Quý độc giả thân mến!
Kể từ khi xuất hiện tại Ấn Độ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, đến nay, Phật giáo vẫn giữ nguyên vẹn ban đầu các giá trị đạo đức nhân bản và lý tưởng giải thoát cao đẹp mang đến cho nhân loại. Điều này có được là nhờ vào việc duy trì kỷ cương và truyền thống truyền thừa Chánh pháp tiếp nối giữa các thế hệ Tăng đoàn.
Đạo Phật truyền vào nước ta từ đầu Công nguyên và gắn bó chặt chẽ với sự thịnh suy của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm, các bậc tôn túc đã dày công gìn giữ kho tàng pháp bảo Phật giáo để hàng hậu học được thừa hưởng những chân giá trị tốt đẹp từ truyền thống. Từ tổ chức giáo hội Phật giáo thời nhà Trần đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX là những nỗ lực đáng quý trên con đường xây dựng ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Song, phải đợi đến sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) năm 1981 mới hoàn mãn công trình tập thể nhiều thế hệ ấy. Có thể nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết tinh cao nhất của truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam.
Để tạo nền móng vững chắc cho tổ chức GHPGVN, kỷ cương trở thành vấn đề chung, đòi hỏi mọi thành viên Giáo hội phải tuân thủ giới luật và nguyên tắc lục hòa nhằm trang nghiêm tự thân. Mỗi cá nhân muốn thăng tiến trên con đường tu hành và Giáo hội muốn phát triển bền vững thì vấn đề kỷ cương phải được đặt lên hàng đầu. Đại diện cho kỷ cương Giáo hội chính là giới luật, những quy định trong Hiến chương, quy chế, nội quy, thông tư và các quy định khác của Giáo hội. Đó là những tiêu chuẩn nhất định nhằm ổn định tổ chức. Với tinh thần tự giác, giới luật nhà Phật luôn được Tăng, Ni, Phật tử thừa hành tùy theo cấp độ thọ lãnh và Hiến chương Giáo hội luôn được mọi thành viên tuân thủ. Từ nền tảng này, có thể nói, Phật giáo nước nhà sẽ trở nên hưng thịnh và ngôi nhà GHPGVN sẽ phát triển vững mạnh trên một nền móng vô cùng kiên cố đó.
Vì vậy, để cùng nhìn lại tầm quan trọng của việc duy trì, đề cao tính kỷ cương trong Giáo hội, để cùng hướng đến những dự phóng cao đẹp trong tương lai, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 401 với chủ đề “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển”.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo