Phong vị thiền trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương (Trịnh Bích Thùy)

Tóm tắt: Trong kho tàng thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương chứa nhiều bài thơ với đề tài, nội dung liên quan đến Phật giáo. Bài viết cho thấy tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong thơ chữ Hán của người nữ sĩ tài hoa này từ những ngôi chùa cổ nhuốm màu thời gian, đến các vị sơn Tăng thoát tục và chất thiền trong thơ của bà. Với gia tài thơ ca ấy, hẳn Hồ Xuân Hương phải giữ một vị trí nhất định trong văn học Phật giáo trung đại Việt Nam.

Từ khóa: Hồ Xuân Hương, thơ chữ Hán, văn học Phật giáo.

Nhận định về mối quan hệ của Hồ Xuân Hương với Phật giáo, Phạm Trọng Chánh cho rằng: “Hồ Xuân Hương là “một phụ nữ học rộng và thuần thục” như lời Tốn Phong viết bài tựa Lưu Hương Ký, bà tinh thông Nho, Phật, Lão, nhất là về Phật giáo bà có một kiến thức khá rộng và uyên bác” [1]. Thơ chữ Hán của danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương là minh chứng khẳng định điều này. “Tinh thần Phật giáo trong Hồ Xuân Hương nhuần nhuyễn” [2], bởi đó, các sáng tác bằng chữ Hán của bà mang đậm phong vị thiền. Cảm quan Phật giáo chi phối thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên nhiều phương diện, trong đó có vai trò làm nên phong vị Đạo bàng bạc trong các tác phẩm. Phong vị ấy thể hiện nổi bật qua ba bình diện: hình ảnh các cổ tự thanh u, hình tượng những sơn Tăng thoát tục và ngôn ngữ thơ mang màu sắc Phật giáo.

HÌNH ẢNH NHỮNG CỔ TỰ THANH U

Nếu như ở mảng thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, hình ảnh các ngôi chùa thường phảng phất chút tinh nghịch chấm phá thì ngược lại, ở mảng thơ chữ Hán của bà, chùa bao giờ cũng được thể hiện bằng những hình ảnh cổ kính, thâm trầm, u tịch. Đây là một mâu thuẫn rất khó lý giải trong thái độ của Hồ Xuân Hương đối với Phật giáo, một trong những nguyên nhân đưa đến nghi vấn phải chăng có hai Hồ Xuân Hương ở hai mảng sáng tác chữ Hán và chữ Nôm.

Trong thơ chữ Hán của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có một số bài viết về chùa rất đáng chú ý. Đó là bài Đề Trấn Quốc tự viết về chùa Trấn Quốc và chùm Đồ Sơn bát vịnh viết về các chùa Khánh Minh, Đông Sơn và những cốc tự, sơn tự, Phật động không nêu tên. Nổi bật trong các bài thơ này là hình ảnh những ngôi cổ tự rêu phong, hầu hết ẩn chìm giữa thiên nhiên núi rừng, được tập trung thể hiện ở đặc điểm thanh u, cổ kính, nhiều ngôi chùa đã trở nên hoang vắng.

Đến thăm chùa Khánh Minh, nhà thơ bồi hồi, xót xa ghi lại cảnh vật hoang tàn của ngôi chùa xưa nay ít dấu người qua lại:

Khánh hữu cơ duyên quy biệt viện

Chung vô cư nghiệp trệ không giai

Đồi lương bại ngõa sào ma tước

Phá kệ tàn bi yểm lục đài [3].

(Khánh có cơ duyên nên được đưa về viện khác

Chuông không cư nghiệp nên giá treo bỏ không

Xà mục ngói vỡ chim làm tổ

(Bia mòn kệ vỡ rêu xanh vùi). 

(Bộ Khánh Minh tự cảm hứng)

Có thể khẳng định, Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ viết nhiều về chùa nước Việt trong văn học trung đại nước ta. Trong các sáng tác bằng chữ Hán, bà góp vào dòng chảy của văn học Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo nói riêng nhiều hình ảnh đẹp, ấn tượng về những ngôi chùa trang nghiêm, u tịch.

Ở Đăng Đông Sơn tự kiến ký 2 và Đông Sơn thừa lương, hình ảnh ngôi chùa thấp thoáng trong mây, lẩn khuất giữa núi rừng được nhà thơ điểm qua bằng đôi dòng thơ ngắn nhưng đầy sức gợi về một vẻ đẹp chốn Thiền môn thanh tịnh, thoát trần:

Tùng lâm nhất thốc cách vân yên.

([Chùa] giữa một cánh rừng già cách khói mây).

(Đăng Đông Sơn tự kiến ký 2)

Cổ tự môn tòng lâm mộc xuất.

(Cổng chùa xưa thấp thoáng giữa cây rừng).

(Đông Sơn thừa lương)

Hòa vào thiên nhiên, không gian chùa trong thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương bao giờ cũng trong lành, yên bình, tĩnh lặng, là nơi cỏ cây chim thú chan hòa. Hình ảnh đàn dơi cúng trái, đàn ong dâng hoa nơi cửa Phật mà nhà thơ bắt gặp được miêu tả thật đẹp, đầy tính biểu tượng: 

Dạ minh hiến quả liên đài hạ

Phong tử hàm hoa bảo án tiền.

(Đàn dơi cúng trái dưới đài sen

Đàn ong dâng hoa trước bảo án). 

(Cốc tự tham thiền)

Chùa trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương còn hiện lên với vẻ đẹp thi vị, thanh thoát giữa những khung cảnh nên thơ, hữu tình. Đây là vẻ đẹp của chùa Trấn Quốc:

Thủy nguyệt ba lung liên tháp truất

Hương yên bảo thoại lộ liên vân

Tẩy không trần lự hoa hàm thoại

Hoán tỉnh mê đồ thảo diệc xuân.

(Trăng nước sóng lồng, sen nõn cánh

Khói hương tàn báu, hạc mây ngàn

Rửa niềm trần tục hoa hàm tiếu

Gợi tỉnh niềm mê, cỏ thắm xuân).

(Đề Trấn Quốc tự, 

Phạm Trọng Chánh dịch thơ)

Hồ Xuân Hương là nhà thơ có biệt tài tả cảnh. Trong thơ chữ Hán, tài năng này góp phần làm nổi bật vẻ đẹp thoát tục của những ngôi cổ tự. Hầu như đến thăm ngôi chùa nào, nữ sĩ cũng chú ý miêu tả nét bình dị, thanh nhàn của thiên nhiên, cảnh vật quanh chùa. Ví như, đây là cảnh quanh chùa Đông Sơn:

Phiếm châu hữu khách ca minh nguyệt

Cao ngận hà nhân túy thạch bàn.

(Có khách thả thuyền hát trong trăng sáng

Cười ai say khước nằm nơi phiến đá).

(Đông Sơn thừa lương)

Bảo áp phi lai, pháp giới yên

Nham thạch điểm đầu hoàn vũ hạ

Thiên hoa mãn thụ lộng phong tiền.

(Vịt quý bay về, khói pháp giới

Điểm đầu phiến đá, mưa phất xuống

Đầy cây ngàn hoa, gió tung lên).

(Đăng Đông Sơn tự kiến ký 1)

Có thể khẳng định, Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ viết nhiều về chùa nước Việt trong văn học trung đại nước ta. Trong các sáng tác bằng chữ Hán, bà góp vào dòng chảy của văn học Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo nói riêng nhiều hình ảnh đẹp, ấn tượng về những ngôi chùa trang nghiêm, u tịch. Chính những vẻ đẹp ấy đã góp phần làm cho thơ Hồ Xuân Hương thêm phong vị thiền, một nét riêng, độc đáo của thơ chữ Hán của bà.

HÌNH ẢNH SƠN TĂNG THOÁT TỤC

Trái ngược hoàn toàn với thơ Nôm truyền tụng; trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, hình ảnh nhà sư được khắc họa một cách đầy trang trọng. Đó là những vị cao tăng đắc đạo, an nhiên thoát tục giữa chốn núi rừng, những hình ảnh mang cảm hứng lãng mạn đậm nét. Trong bài Đăng Đông Sơn tự kiến ký 2, hình ảnh vị cao tăng đắc đạo chống gậy xuống núi giữa cảnh khói mây đẹp như một bức tranh thủy mặc với nét chấm phá là hình ảnh vị sư già an nhiên, thoát trần khiến thi gia cảm tưởng như hình ảnh Đức Phật hiện thân:

Ngộ đạo cao tăng huề tích khứ,

Hiện thân Cổ Phật đáo kim truyền [3].

(Cao Tăng ngộ đạo chống gậy đi

[tưởng như] hiện thân Đức Phật truyền đến nay).

Tương tự, ở bài Cốc tự tham thiền, hình ảnh vị sư già tỉnh giấc giữa muôn tiếng sóng vỗ, tiếng chim reo lẫn trong tiếng hát của tiều phu gợi lên một khung cảnh thật yên bình, thanh vắng, đậm chất thiền:

Đào hưởng tiều ca hòa điểu ngữ,

Thanh thanh hoán tỉnh lão Tăng miên.

(Tiếng sóng vỗ, tiếng tiều phu hát lẫn với tiếng chim ca

Sư già bất chợt tỉnh giấc miên man).

Hình ảnh sơn Tăng trong trong thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương có nhiều nét tương đồng với hình ảnh lão Tăng trong thơ luật của Nguyễn Du. Đó là những hình tượng nhà sư “hiện lên rất đẹp và đậm chất lý tưởng” [4]. Chẳng hạn như hình ảnh các vị sư già lúc ngủ lúc ẩn hiện giữa mây trôi trong bài Vọng Thiên Thai tự và Thương Ngô trúc chi ca 4 được thi hào Nguyễn Du khắc họa một cách ấn tượng:

Tiên triều Tăng lão bạch vân trung

(Sư già triều trước trong mây trắng);

Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng

(Sơn Tăng nằm giữa chốn mây dày).

Hồ Xuân Hương có mối quan hệ khá đặc biệt với Nguyễn Du. Bà có bài thơ Nôm đề tặng đích danh tác giả Truyện Kiều với nhan đề Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu (tạm dịch: Nhớ người cũ kèm [viết] trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu [5]) cùng lời chú thích “Hầu, Nghi Xuân Tiên Điền nhân” (Hầu là người Tiên Điền, Nghi Xuân). Nguyễn Du cũng có chùm năm bài thơ ngũ ngôn nói về việc hái sen Hồ Tây (Mộng đắc thái liên 1, 2, 3, 4 và 5) được suy đoán là viết tặng Hồ Xuân Hương [6]. Sự gặp gỡ, tương đồng trong cách thể hiện hình ảnh nhà sư trong thơ chữ Hán của hai thi hào này cũng có thể xem là một phương diện trong mối quan hệ này.

Có thể thấy, trái hẳn với cách miêu tả trong thơ Nôm truyền tụng, hình tượng nhà sư trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương hiện lên một cách rất đẹp với phong thái nhi nhiên, thoát tục, đượm phong vị thiền, trở thành những hình ảnh mang tính chất biểu tượng đậm chất lý tưởng. 

NGÔN NGỮ THƠ ĐẬM MÀU SẮC THIỀN

Phong vị thiền trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương còn thể hiện rõ nét qua lớp từ ngữ mang đậm màu sắc Phật giáo mà nhà thơ chủ động sử dụng. Đọc thơ chữ Hán của bà, không khó để nhận ra lớp từ ngữ nhà Phật được huy động sử dụng với tần số khá cao và hết sức phong phú, chẳng hạn: cao tăng, đàm kinh (Nhãn phóng thanh); Phạn vương, Kỳ Viên, cơ duyên, cư nghiệp, Như Lai, Thiên Thủ Phật (Bộ Khánh Minh tự cảm hứng); tự, thiền, liên đài, bảo án, lão tăng (Cốc tự tham thiền); pháp giới, phổ độ, khổ ải (Đăng Đông Sơn tự kiến ký 1); ngộ đạo, cao tăng, hiện thân Cổ Phật (Đăng Đông Sơn tự kiến ký 2); Dục vương, cổ tháp, cửu cấp phù đồ, sơn tăng, chung (Tháp sơn hoài cổ); Phật, Linh Sơn, sắc, không, thiền gia (Phật động thâm u)… 

Trong tác phẩm văn học, từ ngữ có nguồn gốc tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thường mang những sắc thái thẩm mỹ đặc thù. Sử dụng từ ngữ nhà Phật một cách linh hoạt, hiệu quả, Hồ Xuân Hương đã mang đến cho ngôn ngữ thơ chữ Hán của mình những giá trị độc đáo. Trong đó, lớp từ ngữ này có vai trò quan trọng trong việc làm nên phong vị thiền. Trước hết, nhiều từ ngữ chỉ triết lý nhà Phật được sử dụng với mật độ cao trong nhiều câu thơ đã góp phần gia tăng tính chất triết lý cho lời thơ, đưa nhiều câu thơ của Hồ Xuân Hương tiệm cận với hình thức lời kinh, câu kệ. Chẳng hạn:

Phổ độ hàng từ siêu khổ ải.

(Bè từ cứu độ qua ải khổ).

(Đăng Đông Sơn tự kiến ký 1)

Sắc tức thị không, không thị sắc.

(“Sắc” tức là “không”, “không” là “sắc”).

(Phật động thâm u)

Bên cạnh đó, các từ ngữ gắn liền với danh xưng của Phật, những nhân danh, địa danh, tích truyện, hình ảnh biểu tượng của Phật giáo được nhà thơ sử dụng phù hợp, tài tình mang đến cho thế giới thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương có sắc thái riêng, thấm đẫm phong vị thiền, ví như:

Truyền văn Phật tích tại Linh Sơn.

(Nghe truyền dấu Phật tại Linh Sơn).

(Phật động thâm u)

 

Phạn Vương [7] quy khứ kỷ thời lai

Không ủy Kỳ Viên [8] ế thảo lai

[…]

An đắc Như Lai Thiên Thủ Phật

Hư không nhất dạ khởi lâu đài.

(Phạn Vương đi rồi, bao giờ trở lại

Bỏ lại Kỳ Viên cỏ mọc dầy

[…]

Sao được như Phật Tổ Như Lai ngàn tay/ Một đêm hư không dựng lâu đài).

(Bộ Khánh Minh tự cảm hứng)

Đặc biệt, ngôn ngữ thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trang trọng, đĩnh đạc, giàu triết lý. Đặc điểm này góp phần làm nên sắc màu Phật giáo cho lời thơ. Những vần thơ phảng phất phong vị thiền của Hồ Xuân Hương mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc. Đây còn là một trong những lý do khẳng định Hồ Xuân Hương trong thơ chữ Hán là người yêu mến, am hiểu Phật pháp. Chẳng hạn, niềm ngậm ngùi trước cảnh chùa tháp hoang phế được nhà thơ gửi gắm qua những dòng thơ sâu lắng, thâm trầm, đậm phong vị Đạo:

Cổ tháp di khư loạn thảo đôi

Dục Vương [9] khứ hậu ủy đôi hồi

Thiên quân bảo khí minh lưu thủy

Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi.

(Tháp cũ nền xưa cỏ mọc đầy

Dục Vương đi rồi, cảnh hoang vắng

Ngàn cân bảo khí reo bên dòng nước chảy

Chín bậc phù đồ hóa gạch ngói tan).

(Tháp sơn hoài cổ)

Có thể nói, ngôn ngữ góp phần quan trọng trong việc làm nên phong cách thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương nói chung, phong vị thiền trong tác phẩm của bà nói riêng. Qua lớp điển cố, thi liệu, đặc biệt là từ ngữ nhà Phật được sử dụng tài hoa, mang lại nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo, có thể thấy ở nhà thơ những kiến văn sâu rộng về Hán học cũng như sự am hiểu, tình cảm yêu mến, tôn trọng đối với đạo Phật. Đây là một phương diện đáng chú ý khi nghiên cứu về Hồ Xuân Hương.

KẾT LUẬN

Phật giáo là một trong những đề tài nổi bật, xuyên suốt trong thơ Hồ Xuân Hương, từ thơ Nôm truyền tụng đến thơ chữ Hán. Qua sáng tác của nữ sĩ, có thể thấy nhà thơ từng đến thăm nhiều ngôi chùa nổi tiếng (chủ yếu ở miền Bắc nước ta), viết về nhà chùa, Tăng Ni với những thái cực tình cảm, quan điểm khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến không ít người nghi ngờ liệu Xuân Hương trong thơ Nôm và Xuân Hương trong thơ chữ Hán có phải là một người… 

Hồ Xuân Hương trong thơ chữ Hán là một người sâu sắc, thâm trầm, am tường đạo Phật và dành cho Phật giáo tình cảm trân trọng, mến mộ. Những vần thơ tài hoa, uyên bác, đậm phong vị thiền trong thơ chữ Hán của bà cho thấy rõ điều này. Với những bài thơ chữ Hán đặc sắc về đề tài nhà Phật, nhà thơ Hồ Xuân Hương xứng đáng có một vị trí trang trọng trong dòng chảy miên viễn của nền văn học Phật giáo Việt Nam.

 

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Trịnh Bích Thùy, thành phố Quảng Ngãi.

[1] Phạm Trọng Chánh (2012), “Hồ Xuân Hương và Phật giáo”, tại địa chỉ: http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/phamtrongchanh_HXH&PhatGiao.htm.

[2] “Hồ Xuân Hương và Phật giáo”, Tlđd.

[3] Toàn bộ tác phẩm Hồ Xuân Hương sử dụng trong bài viết này đều được dẫn từ Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nhóm Trí thức Việt tuyển chọn và giới thiệu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2012.

[4] Phạm Tuấn Vũ (2022), “Từ ngữ nhà Phật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 388, tr.57.

[5] Nguyễn Du (1765-1820), người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân; được thăng Cần chánh Đại học sĩ năm Quý Dậu 1813.

[6] Theo GS. Hoàng Xuân Hãn trong Tình sử Hồ Xuân Hương, nhân vật “cô gái xóm bên” trong chùm thơ của Nguyễn Du chính là Hồ Xuân Hương và hai người đã có mối tình ba năm bên Hồ Tây, như chính nữ sĩ hé lộ trong bài Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu: Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

[7] Phạn Vương, tức Tịnh Phạn Vương, là cha của Thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm, người trở thành Đức Phật Thích Ca sau này khi đã tu thành chánh quả.

[8] Kỳ Viên: Vườn Kỳ, nơi Đức Phật và Tăng già An cư kiết hạ vào mùa mưa.

[9] Dục Vương: tức A Dụ Vương, hay Đại đế A Dục, Ashoka Đại Đế. Ông sinh sau Đức Phật ba trăm năm, là người thống nhất Ấn Độ, được xem là vị vua hộ trì Phật Pháp với việc dựng chùa, kết tập kinh điển và truyền bá Phật giáo khắp nơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *