Đặc điểm thể loại và nội dung của văn bia Phật giáo Thanh Hóa thời Lê Trung hưng (1533-1789) (Vũ Ngọc Định)

Tóm tắt: Văn bia là một thể loại văn bản đặc biệt, một loại thư tịch được viết trên chất liệu đá. Bản thân mỗi văn bia vừa mang đặc điểm của một tác phẩm văn học, vừa mang giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật và mang tính độc bản. Văn bia chữ Hán nói chung, văn bia Phật giáo nói riêng là di sản văn hóa thành văn của dân tộc, là sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Vì vậy, nó không chỉ mang giá trị trong quá khứ, mà còn cả hiện tại lẫn tương lai. Văn bia Phật giáo ở Thanh Hóa hiện còn số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, thể loại, kích cỡ, phong phú về nội dung, nghệ thuật trang trí và được phân bố nhiều địa bàn rộng lớn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ trình bày khái quát những đặc điểm nổi bật của văn bia Phật giáo trên hai phương diện là thể loại và nội dung. 

Từ khóa: văn bia Phật giáo, Phật giáo trung đại, thời Lê Trung Hưng.

ĐẶC ĐIỂM THỂ LOẠI

Văn bia không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học mà còn là một thể loại văn học, mang tính hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Vì vậy, văn bia bắt buộc phải tuân theo những quy định, thể thức, thể tài cũng như thể loại của một tác phẩm văn học được viết trên giấy. Tùy theo từng triều đại, từng thời kỳ lịch sử mà thể loại trong văn bia có sự thay đổi. Căn cứ vào những tấm bia thời Lê Trung Hưng còn lại ở Thanh Hóa [1], chúng ta có thể thấy văn bia có những thể loại chính sau:

Bi minh, bi minh tịnh tự hoặc kí tịnh minh, bi tịnh minh. Do sự ảnh hưởng của văn phong thời Tùy – Đường ở Trung Quốc, đến thời Lý – Trần văn bia đã có kết cấu rất hoàn chỉnh về mặt thể loại, hầu như tất cả các bài văn bia giai đoạn này đều có đủ cả hai thành phần tự và minh [2]. Tên của văn bia thời kỳ này thường được đề là: “…bi minh” hoặc “…bi minh tịnh tự”. Bài “tự – tựa” được viết bằng tản văn hoặc biền văn để dẫn dắt, diễn giải các sự việc một cách chi tiết và rõ ràng. Bài “minh – thơ” ở phần cuối mang tính chất tán tụng. Đến cuối thời Trần, bài minh dần ngắn lại và xuất hiện một số văn bia không còn có bài minh, tên của văn bia được kèm thêm chữ “kí”. Đến thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, văn bia càng mang hình thức của thể kí. Dù mang hình thức của thể kí, nhưng văn bia vẫn đầy đủ kết cấu hai phần “tự” hoặc “kí” và “minh”, nhưng thường chỉ dùng cho những sự kiện quan trọng của Phật giáo hoặc nếu có thêm phần “minh” thì chỉ còn ít câu thơ tán tụng, cụ thể như sau:

Trường hợp văn bia 永福寺記幷銘 Vĩnh Phúc tự kí tịnh minh chùa Vĩnh Phúc (xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân), niên đại Quang Hưng thứ 6 (1583) là ví dụ điển hình cho thể loại “kí tịnh minh”. Bia có 3 phần là: Kí, minh và phương danh tiến cúng, trong đó bài minh có 12 câu làm theo thể Tứ ngôn trường luật, so với văn bia Phật giáo cùng thể loại thời Lý – Trần, thì cơ bản vẫn theo thể thức cũ nhưng có hai điểm khác là phần “minh” ngắn hơn và phần “phương danh tiến cúng” được đưa vào chính văn. 

Hay trường hợp văn bia 新造仙山寺碑幷銘 Tân tạo Tiên Sơn tự bi tịnh minh chùa Tiên Sơn (phường An Hưng, TP. Thanh Hóa), niên đại Hoằng Định thứ 20 (1619). Bia theo lối truyền thống có 3 phần là: bi, minh và phương danh tiến cúng, trong đó bài minh có 16 câu làm theo thể Tứ ngôn trường luật. So với bài minh 20 câu của văn bia 禦制金區寺詩幷銘 Ngự chế Kim Âu tự thi tịnh tự, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) thời Lê sơ (1428-1527) thì bài minh trong văn bia này đã ngắn đi rất nhiều. Đồng thời phần “phương danh tiến cúng” đã được đưa vào chính văn, đây là điểm mới trong văn bia thời Lê Trung Hưng so với các thời kỳ trước đó.

Có thể thấy đặc điểm nổi bật ở thể loại bi minh và bi minh tịnh tự thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa là văn bia chia làm 3 phần rõ rệt, bài ký khoảng 500 – 800 chữ, chiếm phần lớn nội dung, bài minh ngắn gọn, phần phương danh tiến cúng được đưa vào chính văn (mặt trước) của văn bia. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thể loại ghi ở tên bia là “bi”, nhưng trong nội dung lại viết theo thể loại “bi minh” hoặc “bi minh tịnh tự”. Vì vậy, khi nghiên cứu thể loại văn bia này, không chỉ xem xét riêng tên bia mà còn phải xem xét nội dung, bố cục của văn bia mới có thể đưa ra nhận định đúng đắn, tên gọi của văn bia chỉ thể hiện tính tương đối về thể loại.

Văn bia Trùng tu Phù Lưu tự bi ký niên đại Chính Hòa thứ 5 (1684), thôn Phù Lưu phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa

Bi kí, bi chí hoặc bi, xét về đại thể, văn bia nói chung, văn bia Phật giáo nói riêng là thể loại văn bản mang tính ứng dụng cao, dùng để ghi chép lại những sự việc cần ghi nhớ. Vì vậy, nó là thể loại được sử dụng thông dụng để ghi chép sự việc. Văn bia Phật giáo thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa đa phần viết theo thể ký, có cấu trúc gồm hai phần chính: phần kí sự (dẫn) và phương danh cúng tiến. Phần kí sự là phần chính của văn bia, nêu nội dung, thông tin cần truyền tải, ở đầu phần kí thường là một đoạn văn ngắn mang tính “dẫn” để dẫn dắt vào vấn đề sẽ được nêu ra ở phần ký. Ngoài hai phần chính đã nêu ở trên, văn bia thuộc thể loại Bi kí, bi chí hoặc bi còn có thêm các thông tin khác như: bia ở đâu, thuộc di tích nào, loại hình di tích,… và lạc khoản ghi thời gian lập bia, người lập bia.

Tiêu biểu cho thể loại này là các văn bia: 重修羅山寺碑 Trùng tu La Sơn tự bi niên đại Long Đức thứ 2 (1733) ở chùa La Sơn (phường An Hưng, TP. Thanh Hóa); 重修雲庵寺,造金相,供田石記 Trùng tu Vân Am tự, tạo kim tướng, cúng điền thạch ký niên đại Khánh Đức thứ 3 (1651) ở chùa Vân Am (xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân); 立佛寺,香火留傳碑 Lập Phật tự, hương hỏa lưu truyền bi niên đại Cảnh Trị thứ 5 (1667) ở chùa Vĩnh Phúc (xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân); Trùng tu Đại Khánh tự bi niên đại Dương Đức (1672-1672) ở chùa Đại Khánh (phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa); 重修芙留寺碑記Trùng tu Phù Lưu tự bi ký niên đại Chính Hòa thứ 5 (1684) chùa thôn Phù Lưu (phường Đông Tân, TP. Thanh Hóa),… 

Tóm lại, tùy từng nội dung, tính chất, sự “thịnh hành thời đại” và mục đích truyền tải thông tin mà người ta sử dụng thể loại khác nhau để viết văn bia. Đơn cử như khi ghi lại sự tích, quá trình hình thành và phát triển của chùa, người ta thường dùng loại bi ký, hoặc bi minh tịnh tự. Ghi chép về quá trình trùng tu tôn tạo và phương danh cúng tiến xây dựng, người ta có thể dùng thể loại bi ký, bi và trên tên bia thường ghi thêm chữ trùng tu hoặc công đức để nói rõ nội dung. Khi muốn miêu tả phong cảnh hay một hạng mục công trình, người ta dùng thể loại bi minh; ghi chép về ngày húy nhật, tế lễ người ta dùng bia viết theo thể loại hậu kỵ… Tuy nhiên, thể loại trong văn bia Phật giáo thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa mang tính linh hoạt cao, chúng ta có thể nhận thấy được sự tích hợp thể loại trong một tấm bia. Vậy việc phân định thể loại văn bia thời chỉ mang tính tương đối và tùy thuộc vào từng văn bản cụ thể.

ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG

Văn bia nói chung, bia Phật giáo nói riêng luôn thực hiện đầy đủ chức năng và sứ mệnh của nó là ghi chép và truyền tải những sự kiện, những dấu mốc lịch sử liên quan đến di tích mà nó phản ánh. Nhưng trên hết, nó mang chức năng cao cả của văn học, đó là chức năng vị nhân sinh. Căn cứ vào nội dung của những văn bia có niên đại thời Lê Trung Hưng còn lại ở Thanh Hóa, có thể thấy văn bia chùa tập trung thể hiện 3 nội dung lớn sau:

1. Giáo huấn, giáo dục con người theo giáo lý của nhà Phật, hướng con người đến một cuộc sống nhân sinh tốt đẹp.

Vị nhân sinh là chức phận thiêng liêng và cao cả của Phật giáo; bồi dưỡng, giáo dục và dẫn dắt con người đến với bến bờ giác ngộ, đến với thiện tâm, thiện hạnh là tôn chỉ của Đức Phật. Vì vậy, các tác phẩm văn học – nghệ thuật của Phật giáo thường tập trung phản ánh thể tài này. Văn bia chùa cũng vậy mang tính giáo dục, giáo huấn rất cao. Xem trong các văn bia chùa thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa, nội dung này được truyền tải ở nhiều văn bia, cụ thể dưới đây:

Văn bia 重修羅山寺碑 Trùng tu La Sơn tự bi chùa La Sơn, niên đại Long Đức thứ 2 (1733) viết: “Nhà Phật có câu: Phúc điền là nơi tích phúc cho đời thêm vinh hiển. Việc trồng ruộng phúc [giúp cho] đương thời phúc khánh rạng rỡ, đời sau nghĩa trạch lưu truyền, được hậu thế tôn sùng […]. Quốc gia cầu đảo thì thế nước được tôn quý, vận nước thái bình; nhân dân cầu nguyện thì được phú quý trường thọ”. Văn bia 佛法僧 Phật Pháp Tăng chùa Vân Am (xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân), niên đại Khánh Đức thứ 3 (1651) viết: “Người làm quả phúc ắt được trời xanh lấy phúc mà hậu báo”. Văn bia 重修福興寺碑 Trùng tu Phúc Hưng tự bi chùa Phúc Hưng (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa), niên đại Vĩnh Trị thứ 2 (1677) viết: “Người có thể tuân phụng điều thiện thì đứng giữa trời đất mà không hổ thẹn, được như vậy cũng đã là một vị Phật rồi”. Văn bia 慧明庵 Tuệ Minh am chùa Đại Khánh (phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa), niên đại Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) viết: “Một ý niệm thiện khởi lên thì thiên đường thẳng đến; một tư tưởng ác sinh ra thì địa ngục liền thành. Kẻ mê thì vĩnh kiếp trầm luân; người ngộ thì nhiều đời giải thoát”.

Văn bia Mật Đa thiền tự bi ký niên đại Bảo Thái thứ 4 (1723), chùa Mật Đa phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Tuy không tập trung phản ánh chủ đề này xuyên suốt ở riêng một văn bia nào, nhưng sự lồng ghép linh hoạt giúp cho chủ đề này có mặt ở các nội dung khác nhau, giúp người đọc không bị áp lực trong tư tưởng giáo lý, không “nhàm chán” mà vẫn khéo léo thể hiện được tác dụng của tính giáo dục.

2. Ghi chép về sự hình thành, xây dựng, phát triển của di tích, đồng thời ca ngợi công đức, phương danh bậc tiền nhân – những người đã có công xây dựng cảnh chùa. 

Trong tổng số 38 bia thời Lê Trung Hưng mà chúng tôi tiếp cận để nghiên cứu thì văn bia ghi về nội dung này chiếm khoảng 65%. Các văn bia này đều tập trung phản ánh công tác trùng tu, tôn tạo, xây dựng công trình Phật giáo cũng như phương danh những người đã cung tiến tiền, ruộng đất cho Tam bảo. Tiêu biểu như các văn bia:

Văn bia 隆壺寺碑三寶碑 Long Hồ tự bi, Tam Bảo bi chùa Long Hồ niên đại Đức Long thứ 3 (1631) ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân ghi rằng: “Xã Bàn Thạch, huyện Lôi Dương có chùa Long Hồ, lâu năm dấu trải, không ai là không cảm xúc trước cảnh tiêu điều […] Gieo phúc tương lai, gom góp tiền của mà dựng lại chùa. Lớn thì đem cúng rường cột, bé thì tiến xà rui, gỗ lạt chi dùng đầy đủ…”. Văn bia立佛香火寺留傳碑 Lập Phật tự, Hương hỏa lưu truyền bi niên đại Cảnh Trị thứ 5 (1667) chùa Vĩnh Phúc (xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân) ghi: “Nay có vị Tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc Thiêm sự Toản công tên là Trịnh Đắc là người mến mộ kính sùng Phật giáo. Ông thấy chùa Vĩnh Phúc ở làng Hải Lịch vốn là ngôi chùa có cảnh đẹp nổi tiếng, nhưng trải năm tháng đã bị hư hoại. Ông phát tâm Bồ Đề xây dựng lại chùa”. Văn bia 重修大慶寺碑 Trùng tu Đại Khánh tự bi niên đại Dương Đức (1672 – 1674) ghi: “Vị Sa di trụ trì chùa Đại Khánh, huyện Đông Sơn là Lê Văn Lại cùng tín vải Nguyễn Thị Pháp hiệu Diệu Quang dốc sức hưng công tu tạo lại các hạng mục trong chùa. Hoàn thành xong lại cúng ruộng để cúng dường Tam bảo”. 

Ngoài ra còn các văn bia 三寶 Tam Bảo chùa Ngọc Châu (1654), 三寶 Tam Bảo chùa Đông Tác (1509), 重修福興寺碑 Trùng tu Phúc Hưng tự bi (1677), 重修芙留寺碑記 Trùng tu Phù Lưu tự bi ký (1684), 重修感恩寺碑 Trùng tu Cảm Ân tự bi (1745), 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Tăng Phúc (1775), 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Sùng Nghiêm (niên hiệu Cảnh Hưng),… đều ghi lại việc trùng tu, xây dựng chùa chiền, cúng ruộng vườn cho Tam bảo. Qua nội dung các văn bia, chúng ta biết có ba đối tượng đứng ra trùng tu chùa gồm: Thứ nhất, là vị quan lớn người địa phương, thấy cảnh chùa đổ nát, không có sư trụ trì bèn tự xuất tiền nhà, hưng công xây dựng lại chùa. Thứ hai, là nhân dân trong làng xã hoặc bản hội tại địa phương đứng ra kêu gọi xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại chùa. Thứ ba, đối với các chùa có sư trụ trì, thì trụ trì chùa cùng với nhân dân sở tại hoặc bản hội cùng nhau quyên góp trùng tu hoặc xây mới công trình nào đó trong chùa.

Nghiên cứu nội dung văn bia Phật giáo thời Lê Trung Hưng góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình hình Phật giáo giai đoạn này, hiểu rõ hơn đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân, hiểu rõ hơn sự hâm mộ của người dân xứ Thanh đối với Phật giáo. Đặc biệt, thông qua đó cũng giúp chúng ta phần nào hình dung được tình hình kinh tế – chính trị – xã hội cũng như đời sống văn hóa tín ngưỡng thời kỳ này. 

3. Ghi chép về sự truyền thừa của sơn môn, pháp phái.

Văn bia với chức năng là trang sử đá, nên “xây chùa – dựng bia” là việc làm không thể thiếu. Bia chùa không chỉ dừng lại ở việc ghi lại việc xây dựng hay giáo huấn con người mà nó còn có chức năng ghi lại sự phát tích, sự truyền thừa hoặc ghi về hành trạng của nhân vật Phật giáo gắn với ngôi chùa đó. Trong văn bia, nội dung ghi chép này tuy không phổ biến, nhưng những ghi chép của nó phần nào đó giúp cho đời sau có thêm tư liệu để tìm hiểu về lịch sử truyền thừa của ngôi chùa, của sơn môn pháp phái, của nhân vật Phật giáo và góp phần nghiên cứu về sự phát triển của Phật giáo ở từng thời kỳ lịch sử. Trong số 38 văn bia mà chúng tôi nghiên cứu, có một số văn bia tiêu biểu cho nội dung này, tiêu biểu như: Văn bia 密多禪寺碑記 Mật Đa thiền tự bi ký chùa Mật Đa (phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa), niên đại Bảo Thái 4 (1723) ghi rằng: “Nay có vị sư người xã Nam Ngạn, huyện Đông Sơn tên là Nguyễn Công Huy, tên tự là Như Ngọ, pháp hiệu Thích Vô Niệm Thiền sư. Ban đầu, sư tham học với Hòa thượng Tuệ Minh ở chùa Đại Khánh […] sau sư tu hành ở chùa Thái Bình, núi Bằng Trình, huyện Thụy Nguyên. [Tại đây] sư hưng tu lại chùa, khiến cho cảnh Phật được trang nghiêm, trở thành âm đức cho muôn đời. Nay chùa Mật Đa vốn là quê cũ, sư và các quan viên, hương sắc và nhân dân trong xã cùng nhau hưng công xây dựng cảnh chùa…”. Văn bia 大慧圓通塔 Đại tuệ Viên Thông tháp chùa Đại Khánh (phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa) ghi: “… Tăng trụ trì kế đăng là Sa môn Tính Không Vô tướng Huyền Diệu Thiền sư, người xã Đại Khánh […], lên 7 tuổi xuất gia đầu Phật, thụ nhận y bát từ Tổ sư. Đến năm Nhâm Tý kế nối trụ trì chùa [Đại Khánh]…”. Tuy số lượng văn bia về chủ đề này tương đối ít ỏi, như khi kết nối với các văn bia cùng thời như: Trùng tu Đại Khánh tự, Tuệ Minh Am, Phổ Minh tháp chí… thì đây là tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu sự truyền thừa dòng Lâm Tế thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa [3].

KẾT LUẬN

Xét trong mối tương quan với văn bia Phật giáo Việt Nam nói chung, văn bia Phật giáo thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa nói riêng là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, mang tính chính thống, nó ghi lại các sự kiện lịch sử cũng như các hoạt động Phật giáo tại địa phương. Nội dung văn bia là sự tích hợp độc đáo của các giá trị, trong đó “vị nhân sinh” là giá trị cao cả của Phật giáo. Các giá trị đạo đức xã hội như: nhân nghĩa, đoàn kết, hòa hợp,… cũng đồng thời được phản ánh thông qua văn bia. 

 

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Vũ Ngọc Định – Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức.

[1] Hiện nay, dựa trên thống kê các bản in rập, sao chép được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) thì văn bia Phật giáo tỉnh Thanh Hóa có trên 300 bản, riêng văn bia thời Lê Trung Hưng là khoảng 70 bản. Tuy nhiên, số liệu thống kê này chưa phải là toàn bộ, bởi trên thực tiễn còn rất nhiều văn bia chưa được thống kê, sao rập.

[2] Thời Lý trọng về thể loại “bi minh”, thời Trần trọng về thể loại “minh tịnh tự”. Từ thời Lê sơ đến Lê Trung Hưng sử dụng đa dạng thể loại tùy theo mục đích truyền tải nội dung.

[3] Về vấn đề này, chúng tôi đã trình bày rõ trong sách Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, tập 1 và trong bài viết Chùa Vồm và sự truyền thừa của Thiền phái Lâm Tế thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa (in trong Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo – số 394) xin không trình bày chi tiết ở đây.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Vũ Ngọc Định, Tìm hiểu giá trị nội dung văn bia Phật giáo thành phố Thanh Hóa. In trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6/2015.

[2]. Vũ Ngọc Định (2017), Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, tập 1, Nxb. Thanh Hóa.

[3]. Nguyễn Kim Măng, Phùng Đức Sơn, Lê Văn Dân (đồng Chủ biên, 2017), Tuyển tập văn bia Phật giáo Thanh Hóa, tập 1, Nxb. Thanh Hóa.

[4] Vũ Ngọc Định (2017), Bước đầu tìm hiểu bia chùa Thanh Hóa. In trong Chùa xứ Thanh, tập III, Nxb. Thanh Hóa.

[5] Nguyễn Văn Hải – Nguyễn Kim Măng (2019), Tuyển tập văn bia Thanh Hóa – Văn bia thời Lê Trung Hưng, Nxb. Thanh Hóa.

[6] Vũ Ngọc Định, Chùa Vồm và sự truyền thừa của Thiền phái Lâm Tế thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa. In trong Tạp chí Văn Hóa Phật giáo, số 394. 

[7] Các thác bản văn bia đã dẫn tên trong phần nội dung nghiên cứu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *