt đẹp. Vua Pasenadi sau nhiều lần được Đức Thế Tôn giáo hóa đã có những tư tưởng thiện khởi lên và suy nghĩ như sau: “Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù”[17]. Trong vương pháp phải có chánh pháp, trong chính trị phải có chính đạo mới có thể ngự trên ngai vàng trong tâm thế và nội lực vững vàng. Khi chính vua hay người lãnh đạo biết tu tập, sống có đạo đức và hết lòng thương dân như con thì vị ấy sẽ cảm thấy niềm vui ngập tràn, luôn sống trọn vẹn từng ngày làm lợi ích cho con người và cuộc đời. Đức Phật đã dùng ví dụ về một ngọn núi để giúp nhà vua hiểu rõ tính chất vô thường của đời người ngắn ngủi, qua đó để lại cho vua Pasenadi bài học về ý nghĩa phải tu hành càng sớm càng tốt thay vì để đến khi đã quá muộn. Từ một vị vua không kính tin Tam bảo và còn nhiều ngờ vực giáo pháp của Đức Phật, nhưng sau khi đức vua đến nghe Đức Phật giảng giải, ngài đã trở thành một bậc quân vương tài đức chăm lo đời sống nhân dân, chủ trương hòa bình và bất bạo động, thâm tín Tam bảo, thường xuyên đến thưa hỏi pháp, sống và thực hành lời dạy của đức Như Lai. 

Hoàng đế Asoka (A Dục, 304-232 TTL) là một vị vua nổi bật trong lịch sử Ấn Độ với tài năng, đạo đức trị vì đất nước theo tinh thần Phật giáo. Ông sống và thực hành theo những lời Phật dạy, đưa đất nước ngày càng phát triển, an bình và người dân được đảm bảo quyền an sinh. Trong bia ký XIII, vua A Dục tuyên bố rằng ông thực hành chánh pháp (Dharma), yêu mến chánh pháp và giảng dạy chánh pháp. Ông gửi thông điệp hòa bình và chính sách bất bạo động đến các quốc gia lân cận bằng cách gửi sứ giả đi khắp nơi, truyền bá chánh pháp. Áp dụng triệt để giáo lý Đức Phật vào việc cai trị đất nước, ông đã lấy lòng nhân từ làm cơ sở cho việc trị vì, giúp đỡ dân chúng, dùng thiện nghiệp để loại bỏ ác nghiệp. Ông khuyến khích ứng dụng các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bất bạo động, không hoang phí, không chiếm đoạt, không gây hại cho mọi loài vật, và không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay tín ngưỡng. Điều đặc biệt là đích thân nhà vua thực hành trai giới, khuyên mọi người không nên sát sinh, dạy họ biết sống theo thiện pháp, tôn trọng lẫn nhau, kính trọng những người già cả, cha mẹ anh em, thương yêu kẻ tàn tật, tôi tớ, và khuyến khích làm việc thiện. Tư tưởng chính trị của Phật giáo đã được triều đại vua Asoka thực hiện để quản lý đất nước. Những gì ông làm là minh chứng cho nhiệm vụ và trách nhiệm của một nhà nước Phật giáo. Đó là đối xử công bằng mọi công dân và tôn giáo, đảm bảo an ninh trong nước và không để cá nhân nào gây tổn thương cho người khác, tội phạm phải giảm tới mức tối đa. Nâng cao đời sống kinh tế người dân; quan tâm tới xã hội; tạo điều kiện để mọi công dân đều được hưởng giáo dục. Nhà nước phải đảm bảo người dân không bị thất nghiệp, tích trữ của cải để đem lại sự phồn vinh cho đất nước và luôn tham vấn với những người có kinh nghiệm và tài đức.

Quốc vương Bhutan – Jigme Khesar Namgyel Wangchuck được thế giới nhìn nhận như một trong những nhà lãnh đạo đương đại ấn tượng. Dưới sự dẫn dắt của ông, Bhutan đã trở thành biểu tượng của một quốc gia hạnh phúc. Đặc biệt, Quốc vương còn là một Phật tử thuần thành. Đạo Phật là tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và xã hội của vương quốc. Quốc vương ban hành Hiến pháp Bhutan, làm việc tận tụy ngày đêm để phục vụ cho dân. Ông còn được người dân yêu quý bởi sự gần gũi với các thần dân của mình. Nhiều người dân tại Butan truyền tai nhau rằng, Quốc vương của họ thường mời dân thường tới nhà riêng để uống trà và tán gẫu. Trong những cuộc trò chuyện này, Quốc vương Jigme Khesar thấu hiểu hơn tâm tư và nguyện vọng của người dân. 

Vua thương dân như thương người thân của mình, đúng theo mô thức của một vị vua hiền ngày trước, biết sống đơn giản và làm việc tận tụy. Do đó, vua được dân chúng trong nước thương yêu hết mực. Là một đất nước theo Phật giáo, vua Jigme Khesar bình dị với cuộc sống đạm bạc, không có khoảng cách với mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội, bất kỳ mọi công dân của đất nước luôn được chào đón tại nơi cư trú của đức vua và trò chuyện bình thường. Bởi đức vua luôn lắng nghe và thích sẻ chia với những khó khăn của người dân, biết tu tập và áp dụng giáo pháp Phật giáo trong việc cai trị đất nước.

KẾT LUẬN

Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, nhiều đệ tử Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ sau khi nghe những lời dạy của Ngài và thực tập theo. Hơn 2.500 năm sau, Đức Phật vẫn tiếp tục truyền năng lượng tươi mát cho hàng triệu người trên khắp thế giới đi theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy. Đức Phật thường được diễn tả là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất mọi thời đại. Chúng ta có thể học tập những gì từ Đức Phật với tư cách là một nhà lãnh đạo gương mẫu để có thể vận dụng vào trong xã hội nhiễu nhương mà chúng ta đang sống. Dù Đức Phật không chủ trương làm chính trị, nhưng vì lợi ích của nhân loại, Ngài đã đề xuất lấy chánh pháp để cai trị, với mong muốn thiên hạ sẽ được thái bình, nhân dân được an lạc. Không có hệ thống chính trị nào có thể mang lại hòa bình và hạnh phúc thực sự khi mà con người trong hệ thống ấy bị thống trị bởi tham lam, sân hận và si mê. Vì vậy, Phật giáo đã xây dựng Thập vương pháp cho vua và các nhà lãnh đạo thực hành theo, nhằm mang lại kết quả tốt đẹp cho vua và quan trọng nhất vẫn là lợi ích của nhân dân. Làm sống dậy những gì tốt đẹp nhất trong mọi người, phát triển toàn diện những tiềm năng và đạt đến đích Niết bàn tối thượng.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo

(*) SC. Thích Nữ Huệ Nhật, Học viên Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Thích Minh Châu dịch (2013), Trường Bộ Kinh, Kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.359.

[2] Thích Minh Châu dịch (2013), Sđd, tr.537.

[3] Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường Bộ, tập 1, Kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) ấn hành, tr.241.

[4] Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Đại Thiện Kiến vương, VNCPHVN ấn hành, tr.22.

[5] Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, Phẩm Nghiệp công đức, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, tr.697.

[6] Xem thêm Tiểu Bộ kinh, Tập 6, Phần Khuyến dụ quốc vương.

[7] Thích Thanh Từ dịch (2005), Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Tập 3, Phẩm Thất Nhật (1), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 25-26.

[8] Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, Phẩm Nghiệp công đức, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, tr. 697.

[9] Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập, Phẩm Rắn Uragavagga, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, tr. 499. 

[10] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ, Tập 5, Phẩm Mười hai bài kệ, Nxb. Hà Nội, tr.193.

[11] Thích Minh Châu dịch (2002), Kinh Tiểu Bộ 6, Chuyện Lộc vương hoan hỷ, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, tr. 680.

[12] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 114, Số 1674, Long Thọ Bồ Tát Khuyến Giới Vương Tụng, Nxb.  Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 332.

[13] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ, Tập 5, Phẩm Mười hai bài kệ, Nxb. Hà Nội, tr.193.

[14] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 114, Số 1673, Khuyến phát chư vương yếu kệ, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 313.

[15] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 114, Số 1673, Khuyến phát chư vương yếu kệ, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 327.

[16] https://thuvienhoasen.org/a25411/giai-doan-16-diem-trieu-cua-duc-vua-p-senadi 

[17] Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng, Tập 1, Thiên có kệ, Tương ưng Kosala I, VNCPHVN ấn hành, tr. 167.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *