Quý độc giả thân mến!
Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502). Như vậy, ngay từ khi còn tại thế, mong mỏi của Như Lai là vì hạnh phúc, an lạc của chúng sinh mà chư Tôn đức, Tăng Ni và bậc thiện tri thức đem giáo lý Đức Phật phổ biến đến tất cả mọi người.
Về sau, tinh thần và triết lý Phật pháp của Ngài vẫn được các thế hệ Tăng Ni nối tiếp phát huy, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các dân tộc ở những thời đại khác nhau, tạo nên sức sống Phật giáo đa dạng. Riêng đạo Phật ở Việt Nam đã phát triển gần 20 thế kỷ vẫn mang trong mình sức sống mãnh liệt trong cuộc sống của người dân Việt. Đó là nhờ truyền thống dấn thân của Phật giáo, làm lợi lạc cho đất nước, cho dân tộc.
Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Người chân tu giản dị như ánh sáng như khí trời, cho muôn loài sự sống mà không ai hay biết. Người chân tu như mạch nước thấm trong lòng đất, trẻ con hái hoa tím hoa vàng trên thảm cỏ mà không biết đồng cỏ và bông hoa là tặng phẩm của dòng nước trong.
Sự hiện diện của những bậc chân tu mang lại nhiều an lạc cho cuộc đời, nhưng chính niềm tin mới thực là phẩm vật quý giá nhất của người chân tu hiến tặng. Sự hiện diện của người chân tu chứng minh sự hiện diện của đạo đức chân thực, chứng minh khả năng của con người; chứng minh tính cách khả hành của giáo lý Đức Phật, hoặc nói cho rộng là giáo lý của các bậc hiền nhân”.
Để bàn luận thêm về câu chuyện này, Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 396, với chủ đề “Phật nhật tăng huy”. Để từ đó, cùng nhau lan tỏa ý nghĩa Phật pháp ngày càng sâu rộng, thâm nhập vào đời sống, đồng hành và mang đến an lạc cho mọi người, giúp thế giới trở nên bình an và tốt đẹp hơn.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo