Bài báo bị rút lại [Di sản tôn giáo của văn hóa Óc Eo ở khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) (Dương Thụy)]

“Phó Tổng Biên tập Thường trực Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo quyết định rút lại bài báo này do tác giả có hành vi đạo văn và mạo danh. Người cộng tác bài viết (Dương Thụy) không phản hồi về cáo buộc đạo văn, đồng thời kê khai không trung thực học vị và nơi công tác của bản thân trong các bài viết cộng tác với Tòa soạn.

Ban Biên tập gửi lời xin lỗi đến quý tác giả bị hành vi đạo văn của người cộng tác (Dương Thụy) ảnh hưởng. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật.”

Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo xin thông báo để quý độc giả liễu tri.”

 

Văn hóa Óc Eo tồn tại từ thế kỷ thứ II TCN đến thế kỷ VII, được phát hiện và nghiên cứu lần đầu vào năm 1944 tại thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), bởi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret. Nền văn hóa này phân bố rộng khắp vùng Nam bộ và Nam Tây Nguyên. Trong đó, đỉnh cao là sự ra đời và phát triển của vương quốc Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Hiện nay, một trong những địa điểm tập trung các di sản và tư liệu lịch sử về văn hóa Óc Eo ở Nam bộ là khu di tích Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Qua nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu, chứng thực khu di tích Gò Tháp chứa đựng nhiều di chỉ văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa tồn tại cách nay trên 1.500 năm. Trong đó, tìm thấy hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: đền thần, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác. Các di tích này được phát hiện trong tình trạng gần như nguyên vẹn trong lòng đất và phân bố liền kề nhau trong quần thể các gò tại khu di tích Gò Tháp.

PHÁT HIỆN SỚM VỀ VĂN HOÁ ÓC EO Ở GÒ THÁP

Những ghi nhận sớm nhất về văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là vào năm 1881 bởi đại úy Silvestre – một thanh tra người Pháp làm việc tại đây. Ông đã thông báo trên tập san của Hội Địa lý học Rodnefort về việc phát hiện một bánh xe bằng đá và dấu tích nền móng của một ngôi tháp cổ [1, tr.12]. Sau đó, các nhà khảo cổ học Pháp đã đến Gò Tháp khảo sát và tìm thấy 8 bản minh văn. Trong đó, bản quan trọng nhất hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM, bia ký mang ký hiệu K5. Qua 22 dòng với 12 khổ thơ chữ Phạn cổ, bia ký cho biết: Vua Phù Nam Jayavarman đã cử thái tử Gunavarman đến cai quản “xứ sở sùng đạo chinh phục từ đầm lầy” và thái tử dâng cúng bàn chân thần Vishnu để cầu mong sự bảo vệ của thần cho vùng đất này.

Thái tử Phù Nam Gunavarman tuy không được ghi chép trong các thư tịch cổ nhưng thông qua nội dung bia ký K5 được mô tả là một người có “tâm hồn cao thượng và trí thông minh… dù còn nhỏ tuổi, đã được chỉ định lãnh đạo một địa phương sùng đạo chinh phục trên bùn lầy, nhờ Ngài là người có đạo đức và phẩm hạnh” [2, tr.44-47]. Nội dung bia ký cho biết: Thái tử là con vua Phù Nam Jayvarman và hoàng hậu Kulaprabhavati. Theo ghi chép của Lương Thư, Jayavarman làm vua từ năm 470-513 và được vua Lương Võ Đế (502-557) phong “An Nam tướng quân Phù Nam vương” vào năm 503 [3, tr.21]. Như vậy, có thể đoán định: Thái tử Gunavarman sinh ra và lớn lên trong nửa cuối thế kỷ thứ V – đầu thế kỷ VI. 

Sau khi được vua cha cử đến cai quản vùng đất Gò Tháp, năm 514, vua Jayavarman băng hà, người anh cùng cha khác mẹ với Thái tử Gunavarman là Rudravarman đã sát hại Ngài để chiếm ngôi báu. Đến năm 550, một người thuộc phe Thái tử Gunavarman chiếm kinh đô Đặc Mục (Vyadhapura), giết Rudravarman để lên làm vua. Nhân cơ hội này, lấy danh nghĩa trả thù cho Rudravarman, vua Chân Lạp là Bhavavarman (cháu của Rudravarman cưới công chúa Chân Lạp và lên ngôi vua nước này) đã tiến đánh và chiếm kinh đô Đặc Mục. Vua Phù Nam lúc bấy giờ phải chạy xuống phía Nam, lập triều đình lưu vong ở Na Phất Na. Năm 627, kinh đô Na Phất Na cũng thất thủ, vương quốc Phù Nam diệt vong [4, tr.75].

Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Qua nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu, chứng thực khu di tích Gò Tháp chứa đựng nhiều di chỉ văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa tồn tại cách nay trên 1.500 năm. (Ảnh: sưu tầm)

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Thái tử Gunavarman là mảnh ghép lịch sử quan trọng của vương quốc Phù Nam nửa đầu thế kỷ thứ VI. Việc ngài đến cai quản vùng đất Gò Tháp là bước ngoặt trong công cuộc xây dựng Gò Tháp trở thành một trong ba tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở vùng Nam bộ. Sự kiện ngài bị sát hại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giai đoạn biến động chính trị của Phù Nam và dần đưa vương quốc này đi vào con đường diệt vong.

BẰNG CHỨNG VỀ SỰ TỒN TẠI MỘT TRUNG VĂN TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA VĂN HOÁ ÓC EO PỬ GÒ THÁP

Từ kết quả điều tra, khảo sát và khai quật tại khu di tích Gò Tháp, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: tượng Phật, đền thần, ao thần, giếng thần, xưởng chế tác,…

Yếu tố Phật giáo

Nhiều tài liệu đề cập đến mối quan hệ bang giao giữa Phù Nam và Trung Quốc đã được nhiều thư tịch cổ Trung Quốc nhắc đến, đặc biệt trong Lương Thư từng nhắc đến chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà sư Phù Nam, đánh dấu mối quan hệ giữa hai vương quốc: Năm 503, theo lời mời của triều đình nhà Lương, vua Phù Nam đã lần lượt phái hai nhà sư là Sanghapala (Tăng Già Bà La) và Mandra (Man Đà La) mang Kinh Phật từ Phù Nam sang Trung Hoa dịch. Hai nhà sư này lưu trú tại Phù Nam Quán. Ngài Mandra đã dịch tất cả 3 bộ 11 quyển, còn ngài Sanghapala dịch được tổng cộng 10 bộ 32 quyển. 

2 tượng thần Vishnu tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
(Ảnh: baodongthap.vn)

Vua Phù Nam còn gửi sang triều đình nhà Lương pho tượng Phật bằng san hô [5, tr.162-164]. Các kinh do hai nhà sư dịch đều được mang từ Phù Nam sang, điều này cho thấy, trước đó ở Phù Nam, những bộ kinh này đã được người Phù Nam học tập, phổ biến. Phật giáo Phù Nam (cả Đại thừa và Tiểu thừa) vào khoảng thế kỷ IV-V đã rất phát triển. Phật giáo Phù Nam chắc chắn được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang, chứ không qua con đường Trung Á. Điều này cho thấy, thời kỳ này (thế kỷ IV-VI), Phật giáo phát triển rực rỡ. Đặc biệt, việc phát hiện các loại tượng Bồ tát (Bodhisattva) đã chứng minh sự có mặt của Phật giáo Đại thừa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Tuy nhiên, các tượng Bồ tát không nhiều và xuất hiện muộn hơn tượng Phật. Pho tượng Bồ tát được phát hiện sớm nhất nơi đây là khoảng cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V, với một tượng bằng đồng nhỏ, mang tính chất phù điêu, được phát hiện ở Óc Eo (An Giang).

– Di tích Đìa Phật – Đìa Vàng: Trước đây, trong quá trình canh tác, người dân địa phương đã phát hiện và giao nộp nhiều tượng Phật gỗ tìm được tại di tích. Năm 2013, di tích được khai quật, bên cạnh việc phát hiện nhiều hiện vật giá trị, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một pho tượng Phật gỗ và dấu vết của kiến trúc nhà ở cư dân Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học xác định di tích Đìa Phật – Đìa Vàng là di tích cư trú kết hợp xưởng chế tác tượng Phật gỗ lớn ở Nam bộ thời văn hóa Óc Eo.

– Tượng Phật gỗ: Đến nay, khu di tích Gò Tháp là nơi phát hiện nhiều tượng Phật gỗ thuộc văn hóa Óc Eo với hơn 30 pho tượng đã được tìm thấy. Phần lớn các tượng gỗ được phát hiện tại Đìa Phật – Đìa Vàng. Các tượng đều tạc Đức Phật trong tư thế đứng thuyết pháp, mang phong cách nghệ thuật Amaravati của miền Nam Ấn Độ và có niên đại khoảng thế kỷ thứ II-VII. 

Thời kỳ này, Phật giáo trong nền văn hóa Óc Eo đã có những trung tâm chuyên chế tác các loại tượng Phật bằng gỗ phục vụ cho người dân trong khu vực. Dấu tích của những trung tâm này chính là các tượng gỗ đang chế tác dở được phát hiện ở Nhơn Thành, Giồng Xoài (An Giang) và đặc biệt là Gò Tháp (Đồng Tháp). Trong đó, vùng Gò Tháp được xem là nơi chế tác các loại tượng Phật cho toàn vùng ĐBSCL, thậm chí cho các vùng lân cận. Theo các nhà nghiên cứu, khu vực này là nơi có nguồn nguyên liệu gỗ phong phú, nơi đây phát hiện số lượng lớn các loại tượng Phật bằng gỗ lớn nhỏ khác nhau, có những tượng đang được chế tác dở. Qua thống kê, ở di tích Gò Tháp có 24 tượng Phật (trong tổng số 55 tượng ở vùng ĐBSCL), trong đó có đến 20 tượng bằng chất liệu gỗ. Các loại tượng Phật bằng chất liệu đá đã được người dân vùng ĐBSCL chế tác tại chỗ, bằng các nguyên liệu của địa phương (đá cát, đá sa thạch trắng xám, đá xanh…). Qua đó càng cho thấy, Phật giáo đã rất phát triển ở đây từ những thế kỷ đầu Công nguyên và tồn tại song song cùng với đạo Bà-la-môn ở cả triều đình lẫn trong dân gian.

Tượng Phật bằng gỗ ở Gò Tháp “vừa phản ánh đặc tính nhạy cảm, dễ tiếp thu các luồng ảnh hưởng nghệ thuật mới, vừa bộc lộ những nét bản địa chân chất, bền vững trong sự sáng tạo đa dạng” [6, tr.58]. Các loại tượng Phật bằng gỗ thường có khuôn mặt trái xoan, vẻ mặt hiền từ, thân hình mềm mại, thể hiện sự từ bi, hiền hòa của Đức Phật, làm an lòng những người đến cửa Phật tìm cầu sự giải thoát.

Những bức tượng đồ sộ ấy có thể được thờ trong những ngôi chùa lớn, nhiều người thờ cúng, còn những bức tượng nhỏ hơn có thể thờ trong gia đình hoặc được những thương nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ mang theo. Nghệ thuật tượng trong văn hóa Ấn Độ chia làm hai thời kỳ: Phi thánh tượng (Aniconic) từ thế kỷ V TCN đến thế kỷ I và Thánh tượng (Iconic) từ thế kỷ I trở về sau. Trong nghệ thuật Phật giáo, ở thời kỳ Phi thánh tượng, Đức Phật được thể hiện qua các hình ảnh ẩn dụ hay biểu tượng như: hoa sen, cây Bồ đề hay xá lợi Phật. Thời kỳ Thánh tượng xuất hiện lần đầu trên đồng tiền đế quốc Quý Sương (Kushan, năm 30-375) với một mặt có hình đức vua Kanishka I (trị vì giai đoạn năm 127-151) và mặt còn lại là hình tượng Đức Phật theo phong cách Gandhara trong tư thế thuyết pháp. Phong cách này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến nghệ thuật tượng Hindu giáo tại Ấn Độ về sau này.

Căn cứ vào đặc điểm, tư thế của tượng, có thể thấy, tượng Phật bằng gỗ thường được tạc theo hai phong cách: Phong cách nghệ thuật Amaravati có pha đôi nét nghệ thuật thời Gupta, thường có chỏm Usnisa hơi nhọn, tai dài, miệng mỉm cười, đứng trên bệ toà sen, một tay đỡ các nếp áo, một tay đưa lên phía trước trong tư thế thuyết pháp, khoác áo cà sa để lộ một bên vai. Một số tượng có sự pha trộn với phong cách nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, dáng mảnh mai, hông hơi lệch về bên phải; phong cách thứ hai thể hiện những yếu tố gần gũi với nghệ thuật Dravavati, khoác áo cà sa kín hai vai, cả hai tay đều trong tư thế ban ân. Chính phong cách tượng Phật bằng gỗ trong văn hóa Óc Eo đã cung cấp thêm cứ liệu về “sự phát triển của trung tâm Phật giáo Phù Nam” [7, tr.280].

Các tượng phụ khác

– Di tích đền thờ Vishnu Gò Tháp Mười: Lần khai quật đầu tiên năm 1998 làm phát lộ một phần kiến trúc xây bằng gạch dài Đông Tây 17,3m, rộng Bắc Nam 12m có hướng ăn sâu vào lòng gò, dưới nền xi măng và bê tông cốt thép của Tháp Mười. Trong lúc khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai tượng thần Vishnu (được công nhận Bảo vật Quốc gia). Tháng 1/2015, lần thứ hai khai quật phát lộ thêm một phần di tích kiến trúc gạch Tây Bắc, một ao thần và đường đi bằng gạch ở phía Đông. Lần khai quật tháng 6/2016 tìm thấy đường đi bao quanh phía Nam và phía Đông đền thờ Vishnu Gò Tháp Mười dài 73m, rộng khoảng 1,5m và sân lễ hội Mandapa trước đền. Đền được xác định do cư dân Óc Eo xây dựng vào thế kỷ thứ II, trùng tu nhiều lần và sử dụng trong thời gian dài.

– Di tích đền Mặt Trời tháp Linh Nam: Phát hiện và khai quật năm 2010, tháp được xây bằng gạch dài 16,8m theo hướng Đông Tây, rộng 9m theo hướng Bắc Nam. Toàn bộ nền và móng là khối đặc xây bằng gạch. Trung tâm đền có đá được xếp hình tròn ở độ sâu 0,2m. Đó là dấu hiệu của đền thờ Mặt Trời. Đá xếp thành khối hình phễu, ở độ sâu 1,37m tìm thấy 2 mảnh vàng (1 mảnh có hình tròn với 8 tia và 1 mảnh có hình tia mặt trời). Di tích được xác định là đền thần Mặt Trời Surya, do cư dân Óc Eo xây dựng từ thế kỷ II và sử dụng đến thế kỷ thứ V.

– Di tích đền thần Mặt Trời gò Bà Chúa Xứ: Năm 1984, đợt khai quật phát hiện một kiến trúc lớn xây bằng gạch dài 20,9m theo hướng Đông Tây, rộng 13,4m theo chiều Bắc Nam. Bình đồ kiến trúc có 14 góc vuông, 24 cạnh dài ngắn khác nhau, cạnh Bắc và Nam dài 12m, cạnh Tây dài 8,5m, cạnh Đông là 5,6m. Trung tâm có xếp hình mặt trời 8 cánh bằng 8 viên gạch. Do trước đây, các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện một tượng thần Surya tại đây nên được khẳng định là đền thần Mặt Trời theo mô hình Manduka-Mandala, xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ IV.

– Di tích đền thần Shiva gò Minh Sư: Đợt khai quật năm 2009 làm xuất lộ một bình đồ kiến trúc gạch có diện tích lên đến 1.000m2, gồm 2 hình vuông xây gá vào nhau có tường bao bọc bên ngoài. Đồng thời, tìm thấy một nhẫn vàng 5 chỉ 8 phân và một máng nước thiêng Somasutra và phần đầu Yoni bằng đá. Đây là những dấu hiệu nhận biết một ngôi đền thần Shiva. Đền được xây vào khoảng thế kỷ thứ VI và sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, di tích đền thần Shiva còn được phát hiện ở phía Tây nền chùa Tháp Linh cũ vào năm 2015, xác định xây vào khoảng thế kỷ thứ IV và sử dụng đến thế kỷ thứ VI.

– Di tích đền thần Uma gò Minh Sư Tây: Đợt khai quật năm 2013 làm phát lộ một kiến trúc khá lớn có bờ kè xung quanh. Ở trung tâm là một kiến trúc nhỏ, bình đồ hình vuông, xây bằng 8 lớp gạch, có cạnh Bắc Nam 3,08m và cạnh Đông Tây 2,93m. Di tích được xác định là đền nữ thần Uma (vợ thần Shiva). Tại đây, các nhà khảo cổ tìm thấy 1 linga hai tầng, 1 bộ linga-yoni và các mảnh vàng lá khắc bò thần Nadin.

– Di tích Ao thần Gò Tháp: Năm 2010, ao được phát hiện ở phía Tây Gò Tháp Mười, dạng gần vuông, cạnh Tây dài 122m, cạnh Đông 113m, cạnh Bắc 98m, cạnh Nam 88m. Ao xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ II-III và sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, ao thần còn được phát hiện ở gò Minh Sư (2013), gò Tháp Mười (2015). 

Tóm lại, các kiến trúc cổ của văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp thường được xây trên các gò cao, thể hiện lòng tôn kính của các tín đồ. Trụ giới của kiến trúc đền thường đặt ở vị trí khoảng 2/3 (tính theo chiều dài trục đối xứng hướng Đông – Tây), xây bằng nhiều lớp gạch. Mỗi lớp gạch được xếp bằng 4 viên gạch theo kiểu chữ Vạn (Swastika) – một biểu tượng thiêng liêng của người Ấn trong việc thờ cúng, trang trí ở Phật giáo. Những phát hiện này góp phần đưa đến những cái nhìn cụ thể hơn về vai trò của tôn giáo – tín ngưỡng đối với đời sống tinh thần người dân văn hóa Óc Eo.

KẾT LUẬN

Qua các đợt khai quật khảo cổ, khu di tích Gò Tháp đã đóng góp số lượng lớn sử liệu vật thật cho công tác nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở khu vực Tây Nam bộ. Đặc biệt, cung cấp những “mảnh ghép lịch sử” về tình hình Phù Nam qua vị Thái tử Gunavarman được ghi lại trong minh văn của tấm bia ký K5 được tìm thấy tại Khu di tích Gò Tháp. Nội dung văn bia cho thấy hình ảnh Phật giáo trong văn hóa Óc Eo đã phát triển. 

Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với các pho tượng Phật bằng gỗ – di vật đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng nhưng số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ V-VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng.

Hiện nay, Gò Tháp được quy hoạch thành Trung tâm văn hóa và du lịch rộng 300ha (từ năm 2005), được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Có thể nói, những hiện vật và di chỉ ở khu di tích Gò Tháp là những minh chứng thuyết phục để làm rõ hơn, đầy đủ hơn những giá trị của văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa mang bản sắc riêng, tồn tại rất sớm ở Nam bộ từ những thế kỷ đầu Công nguyên, là một thành tố quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Võ Sĩ Khải (2018), Kiến trúc trong văn hóa Óc Eo – Hậu Óc Eo ở Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội.

2. Lê Hương (1974), Sử liệu Phù Nam, Nhà in Đoàn Viên, Sài Gòn.

3. Paul Pelliot (1903), Le Founan, Tập san của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, bản dịch của Lê Thước năm 1964, Thư viện Bảo tàng Lịch sử TP HCM.

4. Trần Đức Cường (chủ biên, 2016), Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội.

5. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thanh Niên.

6. Lê Thị Liên (2006), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở ĐBSCL trước thế kỷ X, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

7. Huỳnh Công Bá (2008), Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thuận Hoá.

8. Đào Linh Côn (2004), Một số di tích tiêu biểu của văn hóa Óc Eo trên đất Nam Bộ, trong Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam – Kỷ yếu hội thảo nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Nxb. Thế giới, Hà Nội.

9. Geetesh Sharma (2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, TP HCM.

10. Võ Sĩ Khải (1997), Văn hóa Óc Eo – hai mươi năm nhìn lại, trong Một số vấn đề Khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Nguyễn Quốc Mạnh (2009), Đồ gốm Óc Eo trong di chỉ cư trú khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Luận văn Thạc sĩ sử học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

12. Nishimura Masanari (2003), Nhận thức bước đầu về đồ gốm địa điểm chân Gò Minh Sư (Gò Tháp – Đồng Tháp), Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội.

13. Đặng Văn Thắng (2013), Báo cáo khảo cổ học khai quật Gò Minh Sư (Gò Tháp, Đồng Tháp).

14. Đặng Văn Thắng (chủ biên, 2017), Các trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM.

15. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Hà Thị Sương (2017), Báo cáo khai quật Gò Tháp Mười và thăm dò khu di tích Gò Tháp, Tư liệu Ban quản lý khu di tích Gò Tháp.

16. Đặng Văn Thắng (2016, tái bản lần 2), Đền thần ở Gò Tháp (Đồng Tháp), sách Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *