Người phụ nữ đức hạnh theo quan điểm Phật giáo (TKN. Thích Nữ Huyền Minh)

Tư tưởng trọng nam khinh nữ hiện đã bị đẩy lùi nhưng ảnh hưởng của tư tưởng ấy vẫn chưa được rốt ráo cải biến. Cần thấy rằng vai trò đóng góp của phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội rất quan trọng. Đức Phật dạy rằng có một số trường hợp phụ nữ đức hạnh và trí tuệ còn tốt hơn nam giới. Vì người đó sẽ là người vợ đảm đang, người mẹ hiền sinh ra những người con trai, con gái có ích cho xã hội, có khi làm bậc anh hùng, quân vương của một nước hoặc là bậc mẫu nghi của thiên hạ [1]. Nói theo Hòa thượng Ấn Quang thì phụ nữ nắm quyền hơn một nửa. 

MỘT SỐ TẤM GƯƠNG PHỤ NỮ ĐỨC HẠNH TRONG PHẬT GIÁO

Trong lịch sử Phật giáo có nhiều tấm gương về những người phụ nữ đức hạnh trong vai trò là mẹ, là vợ. Có thể kể đến đầu tiên và tiêu biểu là Di mẫu Kiều Đàm Di – dì ruột của thái tử Tất Đạt Đa. Chính Di mẫu là người tự tay chăm sóc thái tử Tất Đạt Đa như con ruột từ tấm bé. Di mẫu cũng chính là người khẩn thiết xin Đức Phật cho phép bà được xuất gia trong giáo đoàn của Ngài, góp phần mở ra truyền thống Ni trong Phật giáo.

Một tấm gương khác là mẹ của ngài La Thập là người phụ nữ đức hạnh và trí huệ tuyệt vời. Nhờ thiện căn sâu dày, bà xuất gia tu đạo và chứng được sơ quả. Nhờ đó, ngài La Thập (S. Kumārajīva, C. 鳩摩羅什) cũng theo mẹ xuất gia, chuyên tâm tu hành, thông suốt kinh điển, trở thành bậc long tượng trong Phật pháp, những công trình phiên dịch trước tác của ngài là những tài sản vô giá của nhân loại. 

Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallikā) là người phụ nữ không những đức hạnh và trí tuệ hơn người, lại còn thâm tín Tam bảo. Bà đã hỗ trợ nhiều kế sách hay cho vua Pasenadi trong việc triều chính, đồng thời bà còn hướng dẫn vua đến với Phật pháp và dùng chánh pháp để cai trị đất nước. Có lần, hoàng hậu đã khéo léo can ngăn vua dừng sát hại hàng nghìn sinh linh trong cuộc tế thần, thay vào đó là lễ cúng dường Phật và chư Tăng để cầu nguyện cho vua [2]. Mặc dù sống trong nhung lụa, bà vẫn tu tập, thọ trì Bát quan trai giới. Một hôm, có vị thương nhân đem chiếc áo Hương Anh được kết bằng tám loại ngọc quý dâng cho vua Ba-tư-nặc. Vua liền triệu tập các vương phi, ai mặc áo trông đẹp nhất thì vua ban cho. Các vương phi đều trang điểm lộng lẫy để thử áo, riêng hoàng hậu không đến vì bà đang trì giới Bát quan trai. Vua liền triệu hoàng hậu đến. Giữa bao nhiêu cung phi xiêm y rực rỡ, lại nổi bật lên vẻ đẹp tự nhiên, thánh thiện, thuần khiết của hoàng hậu. Vua Ba-tư-nặc lấy làm lạ liền hỏi: Vì sao nàng không trang điểm, y phục giản dị lại có vẻ đẹp tuyệt vời như thế? Hoàng hậu thưa: Đó là do công đức trì trai giữ giới. Vua liền ban áo báu cho hoàng hậu, bà từ chối, nói vua nên cúng dường Đức Phật, công đức vô lượng. Thế là vua và hoàng hậu đến cúng dường áo cho Đức Phật [3].

Thắng Man phu nhân là con gái của vua Ba-tư-nặc và hoàng hậu Mạt-lợi, vừa xinh đẹp đức hạnh vừa có trí huệ hơn người. Mặc dù xuất thân hoàng tộc nhưng bà vẫn chuyên tâm tu tập và có sự thể nhập Phật pháp rất thâm sâu. Bà là một trong những phụ nữ nói pháp được Đức Phật ấn chứng nên có bài Kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng. Nhờ bà nhiều kiếp trồng căn lành nên ngay từ lần đầu quy y Phật đã được Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Quang Như Lai. Khi được Đức Phật thọ ký, bà liền phát mười nguyện lớn [4]. Qua mười điều nguyện này, ta thấy Thắng Man phu nhân không chỉ là người phụ nữ đức hạnh, mà còn là vị Bồ tát tại gia với lòng từ bi rộng lớn làm lợi ích chúng sanh. 

Một gương phụ nữ đức hạnh đặc biệt nữa đó là Thánh Mẫu Ma-gia với hạnh nguyện đời đời làm mẹ của các vị Phật. Do đó kiếp này, bà là mẹ của thái tử Tất-đạt-đa, sau này là Phật Thích-ca Mâu-ni. Các kinh sách ít nhắc đến bà vì hoàng hậu đản sanh thái tử được bảy ngày thì băng hà. Theo Kinh Mi Tiên vấn đáp, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni kiếp cuối cùng là vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, ngài quán sát chỉ có hoàng hậu Ma-gia, là người đầy đủ đức hạnh, xứng đáng làm mẹ của ngài [5]. Điều này cho thấy bà là người phụ nữ phước đức vẹn toàn, khi làm xong hạnh nguyện của mình, do công đức đó được vãng sanh cõi trời Đao Lợi, và Kinh Địa Tạng là Đức Phật nói cho Thánh Mẫu nghe lúc ngài lên cung trời Đao Lợi thăm bà.

Bên cạnh đó, cón có công chúa Da-du-đà-la (Yasodhāra) người vợ đức hạnh, trí huệ vẹn toàn. Nàng đã hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân để ủng hộ Thái tử xuất gia tu đạo. Sự thành đạo của Đức Phật có sự ủng hộ âm thầm lớn lao của nàng, nhờ đó nhân loại được thấm nhuần giáo pháp của Đức Như Lai. Sau này, nàng cũng theo di mẫu Kiều Đàm Di xuất gia chứng quả giải thoát. 

Ngoài ra, có rất nhiều tấm gương người phụ nữ đức hạnh có tầm ảnh hưởng lớn đối với gia đình và xã hội như hoàng hậu Vi-đề-hy, Tỳ-xá-khư (Visākhā) vị nữ cư sĩ hộ pháp đắc lực cho Tăng đoàn thời Đức Phật, … 

SỨC MẠNH ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Ngoài thiên chức đặc biệt của người mẹ, phụ nữ còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, là cội nguồn yêu thương vô tận. Trong gia đình, người vợ đức hạnh chính là tài sản quý báu của người chồng. Trong một nước, phu nhân có đức hạnh không chỉ là tài sản báu của nhà vua mà còn phước báu của đất nước. Do đó, không phải tự nhiên Đức Phật nói một vị chuyển luân thánh vương cũng cần có ngọc nữ báu tức là một vị vua tài giỏi cần có người phụ nữ đức hạnh giúp đỡ hay nói cách khác là cần có một hoàng hậu có đức hạnh chăm sóc, hỗ trợ. Như trong Kinh Chuyển luân thánh vương miêu tả người phụ nữ đó phải đức hạnh tròn đầy. Miệng lúc nào cũng nói lời chân thật, dịu dàng, ái ngữ, mỗi lời nói ra như là phun châu nhả ngọc. Oai nghi cử chỉ đúng mực, hợp thời hợp lý, biết làm tròn bổn phận của mình [6]. 

Ngoài ra, Đức Phật dạy người vợ đức hạnh như mẹ hiền yêu thương chăm sóc chồng chu đáo, đồng thời biết vun vén và giữ gìn tài sản cho chồng; người vợ như em gái nhu hòa, khiêm tốn, nhường nhịn, thuận thảo và kính trọng chồng như anh trai trong gia đình; người vợ như bạn hiền luôn sẻ chia, thông cảm, hòa thuận và vui vẻ với chồng như người bạn thân lâu ngày gặp lại; người vợ tính tình hiền dịu, mềm mỏng, chịu thương chịu khó chăm sóc chồng và tận tụy với công việc gia đình. Dù bị chồng rầy rà cũng không phiền giận, trách mắng chồng, biết tùy thuận khéo léo thuyết phục chồng… Nếu người vợ có những đức tính như người mẹ, em gái, bạn tốt, được xem là người vợ lý tưởng, có đức hạnh, có khả năng đem lại hạnh phúc cho gia đình, sau khi mạng chung do phước báu ấy được sanh vào cõi trời [7]. 

Bên cạnh đó, Đức Phật dạy rằng nếu một phụ nữ làm vợ thành tựu tám pháp sẽ được sanh lên cõi trời dung mạo khả ái: [8] 

Thứ nhất là “dậy trước và đi ngủ sau chồng, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương”. Điều này thể hiện người vợ cẩn thận, chu đáo, sau khi hoàn tất các công việc trong ngày, kiểm tra cửa nẻo xong mới đi ngủ và sáng hôm sau thức dậy sớm trước chồng để lo cơm nước cho chồng con. Chăm sóc chồng con với tình yêu thương, sắp đặt mọi việc ổn thỏa với nụ cười vui vẻ, lời nói chan hòa là một bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. 

Thứ hai là cung kính tôn trọng và tiếp đón những người mà chồng cung kính. Cha mẹ, anh chị em, người thân bên chồng và bạn bè của chồng phải khéo léo tiếp đãi cung kính tôn trọng như chồng tiếp đãi. Điều này rất quan trọng vì không những họ sẽ đánh giá cao về người vợ, mà còn làm cho chồng có dịp “nở mày nở mặt” với thiên hạ. Có được người vợ đảm đang, chu đáo, thuận thảo là niềm hãnh diện của chồng. Mặc dù người làm chủ kinh tế trong gia đình là chồng nhưng việc giữ gìn tài sản, quản lý kinh tế, chi thu hàng ngày là người vợ, nên việc tiếp đãi này cần phải chu đáo, vẹn toàn, đó là thể hiện tình cảm quan tâm, gắn bó sâu sắc của người vợ đối với người thân bên chồng, xem người thân của chồng cũng là người thân của mình. 

Trong lịch sử Phật giáo có nhiều tấm gương về những người phụ nữ đức hạnh trong vai trò là mẹ, là vợ. Có thể kể đến đầu tiên và tiêu biểu là Di mẫu Kiều Đàm Di – dì ruột của thái tử Tất Đạt Đa. Chính Di mẫu là người tự tay chăm sóc thái tử Tất Đạt Đa như con ruột từ tấm bé. Di mẫu cũng chính là người khẩn thiết xin Đức Phật cho phép bà được xuất gia trong giáo đoàn của Ngài, góp phần mở ra truyền thống Ni trong Phật giáo.

Điều này rất cần thiết làm cho người chồng không còn sự phân biệt bên nội bên ngoại, từ đó tình cảm vợ chồng càng thêm gắn bó hơn, hai người luôn nghĩ đến nhau, xây dựng cho nhau thì chắc chắn gia đình đó sẽ hạnh phúc lâu dài. Ngoài ra nếu chồng có thói quen cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn thì người vợ cũng nên tôn trọng và cúng dường các vị ấy. Điều này thể hiện lòng quan tâm và tôn trọng tín ngưỡng niềm tin của chồng. Nếu một gia đình mà xung khắc tín ngưỡng thì khó mà hòa thuận được. 

Thứ ba là thông thạo và quán xuyến những việc trong nhà, tự làm và sắp đặt người làm. Thứ tư là quản lý và phát lương cho người làm công trong nhà chồng. Đối với những gia đình có cơ sở kinh doanh nhỏ thì việc quán xuyến phân công người làm, người vợ cũng phải biết. Theo dõi công việc và hướng dẫn họ làm, đồng thời phát lương hàng tháng và có những ưu đãi thích hợp. 

Thứ năm là giữ gìn tài sản của chồng đem về, không để kẻ khác phá hoại. Đây là điều quan trọng, thể hiện tính cẩn thận của người vợ, biết khéo léo vun vén giữ gìn tài sản cho gia đình, “Của chồng công vợ” phải giữ gìn, quản lý chi tiêu hàng ngày một cách thích hợp, tránh tiêu xài lãng phí. 

Thứ sáu là biết quy y Tam bảo. 

Thứ bảy là giữ năm giới: không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, uống rượu. Trong đó có giới thứ ba “không tà dâm” liên quan đến đức hạnh của người vợ tức là thủy chung, trung thành với chồng [9]. Giới hạnh trong sạch là một trong năm sức mạnh [10] của người phụ nữ. Nếu người vợ không có giới hạnh thì gia đình ấy sẽ tan vỡ nhanh chóng, không người chồng nào có thể chấp nhận một người vợ không thủy chung với mình, như kinh nói họ sẽ đuổi người vợ ấy đi, không cho ở trong gia đình nữa [11]. 

Thứ tám là biết bố thí, sống với gia đình chồng không keo kiệt, hiếu thuận, vui vẻ. Nếu người phụ nữ nào thực hiện được tám điều này, lại khéo léo vận dụng năm sức mạnh của mình thì chắc chắn không có việc gì mà không thành tựu, hiện đời gia đình đầm ấm, giàu sang, hạnh phúc; sau khi mạng chung do phước báu đó được sanh về cõi trời. 

Trên đây là mẫu người phụ nữ đức hạnh theo quan điểm Phật giáo. Tiêu chuẩn về cái đẹp thì mỗi thời đại quan niệm khác nhau, nhưng đức hạnh của người phụ nữ cho dù thời đại nào cũng không thay đổi. Đây cũng chính là điều tạo nên sức mạnh tuyệt vời của phái nữ mà mỗi nữ cần nên học tập và giữ gìn trong xã hội hiện nay.

 

Chú thích:

* Tỳ kheo Ni Thích Nữ Huyền Minh – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

[1] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương ưng 1, Chương 3 Tương ưng Kosala II, Phẩm thứ hai, Người con gái, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.194.

[2] Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Nxb. Văn học, tr.270.

[3] Khả Triết (biên soạn), Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2011), Các bậc long tượng – Hình tượng phụ nữ trong Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 87.

[4] Khả Triết (biên soạn), Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2011), Sđd, tr.21.

[5] HT. Giới Nghiêm (dịch) (2003), Kinh Mi-tiên vấn đáp, Nxb. Phương Đông, tr.315.

[6] HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch) (2007), Trường A-hàm I, 30. Kinh Thế ký, Phẩm 3 Chuyển luân thánh vương, Nxb. Tôn giáo, tr.581.

[7] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương VII Phẩm không tuyên bố, Các người vợ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 404.

[8] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương VIII Tám pháp, Phẩm ngày Trai giới, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.641.

[9] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Trường bộ 2, 31. kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.543.

[10] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương ưng bộ 4, Chương III Tương ưng nữ nhân, Phẩm 3 Nhân, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.397.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương ưng bộ 4, Chương III Tương ưng nữ nhân, Phẩm 3. Họ đuổi đi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.396.

 

Tài liệu tham khảo:

1. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương ưng Bộ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

2. Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Nxb. Văn học.

3. Khả Triết (biên soạn), Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2011), Các bậc long tượng – Hình tượng phụ nữ trong Phật giáo, Nxb. Tôn Giáo.

4. HT. Giới Nghiêm (dịch) (2003), Kinh Mi-tiên vấn đáp, Nxb. Phương Đông.

5. HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch) (2007), Trường A-hàm I, Nxb. Tôn giáo.

6. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Trường bộ 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

7. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Tăng chi bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

8. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1992), Kinh Trường bộ 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

9. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương ưng bộ 4, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

One thought on “Người phụ nữ đức hạnh theo quan điểm Phật giáo (TKN. Thích Nữ Huyền Minh)

  1. xvideos hub says:

    If yyou aree goingg forr mist excellent contents like I do,
    simplly pay a quick visxit this site daily aas it givges feature
    contents, thanks

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *