Phật pháp chẳng rời khỏi thế gian pháp. Nếu cho rằng giáo lý kinh điển thường khô khan, khó hiểu, khó nhớ, thì giáo pháp đạo Phật đã vận dụng triệt để các hình thức văn học để truyền tải đến đại đa số quần chúng. Vì vậy, kinh điển Phật giáo luôn mang màu sắc tươi mới, đầy đủ thi vị, nghe không nhàm chán, lại dễ ghi nhớ.
VĂN HỌC PHẬT GIÁO
Phật điển là phương tiện truyền bá giáo lý của Đức Thế Tôn. Để giáo lý vi diệu đến được với đại đa số người dân thì ngay từ khi còn tại thế, Đức Phật đã sử dụng nhiều hình ảnh sinh động, những ví dụ thực tế, cùng các hình thức mang tính nghệ thuật trong văn học để truyền tải giáo lý đến cho dân chúng, như: Khế kinh, Trùng tụng, Phúng tụng, Ký biệt, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn sanh, Bổn sự, Phương quảng, Vị tằng hữu, Luận nghị. Sau đó, Phật giáo được lan truyền rộng khắp, nhưng chủ yếu theo hai hướng chính. Dù theo hướng nào thì khi Phật giáo được truyền đến mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều có những phương tiện giáo hóa đặc biệt, phù hợp với vùng miền ấy. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà làm mất đi những tính chất đặc thù của Phật giáo. Và chính sự giáo hóa linh hoạt này, mà các văn điển Phật giáo đã đi sâu vào lòng dân, ngoài ra còn ảnh hưởng đến nền văn hóa nghệ thuật của quốc gia ấy, vùng miền ấy.
Vậy văn học là gì? Tại sao trong Tam tạng Kinh điển Phật giáo lại có các yếu tố của văn học? Tính chất và nghệ thuật văn học trong kinh điển Phật giáo như thế nào? Theo các tác giả, văn học là một trong những phương thức quan trọng để nhân loại cảm nhận về nhân văn, triết lý sống,… sau đó ghi lại thành văn chương, luận thuyết truyền lại cho đời, với điều kiện phải tự thân chứng nghiệm được. Văn học còn là nhân học, vì những tác phẩm này biến thành những tác phẩm để chuyển hóa nhân tâm, dẫn dắt con người thoát mọi khổ đau, hóa giải những phức tạp trong đời sống và hướng đến một đời sống chân – thiện – mỹ. Do đó, khi định nghĩa về văn học và nêu lên tác dụng của văn học, Nhà văn Thạch Lam nhận định: “Văn học là thứ khí giới thanh cao và đắc lực, để làm cho tâm hồn con người trong sạch hơn, thánh thiện hơn” [1]. Và HT. Tinh Vân ở Đài Loan cũng cho rằng: “Một tác phẩm văn học hay, không chỉ tạo ra tiếng vang rộng lớn tại thời điểm và địa ở địa phương nào đó, thậm chí nó có khả năng siêu vượt biên giới thời gian và không gian để dẫn dắt nhân tâm bước vào cảnh giới chân – thiện – mỹ” [2]. Như vậy, văn học có ý nghĩa đúc kết thành một phương pháp sống tốt đẹp, làm cho tâm hồn họ cải hóa, được thanh cao, thánh thiện,…
Tận dụng ý nghĩa và tác dụng ấy của văn học, những bản kinh-luật-luận trong Tam tạng Thánh điển đã sử dụng linh hoạt các hình thức văn học để truyền đến dân chúng, để họ thích thú khi nghe và có thể hiểu được. Nhờ sự hiểu ấy, họ có thể tự chuyển hóa mình để trở nên tốt hơn, an lạc hơn. Chẳng hạn như Đức Phật lấy hình ảnh chính mình, quá trình tu tập tự thân trải nghiệm, kể lại câu chuyện cuộc đời mình từ lúc sanh ra đến khi dạo quanh các cửa thành, vượt thành xuất gia, sống đời khổ hạnh, dưới cội Bồ-đề hàng phục binh ma, đến lúc sao Mai vừa hiện, Ngài trở thành bậc Chánh đẳng giác, nơi vườn Nai bắt đầu Chuyển pháp luân, dưới hai cây Sa-la Ngài nhập Niết-bàn.
Tất cả những hình ảnh ấy đã vận dụng tài tình thủ pháp tự sự kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm và biện pháp so sánh, khiến người đọc/người nghe có thể hình dung ra từng hình ảnh được nhắc đến, đồng thời giúp họ có được xúc cảm sâu sắc: “Vì Ta ăn quá ít, tay chân ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt dây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu,…” và sử dụng lối kể tượng thanh “..khi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thời một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai,…” [3]. Đó là câu chuyện Đức Phật kể về quá trình tầm đạo, tu đạo gian nan của Ngài khi còn là Bồ tát. Có thể nói, Ngài chính là một tác giả xuất sắc khi đã vận dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật: tượng thanh, tả cảnh, miêu tả nhân vật, dùng ví dụ để hình tượng hóa,… Chính những yếu tố ấy đã thâm nhập dễ dàng vào tâm trí người nghe và giúp họ có được niềm tin yêu sâu sắc, sự tôn kính vô biên đối với Đức Phật, với giáo pháp mà Ngài thuyết ra.
MỤC ĐÍCH CỦA VĂN HỌC PHẬT GIÁO
Mục đích của giáo pháp mà Đức Phật thuyết ra nhằm hóa giải những vấn đề bức bách trong kiếp nhân sinh. Việc làm này đã thể hiện sự quan tâm và giải quyết những vấn đề cơ bản của kiếp người. Giáo pháp Ngài thuyết ra như thuốc hay có thể trị được các bệnh của chúng sanh “tùy bệnh mà cho thuốc”, điều này được chứng minh qua câu nói của Bà-la-môn Sundarika trong Kinh Trung Bộ số 7: “Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Ngài như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng”[4]. Như vậy, thuyết pháp, giảng kinh ngoài dựa trên căn cơ của mỗi người mà có những bài pháp khác nhau, tùy theo đặc tính của họ, thì còn phải dựa theo các hình thức của văn học như: so sánh, ẩn dụ, ví dụ, miêu tả,… Chẳng hạn, câu kinh sau trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Giống như tất cả những thanh xà của căn nhà mái nhọn đều dựa vào đỉnh mái nhà, đổ về đỉnh mái nhà, hội tụ về đỉnh mái nhà và đỉnh mái nhà được tuyên bố là đứng đầu (nằm đầu) trong số chúng. Cũng giống như vậy, mọi phẩm chất thiện lành đều bắt rễ từ sự chuyên chú, hội tụ ở sự chuyên chú, và sự chuyên chú là được tuyên bố là đứng đầu trong số chúng”[5] đã khiến người nghe tăng sức tưởng tượng, dễ hấp thụ và ghi nhớ. Đó chính là một thiện xảo của người hoằng pháp và cũng chính là một nghĩa của “Phật pháp chẳng rời khỏi thế gian pháp”. Vì thế, giới học thuật nói rằng tác phẩm kinh điển cũng chính là tác phẩm văn học.
Kinh điển vừa sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật trong văn học vừa không làm mất đi tính chất văn học là chuyển hóa nhân tâm, dẫn dắt con người thoát mọi khổ đau, hóa giải những phức tạp trong đời sống và hướng đến một đời sống chân – thiện – mỹ. Đồng thời cũng không làm mất đi những tính chất cơ bản trong Phật giáo là truyền bá giáo lý đến với từng người tùy theo căn cơ của họ, “tùy duyên nhi bất biến” và không mất đi tính chất phổ quát, tính gần gũi với quần chúng, dù rằng vẫn có những bản kinh mang tính ly kỳ như Tiểu Bộ Kinh trong kinh tạng Nikaya với các phần: Chuyện Ngạ Quỷ, Chuyện Thiên Cung,… hay trong Kinh Hiền Ngu,…
Như vậy, Phật giáo đã mượn hình tượng và nghệ thuật sinh động trong văn học để tuyên dương Phật giáo, không những đương thời Đức Phật và chư Tăng đi truyền giáo sử dụng, thậm chí đến khi Phật giáo truyền qua các nước phương Đông, phương Tây, những bản kinh cũng đều được dịch thành tiếng của các nước ấy. Và người hoằng pháp vẫn tiếp tục kế thừa sứ mệnh của Như Lai, vẫn tiếp tục hoằng pháp, tiếp tục đưa giáo pháp đến với mọi người dựa trên yếu tố căn tánh, nhân duyên của mỗi người và dựa trên các biện pháp nghệ thuật văn học. Từ đó, xây dựng nên những bài pháp sống động, thực tế, thỏa mãn nhu cầu người nghe và mang lại những giá trị thiết thực.
Chú thích:
[1] Thạch Lam (tái bản, 2022), Gió lạnh đầu mùa, Lời tựa, Nxb. Văn học.
[2] HT. Tinh Vân, Nguyễn Phước Tâm (dịch, tái bản 2022), Phật giáo và thế tục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
[3] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Trung Bộ, Đại kinh Saccaka, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
[4] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Trung Bộ, Kinh Ví dụ tấm vải, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
[5] Lê Kim Kha (dịch, 2022), Kinh Tăng Chi quyển 10, chương Mười pháp, kinh 15, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.