Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa lịch sử vàng son (HT. Thích Thiện Thống)

LTS: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng bài viết Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa lịch sử vàng son của Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) từ ngày 28-29/11/2022.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là một sự kiện đặc biệt quan trọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước. Đại hội tổng kết hoạt động Phật sự của 5 năm qua, hoạch định chiến lược phát triển trong 5 năm sắp tới, suy tôn Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự. Trước hết, tôi xin gởi đến toàn thể Đại hội lời chúc mừng trân trọng nhất. Được sự cho phép của Chủ tọa đoàn, tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Giáo hội Phật giáo Việt nam kế thừa lịch sử vàng son”, kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Mỗi lần Đại hội đều là niềm tự hào của Tăng Ni, tín đồ Phật tử về những quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của các Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, tự hào với những thắng lợi to lớn của GHPGVN.

Cũng trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, chư Tôn giáo phẩm hữu công của các tổ chức, hệ phái; tưởng nhớ và tri ân đến các bậc lãnh đạo Giáo hội, quý vị cư sĩ Phật tử qua các nhiệm kỳ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững GHPGVN trong hơn 40 năm qua.

Cách đây 41 năm, ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, kế thừa tâm nguyện thống nhất Phật giáo cả nước của các bậc tiền bối, 165 Đại biểu đại diện cho Tăng Ni, Phật tử của 9 tổ chức hội, hệ phái đã tiến hành Hội nghị Đại biểu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một mốc son lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã bước sang trang sử mới với sự hình thành một tổ chức Giáo hội đầy đủ tiêu chí mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, một tổ chức Giáo hội đại diện ý chí, nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong nước cũng như ở nước ngoài; đề ra phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, nêu cao truyền thống hộ quốc an dân và tính thời đại của Phật giáo Việt Nam.

Sự kiện trọng đại này đã đánh dấu bước phát triển mới trong thời kỳ mới của đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam có tổ chức Giáo hội với nhiều thành viên sáng lập nhất, có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; tạo thắng duyên cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử thực hiện quyền làm chủ của mình trong tất cả lĩnh vực hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương.

Trải qua 41 năm, với 8 nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển có chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt cả hệ thống Giáo hội thực hiện có kết quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước; hoàn thành trọng trách được Tăng Ni, tín đồ Phật tử tín nhiệm giao phó. Qua từng nhiệm kỳ, từng thành viên Giáo hội với những cương vị khác nhau, luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí huệ, truyền thống đoàn kết hòa hợp, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; các thành viên Giáo hội đã làm tròn sứ mệnh của mình một cách vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cách đây 41 năm, ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, kế thừa tâm nguyện thống nhất Phật giáo cả nước của các bậc tiền bối, 165 Đại biểu đại diện cho Tăng Ni, Phật tử của 9 tổ chức hội, hệ phái đã tiến hành Hội nghị Đại biểu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh chùa Quán Sứ – sưu tầm)

Thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay, chúng ta có thể điểm lại những thành tựu nổi bật như sau:

– Nhiệm kỳ I (1981-1987), Giáo hội lúc này có những khó khăn ban đầu, nhưng các thành viên Giáo hội đã vượt qua mọi khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng, kiện toàn bộ máy Giáo hội vững mạnh; một số công tác Phật sự quan trọng về đối nội được hoạch định, triển khai đều đạt kết quả tốt đẹp, như thành lập trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam), trường Cơ bản Phật học (nay là trường Trung cấp Phật học); quan hệ quốc tế được chú trọng và quan tâm; thành lập Ban Trị sự tỉnh, thành và các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các hệ phái thành viên, của Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong sinh hoạt, hành đạo và tu học.

– Sau giai đoạn củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, Giáo hội từ khóa III đến khóa VIII hiện nay đã ngày càng phát huy, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và uy tín của mình ở trong nước cũng như ở nước ngoài được nâng cao. Trong những năm gần đây, hoạt động ban hành văn bản của Giáo hội có nhiều sự phát triển về số lượng và chất lượng, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Giáo hội, hoàn thiện hệ thống tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển của cả hệ thống Giáo hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Tăng Ni, tín đồ Phật tử với nhều tự viện được trùng, xây dựng mới, nhiều diễn đàn, sự kiện được tổ chức trên khắp cả nước. Qua đó, có thể chứng minh rằng Giáo hội đã có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động; nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy Giáo hội các cấp và các định chế của Giáo hội; chú trọng, chủ động, quyết định các vấn đề quan trọng của Giáo hội, đẩy mạnh các hoạt động quốc tế và tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế tại Việt Nam.

– Để thể chế hóa các quy định, từ ngày thành lập đến nay, Giáo hội đã 6 lần sửa đổi Hiến chương. Mục tiêu hướng đến là điều chỉnh kịp thời những bất cập trong quản lý, điều hành; ban hành nhiều văn bản quy phạm khác đã tạo lập nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên Giáo hội, tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử. Đặc biệt những năm gần đây, các hoạt động của Giáo hội đi vào thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của quá trình hội nhập thế giới của đất nước và Giáo hội. Hoạt động đối ngoại của Giáo hội được đẩy mạnh, mở rộng trên nhiều bình diện, đưa ngoại giao của Giáo hội đi vào chiều sâu, góp phần làm cho thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 8 nhiệm kỳ hình thành, phát triển và trưởng thành của GHPGVN, chúng ta dễ dàng nhận thấy:

Thứ nhất, quá trình hình thành và sự ra đời của GHPGVN là kết tinh trí huệ, tâm nguyện của các bậc Tiền bối hữu công, là sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn của truyền thống đoàn kết hòa hợp với những giá trị phổ quát của tinh thần nhập thế, xương minh đạo pháp của các thành viên Giáo hội, phù hợp với nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của các bậc tiền nhân và quy luật phát triển của lịch sử. Từ Ban Vận động Thống nhất Phật giáo đến sự ra đời của GHPGVN qua 8 nhiệm kỳ là một sự tự thân vận động của cả hệ thống Giáo hội, là quá trình tích lũy lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, được cụ thể hóa từng bước với những hoạt động cụ thể, kịp thời, từ thấp đến cao, phù hợp với diễn biến và yêu cầu của mỗi giai đoạn.

Thứ hai, Giáo hội luôn là biểu hiện của truyền thống đoàn kết hòa hợp, là ngôi nhà chung của các Hệ phái, của Tăng Ni và tín đồ Phật tử ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngay từ nhiệm kỳ I, trong cơ cấu và cách thức tổ chức của Giáo hội đã thể hiện tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của các thành viên, gắn bó mật thiết với Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong tổ chức và thực hiện các hoạt động Phật sự.

Thứ ba, Giáo hội là một tổ chức duy nhất đại diện ý chí, nguyện vọng của các hệ phái, Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước, luôn được khẳng định một cách nhất quán và xuyên suốt trong các chủ trương, đường hướng hoạt động, được thể chế hóa trong Hiến chương Giáo hội. Qua mỗi lần sửa đổi Hiến chương, vị trí, vai trò, tính chất của Giáo hội lại được hoàn thiện hơn ở tầm cao mới. Giáo hội là tổ chức duy nhất do Tăng Ni, tín đồ Phật tử toàn quốc suy cử theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; hoạch định và quyết định những vấn đề trọng đại của Giáo hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử.

Mỗi lần Đại hội đều là niềm tự hào của Tăng Ni, tín đồ Phật tử về những quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của các Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, tự hào với những thắng lợi to lớn của GHPGVN. Cũng trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, chư Tôn giáo phẩm hữu công của các tổ chức, hệ phái; tưởng nhớ và tri ân đến các bậc lãnh đạo Giáo hội, quý vị cư sĩ Phật tử qua các nhiệm kỳ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững GHPGVN trong hơn 40 năm qua.

Thứ tư, sự phát triển của Giáo hội là một quá trình liên tục và kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức hoạt động, phương thức thực hiện; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn lịch sử. Kinh nghiệm thực tiễn của Giáo hội nhiệm kỳ trước luôn là bài học quý giá cho việc kiện toàn, củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Giáo hội nhiệm kỳ sau. Đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Giáo hội luôn được tiến hành đồng bộ, có định hướng và mục tiêu rõ ràng; bước đi thận trọng, chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ năm, bảo đảm và tăng cường sự đoàn kết hòa hợp, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức là nhân tố quyết định để Giáo hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Tăng Ni, tín đồ Phật tử ủy thác. Hoạt động của các cấp Giáo hội luôn theo tiêu chí: “Kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước”, triển khai hiệu quả các chủ trương, quan điểm vào các hoạt động ban hành văn bản, đôn đốc, kiểm tra và quyết định các vấn đề trọng đại của Giáo hội.

Chúng ta tin tưởng rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 nhiệm kỳ, chuẩn bị bước vào hành trình mới – nhiệm kỳ IX, với những cung bậc thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng Giáo hội chúng ta với truyền thống và kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm trước tiền đồ của đạo pháp và đất nước, nhất định Giáo hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của các Hệ phái, Tăng Ni, tín đồ Phật tử như lời dạy của Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự: “Lịch sử luôn tiến về phía trước, ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Chúng ta luôn trân trọng, học tập và thừa hưởng những thành quả của các bậc tiền nhân để lại, nhưng lặp lại quá khứ trong hiện tại là không cần thiết. Vì sự xương minh Đạo pháp và lợi ích của dân tộc, mọi người chúng ta phải một lòng đoàn kết hòa hợp, đừng vì những dị biệt mà quên đi hoài bảo thống nhất Phật giáo của các bậc tiền bối, làm như thế sẽ có tội với lịch sử và dân tộc”.

Tóm lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh bao tâm nguyện, hoài bảo của các bậc tiền nhân. Đây là sự thống nhất trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, tự nguyện, thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các Phật sự. Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành quả tất yếu của lịch sử. Quá khứ tốt đẹp luôn là động lực, là sức mạnh để mỗi người chúng ta cùng nhau viết nên những trang sử vẻ vang cho Phật giáo nước nhà, làm cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững ngang tầm thời đại, khẳng định vị thế, tầm vóc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

 

 

Chú thích:

* Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *