Tóm tắt: Hiện nay, ở Bắc Trung bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung, xu hướng du khách tìm về các điểm văn hóa tâm linh đang trở nên thịnh hành. Loại hình du lịch này bước đầu đã thể hiện những ưu điểm vượt trội và đạt được một số thành tựu nhất định, song vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa tâm linh ở Bắc Trung bộ trong thời gian tới, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần người dân thông qua các cuộc tham quan, hành hương, bài viết này chủ yếu đi vào tìm hiểu thực trạng và đưa ra một vài giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tâm linh thông qua du lịch.
MỞ ĐẦU
Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất của con người ngày càng được đáp ứng dễ dàng. Tuy nhiên, như vòng quay luân hồi, đến một giới hạn nào đó, con người lại quay về với những giá trị tâm linh như một cách thể hiện, khám phá bản thân, vũ trụ và tìm kiếm giá trị sống đích thực cho chính mình giữa nhịp sống bộn bề, lo toan… Trong hoạt động du lịch, du khách bắt đầu tìm đến các địa điểm văn hóa tâm linh để chiêm ngưỡng và bày tỏ lòng thành.
Ở châu Á, đặc biệt là những quốc gia theo Phật giáo như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…, du lịch tâm linh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ từ lâu. Tại Việt Nam, hơn một thập kỷ nay, du lịch tâm linh cũng trở thành một ngành kinh tế phát triển mạnh, bên cạnh các cơ sở thờ tự, hệ thống lễ hội là một thành tố quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Bắc Trung bộ, có vai trò to lớn, không thể tách rời trong đời sống cộng đồng dân tộc. Hiện nay, với sự đổi thay nhiều mặt của đất nước, lễ hội truyền thống Việt Nam đang có sự biến đổi cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Việc khai thác và mở rộng các nội dung, thành tố của lễ hội địa phương phục vụ kinh doanh du lịch là vấn đề mới, hứa hẹn tiềm năng to lớn. Trước tình hình đó, nhằm đa dạng hóa và bắt nhịp xu hướng chung của ngành du lịch, Bắc Trung bộ cũng bắt đầu chú ý đến du lịch tâm linh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, loại hình du lịch tâm linh này vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có. Do đó, việc trước mắt phải tìm hiểu và hoạch định hướng đi riêng, giúp loại hình du lịch này thực sự trở thành nhu cầu thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
Du lịch tâm linh
Thuật ngữ “du lịch tâm linh” tuy mới xuất hiện nhưng thực tế đã diễn ra trên cả nước từ hàng trăm năm nay, thông qua các lễ hội truyền thống như: lễ hội Đền Hùng, hội Thánh Gióng, lễ Nghinh Ông, lễ hội Vía Bà… Trước khi thuật ngữ “du lịch tâm linh” được báo chí sử dụng, một thuật ngữ khác là “hành hương” đã có từ lâu nhưng thiết nghĩ, đây là hai khái niệm khác nhau mặc dù tương đồng ở một số khía cạnh nội hàm.
Theo GS. TS A.P.J Abdul Kalam (cựu Tổng thống Ấn Độ): Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết [7]. Còn theo cách định nghĩa của tác giả Thích Đạt Đạo: Du lịch tâm linh là tìm hiểu văn hoá, giá trị truyền thống bằng cách thăm viếng từ tâm trí, trái tim, nuôi dưỡng và mở rộng sự hiểu biết hướng về cái thiện, hoà hợp với thiên nhiên, đồng loại, chúng sinh; nâng cao được giá trị tâm hồn, hiểu rõ hơn về tâm linh, đặc biệt đối với Phật giáo là hiểu hơn về chân lý giải thoát, giá trị chân thực của cuộc sống hiện tại [13].
Ở góc độ khác, tác giả Đinh Đức Hiền cho rằng: Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu con người trong đời sống tinh thần. Loại hình du lịch này chủ yếu khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức con người về thế giới, những giá trị về đức tin trong tín ngưỡng, tôn giáo; từ đó mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch [6].
Còn Nguyễn Văn Tuấn lại nhận định: Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch [12].
Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm văn hóa tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường tụ hội về các đền, chùa, lăng tẩm, khu tưởng niệm, những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc và văn hóa truyền thống để tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, chiêm bái, tri ân, thiền,… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn, cân bằng, củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, du lịch văn hóa tâm linh là một phạm trù rộng, thường gắn với lịch sử dân tộc, đức tin và hướng thiện, loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan. Có nhiều hình thức du lịch tâm linh nhưng tựu trung lại có hai loại hình cơ bản là du lịch thông thường kết hợp tham quan chùa và du lịch hành hương. Du lịch tâm linh bao hàm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Khơi dậy đời sống giác ngộ của khách du lịch ở những địa danh tâm linh chính là mục tiêu của các tour du lịch tâm linh. Có thể nói, du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc thù, đưa con người đi vào thế giới tâm hồn, cảm nhận trọn vẹn tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Vì thế, du lịch tâm linh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đặc điểm vùng Bắc Trung bộ
Bắc Trung bộ có địa bàn từ phía Nam dãy Tam Điệp tới phía Bắc đèo Hải Vân, gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Nằm trên trục giao thông Bắc-Nam về đường sắt, đường bộ, đây là trung tâm du lịch quan trọng với 3 di sản thế giới: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế; là vùng đất sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa – chính trị Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… Ngoài ra, Bắc Trung bộ còn có nhiều bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Lăng Cô…; các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Bạch Mã.
Bắc Trung bộ Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Từ xa xưa, đây đã từng là chốn “biên thùy”, là nơi xuất phát của nhiều cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Bắc Trung bộ là nơi cư trú của 25 dân tộc khác nhau như: Thái, Mường, Tày, Mông, Vân Kiều… Lịch sử cho thấy cư dân nơi đây có nguồn gốc chủ yếu là người Thanh – Nghệ – Tĩnh thiên di vào Bình – Trị – Thiên từ thời Lý – Trần – Hậu Lê.
Thế mạnh của du lịch văn hóa tâm linh ở Bắc Trung bộ
Các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh tại đây phần nhiều tọa lạc trong một quần thể khá rộng lớn có núi rừng, biển, sông … Chẳng hạn như chùa Thiên Mụ (Huế) với quần thể chùa miếu trên đồi Hà Khê, nằm cạnh sông Hương hiền hòa tạo cho khách bộ hành cảm giác như hòa mình vào không gian hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình. Hay như đền thờ Lê Khôi – Chiêu Trưng Đại vương tọa lạc ở xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) với một bên là núi cao, rừng rậm và một bên quay mặt về vùng biển. Theo thế núi, không gian kiến trúc của ngôi đền cao dần dẫn khách thập phương đến với sự chiêm nghiệm về công lao và sự thiêng liêng của Đại vương Chiêu Trưng. Ngọn Long Ngâm có dáng đầu rồng cúi xuống uống nước biển Đông, dòng Hoàng Hà (sông Sót) chảy mãi cho thế gian giao hòa với biển cả. Ở chốn phong ba hùng vĩ ấy, đền Chiêu Trưng Đại vương trầm mặc, thấp thoáng trong rừng xanh để quanh năm ngắm non trông bể, lắng nghe âm thanh của tạo hóa, hòa âm của sóng biển với gió rừng. Hoặc ở Quảng Bình có chùa Non trên núi Thần Đinh, nhìn về phía Đông là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh, có dòng Đại Giang chảy qua rất hữu tình. Chùa Thuyền Tôn (Huế) được kiến tạo trên một ngọn đồi cao, hướng về phía Tây Bắc, nhìn xuống phía dưới là vùng gò đất bằng phẳng, có nhiều khe suối ngang dọc chảy qua, bên phải là phía triền thấp của núi Thiên Thai, phía trái của ngôi chùa là những dãy đồi chập chùng, nối kế đuôi nhau, sau lưng là phía đầu của ngọn núi, quanh năm mây trắng lửng lờ, nhiều hàng thông bát ngát nối nhau tưởng như bất tận, một cảnh trí hùng vĩ trang nghiêm và siêu thoát trong toàn bộ cảnh quan của vùng…
Các di tích tâm linh thường có nhiều cảnh đẹp và tuổi đời nhiều thế kỷ như ở Thanh Hóa có đền Bà Triệu tương truyền được xây dựng từ thế kỷ thứ III để tưởng niệm công lao của Bà Triệu, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được xây dựng năm 1115, chùa Tăng Phúc xây dựng đời Trần Anh Tông, đền Đót Tiên (1755). Ở Hà Tĩnh có đền Chiêu Trưng Đại vương xây dựng năm 1477 hay chùa Am là công trình kiến trúc độc đáo do Bạch Ngọc Hoàng hậu, vợ vua Trần Duệ Tông xây dựng cách nay hơn 600 năm, chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII), đình Hoa Vân Hải (1639), đình Hội Thống (1659), chùa Hương Tích (thế kỷ XIII – XIV). Ở Nghệ An có di tích đền Voi xây từ thời Hậu Lê là nơi tôn thờ, tưởng niệm các vị thần bản thổ, các bậc tiền nhân đã có công giúp dân, giúp nước như cụ Phan Văn Bài, Hồ Cảnh Xí và Nguyễn Văn Thời; đền Thái Yên (năm 1679); chùa Cần Linh (thế kỷ IX), đền Sừng (1583), đền Vưu (1700). Ở Quảng Trị có chùa Sắc Tứ Tịnh Quang xây dựng vào năm 1739 đời vua Lê Ý Tông (năm thứ hai đời chúa Nguyễn Phúc Khoát); chùa Kim Sơn (năm 1583). Hay như ở Huế có khu Văn Miếu xây dựng vào năm 1803 dưới thời vua Gia Long, chùa Ba La Mật (năm 1886), chùa Báo Quốc (năm 1674), chùa Giác Lương (thời Lê Trung Hưng), chùa Hà Trung (giữa sau thế kỷ XVII), chùa Kim Tiên (cuối thế kỷ XVII), chùa Linh Quang (thời vua Thành Thái), chùa Thiên Hưng (1825), chùa Thiên Mụ (1601), chùa Tường Vân (1850), chùa Từ Đàm (1695), chùa Từ Hiếu (1848), chùa Vạn Phước (1847), chùa Viên Thông (1697), di tích Am Bà (thế kỷ XV), đình Dạ Lệ Thượng (1718)…
Quá trình hình thành và phát triển các di tích thường gắn với nhiều truyền thuyết độc đáo, kỳ bí lưu truyền trong dân gian, đến nay vẫn tồn tại như một lực hút mời gọi khách tham quan về chiêm ngưỡng, nhằm thỏa mãn óc khám phá. Ví như chùa Non trên núi Thần Đinh ở Quảng Bình không chỉ là phong cảnh núi non hữu tình mà đây còn là nơi lưu truyền câu chuyện thực hư “Đầu Mâu đa tiên, thần Đinh đa Phật”. Hay chùa Chân Tiên (Hà Tĩnh) với những truyền thuyết: Cây đa nơi Thái thượng lão quân nghỉ mát, dấu chân Tiên, chùa Vồn Sơn thờ Phật Tổ, bàn cờ Tiên, nền Sơn Tinh, nền Hoàng Thạch, bàu Tiên… Chùa Sư Nữ (Nghệ An) với những bí ẩn đầm sen trắng, chùa Trà Am (Huế) với huyền tích “ông cụt, ông dài” giác ngộ kinh Phật. Đền Cuông (Nghệ An) với mối tình (Mỵ Châu – Trọng Thủy) và sự kết thúc của một triều đại (An Dương Vương), cùng với những huyền thoại và tích hạc về cá voi chết cùng bóng dáng cố nhân. Chùa Phủ Na (Thanh Hóa) với những bí ẩn về nguồn nước thánh ở khe suối linh thiêng. Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) với truyền thuyết cầu tự linh thiêng của chúa Trịnh xa xưa…
Ngoài ra, khách du lịch đến các địa danh này còn tham quan, ngưỡng vọng về những bậc tiền hiền có công khai phá, bảo vệ và xây dựng vùng đất mới như: đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung (còn gọi là đền hai Đại Vương), đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Bùi Cầm Hổ, đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện (gọi chung là đền Kim Quy (Kim Quy Linh từ, Kim Quy Sơn Thần chi mộ) hay đền cụ Quận – lăng cụ Quận), đền thờ Nguyễn Lỗi, đền thờ Nguyễn Văn Giai (là đền Đức Đại Vương hay đền ông Quận), đền thờ Ngô Đăng Minh (cũng gọi là đền Đức Hầu Thượng) ở đất Hà Tĩnh. Đất Thanh Hóa có đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, đền thờ Mai An Tiêm. Ở Nghệ An có đền vua Mai (Nam Định), đền Nguyễn Xí, đền Ông Hoàng Mười (Nam Đàn), đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Lăng mộ và nhà bia tưởng niệm danh tướng Cần Vương Mai Lượng ở Quảng Bình…
Kiến trúc các di tích du lịch cũng là một lợi thế văn hóa thu hút khách tham quan, du lịch. Chùa Thánh Duyên (Huế) xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đặc trưng “trùng thiềm điệp ốc” với bố cục Chùa (Thánh Duyên) – Các (Đại Từ) – Tháp (Điều Ngự) thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên trong kiến trúc Phật giáo. Chùa Linh Quang (Quảng Bình) quay mặt về phía Nam, hướng “Bát nhã”, “tả thanh long” là sông Nhật Lệ, “hữu bạch hổ” là đồi Diêm Điền, “tiền chu tước” là sông Lũy (rào Lệ Kỳ), “hậu huyền vũ” là động Bùi Dùi ở Đồng Thành. Đền Thái Yên ở Hà Tĩnh mang đậm kiến trúc đền đình truyền thống từ bố cục không gian đến bài trí nội thất, trong đó nét độc đáo và giá trị nhất của đền Thái Yên là nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, các kết cấu nhà đền cùng với các sản phẩm chạm trổ như các phù điêu long kiệu, hương án lư hương hệ thống bài vị long ngai, tượng phổng cùng các đồ tế khí khác như long đao, chân đèn, kiếm, đại đao toát lên một phong cách thanh thoát, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng có sức bao quát cao nhưng không cầu kỳ. Còn đền Cuông (Nghệ An) được kiến trúc theo kiểu chữ “Tam”, tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa có ba lầu, chằng chịt rễ cây si đeo bám khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Đền Độc Cước ở Thanh Hóa được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh (kiến trúc chuôi vồ) – là dạng kiến trúc đền chùa vào loại và hiếm ở Việt Nam…
Khi tham quan những di tích tâm linh, bên cạnh việc tìm về chốn thanh bình của cảnh chùa, gần gũi thiên nhiên, du khách còn được tham gia vào các lễ hội, ngày giỗ. Chính điều này là sợi chỉ đỏ gắn kết truyền thống với hiện tại, tác động sâu rộng và đồng thời là bài học lịch sử không lời về việc bảo tồn, phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc. Ngoài ra, khi viếng thăm các địa điểm du lịch tâm linh này, khách du lịch còn được hòa mình vào các thắng cảnh du lịch thiên nhiên – văn hóa khác. Đồng thời, tham gia vào đời sống văn hóa của nhân dân trong vùng như: chợ, sinh hoạt lao động… Càng đi nhiều, du khách sẽ cảm nhận thêm về chiều sâu vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan của cư dân vùng đất mới, đây không phải là sự pha tạp hay hỗn dung văn hóa một cách thiếu ý thức như nhiều người thường nghĩ. Một thế mạnh tạo động lực cho du lịch tâm linh là Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đang được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện phát triển, giúp các địa điểm du lịch thêm hấp dẫn và thu hút nhiều khách tham quan.
Một số tồn tại cần khắc phục của du lịch văn hóa tâm linh ở Bắc Trung bộ
Về nhận thức, ý niệm du lịch tâm linh còn mới mẻ với ngành du lịch, dù thực tế nó đã có mặt từ lâu nên dẫn đến một số mặt hạn chế, như: Thiếu sự quy hoạch khung chương trình xây dựng tour, tuyến du lịch và địa điểm du lịch. Chưa khai thác tốt, triệt để cả về nội dung lẫn hình thức của loại hình du lịch này. Các tuyến, tour du lịch tâm linh chưa thực sự làm tốt ý nghĩa của mình là thực hiện tốt về nguồn với tâm linh mà còn đặt nặng nhiều về yếu tố kinh tế, vì thế mất đi bản sắc đặc trưng của bản thân loại hình du lịch mà mình chuyển tải. Đồng thời, các tuyến và tour du lịch tâm linh chưa thật sự phong phú và đa dạng, du khách ít được lựa chọn.
Phần lớn các chương trình du lịch tâm linh diễn ra một cách tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm. Khách đến chỉ được ngắm cảnh, thắp hương… nhưng rất ít được giao lưu với các Tăng Ni đức độ để trải lòng với chốn an nhiên, tìm về nơi thanh bình qua những câu kệ, lời kinh. Điểm hạn chế nữa là các cơ sở, địa điểm du lịch tâm linh đều na ná nhau về cảnh sắc, chưa có nét riêng độc đáo nhằm thu hút khách tham quan. Đội ngũ hướng dẫn viên phần nhiều còn thiếu kinh nghiệm trong việc chuyển tải kiến thức và ý nghĩa của từng di tích tâm linh, chưa có sự trải nghiệm thấu đáo các vấn đề nhân sinh quan cũng như vũ trụ quan. Việc mê tín dị đoan gây ảnh hưởng không tốt, tệ nạn chèo kéo khách và mất vệ sinh tại địa điểm du lịch tạo ấn tượng xấu.
Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tâm linh ở Bắc Trung bộ phục vụ phát triển du lịch trong tình hình hiện nay
Liên kết phát triển không gian văn hóa tâm linh vùng
Phát huy tính liên kết vùng Bắc Trung bộ thành 2 cụm: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh và Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế , qua đó đẩy mạnh liên kết trong tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Duy trì và phát triển các tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Hoài niệm về chiến trường xưa”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”… đồng thời đầu tư xây dựng thêm một số tuyến du lịch như viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Hang Tám Cô và đường 20 Quyết Thắng – bến phà Long Đại – nghĩa trang Trường Sơn – cầu Hiền Lương – Địa đạo Vĩnh Mốc – thành cổ Quảng Trị – quần thể lăng tẩm Huế… Khai thác du lịch từ đường bộ cho khách Thái Lan, Lào, Việt Nam và khách các nước khác đi qua cửa khẩu quốc tế Hồng Vân, Cha Lo, Lao Bảo, La Lay; xây dựng sản phẩm du lịch chung cho khách du lịch quốc tế qua đường bay Đồng Hới – Chiang Mai, đường Hồ Chí Minh phía Tây mỗi tỉnh…
Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch tâm linh
Cần thay đổi nhận thức, quan niệm về du lịch tâm linh, không xem các chuyến hành hương từ xưa đến nay là mê tín dị đoan, đồng thời cần có ban ngành riêng chuyên quản lý hệ thống các di tích, thắng tích và các lễ hội trên hai phương diện kinh tế và du lịch. Trong công tác quản lý, cần tổ chức cuộc khảo sát toàn diện về thực trạng các cơ sở du lịch tâm linh để có cái nhìn tổng quát. Phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội… trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực… Liên kết, tổ chức hài hòa giữa du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, giữa cơ sở văn hóa tâm linh với các công ty du lịch giúp du lịch tâm linh thêm chuyên nghiệp, bài bản. Mỗi địa phương cần xác định thế mạnh của mình để có hướng đi phù hợp; các di tích phải đảm bảo những giá trị phong phú, đặc sắc cả về số lượng lẫn chất lượng, có sự kết hợp với các loại tài nguyên khác để phát triển thành các tuyến du lịch.
Việc tổ chức định kỳ phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành nên hoạt động văn hóa; triệt để không xảy ra các tình trạng chèo kéo khách du lịch, gây mất cảnh quan, thẩm mỹ tạo ấn tượng không tốt đối với khách tham quan. Mở các lớp diễn giải giáo dục ý thức cộng đồng cư dân địa phương và du khách nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức được tầm quan trọng về các giá trị văn hóa, môi trường, qua đó tạo ý thức, nỗ lực tham gia vào công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa. Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch tâm linh chủ yếu phát huy ở ba mặt: Định hướng – Khuyến khích – Hỗ trợ.
Thực hiện công tác quy hoạch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh
Công tác quy hoạch, phát triển du lịch tâm linh chủ yếu để đa dạng hóa lịch trình, tạo ra những tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh cao; việc thực hiện công tác quy hoạch phải gắn với việc quy hoạch giao thông, quy hoạch cơ sở hạ tầng, nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… ở từng địa phương. Các quy hoạch này phải đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và lâu dài, tránh trường hợp dục tốc bất đạt, cái quy hoạch trước, cái quy hoạch sau nhìn nham nhở, rối ren. Khi quy hoạch phải đảm bảo quy mô, mức độ phát triển du lịch không vượt quá ngưỡng làm thay đổi truyền thống và suy giảm các giá trị văn hóa. Cần có những bảng giới thiệu ngắn gọn về lịch sử hình thành và phát triển, những lời Phật dạy, những kiến thức sơ đẳng về Phật học… để người du lịch tự tìm đọc và ngẫm nghĩ.
Xây dựng đội ngũ nhân lực
Đội ngũ quản lý phải là những người nắm vững những tri thức mới, kiến thức nghề nghiệp, có tầm nhìn sâu sắc về giá trị văn hóa đặc trưng của các di tích. Đội ngũ hướng dẫn viên cần có trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tốt, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và văn hóa tôn giáo; cần chú trọng vào đội ngũ các con em bản địa bởi họ xuất thân từ môi trường địa phương. Cần nhận thức rằng công tác đào tạo nhân lực để phục vụ du lịch không chỉ giao khoán cho các trường đào tạo ngành du lịch hay các công ty lữ hành mà phải do các cấp chính quyền phối hợp thực hiện.
THAY LỜI KẾT
Đánh giá đúng giá trị, nhìn ra được tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực là những bước đi hết sức cơ bản để một sản phẩm văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch. Hiện nay, ngày càng nhiều người đi tìm cho mình sự thanh thản tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề căng thẳng và lo toan. Bắc Trung bộ hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh lớn của khu vực miền Trung. Vì vậy, các di tích ở đây cần được bổ sung nhiều yếu tố từ con người đến cơ sở vật chất và cả cách thức vận hành quản lý phù hợp, linh hoạt… Khi tiến hành khai thác nguồn tài nguyên này chúng ta cũng cần lưu ý rằng tôn giáo là lĩnh vực đặc thù nên phải cẩn thận để giữ được sự hài hòa giữa du lịch và tôn giáo. Điều này không riêng gì với khu vực Bắc Trung bộ mà còn mở rộng ra các khu vực đã, đang và sẽ khai thác loại hình du lịch tâm linh.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Thạc sĩ Nguyễn Như Bình, Công tác tại Thông Tấn xã Việt Nam
[1] Wikipedia (2022), Bắc Trung bộ – Việt Nam. Truy cập ngày 10/8/2022, https://vi.wikipedia.org.
[2] Bảo Khánh, Thanh Hải (2012), Hấp dẫn du lịch văn hóa tâm linh. Truy cập ngày 10/8/2022, http://www.baobacgiang.com.vn.
[3] Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – UBND tỉnh Ninh Bình – Tổ chức Du lịch Thế giới (2013), Kỷ yếu Hội nghị quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.
[4] Dương Phạm (2010), Du lịch tâm linh nhiều chuyện lạ. Truy cập ngày 10/8/2022, http://www.tamnhin.net.
[5] Dương Văn Sáu (2006), Khai thác lễ hội du lịch ở Việt Nam. Truy cập ngày 10/8/2022, http://vtr.org.vn/.
[6] Đinh Đức Hiền, Du lịch tâm linh chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Đà Nẵng, Tạp chí Văn hóa Phật giáo (số 362).
[7] Lê Quang Đức (2008), Du lịch để tìm lại chính mình. Truy cập ngày 10/8/2022, https://baodanang.vn/.
[8] Ngọc Hà (2019), Du lịch tâm linh và những vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 7.
[9] Nguyễn Đình Quang (chủ biên) (2010), Di tích và danh thắng Việt Nam 2010, Nxb. Thông tấn.
[10] Nguyễn Hải Quang (2018), Liên kết phát triển du lịch Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế sau một năm thực hiện. Truy cập ngày 10/8/2022, https://myquangtri.vn/.
[11] Nguyễn Khoa Diệu Hà (2014), Miền Trung và hành trình du lịch tâm linh. Truy cập ngày 10/8/2022, http://baothuathienhue.vn.
[12] Nguyễn Văn Tuấn (2013), Du lịch tâm linh ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển, Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình.
[13] Thích Đạt Đạo (2010), Hoằng pháp với vấn đề du lịch tâm linh. Truy cập ngày 10/8/2022, http://www.daitangkinhvietnam.org.
[14] Thích Nhật Từ (2004), Đạo Phật và du lịch tâm linh Ấn Độ. Truy cập ngày 10/8/2022, http://www.daophatngaynay.com.
[15] Trần Quang Đại (2009), Văn hóa tâm linh và những nghịch lý. Truy cập ngày 10/8/2022, http://www.dantri.com.vn.