Ni trưởng Thích Nữ Như Hải là một trong những bậc Ni lưu tài đức của Phật giáo Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Bà có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Hà Tiên giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI. Cả cuộc đời Ni trưởng luôn tận tâm tận lực vì sự phát triển của Phật giáo, để làm tốt đời đẹp đạo với tinh thần thượng cầu Phật đạo – hạ hóa chúng sinh.
THÂN THẾ, HÀNH TRẠNG NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NHƯ HẢI
Ni trưởng Thích Nữ Như Hải [1] thế danh Huỳnh Thị Phước, sinh năm 1941 tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Nhâm, pháp danh Minh Tâm. Thân mẫu là cụ bà Dư Thị Tú Xuân, pháp danh Diệu Cảnh. Gia đình trung lưu, theo truyền thống đạo Phật, kính tin Tam bảo. Cho nên, năm 13 tuổi Ni trưởng đã được quy y Tam bảo để nuôi lớn hạt giống thiện lành. Từ lúc còn nhỏ, Ni trưởng đã gia nhập đoàn thể Gia đình Phật tử tại quê nhà, nhờ vậy mà nhiệt huyết về chiếc áo lam trong cô nữ sinh ngày ấy đến nay vẫn tràn trề niềm tin yêu đối với huy hiệu Sen Trắng của Gia đình Phật tử (GĐPT) [2].
Nhân duyên lành đến, nhị vị Hòa thượng thượng Huyền hạ Vi và Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ về Trà Vinh thuyết pháp cho người dân nơi đây. Gặp được minh sư, Ni trưởng đã cùng 6 vị khác cùng trang lứa cầu sư học đạo. Chùa Vĩnh Bửu (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) là nơi xuống tóc cho Ni trưởng với sự chứng minh của nhị vị Hòa thượng cùng Ni trưởng chùa Vĩnh Bửu lúc bấy giờ làm lễ. Sau đó, Ni trưởng học tập giáo lý, phạm hạnh sơ cơ tại Quan Âm tu viện (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) với sự hướng dẫn của Ni trưởng Thích Nữ Minh Ngọc.
Năm 1959, Ni trường Dược Sư mở giới đàn, tại đây Ni trưởng đã thọ giới Sa-di Ni. Năm 1967, Ni trưởng thọ giới Thức-xoa-ma-na-ni tại chùa Phước Huệ. Năm 1962, Ni trưởng tiếp tục tu học tại chùa Diệu Ấn (Phan Rang) [3]. Đến năm 1963, Ni trưởng cùng các huynh đệ vào chùa Dược Sư (Sài Gòn) tu học cho đến hết năm 1973 [4]. Xuất gia từ khi còn nhỏ, với chí nguyện hướng Phật mãnh liệt, Ni trưởng ngày ngày thiết tha cầu học Phật pháp, thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức để làm nền tảng trên con đường bước đầu tu học của mình. Sau khi hoàn thành ước nguyện phụng sự đạo pháp – nhân sinh, Ni trưởng đã thâu thần viên tịch vào ngày 10/9/2019 (nhằm ngày 12/8 năm Kỷ Hợi).
SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP LỢI CỦA NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NHƯ HẢI
Xây dựng ngôi Sắc Tứ Tam Bảo Tự
Là một Ni trưởng tài đức vẹn toàn cùng oai nghi tế hạnh trọn vẹn, năm 1974, Ni trưởng thượng Như hạ Hải được nhị vị Tôn sư Thích Huyền Vi và Hòa thượng Thích Thanh Từ giao phó nhiệm vụ trụ trì ngôi Sắc Tứ Tam Bảo Tự [5].-
Sắc Tứ Tam Bảo Tự còn gọi là chùa Tam Bảo hay chùa Tiêu. Theo Mạc thị gia phả ghi chép: Ngày trước, khi Thái công (Mạc Cửu) vượt biển đi về phương Nam, cụ Thái bà bà vì nhớ con da diết, nên cũng từ Lôi Châu vượt biển đến thăm. Thái công nhân đó giữ Bà bà ở lại để phụng dưỡng. Ít lâu sau, Thái bà bà vào điện Tam bảo lễ Phật, Thái bà đang ngồi tĩnh tọa hành lễ trước tượng Phật thì tự nhiên mà hóa. Nhân đó mới đúc một pho tượng lập khám thờ cụ ở chùa Tam Bảo, đến nay di tích vẫn còn [6]. Trong Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo có ghi: Khi Mạc Cửu rời Trung Quốc qua khai thác đất Hà Tiên, không đem mẹ theo một lượt. Sau đó ít lâu, bà mẹ nhớ con sang tìm, Mạc Cửu dựng ngôi chùa sau chấn thự cho mẹ tu hành, thỉnh tượng Phật bằng đồng để thờ [7]. Chùa được xây dựng vào năm 1730 [8].
Có lịch sử hình thành hơn 300 năm, chùa trải qua lần đầu trùng tu của Hòa thượng Phước Ân (1920-1946) [9] thuộc dòng Lâm Tế thứ 40. Nhận thấy ngôi chùa xuống cấp, Hòa thượng đã vận động Phật tử tu bổ lại khang trang hơn và trồng thêm một số cây sao làm trang nghiêm cảnh quan khuôn viên chùa. Với mong muốn góp phần cho ngôi Tam bảo hưng thịnh và phát triển, Ni trưởng đã bắt tay vào công cuộc đại trùng tu và xây mới ngôi Sắc Tứ Tam Bảo như: an vị Tôn tượng Phật, Bồ tát, tôn tạo chánh điện và các kiến trúc khác (4 thánh tích, Đông đường, Tây đường cho chư Ni tu học, làm nơi đón tiếp chư Tăng và Phật tử)… Bên cạnh đó, Ni trưởng còn thỉnh 18 tượng La Hán để bố trí nhiều nơi trong khuôn viên chùa nhằm tạo thêm phần uy nghiêm, linh thiêng nơi cửa thiền. Đúng là “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, từ mảnh đất khô cằn, giáp biên giới, nhờ bàn tay chăm chỉ, chịu thương chịu khó cùng với ước nguyện lớn mạnh vì đạo pháp, Ni trưởng đã dùng tâm huyết cả đời hoằng dương chánh pháp để gầy dựng nên ngôi Tam bảo hưng thịnh, phát triển như ngày nay.
Chỉnh đốn, phát triển Gia đình Phật tử
Đi vào đạo pháp bằng con đường Gia đình Phật tử, Ni trưởng rất quan tâm, chú trọng đến Gia đình Phật tử chùa Tam Bảo từ khi về đảm nhiệm chức trụ trì. Một điều khó khăn cho Ni trưởng là vào thời kỳ này diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam nên Người cũng theo đoàn người sơ tán đến Giang Thành (Kiên Giang). Hai năm sau, khi Hà Tiên trở lại yên bình, Ni trưởng lại trở về bắt tay lo Phật sự. Bên cạnh xây dựng ngôi Tam bảo, việc đầu tiên Ni trưởng hướng đến là chỉnh đốn Gia đình Phật tử. Việc ưu tiên trước mắt là củng cố nhân sự, Ni trưởng đã mời một số Phật tử đức độ, có năng lực như: thầy giáo lão thành Trần Phát Đạt – pháp danh là Thiện Niệm làm gia trưởng, Diệu Sang, Minh Tâm, Diệu Phương… Tất cả cùng vun đắp đưa gia đình từng bước đi vào nề nếp và ngày càng vững mạnh [10].
Với lòng nhiệt huyết và niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của Gia đình Phật tử, Ni trưởng luôn tạo mọi điều kiện cho Gia đình Phật tử tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện do Trung ương Giáo hội tổ chức, như: Ngày họp bạn ngành Thanh – Thiếu GĐPT toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng (tháng 7/2007), hay Trại họp bạn liên ngành Thanh – Thiếu GĐPT toàn quốc (năm 2017 ở chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi). Ni trưởng đều lo toàn bộ kinh phí để các Huynh trưởng có cơ hội tham gia, giao lưu học hỏi. Để tạo điều kiện sinh hoạt, Ni trưởng còn dành khuôn viên chùa để Gia đình Phật tử làm trại trường. Hay mỗi khi GĐPT tổ chức trại huấn luyện tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Ni trưởng không ngại khó nhọc, luôn cố gắng lo phần tài chính để hàng trăm trại sinh thuận lợi sinh hoạt, học tập trong suốt 7 ngày. Với sự chăm lo, lòng từ bi yêu thương những đứa con trong Gia đình Phật tử, ngày nay, mỗi cá nhân trong GĐPT chùa Sắc Tứ Tam Bảo ngày càng nâng cao kiến thức, đạo đức. Mỗi người đều là những công dân có ích cho đạo pháp và xã hội.
Tiếp Tăng – độ chúng
Với đức hạnh vang xa, rất nhiều Phật tử từ các tỉnh thành đến gặp Ni trưởng để cầu sư xuất gia, mong muốn nương theo giới đức của Ni trưởng để tu tập. Với lòng từ bi, Ni trưởng đã cho các Phật tử nữ này tập sự khoảng ba năm. Thời gian này, Ni trưởng sẽ chỉ dạy về những oai nghi, tế hạnh trong việc đi, đứng, nằm, ngồi; về việc giữ giới cũng như giữ thân – khẩu – ý cho thanh tịnh, trang nghiêm. Đối với các đệ tử đã xuất gia, Ni trưởng luôn khuyến tấn tinh tiến tu học, cùng sự thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức để mỗi người là một tấm gương cho hàng hậu học noi theo. Cùng với mở trường hạ cho các chư Ni khắp nơi về chuyên tâm tu học trong 3 tháng an cư, nhờ sự chỉ dạy tận tình, khuyến tấn của Ni trưởng, giờ đây mỗi đệ tử của Ni trưởng đều là những chư Ni tài đức vẹn toàn, đi khắp muôn phương tiếp nối sứ mệnh “Trụ pháp vương gia – Trì Như Lai tạng – Tiếp Tăng độ chúng”.
Bên cạnh việc độ chúng xuất gia, Ni trưởng còn quy y cho các Phật tử tại gia, truyền trao năm giới để các Phật tử được kết duyên lành Phật pháp, gieo trồng hạt giống thiện lành. Bằng sự mong muốn xây dựng con người trở nên chân – thiện – mỹ, việc giáo dục về đạo đức tâm linh là việc không ngừng nghỉ của Ni trưởng. Không những làm lễ quy y cho các Phật tử, Ni trưởng còn mở các khóa tu Bát quan trai để Phật tử có cơ hội thực tập 1 ngày tu giống như chúng xuất gia. Với Ni trưởng, rèn luyện đạo đức không chỉ là trách nhiệm của chúng xuất gia mà còn của chúng tại gia. Ni trưởng luôn giáo dục đạo đức cho các cư sĩ, cũng như giúp Phật tử hiểu được tinh thần trách nhiệm, ý thức rõ hậu quả của những suy nghĩ, lời nói, hành động của bản thân đối với chính mình và những người xung quanh. Để những việc đó đi vào thực tiễn, Ni trưởng đã tổ chức khóa tu thiền, toạ thiền, làm các công tác từ thiện xã hội, phóng sanh cho Phật tử tham gia, thực tập. Ni trưởng luôn chú trọng việc rèn luyện nhân cách và đạo đức cho thế hệ trẻ. Với lòng từ bi, hỷ xả Ni trưởng còn tìm đến những người khiếm thị trên địa bàn TP. Hà Tiên để quy y cho họ và hằng tháng còn chu cấp gạo, nhu yếu phẩm cho họ trang trải một phần nào cuộc sống, để ai cũng có thể được học Phật, hiểu pháp. Năm tháng đi qua, các thế hệ trẻ giờ đây đều trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, quê hương và đạo pháp.
Đảm nhiệm các chức vụ, trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang thành lập vào năm 1982, với uy tín và tài đức vẹn toàn, Ni trưởng được Hòa thượng Thích Bổn Châu tín nhiệm đề cử các chức vụ: Chánh Đại diện Phật giáo huyện Hà Tiên, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Kiên Giang (1982-2000), Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Kiên Giang, Viện chủ chùa Sắc Tứ Tam Bảo – TP. Hà Tiên.
Bằng uy tín và giới đức viên tròn, năm 1998, tại các Đại giới đàn do BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang tổ chức, Ni trưởng được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê trong các giới đàn Sa-di, Thức-xoa và Tỳ-kheo để truyền trao pháp giới cho các giới tử. Năm 2016, Đại giới đàn Bổn Châu tổ chức tại Kiên Giang, một lần nữa, Ni trưởng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu Tỳ kheo Ni. Có thể thấy, qua các chức vụ trong Giáo hội, Ni trưởng luôn toàn tâm, toàn lực phụng sự, xứng đáng là một Ni lưu khả kính, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo.
KẾT LUẬN
Ni trưởng thượng Như hạ Hải là một tấm gương sáng về tinh thần thượng cầu Phật đạo – hạ hóa chúng sanh. Cuộc đời Ni trưởng chưa một phút buông lơi việc tu học, hay xa rời chánh pháp. Ni trưởng luôn làm tốt nhiệm vụ “Trụ pháp vương gia – trì Như Lai Tạng – tiếp Tăng độ chúng”, cùng thực hiện tốt tinh thần tốt đời đẹp đạo. Với tài đức hình thành trong quá trình tu học tinh chuyên đó, Ni trưởng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Hà Tiên nói riêng và Phật giáo tỉnh Kiên Giang nói chung. Giờ đây, nơi trung tâm TP. Hà Tiên luôn hiển hiện uy nghi ngôi Sắc Tứ Tam Bảo Tự nghiêm trang như niềm tự hào về bàn tay dựng xây Tam bảo của một bậc Ni lưu dâng trọn cuộc đời mình cho đạo pháp và dân tộc.
Chú thích:
[1] Phần này có sự phỏng vấn đến môn đồ pháp quyến của Ni trưởng Thích Nữ Như Hải cùng với tham khảo “Tiểu sử của Ni trưởng Thích Nữ Như Hải” (lưu hành nội bộ) được Ni trưởng Thích Nữ Như Thông tuyên đọc vào lễ húy kỵ lần 2 tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo.
[2] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.13.
[3] Sđd, tr.13.
[4] Sđd, tr.13.
[5] Sđd, tr.13.
[6] Nguyễn Văn Nguyên (2006), Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, Nxb. Thế giới, tr.41.
[7] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.6.
[8] Đặng Việt Thùy (2013), Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.190.
[9] Sđd, tr.8.
[10] Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.14.