Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên (ĐĐ.ThS. Thích Quảng Hiệp)

Tóm tắt: Thiền phái Lâm Tế du nhập Đàng trong nửa cuối thế kỷ XVII qua bước chân hoằng hóa của chư Tổ sư người Hán. Kế thừa truyền thống chư Tổ sư thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) sau khi đắc pháp với Đại sư Minh Hoằng Tử Dung, đã mở ra một dòng thiền mới mang sắc thái riêng của người Việt, mà về sau chúng ta thường gọi với tên thiền phái Liễu Quán. Bài viết bước đầu khảo cứu thiết lập danh sách phổ hệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên với ba nhánh của chư Tổ sư Tế Căn Từ Chiếu, Tế Nhơn Hữu Phỉ và Tế Hiển Bửu Dương.

Từ khóa: Thiền phái Liễu Quán, Phật giáo Phú Yên, phổ hệ truyền thừa.

CÁC VỊ ĐỆ TỬ CỦA THIỀN SƯ LIỄU QUÁN

Theo nội dung trên văn bia tháp, Thiền sư Liễu Quán có 49 vị đệ tử. Riêng tại Phú Yên, dựa theo thông tin sách Lược sử chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, Nam độ Bảo Đàn kinh (南土寶壇經), Thích song tổ ấn tập (释窻祖印集) của Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh, cùng một số tư liệu thu thập được trong quá trình khảo sát điền dã, biết được có 11 vị đệ tử. Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh là người Phú Yên, nối dòng Lâm Tế đời thứ 42, thế hệ thứ 8 kệ phái Liễu Quán. Năm Duy Tân thứ năm Tân Hợi [1911] khai sơn chùa Thiền Lâm thuộc thôn Phú Lâm, tổng Đức Thắng (nay thuộc Phường Đức Long TP. Phan Thiết). Các vị đệ tử của Thiền sư Liễu Quán là các Ngài: Tế Hẩu Khánh Liên (kế thế trú trì chùa Bảo Tịnh, Tuy Hòa), Tế Căn Từ Chiếu (khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa), Tế Duyên Quảng Giác (khai sơn chùa Kim Cang, Tuy Hòa), Tế Đài Khánh Thùy (trú trì chùa Kim Long, Tuy Hòa), Tế Dũng (khai sơn chùa Bình Long, Tuy Hòa), Tế Hoảng Trừng Hưng (khai sơn chùa Dương Long, Tuy Hòa), Tế Ngạn Thanh Tùng (khai sơn chùa Long Sơn – Bầu Đục, Tuy Hòa), Tế Ý Hoằng Tuân (khai sơn chùa Long Sơn, An Mỹ, Tuy An), Tế Tín Pháp Vị, Tế Thường An Dưỡng (khai sơn chùa Vĩnh Xương – Tuy Hòa, chùa Vĩnh Phước, chùa Vĩnh Long – Tuy An). Hiện tại Phú Yên truyền thừa dòng Liễu Quán chủ yếu xoay quanh theo ba nhánh chính là nhánh Tổ sư Tế Căn Từ Chiếu, nhánh tổ Tế Nhơn Hữu Phỉ, nhánh tổ Tế Hiển Bửu Dương.

NHÁNH TRUYỀN TỔ SƯ TẾ CĂN TỪ CHIẾU

Đại sư Tế Căn hiệu Từ Chiếu nối dòng Lâm Tế đời thứ 36, thuộc thế hệ thứ 3 thiền phái Liễu Quán, là một trong những cao đồ của Thiền sư Thiệt Diệu. Sau khi đắc pháp với Bổn sư, ngài về thôn Ninh Tịnh, xã Bình Kiến (nay là phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) mở đất dựng ngôi già lam lấy tên Hồ Sơn vào những năm đầu của thế kỷ XVIII. Sau khi tổ Tế Duyên viên tịch, tổ kiêm đảm nhận trú trì tổ đình Kim Cang. Từ đây, nhánh truyền thừa của ngài phát triển ngày càng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành nhánh truyền tiêu biểu của dòng thiền Liễu Quán tại Phú Yên. Tuy Hòa, Tuy An được xem là thủ phủ của chi nhánh này. 

Tại Tuy Hòa, theo Thích song tổ ấn tập (释窻祖印集), nhánh truyền đầu tiên của tổ Tế Căn Từ Chiếu là Đại sư Đại Đức (hiệu Vạn Phước) trú trì tổ đình Kim Cang thuộc Lâm Tế đời 37, thế hệ thứ 3 dòng truyền thừa Liễu Quán:  Đệ tam thập lục thế húy Tế Duyên hiệu Quảng Giác lão tổ trác tích vu bảo tháp xã lập Kim Cang tự chi Vĩnh Hựu ngũ niên tứ nguyệt nhị thập bát nhật quốc chủ ngự đề sắc tứ Kim Cang Quan tự. Do tự Việt Nam ngự bút chi bảo lục tự chí Pháp đệ tam thập thất thế húy Đại Đức hiệu Vạn Phước Đại lão Hòa thượng. [18,44]

Cũng thông qua tư liệu này, tác giả còn cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về sự hình thành và phát triển nhánh tổ sư Tế Căn với sự truyền thừa liên tục qua các đời:

Lê thời khải tổ ngũ thập tứ niên Lâm Tế Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự Tổ sư đệ tam thập ngũ thế húy Thiệt Diệu thượng Liễu hạ Quán tổ ông trác tích vu Phú Yên tỉnh Tuy Hòa phủ Năng Tịnh xã lập Bảo Tịnh tự, hồi kinh truyền vu đệ tử.

Đệ tam thập lục thế húy Tế Căn hiệu Từ Chiếu Đại lão Hòa thượng.

Đệ tam thập thất thế húy Đại Đức hiệu Vạn Phước Đại lão Hòa thượng.

Đệ tam thập bát thế húy Đạo Viên hiệu Trí Giác Đại lão Hòa thượng.

Đệ tam thập cửu đại húy Tánh Định hiệu Long Quang Đại lão Hòa thượng.

Đệ tứ thập đại húy Hải Nhiễu hiệu Thiên Ân Đại lão Hòa thượng.

Đệ tứ thập nhất thế húy Thanh Thắng hiệu Văn Chất Viên Thị Hòa thượng. [18,48a-49a]

Đối chiếu với Chánh pháp nhãn tạng, Hòa thượng Phước Tường phú chúc cho Hòa thượng Nhơn Hiền ngày 08 tháng 4 năm Quý Sửu (1913) hiện lưu tại chùa Hội Phước (Nha Trang), thông tin về nhánh truyền của tổ sư Từ Chiếu có đề cập trong Thích song tổ ấn tập là hoàn toàn trùng khớp. 

Đệ tam thập ngũ thế húy Thiệt Diệu thượng Liễu hạ Quán Hòa thượng.

Đệ tam thập lục thế húy Tế Căn thượng Từ hạ Chiếu Hòa thượng.

Đệ tam thập thất thế húy Đại Đức thượng Vạn hạ Phước Hòa thượng.

Đệ tam thập bát thế húy Đạo Viên thượng Trí hạ Giác Hòa thượng.

Đệ tam thập cửu đại húy Tánh Định thượng Long hạ Quang Hòa thượng.

Đệ tứ thập đại húy Hải Nhiễu thượng Thiên hạ Ân Hòa thượng.

Đệ tứ thập nhất đại húy Thanh Minh thượng Phố hạ Quang Hòa thượng.

Tự Lâm Tế chánh tông Kim Long đường thượng tứ thập nhị thế húy Trừng Chánh thượng Quảng Hạ Đạt Phước Tường Yết-ma Hòa thượng. [18, 46b-47a]

Đồng thời qua pháp quyển (tức Chánh pháp nhãn tạng) này, chúng ta biết được nhánh này còn truyền vào đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) qua Hòa thượng Trừng Chánh Phước Tường. Theo thông tin từ Đại đức Thích Quảng Nhựt (chùa Long Quang) cung cấp, Hòa thượng Trừng Chánh Phước Tường vốn là pháp tử của Hòa thượng Hải Nhiễu Thiên Ân với pháp danh Thanh Chánh. Sau khi Bổn sư viên tịch, Hòa thượng cầu pháp với trưởng huynh Thanh Minh Phổ Quang và được phú pháp cho chánh pháp nhãn tạng với pháp danh Trừng Chánh. Khi vào vùng Ninh Hòa hoằng hóa, Hòa thượng vẫn dùng pháp danh Thanh Chánh tự Quảng Đạt, hiệu Phước Tường để hành đạo. 

Tổ đình Bảo Tịnh. (Ảnh: ST)

Hòa thượng Thanh Chánh nối dòng Lâm Tế đời 41, thế hệ thứ 7 dòng thiền Liễu Quán. Ngài sinh ngày 15 tháng 5 năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), tại Phú Yên. Năm Ất Dậu (1885), Ngài cùng với tầng lớp thanh niên Nho sĩ tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương, sau đó đến quy y với tổ Hải Nhiễu Thiên Ân tại chùa Khánh Long ở Phú Yên. Sau một thời gian, Ngài được Bổn sư gửi đến tham học với các bậc Thiền sư thạc đức đương thời ở Phú Yên, như ngài Pháp Hỷ ở chùa Từ Quang, ngài Hải Huệ Trí Giác ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch. Hòa thượng vào Khánh Hòa năm Quý Sửu (1913), trú trì chùa Kim Long ở Ninh Quang, Ninh Hòa. Đến năm Đinh Tỵ (1917), Ngài vào Nha Trang trú trì chùa Hội Phước thay Hòa thượng Chơn Hương Thiên Quang. Trú trì được ba năm, Ngài giao lại cho Hòa thượng Nhơn Hiền rồi trở về trú trì chùa Thiên Bửu cho đến ngày viên tịch vào năm 1932. 

Ngoài vùng Tuy Hòa, chúng tôi còn phát hiện thêm nhánh truyền mới của tổ Từ Chiếu mà từ trước đến nay chưa từng được khảo cứu, đó là nhánh truyền của Tổ sư Đại Châu Trí Thuận tại chùa Quy Sơn thuộc huyện Tuy An. Từ những thông tin thu thập qua các nguồn tư liệu và điền dã, phổ hệ truyền thừa của Tổ sư Tế Căn Từ Chiếu tạm được hệ thống như sau:

Đời thứ 37, Đại Đức Vạn Phước khai sơn chùa An Thành, Đại Châu Trí Thuận khai sơn chùa Quy Sơn, Đại Thành Thanh Trạm.

Đới thứ 38, gồm chư vị pháp tử Đại sư Đại Đức Vạn Phước: Đạo Đạt Chơn Nguyên khai sơn am Từ Vân, Đạo Viên Trí Giác chùa Kim Cang, Đạo Quảng Trường Thọ chùa An Thành, Đạo Khánh Thanh Lương, Đạo Bảo Trí Giám chùa Hồ Sơn; pháp tử Đại sư Đại Châu: Đạo Thanh Chánh Bửu.

Đời thứ 39, gồm chư vị pháp tử Đại sư Đạo Viên Trí Giác: Tánh Lý Bảo Hương, Tánh Định Long Quang chùa Khánh Long, Tánh Quảng Bảo Hòa, Tánh Thủy Bảo An, Tánh Kiên Bảo Liên chùa Kim Cang; pháp tử Đại sư Đạo Bảo Trí Giám: Tánh Định Bảo Minh chùa Hồ Sơn; pháp tử Đại sư Đạt Đạo Chơn Nguyên: Tánh Phú Thiên Tiên cổ tích Long Sơn; pháp tử Đại sư Đạo Thanh Chánh Bửu: Tánh Tồn Huệ Ý chùa Quy Sơn.

Đời thứ 40, gồm chư vị pháp tử Đại sư Tánh Định Long Quang: Hải Lương Viên Thông, Hải Nhiễu Thiên Ân chùa Thiền Sơn, Hải Phước Viên Trí; chư vị pháp tử Đại sư Tánh Kiên Bảo Liên: Hải Nghĩa Huệ Thanh chùa Kim Cang, Hải Thông Huệ Đạt chùa Kim Cang, Hải Đạt Từ Thanh chùa Khánh Lâm; pháp tử Đại sư Tánh Định Bảo Minh: Hải Trí Viên Thuận chùa Hồ Sơn; pháp tử Đại sư Tánh Phú Thiên Tiên: Hải Tình Bảo Châu chùa Long Sơn; pháp tử Đại sư Tánh Tồn Huệ Ý: Hải Từ Long Kế chùa Quy Sơn.

Đời thứ 41, chư vị pháp tử Hòa thượng Hải Nhiễu Thiên Ân: Thanh Thắng Văn Chất chùa Thiền Sơn, Thanh Minh Phổ Quang chùa Quang Long, Thanh Khương Phổ Nhuận chùa An Thành, Thanh Y Phổ Quang chùa Quang Long; pháp tử Hòa thượng Hải Nghĩa Huệ Thanh: Thanh Minh Thiên Hòa chùa Kim Cang; chư vị pháp tử Hòa thượng Hải Trí Viên Thuận: Thanh Hải Thiên Phước chùa Phú Quang, Thanh Chơn Nguyên Đạt chùa Long Tường, Thanh Nghĩa Phổ Hiền chùa Hồ Sơn, Thanh Ngộ Phổ Nguyện chùa Long Quang; pháp tử Hòa thượng Hải Từ Long Kế: Thanh Đồng Huệ Thành chùa Quy Sơn.

Đời thứ 42, pháp tử Hòa thượng Thanh Đồng Huệ Thành: Trừng Chơn Phước Long chùa Quy Sơn; pháp tử Hòa thượng Thanh Minh Phổ Quang: Trừng Chánh Phước Tường; pháp tử Hòa thượng Thanh Khương Phổ Nhuận: Trừng Thành Hoằng Đạo chùa Bảo Tịnh, Trừng Diệu Tịnh Hạnh chùa Thiền Lâm, Trừng Trà Hoằng Khai chùa An Thành; pháp tử Hòa thượng Thanh Y Phổ Quang: Trừng Như Chí Tại, Trừng Ký Chí Thành; pháp tử Hòa thượng Thanh Hải Thiên Phước: Trừng Giác Hoằng Thọ, Trừng Thân Hoằng Nhơn chùa Phú Quang; pháp tử Hòa thượng Thanh Minh Thiên Hòa: Trừng Phước Vĩnh Lưu chùa Kim Cang, Trừng Vinh Vĩnh Thái; pháp tử Hòa thượng Thanh Chơn Nguyên Đạt: Trừng Thành Vạn Ân; pháp tử Hòa thượng Thanh Nghĩa Phổ Hiền: Trừng Chí Xuân Tường chùa Hồ Sơn.

Tổ đình Hồ Sơn. (ảnh: ST)

Đời thứ 43, pháp tử Hòa thượng Trừng Chơn Phước Long: Tâm Hòa Minh Lý chùa Quy Sơn; pháp tử Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh: Tâm Huệ; pháp tử Hòa thượng Trừng Ký Chí Thành: Tâm Diệu; pháp tử Hòa thượng Trừng Phước Vĩnh Lưu: Tâm Trí Minh Tịnh chùa Kim Cang, pháp tử Hòa thượng Trừng Giác Hoằng Thọ: Tâm Quả Chơn Hạnh; pháp tử Hòa thượng Trừng Thân Hoằng Nhơn: Tâm Thủy chùa Minh Sơn, Tâm Thọ Diệu Lạc chùa Hòa Sơn; pháp tử Hòa thượng Trừng Chí Xuân Tường: Tâm Chuẩn Diệu Quang chùa Hồ Sơn.

Đời thứ 44, pháp tử Hòa thượng Tâm Hòa Minh Lý: Nguyên Hải Liên Tôn chùa Quy Sơn; pháp tử Hòa thượng Tâm Diệu: Nguyên Thành Diệu Tửu; pháp tử Hòa thượng Tâm Quả  Chơn Hạnh: Nguyên Hương Thiên Đạt.

Đời thứ 45, pháp tử Nguyên Hải Liên Tôn: Quảng Hương Bảo Châu – Thánh tử đạo chùa Khải Đoan; đệ tử Nguyên Thành Diệu Tửu: Quảng Hội Thiện Hữu Thông Nghị.

NHÁNH TRUYỀN TỔ SƯ TẾ NHƠN HỮU PHỈ

Tổ sư húy Tế Nhơn hiệu Giác Viên họ Bùi, là trưởng tử đắc pháp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, nối dòng Lâm Tế thứ 36, thế hệ thứ 2 thiền phái Liễu Quán. Sau khi Bổn sư viên tịch (1742), Ngài kế thừa trú trì chùa Thiền Tôn. Năm Cảnh Hưng thứ 8 [1747], chúa Nguyễn Phúc Khoát cung thỉnh tổ kiêm trú trì chùa Báo Quốc. Những vị đệ tử của Ngài được biết đến nay có: Đại Triệt, Đại Trí Quảng Thông, Đại Nguyệt Linh Chiếu, Đại Quang Chí Thành Huệ Chiếu, Đại Bửu Kim Cang. Trong đó, ngài Đại Triệt được Tổ phú pháp cho bài kệ:

Pháp phó bổn kế tôn

Chư tướng tổng thị không

Pháp pháp diệc phi pháp

Vạn pháp tại kỳ trung.

Tổ đình Long Sơn Bát Nhã. (Ảnh: Nguyễn Văn Thịnh)

Tổ viên tịch vào ngày 11 tháng Chạp năm Quý Dậu Cảnh Hưng thứ 14 (1753), bảo tháp dựng tại phía Đông khuôn viên chùa. [19,78b]

Nhánh của tổ Tế Nhơn Hữu Phỉ truyền vào Phú Yên không rõ từ giai đoạn nào, chỉ biết dưới triều Minh Mạng có Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842) nối dòng thiền Liễu Quán thế hệ thứ 5, khai sơn chùa Long Sơn Bát Nhã sau thời gian dài ẩn tu. Từ Tổ đình Bát Nhã, nhánh này không ngừng được truyền thừa trên đất Phú Yên và đến nay đã phát triển thêm ở các tỉnh khác như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…. 

Tại Phú Yên, trong Thích song tổ ấn tập Hòa thượng Tịnh Hạnh có chép lại: 

Lê thời Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự Lâm Tế chánh tông hiệu Liễu Quán Tổ sư truyền đạo vu Phú Yên Đồng Xuân huyện.

Đệ tam thập lục thế húy Tế Nhơn hiệu Hữu Bùi Tổ sư.

Đệ tam thập thất thế húy Đại Nguyệt hiệu Linh Chiếu Lão tổ.

Đệ tam thập bát thế húy Thông Dụng hiệu Đức Quảng Lão tổ.

Đệ tam thập cửu thế húy Tánh Thông hiệu Giác Ngộ Tăng can Hòa thượng.

Đệ tứ thập thế húy Hải Lưu hiệu Mật Niệm Lão tổ.

Đệ tứ thập nhất thế húy Thanh Nhuận hiệu Phổ Quang Lão tổ.

Đệ tứ thập nhị thế húy Trừng Lâm hiệu Chơn Hương Hòa thượng.

Đệ tứ thập tam thế húy Tâm Đạt hiệu Bảo Quang Hòa thượng. [18,37b-38a]

Theo long vị được phụng thờ tại chùa Long Sơn Bát Nhã, ta có thể thiết lập phổ hệ chính truyền qua các đời từ Tăng cang Giác ngộ như sau: 

Đệ tam thập cửu thế húy Tánh Thông hiệu Giác Ngộ Hòa thượng

Đệ tứ thập thế húy Hải Hội hiệu Phổ Chất Hòa thượng

Đệ tứ thập nhất thế húy Thanh Lân hiệu Viên Thông Hòa thượng

Đệ tứ thập nhị thế húy Trừng Đức hiệu Tịnh Bảo Hòa thượng

Đệ tứ thập tam thế húy Tâm Đạo hiệu Từ Nhãn Hòa thượng

Đệ tứ thập tứ thế húy Nguyên Chơn hiệu Khế Hội Hòa thượng

Đệ tứ thập ngũ thế húy Quảng Giác Hòa thượng.

Ngoài ra, đời 40 có Hòa thượng Bảo Tạng, Bảo Thanh, Bảo Chơn hoằng hóa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai. Đời thứ 43 có Hòa thượng Tâm Đạt Bảo Quang hoằng hóa tỉnh Ninh Thuận. Đời thứ 45 có Hòa thượng Quảng Hiển hoằng hóa tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Từ nhiều nguồn tư liệu quý như đã trình bày, phổ hệ truyền thừa nhánh Tổ sư Tế Nhơn Hữu Phỉ tại Phú Yên được hình thành sơ lược như sau:

Đời thứ 39, Hòa thượng Tánh Thông Giác Ngộ.

Đời thứ 40, gồm chư vị Hòa thượng: Hải Hội Phổ Chất kế thừa chùa Bát Nhã, Hải Bình Bảo Tạng chùa Liên Trì, Thạch Sơn, Long Quang…, Hải Chánh Bảo Thanh chùa Long Bàn (Bà Rịa), Bảo Chơn chùa Bửu Quang (Đồng Nai), Hải Lưu Mật Niệm…

Đời thứ 41, pháp tử Hòa thượng Hải Bình Bảo Tạng: Thanh An Huệ Long; pháp tử Hòa thượng Hải Hội Phổ Chất: Thanh Lân Viên Thông chùa Bát Nhã, Thanh Đăng Viên Nghĩa; pháp tử Hòa thượng Hải Lưu Mật Niệm: Thanh An Chí Đức chùa Vạn Phước, Thanh Nhuận Phổ Quang.

Đời thứ 42, pháp tử Hòa thượng Thanh Lân Viên Thông: Trừng Đức Tịnh Bảo; pháp tử Hòa thượng Thanh An Chí Đức: Trừng Tánh Tường Thoại chùa Khánh An; pháp tử Hòa thượng Thanh Nhuận Phổ Quang: Trừng Lâm Chơn Hương.

Đời thứ 43, Pháp tử Hòa thượng Trừng Đức Tịnh Bảo: Tâm Đạo Từ Nhãn chùa Bát Nhã, Tâm Thân Từ Thạnh chùa Thiền Sơn; pháp tử Hòa thượng Trừng Lâm Chơn Hương: Tâm Đạt Bảo Quang.

Đời thứ 44, pháp tử Hòa thượng Tâm Đạo Từ Nhãn: Nguyên Chơn Khế Hội chùa Bát Nhã, Khế Tín chùa Giác Nguyên; pháp tử Hòa thượng Tâm Thân Từ Thạnh: Nguyên Thành Thiện Đạo Viên Bảo chùa Trúc Lâm (Bình Dương), Viên Quang tồng lâm Vạn Thiện (Bình Thuận).

Đời thứ 45, pháp tử Hòa thượng Nguyên Chơn Khế Hội: Quảng Giải, Quảng Giác chùa Bát Nhã, Quảng Hiển chùa Hộ Pháp (Bà Rịa – Vũng Tàu), Quảng Đàm, Quảng Tính, Quảng Định.

Tổ đình Kim Cang.
(Ảnh: Nguyễn Văn Thịnh)

NHÁNH TRUYỀN TỔ SƯ TẾ HIỂN BỬU DƯƠNG

Dẫn theo một số tư liệu Chánh pháp nhãn tạng hiện lưu tại Tổ đình Hội Phước, Thiền sư Tế Hiển Bửu Dương chính là môn đệ đắc pháp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, nối dòng Lâm Tế đời 36, thế hệ thứ 2 của thiền phái Liễu Quán. Chánh Pháp nhãn tạng do Hòa thượng Đạo An Phổ Nhuận phú chúc cho Hòa thượng Tánh Lý Trí Minh năm Thiệu Trị nguyên niên, ngày 5 tháng 5 năm Tân Sửu (1841) có nội dung:

Đệ tam thập ngũ thế Thiệt Diệu Liễu Quán Hòa thượng

Đệ tam thập lục thế Tế Hiển Bửu Dương Hòa thượng

Đệ tam thập thất thế Đại Thông Chánh Niệm Hòa thượng

Đệ tam thập bát thế Đạo An Phổ Nhuận Hòa thượng…

Pháp danh Tánh lý thượng Trí hạ Minh Đại sư.

Năm Quý Tỵ (1653), sau khi mở rộng lãnh thổ đến sông Phan Rang và cho lập phủ Thái Khang, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần khuyến khích quần chúng nhân dân vào vùng đất mới khai hoang lập ấp. Phật giáo vốn luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, tâm thức người Việt hình ảnh Phật giáo chiếm vị trí rất thiêng liêng, người Việt đi đến đâu cũng không quên lập chùa lập nơi ấy để làm nơi nương tựa tinh thần. Hậu bán thế kỷ XVIII, Tổ sư Tế Hiển Bửu đến vùng đất Tân Định thuộc phủ Thái Khang (Ninh Hòa ngày nay) hoằng hóa, dựng ngôi già lam lấy tên là “Thiên Bửu”. 

Tổ Tế Hiển Bửu Dương viên tịch ngày 20 tháng 2 nhưng không rõ năm nào. Bảo tháp bảy tầng được đồ chúng xây dựng trong khuôn viên chùa. Đệ tử Ngài độ rất đông, nhưng đến nay chỉ còn biết đến ba vị là tổ Đại Thông Chánh Niệm trú trì Tổ đình Hội Phước (Nha Trang), khai sơn chùa Linh Sơn Tân Long (Diên Khánh), khai sơn chùa Thiên Lộc (Diên Khánh); tổ Đại Trì Phước Thành kế thừa trú trì Tổ đình Thiên Bửu (Ninh Hòa); tổ Đại Bồ Thiện Đề khai sơn chùa Phước Long (nay là chùa Kim Cang ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Nhánh truyền thừa của tổ Tế Hiển Bửu Dương là nhánh truyền mạnh nhất của thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hòa. Nhánh này không những phát triển mạnh trong phạm vi nội tỉnh mà còn rộng truyền các tỉnh lân cận, đặc biệt là Phú Yên.

Tổ đình Thiên Thai Sơn Thạch. (Ảnh: ST)

Tại Phú Yên, căn cứ theo Chánh pháp nhãn tạng do Hòa thượng Thanh Phước Nguyên Long truyền cho đệ tử Trừng Minh Thọ Đức ngày 15 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1942), lưu giữ tại Tổ đình Long Quang (Sông Cầu), vị Tổ truyền nhánh Liễu Quán này ra Phú Yên là ngài Đạo Thành tự Phổ Tế hiệu Như Cảnh Tổ đình Long Sơn (Cây Giá, Tuy An). Nội dung Chánh pháp nhãn tạng có đoạn:

Đệ tam thập ngũ thế Liễu Quán Thiệt Diệu Lão tổ Hòa thượng

Đệ tam thập lục thế Bửu Dương Tế Hiển Lão tổ Hòa thượng

Đệ tam thập thất thế Chánh Niệm Đại Thông Lão tổ Hòa thượng

Đệ tam thập bát thế Như Cảnh Đạo Thành Lão tổ Hòa thượng

Đệ tam thập cửu Quy Trụ Tánh Thường Lão tổ Hòa thượng

Đệ tứ thập thế húy Hải Huệ thượng Trí hạ Giác Tổ sư Hòa thượng

Đệ tứ thập nhất thế húy Thanh Phước thượng Nguyên hạ Long Hòa thượng

Đệ tử pháp danh Trừng Minh hiệu Thọ Đức Đại sư dĩ vi biểu tín vân.

Như vậy, nhánh truyền của tổ Tế Hiển Bửu Dương thuộc thiền phái Liễu Quán, phải đợi đến Hòa thượng Đạo Thành Như Cảnh thế hệ 38 mới truyền ra Phú Yên tại chùa Long Sơn (Cây Giá, Tuy An). Từ Tổ đình Long Sơn, nhánh truyền này không ngừng phát triển và đến nay đã truyền đến thế hệ thứ 47, tức hàng chữ “Đức” theo kệ phái Liễu Quán, qua các ngôi Tổ đình như: Thiên Thai Sơn Thạch, Thiên Phước, Thiên Tôn, Long Quang, Phước Long, Phước Điền… và chủ yếu tập trung tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu. Dựa trên Chánh pháp nhãn tạng và một số tư liệu khảo sát tại một số ngôi cổ tự thuộc thiền phái, có thể khái quát phả hệ truyền thừa theo tuần tự như sau:

Đời thứ 38, Đại sư Đạo Thành Như Cảnh khai sơn chùa Long Sơn.

Đời thứ 39, có ngài Tánh Thường Quy Trụ trú trì chùa Long Sơn, chùa Thiên Sơn.

Đời thứ 40, gồm nhị vị Hòa thượng: Hải Huệ Trí Giác trú trì Tổ đình Thiên Thai Sơn Thạch, Hòa thượng Hải Thạnh Trí Nguyên trú trì chùa Thiên Tôn.  

Đời thứ 41, gồm chư vị Hòa thượng pháp tử của tổ Trí Giác như: Thanh Luật Nguyên Giác trú trì Tổ đình Thiên Thai, Thanh Kim Nguyên Chí trú trì Tổ đình Long Quang, Thanh Chánh Hoằng Tuyên trú trì chùa Cảnh Phước, Thanh An Nguyên Phước trú trì chùa Thiên Tôn, Thanh Phước Nguyên Quế trú trì Tổ đình Long Sơn, Thanh Bình Nguyên Chơn trú trì chùa Phước Long.

Đời thứ 42, gồm pháp tử Hòa thượng Thanh Phước: Trừng Lực Vĩnh Vô Tổ đình Vạn An (Vũng tàu), Trừng Thông Quảng Phát trú trì Tổ đình Long Quang, Trừng Minh Thọ Đức trú trì chùa Bảo Sơn (Vũng Tàu); pháp tử Hòa thượng Thanh An: Trừng Đăng Từ Pháp trú trì chùa Thiên Tôn, chùa Long Quang; pháp tử Hòa thượng Thanh Luật: Trừng Hằng Công Đương Vĩnh Bảo trú trì chùa Phước Long, Trừng Chiếu Tĩnh Niệm trú trì chùa Thiên Thai; pháp tử Hòa thượng Thanh Bình: Trừng Tự Vĩnh Châu trú trì chùa Phước Điền, Trừng Thập Vĩnh Thông trú trì chùa Thiên Phước, Trừng Long Vĩnh Đạo trú trì chùa Thiên Thai; pháp tử Hòa thượng Thanh Phước: Trừng Cang Quảng Đại; pháp tử Hòa thượng Thanh Kim: Trừng Thông Quảng Phát.

Đời thứ 43, gồm chư vị pháp tử Hòa thượng Trừng Hằng: Tâm Thông Truyền Hiển trú trì chùa Phước Long, Tâm Bổn Truyền Lai Trí Nghiêm trú trì chùa Thiên Tôn, Tâm Minh Truyền Chính Liên Châu trú trì tổ đình Long Quang, Tâm Hòa Truyền Kính Huyền Đạo trú trì chùa Cảnh Phước, Tâm Dung Truyền Diệu Liên Phước trú trì chùa Thiên Hưng, Tâm Quảng Truyền Độ trú trì chùa Châu Lâm.

Đời thứ 44, gồm chư vị pháp tử Hòa thượng Tâm Minh: Nguyên Thành trú trì chùa Long Quang, Nguyên Tồn Giác Nguyên trú trì chùa Long Quang, Nguyên Đạt trú trì chùa Bảo Thịnh (Hoa Kỳ), Nguyên An trú trì chùa Cổ Lâm (Hòa Kỳ), Nguyên Kim (Hoa Kỳ); Hòa thượng Tâm Quảng: Nguyên Đức trú trì chùa Hồ Sơn; Hòa thượng Tâm Dung: Nguyên Trực Trì Hành Thiện Đức trú trì chùa Từ Nhãn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyên Trí trú trì chùa Bát Nhã (Hòa Kỳ).

Đời thứ 45, gồm chư vị pháp tử Hòa thượng Nguyên Tồn: Quảng Lực, Quảng Nhựt, Quảng Điền, Quảng Hạnh, Quảng Hiệp, Quảng Bình, Quảng Trí, Quảng Diện, Quảng Luật, pháp tử Hòa thượng Nguyên Trực: Quảng Phổ chùa Từ Nhãn, Quảng Thường, Quảng Ngôn chùa Phổ Quang, Quảng Huệ chùa Long Thọ (Quảng Ngãi), Quảng Dũng.

Đời thứ 46, gồm chư vị pháp tử của Đại đức Quảng Bình: Nhuận Pháp, Nhuận Hoa, Nhuận Giác, Nhuận Bảo, Nhuận Tâm, Nhuận Thành, Nhuận Thắng, Nhuận Hiền, Nhuận Tín, Nhuận Thiện; pháp tử thượng tọa Quảng Ngôn: Nhuận Thành, Nhuận Hòa, Nhuận Toàn, Nhuận Chiếu.

KẾT LUẬN

Từ nội dung trên văn bia tháp Tổ, Thiền sư Liễu Quán có tất cả 49 đệ tử xuất gia, trong đó có 11 vị hành đạo tại quê hương của Ngài. Tuy nhiên, đến nay, truyền thừa dòng Liễu Quán tại Phú Yên chỉ còn truyền theo ba nhánh chính đó là nhánh tổ sư Tế Căn Từ Chiếu phát triển tại vùng Tuy Hòa, nhánh tổ Tế Nhơn Hữu Phỉ phát triển vùng Tuy An, nhánh tổ Tế Hiển Bửu Dương phát triển vùng Sông Cầu. Ba nhánh truyền thừa này của thiền phái Liễu Quán hiện nay phát triển rất mạnh, không chỉ trong phạm vi tỉnh Phú Yên mà còn lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác tại miền Trung và miền Nam. Hiện tại, mạch truyền thừa của thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên đã truyền đến hàng chữ Nhuận, chữ Đức và chữ Bổn, tức thuộc các thế hệ thứ 12, 13 và 14 theo kệ phái Liễu Quán. Vì thế, là hàng hậu bối kế thừa tông chỉ của Tổ sư Liễu Quán, chúng ta cần phải có trách nhiệm gìn giữ giá trị, ngõ hầu dìu dắt cho những thế hệ tiếp theo, đáp đền ân đức Phật Tổ. 

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Đại đức – Thạc sĩ Thích Quảng Hiệp – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

[1] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

[2] Thích Hải Ấn (2022), “Tôn danh của Hòa thượng Tế Nhơn là Hữu Phỉ hay Hữu Bùi”, Tạp chí Liễu Quán, số 25, tr.52-54.

[3] Thích Thiện Chánh (2014), “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr.44-48.

[4] Nguyễn Đình Chúc (2015), Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh, Nxb. Tổng hợp TP HCM.

[5] Nguyễn Đình Chúc (2018), “Tổng quan về Phật giáo Phú Yên ”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.38-45.

[6] Đặng Vinh Dự-Nguyễn Chí Ngàn (2018), “Sắc tứ Kim Cang tự-ngôi cổ tự bên sông Đà Rằng”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.67-71.

 [7] Thích Đồng Dưỡng (2018), “Bước đầu tìm hiểu phả hệ truyền thừa Thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.57-66.

[8 ]Thích Kiên Định (2013), Lịch sử chùa Thiền Tôn và Tổ Liễu Quán truyền thừa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[9] Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, Nxb. TP HCM.

[10] Hà Xuân Liêm (2014), “Tổ sư Liễu Quán qua khảo cứu của các học giả B.A.V.H”,  Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr.36-39.

[11] Thích Không Nhiên (2014), “Từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến thiền phái Liễu Quán sự tiếp nối của mạch nguồn Phật giáo dân tộc”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr.62-67.

[12] Thích Không Nhiên (2018), “Làng Bạc Má và cổ tự Hội Tôn”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.49-56.

[13] Nguyễn Phố-Phan Đức Thành Dũng (2018), “Chùa Bát Nhã và Hòa thượng khai sơn qua sưu khảo tư liệu Triều Nguyễn”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.77-84.

[14] Thích Thiện Siêu (2014), “Bia minh tháp”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr.30-34.

[15] Trần Đình Sơn (2014), “Những ngôi chùa do Tổ sư Liễu Quán khai sơn”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr.40-43.

[16] Trần Đình Sơn (2018), “Sớ cầu an-chúc thọ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát”, Tạp chí Liễu Quán, số 14, tr.72-76.

[17] Thích Nhật Tấn (2022), “Truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hòa”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 174, tr.19-26.

[18] 释澄妙淨行(1923),释窻祖印集,禪林寺.

[19] 沙門道忞撰,歷傳祖圖,天童寺. 

[20] 禪林淨室澄妙淨行.丁巳 (1917),南土寶壇經. 

One thought on “Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên (ĐĐ.ThS. Thích Quảng Hiệp)

  1. Toàn says:

    Hoà thượng Tánh định chùa Long Khánh (thôn Phú Lộc, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *