Thông điệp “Vững tâm bền chí” là giai trình tu tập tâm linh trong thời đại 4.0 với những thành tựu khoa học công nghệ, giúp chúng ta thấy con người và vạn vật thay đổi theo thời gian lẫn không gian. Sự ứng dụng thành tựu này một mặt góp phần đem lại giá trị hạnh phúc trên nhiều phương diện mà con người làm chủ khối óc sáng tạo vô cùng tận của mình; mặt khác làm thay đổi mọi giá trị đạo đức khi con người chìm đắm trong thế giới ảo, chạy theo danh vọng tiền tài, địa vị, quyền uy trong thế giới đầy biến động. Có thể xem đây là vấn đề nan giải, phức tạp của cuộc sống hiện đại mà con người cần vững tâm bền chí tu tập để nâng cao chất lượng sống và an trú trong thế giới hạnh phúc chân thật mà Đức Phật từng trải nghiệm tu chứng, truyền bá cho chúng ta.
Đó là mục đích mà người con Phật sống trong thời đại này hướng tới. Con đường đó được Đức Phật chỉ dạy phải biết cột tâm, an trú tâm, không để tâm dao động trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Vững tâm bền chí trong tu tập tâm thể hiện qua việc làm, hành động nhằm tạo nên sự kiên định và an trú vào thế giới lẫn vạn vật mà không có sự dao động tâm. Do đó, điều cơ bản đầu tiên mà ta có thể thực hiện là tinh cần giữ tâm không phóng dật, như Đức Phật từng dạy trong Kinh Pháp Cú, vốn được giới Phật giáo Nam truyền xem như bản kinh nhật tụng. Và mọi hành giả cần học thuộc lòng để hành trì, ứng dụng vào cuộc sống bình nhật:
“Không phóng dật, đường sống
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật, không chết
Phóng dật như chết rồi”.
(Pháp Cú, kệ 21)
Sống không phóng dật là sống an nhiên tự tại, tâm không bị cuốn hút vào dòng thác đổi thay và đầy cám dỗ của sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nói chung, phải vững tâm bền chí mới vượt ra ngoài thế ảo mộng, khát vọng thèm muốn và sở hữu. Con người sở dĩ bị khổ đau bởi rong ruổi, chạy theo sáu trần. Thế nên, Trần Thái Tông – vị vua và Thiền sư đời Trần từng trải nghiệm, thiết tha khuyến giáo mọi người phải an trú tâm, giữ tâm, không để tâm chạy theo các vị ngọt của các trần. Trong bài Sám hối tội căn của mắt, Ngài viết: “Đệ tử chúng con, dốc lòng sám hối! Kể từ vô thỉ, vô lượng kiếp rồi. Bỏ mất bản tâm, chẳng theo chánh đạo. Đọa ba đường khổ, bởi sáu căn sai. Trước chẳng sám trừ, sau hối khó kịp. Nghiệp căn mắt ấy: Nhân ác nhìn kỹ, nghiệp thiện xem qua. Nhận lầm đốm hoa không, quên đi mất trăng thật. Ghét yêu nổi dậy, tốt xấu chen nhau. Mắt liếc sinh càn, lu mờ chánh kiến. Xanh đi trắng lại, tía phải vàng sai. Nhìn bao thứ tà như người đui mắt. Gặp kẻ sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang. Đui mù chưa sinh, bản lai diện mục. Thấy người giàu có, mắt dán chằm chằm; gặp kẻ bần cùng, tảng lờ chẳng đoái. Nhà người mai táng, nước mắt dửng dưng; thân quyến thương vong, khóc tràn ra máu. Hoặc thấy Tam bảo, hoặc vào Già lam; gần tượng đối kinh, bỏ qua không đoái. Nhà Tăng điện Phật, trai gái gặp nhau, mắt trước mắt sau, mê hoang sắc dục. Chẳng kính Hộ pháp, chẳng sợ Long thần; thỏa mãn ham vui, từng không kính lễ. Những tội như thế, vô lượng vô biên. Từ căn mắt sinh, đọa vào địa ngục. Trải hằng sa kiếp, mới được thọ sinh. Dù được thọ sinh, lại bị mù chột. Nếu chẳng sám hối, khó được tiêu trừ. Nay đối trước Phật, hết đều sám hối.” [1].
Giá trị cuộc sống sẽ hiển lộ và thăng hoa khi chúng ta biết làm chủ tâm, biết sống trọn ý nghĩa trong từng giây phút hiện tại, không để tâm phóng dật. Theo triết lý nhà Phật, tất cả thất bại hay thành tựu trên đời đều bắt nguồn từ tâm. Tâm cũng là gốc của sanh và tử, là cội nguồn của mọi bất hạnh lẫn hạnh phúc. Vậy mà tới khi sống gần hết cuộc đời, mới sợ hãi cảm nhận cuộc đời mình đã và đang sống thật vô nghĩa. Tất cả những gì con người cố gắng tìm kiếm cả đời, như: danh vọng, tiền tài… đều là hư giả, như bèo bọt, như giọt sương mai, như hoa tàn héo rơi vãi trên mặt đất, như giọt mưa lạnh ban đêm. Những hình ảnh quen thuộc này được vua Trần Nhân Tông ghi nhận như sau:
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn,
Hoa tận vũ tình sơn tịch mịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn…”.
(Ý nghĩ chạy theo thị phi, như theo hoa rơi ban sớm,
Tâm chạy theo danh lợi, như theo mưa đêm lạnh,
Hoa rụng hết, mưa tạnh, còn lại cảnh núi non vắng lặng,
Một tiếng chim kêu, xuân lại tàn…).
Xem ra, sống giữa vòng danh lợi dày đặc và hào nhoáng mà tâm vẫn an trú trong tự tại, xem danh lợi, thị phi như mưa lạnh đêm chiều, như hoa rơi ban sáng, chứng tỏ vua Trần Nhân Tông đã biết sống tỉnh thức hằng giờ, hằng phút. Đó là giá trị của của sự vững tâm bền chí mà Ngài đã chứng đạt.
Cuộc sống hôm nay không ngừng biến chuyển, con người càng dễ đối diện biết bao sự hấp dẫn, cuốn hút của đời sống văn minh, đặc biệt khi khả năng sáng tạo của con người không ngừng phát huy, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào mọi lĩnh vực. Thực tế, không phải ai cũng đủ tỉnh thức, chánh niệm như vua Trần Nhân Tông, không phải ai cũng có thể vào chùa để xuất gia tu hành chứng đạo. Con người có nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khác nhau trong nhiều mối quan hệ đan kết. Nhưng không có nghĩa những người hiện đại sống ở nơi đô hội trù phú không có cơ duyên tu tập.
Sơ tổ Trúc Lâm – vua Trần Nhân Tông từng khuyến cáo mọi người cần có thái độ tu tập để tự thân chứng đắc trong cuộc hành trình tìm về miền đất an lạc. Trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, Ngài dạy: “Trần tục mà nên phúc ấy càng yêu hết tấc, Sơn lâm chẳng cốc họa kia thật đã đồ công” [2]. Nghĩa là sống ở cõi đời trần tục, người tại gia nếu tinh tấn tu hành, giữ tâm trong sáng bằng cách biện tâm vẫn có thể chứng ngộ, đó là phúc lớn do mình tạo ra. Còn xuất gia, ở núi rừng mà không tinh tấn thì uổng công phí cả đời. Xem ra, giác ngộ hay không giác ngộ đều do chính mình có hành trì thực nghiệm biện tâm (tẩy rửa tâm) hay không trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống. Chúng ta có thể tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ để bước vào đời sống hạnh phúc ngay bây giờ.
Và như thế, quá trình thực thi vững tâm bền chí tu tập được khởi đầu bằng sự cột tâm, an trú tâm, không để tâm dao động. Đó là diễn trình liễu đạt cơ chế vận hành của tâm đi đúng hướng theo vào lộ trình Trung đạo tránh xa hai cực đoan: ép xác khổ hạnh hay đắm say dục lạc. Đây cũng là con đường chuyển hóa của tâm thức bằng chánh kiến soi rọi, phát huy khả năng tiềm ẩn của sự sáng tạo vô tận mà con người vốn có để đem lại giá trị sống đích thực. Mặt khác, với trí tuệ của chánh tư duy rọi chiếu, chúng ta có đủ khả năng bước ra ngoài những tâm lý thường tình của lòng tham dục, khát ái, chấp thủ vốn ăn sâu vào tâm thức. Tại đây, sự thẩm sát về đối tượng quán niệm sẽ chuyển hoá nguồn năng lượng của lòng ham muốn thành đối tượng để chánh niệm và phòng hộ:
“Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng
Người trí phòng hộ tâm
Tâm hộ, an lạc đến”.
(Pháp Cú 36)
Sự tỉnh giác là nguồn năng lực tuệ giác giúp chúng ta vuợt ra ngoài thế giới mộng tưởng đầy ắp sự đam mê cuồng nhiệt, hay những cơn lốc xoáy xung đột tâm lý của cảm xúc và tư tưởng miên truờng vô tận. Bấy giờ, tâm được an trú vào đối tượng bằng sự tĩnh lặng, sẽ không còn bị phân chia giữa những cái được yêu thích và những cái không được yêu thích của tâm phân biệt đối đãi muốn nắm giữ, chiếm đoạt hay sự khước từ, lo âu đầy sợ hãi trước biến động đổi thay của thế giới xung quanh. Chính sự chuyển hóa tâm thức này dẫn đến sự buông xả tất cả những ham muốn tràn trề khoái cảm yêu thích, thay vào đó là cảm giác tươi mát không ham muốn nắm giữ “cái này là ta, của ta là tự ngã của ta”. Ý thức và an trú thường xuyên tạo ra cảm giác giải thoát an lạc, giúp ta tiếp cận thế giới vô cùng của tâm bao la đầy phúc lạc vô biên. Lúc ấy, nguồn suối tuệ giác vô thượng sẽ tưới mát tâm thức, để chúng ta điều phối toàn bộ suy nghĩ, tư tưởng, hành vi, việc làm. Tất cả được quy chiếu, định hướng trên cơ sở thiện – ác trong thế giới an bình nội tại:
“Tâm không đầy tràn dục
Tâm không hận công phá
Đoạn tuyệt mọi thiện – ác
Kẻ tỉnh không sợ hãi”.
(Pháp Cú kệ 39)
Thế nên, sống trong thế giới đầy khổ đau này, chúng ta không thể không thực nghiệm một đời sống chuyển hóa tâm thức hướng thượng. Trong mỗi cá nhân, tự thân con người đều vốn có một xu thế nội tại luôn luôn đòi hỏi phải lớn lên, phát triển mở rộng đi đến sự toàn giác. Tất cả những thành tựu trên đời của nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ… đều bắt nguồn từ sự thành tựu nội tâm của chính mình. Là một Phật tử chân chánh, tự thân đã hiểu rõ ý nghĩa lời Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp”. Điều này có nghĩa, hễ cá nhân nào làm chủ được tâm mình, làm chủ bản tâm thì người đó hẳn nhiên bước vào thế giới an lạc vĩnh hằng. Đó là chìa khoá để mở cánh cửa vô sanh bất tử cho sự tự do, tự chủ. Và cũng chính là sự chuyển hoá tâm thức trong quá trình tu tập thực nghiệm tâm linh của đời sống hiện tại.
Cuộc sống luôn luôn vận động và mới mẻ mọi lúc, mọi nơi. Trong dòng biến chuyển liên tục của không gian vô tận, thời gian vô cùng, tâm thức con người phải được an trú trong giây phút hiện tại, bằng cách gạt bỏ những hoài niệm về quá khứ, hay mơ tưởng về một tương lai mờ mịt để tận hưởng sự thuần khiết thanh tịnh tuyệt đối chân thực. Một tâm tinh tế, bén nhạy, tĩnh lặng, giác tỉnh phối hợp với một trái tim hiền hòa giàu tình thương sẽ chuyển hoá toàn bộ thực trạng khổ đau thành cảnh tượng hạnh phúc.
Sự vững tâm bền chí để chuyển hóa tâm thức trở thành giai trình thực nghiệm tâm linh “sống với” hơn là “nói về” sẽ giúp mọi người tiếp xúc và hòa nhập với bản thể thực tại, vốn là cơ sở của mọi sự vật hiện hữu giữa trần thế này. Chân lý tối hậu của cuộc đời thật đơn giản, mỗi người chỉ cần chuyển hoá tâm thức để tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân thực nghiệm để tự thân chứng ngộ giải thoát an lạc trong dòng sống tương tục của hiện thực đầy nhiệm màu này.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[1] Trần Thái Tông (1997), Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo TP. HCM, tr.128-129.
[2] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần (tập 2), Nxb. Khoa học Xã hội, tr.506.