Hiệp Thiên Cung ở Cái Răng, Cần Thơ (Trần Phỏng Diều)

Hiệp Thiên Cung nằm ở một vị trí rất thuận tiện cho khách thập phương đến viếng thăm, cúng bái. Chùa nằm cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 6 km, tọa lạc tại số 29 đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Đây là một trong những ngôi chùa của người Hoa có niên đại xưa nhất ở Cần Thơ.

NGƯỜI DÒNG LỊCH SỬ

Đầu thế kỷ XIX, Cái Răng là một thị trấn phát triển sầm uất với các hiệu buôn, chành lúa gạo của Hoa kiều đến đây lập nghiệp, buôn bán. Mặc dù bận bịu với công việc buôn bán nhưng cộng đồng người Hoa ở đây vẫn duy trì những tín ngưỡng, phong tục mang đậm tính đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng, người Hoa ở Cái Răng đã lập nên ngôi miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế tại trung tâm chợ Cái Răng để phù hộ cho bà con sản xuất được mùa, mua mau bán đắt, gia đạo bình an. Đồng thời, dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp, tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Năm 1856, bà con tu sửa, xây mới mở rộng hình thành ngôi miếu lớn hơn và đặt tên Quan Công Miếu. Năm 1904 trùng tu lại, đưa ba vị Đức Thánh vào thờ: ông Quan Công, ông Phước Đức, bà Thiên Hậu và đổi tên thành Hiệp Thiên Cung, còn có tên gọi khác là chùa Ông. 

Năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chiến tranh diễn ra ác liệt. Từ năm 1945, nhiều bà con người Hoa khu vực này đều phải di tản, ngôi chùa bị bỏ hoang. Năm 1954, bà con người Hoa trở về và cùng nhau tu tạo, sơn sửa lại. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1989, Ban Quản trị chùa Hiệp Thiên Cung cho trùng tu toàn bộ ngôi chùa cho đến ngày nay [1].

PHỐI THỜ CỦA HIỆP THIÊN CUNG

Vị thần được thờ chính trong chùa là Quan Công – vị thần mà theo quan niệm của người Hoa là tượng trưng cho sự trung, hiếu, tiết, nghĩa. Chùa tuy không lớn nhưng mang đậm phong cách Trung Quốc, cách bài trí và kiến trúc thể hiện được nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa. Chùa có diện tích 567.8m2, mặt chính quay về hướng Đông Nam. Toàn bộ kiến trúc được bố cục theo hình chữ Quốc, với bốn dãy nhà khép vuông với nhau. Trong khuôn viên chùa gồm có sân trước, bàn thờ ông Thiên, cột cờ, tiền điện, sân thiên tỉnh, chánh điện, Đông lang và Tây lang.

Trải qua hơn 160 năm xây dựng, đến nay Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi, cổ kính cùng với lối kiến trúc mang đậm phong cách văn hóa Hoa rất độc đáo. Vì lẽ đó ngày 14 tháng 4 năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Hiệp Thiên Cung là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, theo quyết định số 1532/QĐ-BVHTTDL.
(Ảnh: sưu tầm)

Chùa có một khoảng sân rộng, dưới mái chùa phía trước có treo hai quả đèn cầu rất to, trên đó có vẽ những bức tranh sơn thủy và hàng chữ Hán Phong điều vũ thuận. Dưới mái hiên mặt trước chùa có treo một chiếc thuyền rồng trên đó có nhiều tiểu tượng của các vị thần tiên… Hai bên tường phía trước có nhiều bức họa vẽ hình mai, điểu, cúc, trúc, hình bát tiên, hình phong cảnh, hình các vị thần cùng nhiều hoa văn họa tiết khác. Trên mỗi bức vẽ có nhiều dòng chữ Hán như: Xuân đáo nhân gian, Thần tài đáo… Đặc biệt, trước sân còn có cây cột cờ cao hơn 10m có tuổi đời hơn 100 năm – gắn với huyền thoại về sự linh ứng của vị thần được thờ trong chùa. Hệ thống mái chùa lợp ngói ống chia làm 5 cụm, riêng cụm mái ở tiền điện chia 2 cấp, hai đầu đao của cấp mái thứ nhất và thứ hai gắn tượng Tứ Đại Thiên Vương. Bờ nóc trang trí tượng Lưỡng long tranh châu, diềm mái hình lá đề bằng gốm, phù điêu gỗ chạm nổi hoa lá, chim muông, sơn nhiều màu. Hệ đấu củng, các cây dầm, xà ngang, xà dọc đều nối với cột bằng các mộng, tạo thành một khối kiến trúc liên hoàn, vững chắc. Hệ thống vì kèo gồm các xà ngang và cây chổng bố trí theo kiểu tả hữu bình bình kết hợp với các mảng chạm khắc gỗ, nâng đỡ những đòn tay dạng tròn và toàn bộ hệ thống mái phía trên [2]. 

Chiếm hết diện tích cửa chùa là hình vẽ hai vị môn thần, tựa như sự trấn giữ, ngăn chặn những điều không tốt vào chùa. Phía trong cửa chùa là sân thiên tỉnh, dùng để đón ánh sáng mặt trời, làm cho ngôi chùa càng thêm quang đãng. Ngôi chùa được chống đỡ bởi tám hàng cột lớn và rất nhiều cột nhỏ. Các cột lớn sơn son thếp vàng và các cột nhỏ sơn màu đỏ thẫm, chạm khắc rất nhiều hoa văn, biểu tượng theo truyền thống văn hóa Trung Hoa. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo với các đề tài quy ước như: mai – lan – trúc – cúc, long – lân – quy – phụng hay mô tả hình ảnh các trích đoạn về huyền thoại, lịch sử cùng với nghệ thuật thư pháp thể hiện ở các hoành phi, liễn đối, các mảng phù điêu mang ước vọng của đồng bào Hoa về một cuộc sống thanh bình, no ấm. Tất cả đã tạo nên những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của một công trình tôn giáo tín ngưỡng [3].

Trang trọng nhất là gian thờ Quan Công ở nơi chánh điện. Trước gian thờ có một bức trướng to với 4 đại tự bằng chữ Hán: Khí tráng sơn hà – chí khí anh hùng vang dội cả núi sông. Khánh thờ Quan Công được chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu với hình chim muông, hoa lá, trúc… được sơn son thếp vàng. Tượng Quan Công được đặt trong khánh thờ, có tượng Quan Bình và Châu Xương hai bên. Trên áng thờ, ngoài bộ lư hương, nhang, đèn… còn có con Xích Thố của ông trên đó. Hai bên gian thờ Quan Công là hai khánh thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu và Tài Bạch Tinh Quân. Hai khánh thờ này cũng được trang trí đẹp. Hai bên gian chánh điện là hai hàng binh khí, như: xà mâu, đao, thương… càng tạo thêm nét trang nghiêm cho không khí ở đây. Xung quanh còn có nhiều bàn thờ khác, tất cả nhằm hướng tới cội nguồn, mong ước thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu. Hằng năm, chùa có các lễ hội tiêu biểu như sau:

– Lễ Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên, được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới, được tổ chức bắt đầu từ sáng ngày Rằm cho đến hết đêm Rằm tháng Giêng.

– Lễ vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu được tổ chức trong ngày 23 tháng 3 âm lịch. 

– Lễ vía Ông: Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Thời gian tổ chức lễ hội 3 ngày bắt đầu từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5 âm lịch, trong đó ngày 13 là ngày lễ vía chính… chia thành hai phần lễ và hội.

Phần lễ: đúng 9 giờ sáng tiến hành dâng sớ, dâng nhang, lên đèn, đánh 3 hồi trống chuông cúng khai lễ. Tiếp theo, mở nhạc hòa tấu (trước đây mời cả một đoàn nhạc công tấu nhạc) để kết thúc phần nghi lễ. Lễ vật cúng gồm: bánh bao (không nhân), bánh hồng đào (trường thọ), mâm quýt (đại kiết), hoa tươi… được bày trang trọng trên bàn ở giữa gian thứ 5. Điểm đặc biệt lưu ý, trong ngày lễ này tuyệt đối không được cúng thịt gà, thịt bò.

Phần hội: chùa rước đoàn hát Triều Châu (hát Tiều) về biểu diễn tại chùa. Đoàn hát hát cả ngày lẫn đêm cúng Ông và cho bà con trong khu phố xem. Đồng thời tạo bầu không khí vui tươi phấn khởi trong ngày lễ vía. Buổi hát bắt đầu từ buổi sáng ngày 12 đến hết ngày 14 tháng 5.

– Lễ Vu Lan tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Thời gian khai lễ bắt đầu từ 7 giờ tối ngày 16 cho đến chiều ngày 17 tháng 7 âm lịch. Cũng chỉ tổ chức phần lễ và hình thức khai lễ cũng giống như những ngày lễ kể trên.

Gian chính điện Hiệp Thiên Cung Cái Răng. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Trước cửa chùa dựng cặp phướn (một đỏ, một xanh) dài 3 mét, đứng ngoài nhìn vào chùa, phướn đỏ nằm bên phải, phướn xanh nằm bên trái. Bên trong chùa, lập thêm nhiều bàn thờ: bàn thờ Phật, bàn thờ ông Tiêu, ông Hộ, thờ quá cố tiền nhân – bá tánh, thờ chiến sĩ trận vong, thờ thập phương cô hồn. Đúng 7h tối ngày 16 âm lịch tiến hành khai lễ. Sau phần dâng sớ, dâng nhang đèn và 3 hồi trống chuông, mời Pháp sư tụng kinh cầu siêu, cầu an cho đến 10 giờ kết thúc. Đúng 9h sáng ngày 17 cử hành lễ chính. Pháp sư tiến hành tụng kinh lần thứ 2 cho đến giờ Ngọ – và làm lễ phóng tiêu, kết thúc phần kinh tụng. Sau lễ phóng tiêu, Ban quản trị chùa cho tổ chức thí giàn trước sân chùa, kết thúc buổi lễ [4].

Các kỳ lễ này được tổ chức rất long trọng, thu hút đông đảo dân làng và khách thập phương đến dự. Có thể nói, chính lễ hội ở chùa Hiệp Thiên Cung và một số chùa Hoa khác ở Cần Thơ đã góp phần làm nên sự phong phú cho bản sắc văn hóa Cần Thơ cũng như tạo được một sân chơi lành mạnh cho dân làng địa phương và là một trong những địa chỉ du lịch cho du khách đến tham quan cảnh sông nước miệt vườn Cần Thơ.

Trải qua hơn 160 năm xây dựng, đến nay Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi, cổ kính cùng với lối kiến trúc mang đậm phong cách văn hóa Hoa rất độc đáo. Vì lẽ đó ngày 14 tháng 4 năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Hiệp Thiên Cung là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, theo quyết định số 1532/QĐ-BVHTTDL.

 

Chú thích: 

* Trần Phỏng Diều, Trường Cao đẳng Cần Thơ.

[1] Trần Quốc Lương (2009), Chùa Hiệp Thiên Cung – một địa điểm tín ngưỡng và văn hóa ở Cái Răng, Báo Cần Thơ, số ra ngày 19 tháng 4.

[2] Nguyễn Thị Mỹ (2017), Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung, trong cuốn Cẩm nang di tích lịch sử – văn hóa TP Cần Thơ, tr.22.

[3] Nguyễn Thị Mỹ, Sđd, tr.22.

[4] Trần Quốc Lương, Bđd.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *