Trang nghiêm Giáo hội: Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển (TT.TS. Thích Phước Đạt)

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã hơn 2.000 năm. Quá trình phát triển đã hình thành nên đạo Phật Việt Nam mang bản sắc dân tộc Việt, với chủ trương xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ không chỉ trên vấn đề biên cương lãnh thổ mà còn trên mọi phương diện chính trị – kinh tế – văn hóa – giáo dục và cả tín ngưỡng tâm linh. Điều đó giúp Đại Việt không chỉ ba lần đánh bại quân xâm lược Mông – Nguyên, hướng đến quốc gia hòa bình thịnh vượng mà còn xây dựng được một nền Phật giáo thống nhất với một tổ chức Giáo hội Phật giáo Nhất tông ra đời vào thời Trần. Đây là tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đặt nền tảng vững chắc giúp Trang nghiêm Giáo hội từ đó về sau.  

Từ Giáo hội Phật giáo Nhất tông thời nhà Trần

Trải qua chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, đến nay, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 nhiệm kỳ phát triển và hướng đến nhiệm kỳ IX (2022-2027) cũng không ngoài mục đích tối hậu là Trang nghiêm Giáo hội. Trong ý nghĩa đó, Đại hội Phật giáo Toàn quốc nhiệm kỳ IX đề ra thông điệp: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” là trọng tâm toàn bộ nội dung sinh hoạt Phật giáo Việt Nam. Trong đó, mỗi thành viên Giáo hội phải “Tự thân trang nghiêm” để hướng đến “Trang nghiêm Giáo hội”. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển toàn cầu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức điều hành Phật sự trong tinh thần thực thi kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển, với sứ mệnh hoằng dương chánh pháp trong thời đại mới. (Ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Thống Nhất/TTXVN)

Thực tế, ngay từ buổi đầu Phật giáo hình thành và phát triển ở Giao Châu, các Thiền sư đã thiết lập toàn bộ nội dung sinh hoạt Phật giáo bấy giờ là: “Ở trong nhà là hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội là giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình là phải biết tu thân” [1]. Đây được xem như kỷ cương của đoàn thể tăng già thời đó để ngăn chặn những thành viên vi phạm giới luật như: phạm trai, phá giới ở điều 16 Lý hoặc luận [2] ghi. Đến thời Lý, khi Phật giáo trở thành quốc giáo, việc gìn giữ kỷ cương trong đời sống tăng già càng được chú trọng hơn. Chính Thiền sư Đạo Huệ chủ trương nghiêm trì giới luật, Ngài đã chỉ dạy vi phạm kỷ cương giới luật là do tham ái mà ra [3]. Sang đời Trần, khi Phật giáo phát triển lên tầm cao, sử chép có 30.000 Tăng Ni tu học, tổ Pháp Loa phải thiết lập kỷ cương Giáo hội Phật giáo Nhất tông bằng văn bản Khuyến chúng thượng thừa tam học, để khuyến giáo Phật tử, còn xuất gia từ tiểu tăng cho đến đại tăng phải tu giữ gìn 5 giới của Phật tử, 10 giới của Sa di, 250 giới của Tỳ kheo để quản lý Tăng Ni trong một chỉnh thể tăng già thống nhất [4]. Còn Sơ tổ Trúc Lâm chủ trương xây dựng Giáo hội trang nghiêm bằng tuyên ngôn: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm” [5]. Khi đề ra tôn chỉ và mục tiêu như vậy, Giáo hội muốn tự thân mỗi người con Phật trang nghiêm bằng giới luật, thành tựu phẩm hạnh, là mẫu người lý tưởng Bồ tát để phụng sự đạo pháp. Điều này cũng có nghĩa khi mọi thành viên đều thực thi hành trì như thế, tức là góp phần tạo nên một Giáo hội trang nghiêm, đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh.

Rõ ràng, Giáo hội Phật giáo Nhất tông thời Trần là một Giáo hội có tổ chức quản trị hành chánh chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; từ trong tôn chỉ, chủ trương đường lối cho đến nội dung sinh hoạt ở nhiều phương diện. Không phải ngẫu nhiên hàng năm, Giáo hội đều tổ chức kiểm tăng, thiết lập đạo tràng An cư kiết hạ cấp quốc gia tại chùa Vĩnh Nghiêm, trung tâm Phật giáo Yên Tử, Quỳnh Lâm… với quy củ thiền môn, dưới sự hộ trì chánh pháp của triều đình như là điều kiện thuận duyên để phát huy sức mạnh nội tại của thực thể tăng già trong tinh thần hoà hợp thanh tịnh. Có thể nói, thiết lập kỷ cương của Phật giáo Nhất tông chính là cơ sở thể hiện tinh thần trách nhiệm của từng thành viên tăng già đối với Giáo hội và đất nước. Bởi Phật giáo Đại Việt đặt sự tồn vong và phát triển của Giáo hội trong sự tồn vong, phát triển hưng thịnh của đất nước. 

Trải qua chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, đến nay, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 nhiệm kỳ phát triển và hướng đến nhiệm kỷ IX (2022-2027) cũng không ngoài mục đích tối hậu là Trang nghiêm Giáo hội. (Ảnh Hội nghị Thống nhất Phật giáo (được coi như Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I) diễn ra tại chùa Quán Sứ – Hà Nội – Sưu tầm).

Tam tổ thực lục ghi nhận việc tổ Pháp Loa đã chỉ ra những sai lầm khi các tăng sĩ không thực thi giới hạnh là thiếu trách nhiệm hoằng dương Chánh pháp, báo Phật ân đức, được xem là không có sự hoà hợp thanh tịnh trong bản thể tăng già. Về mặt tu tập, Tổ Pháp Loa nói, mỗi người thiếu sự thực thi hành trì giới, thì không có tịnh giới, không có tịnh giới thì không có định lực, không có định lực thì không có trí tuệ, không có trí tuệ thì đi vào con đường thiền si. Đây cũng là chướng duyên phát triển Giáo hội mang tính vững bền. Và như thế, thông điệp “Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm”  của Giáo hội Phật giáo Nhất tông đời Trần chẳng khác gì Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX đề ra chủ trương, đường lối hoạt động là “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” để trang nghiêm Giáo hội.

Đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1981, đến nay đã qua hơn 40 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật được đúc kết sau 8 nhiệm kỳ. Đây là sự tiếp nối truyền đăng mạng mạch Phật pháp từ xưa đến nay trên tinh thần Trang nghiêm Giáo hội chính là trang nghiêm về giới luật tự thân của mỗi thành viên, về mặt tổ chức là thực thi tu đạo, hành đạo theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sống tuân thủ theo Hiến pháp nước nhà.

Mỗi thành viên Giáo hội phải “Tự thân trang nghiêm” để hướng đến “Trang nghiêm Giáo hội”. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển toàn cầu. (Ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam – mattran.org.vn)

Việc thực thi nghiêm ngặt kỷ cương như là khuôn pháp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, dưới sự chỉ đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự (từ 6 ban ngành khi Giáo hội mới thành lập, nay đã phát triển thành 13 chuyên ngành, viện hoạt động chuyên môn). Trải qua 6 lần tu chỉnh Hiến chương, các ban ngành đã cùng hoạt động với Giáo hội địa phương đưa Phật giáo Việt Nam lên tầm cao mới, có vị trí và vai trò trong sự nghiệp phát triển đất nước, hội nhập toàn cầu. Trong xu thế tất yếu của thời đại, Phật giáo Việt Nam đã hòa nhập vào đời sống xã hội, vì vậy, ở nhiệm kỳ IX này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống điều hành tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng được xem là chiến lược phát triển của Giáo hội mang tính vững bền để tạo nên sức mạnh nội tại với tâm thế mới và tầm nhìn mới trong thời đại mới.

Kết quả, với sự lãnh đạo của tập thể chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, công tác điều hành Phật sự đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Phật sự, giúp Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp đi vào nề nếp, ổn định, đáp ứng nhu cầu cho sự kế thừa của các cấp Giáo hội. Đến nay, Ban Chỉ đạo cho công tác Đại hội các cấp hầu như hoàn tất, để hướng về Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX sắp diễn ra vào cuối tháng 11/2022. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, dấu ấn kỷ cương của Giáo hội thể hiện rõ nét và vận dụng trong chương 5 (Hội đồng Trị sự), điều 21 với quy định về tiêu chuẩn và thời hạn làm việc của thành viên tham gia Hội đồng Trị sự không quá 80 tuổi; mỗi thành viên không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ. Đây chính là mô hình tổ chức điều hành phù hợp với xu hướng thời đại, vừa kế thừa vừa phát triển trong tinh thần hội nhập và bền vững.

Rõ ràng, với sự thành tựu về kỷ cương như vậy, đây chính là cơ sở, là động lực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo Giáo hội phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh trong cộng đồng xã hội. Suy cho cùng, sức mạnh của Giáo hội chính là bản thể tăng già thanh tịnh hoà hợp trong từng thành viên. Nói cách khác, đây chính là sức mạnh đại đoàn kết của Giáo hội Trung ương đến địa phương trong một chủ thể thống nhất bất khả phân ly. Chính tinh thần đại đoàn kết này có khả năng kết nối không chỉ tăng già, Phật tử mà cả cộng đồng xã hội trong việc phát huy sức sáng tạo vô tận của trí tuệ hiểu biết và trái tim yêu thương của toàn dân để tham gia đóng góp cho đạo pháp, cho dân tộc. Và như thế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong vai trò, trách nhiệm vị thế của mình là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực đóng góp cho xã hội, dân tộc trong tiến trình xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu. 

Sau cùng, mục tiêu tối hậu của người học Phật là hướng đến sự giải thoát. Đời sống sinh hoạt Phật giáo giúp xây dựng nếp sống hướng thiện, tự hoàn thiện bản thân, đầy đủ giới đức, tâm đức, tuệ đức, tức tự mình góp phần trang nghiêm Giáo hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức điều hành Phật sự trong tinh thần thực thi kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển, với sứ mệnh hoằng dương chánh pháp trong thời đại mới. Đạo Phật hiện hữu và đi vào đời nhằm giúp đời thêm sáng tươi. Vì vậy, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ mới chắc chắn có thêm những sách lược, định hướng thể hiện tầm nhìn trí tuệ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi lẽ, tư duy Phật giáo là tư duy biện chứng duyên khởi, tính duyên khởi cho ta thể nhập tu đạo, hành đạo thích ứng với xu hướng phát triển của xã hội và thời đại. Giáo hội chính là nguồn nhân lực đầy đủ phẩm chất đạo hạnh, có trí tuệ khai mở do Phật giáo Việt Nam đào tạo qua hệ thống giáo dục Phật giáo. Nói cách khác, nguồn nhân lực này là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, từ đó có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước và Giáo hội trong hiện tại lẫn tương lai…

 

 

Chú thích:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử (tập 2), Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr.511. 

[2] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử (tập 2), Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr.520.

[3] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (chú và dịch, 1990), Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, tr.99.

[4] Thích Phước Phước dịch và chú (1995), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.66 – 67.

[5] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần (tập 2), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.507.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *