Thư tòa soạn 397

Quý độc giả thân mến!

Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, tâm từ bi đều vô cùng quan trọng. Đó là cội nguồn hạnh phúc thế gian và xuất thế gian của tất thảy chúng sinh. Mọi chúng hữu tình đều vốn sẵn bản chất từ bi, đều quan tâm tới gia đình, bạn bè bằng tình yêu thương và lòng bi mẫn.

Tình yêu thương và lòng bi mẫn trong Phật pháp vốn vô cùng rộng lớn. Tình cảm đó hoàn toàn không phân biệt và không hề chịu sự chi phối thúc đẩy của sân giận hay tham ái. Tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều đạt được hạnh phúc và sự an lạc, tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều được giải thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ – đó chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện mà chúng ta đang bàn tới.

Mọi chúng sinh đều mong cầu được giải thoát khỏi khổ đau và được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ quan tâm tới bản thân chúng ta chứ không phải cho những người khác. Đó là bởi chúng ta không thể nào cảm nhận được những đau khổ của người khác. Vì vậy, để phát triển tâm từ bi, chúng ta cần thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trưởng dưỡng được tâm từ bi chân chính. Sự thực hành tâm từ bi trong mọi hoạt động không chỉ có ích đối với thực hành Pháp mà còn có ý nghĩa về mặt thế gian.

Với ý nghĩa mỗi chúng sinh đều đồng đẳng về mầm thiện từ tâm, ai cũng đều có căn cơ để trở thành đoá sen từ bi toả hương bát ngát, là một ngọn nến thắp sáng, lan toả sự ấm áp đến mọi người xung quanh, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 397 có chủ đề “Ánh sáng từ tâm”. Qua đó, hy vọng mỗi người sẽ chính là một nguồn sáng ấm áp, dịu hiền như ánh trăng để soi ấm trái tim chúng sinh.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *