LTS: Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật giáo trân trọng giới thiệu toàn văn Chương trình mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022-2027) của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô từ ngày 28-29/11/2022.
A. BỐI CẢNH CHUNG
Nhân loại chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế, hợp tác, phát triển vì hòa bình và sự thịnh vượng chung. Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá phát triển trên nhiều lĩnh vực và phương thức hợp tác, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với con người, với mọi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, nhân loại cũng đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, mâu thuẫn, xung đột, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt trước nhiều thách thức cạnh tranh khu vực sâu sắc.
Đất nước ta, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao trên thế giới. Song, trong bối cảnh tình hình chung, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, cũng đặt ra nhiều thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Trong nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực phấn đấu theo định hướng: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển theo các mục tiêu, phương hướng sau đây:
B. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
I. NÊU CAO KỶ CƯƠNG, GIỚI LUẬT, GẮN LIỀN TRÁCH NHIỆM TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ LÀ TRÊN HẾT, TRƯỚC HẾT. NÊU CAO TINH THẦN ĐOÀN KẾT, HÒA HỢP, XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI VỮNG MẠNH TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ. VỮNG VÀNG KIÊN ĐỊNH TRÊN CON ĐƯỜNG PHỤNG SỰ THEO LÝ TƯỞNG: ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
1. Nêu cao kỷ cương, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế, và pháp luật Nhà nước trong quản lý Tăng Ni, tự viện. Lấy nguyên tắc Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp trong điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội.
2. Xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các cấp. Nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạt động Phật sự của các Ban Trị sự tỉnh, thành phố. Tập trung kiện toàn và hoàn thành việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh miền núi, hải đảo.
3. Hướng dẫn, tổ chức thành lập Ban Quản trị chùa, cơ sở tự viện theo Hiến chương sửa đổi lần thứ VII và tiến hành đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Tăng cường giao ban cả trực tiếp và trực tuyến giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với các Ban Thường trực Ban Trị sự địa phương nhằm tạo mối quan hệ chặt chẽ, trao đổi thông tin Phật sự thường xuyên giữa Trung ương và các địa phương góp phần thúc đẩy các hoạt động Phật sự phát triển rộng khắp và có chất lượng đáp ứng nhu cầu của từng địa phương và của đồng bào Phật tử cả nước.
5. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng hành chính Giáo hội, nghiệp vụ trụ trì; phổ biến sâu rộng và quán triệt việc thực hiện đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các quy chế ban, viện Trung ương. Phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn thực hiện nghị định thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến toàn thể Tăng Ni, các tự viện trong cả nước.
II. NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA GIÁO HỘI. XÂY DỰNG GIÁO HỘI SỐ THEO XU THẾ THỜI ĐẠI. KIỆN TOÀN VÀ HOÀN THÀNH CÁC TRUNG TÂM ĐIỀU HÀNH ĐIỆN TỬ CỦA 02 VĂN PHÒNG Trung ương GIÁO HỘI VÀ BAN TRỊ SỰ GHPGVN CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Nâng cao năng lực quản trị hành chính của Giáo hội. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật số thời đại 4.0, cải cách hành chính của Giáo hội ở tất cả các cấp, các chùa và cơ sở tự viện.
2. Xây dựng và đẩy mạnh mô hình Giáo hội kiến tạo phát huy sáng tạo của Tăng Ni, Phật tử phát triển Giáo hội nhập thế mạnh mẽ, phụng sự nhân sinh.
3. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng giới luật Phật chế, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước.
III. TĂNG NI, PHẬT TỬ GHPGVN KHÔNG NGỪNG PHÁT HUY TINH THẦN YÊU NƯỚC, TÍCH CỰC XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC. HƯỞNG ỨNG, THAM GIA CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, LỢI DÂN, ÍCH ĐẠO, LỢI ĐỜI, CHUNG TAY CÙNG ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN DÂN CẢ NƯỚC PHẤN ĐẤU CHO MỤC TIÊU: DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH
1. Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với các ban, bộ ngành Trung ương.
2. Vận động Tăng Ni, Phật tử phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, cùng với đồng bào và nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử cả nước tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội.
4. Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội tích cực tham gia các đoàn thể xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
IV. ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP HOẰNG DƯƠNG GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT VÀO MỌI MẶT CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI. ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG PHƯƠNG THỨC HƯỚNG DẪN TÍN ĐỒ PHẬT TỬ. HƯỚNG DẪN CÁC PHÁP MÔN THỰC HÀNH CỦA PHẬT GIÁO PHÙ HỢP VỚI XÃ HỘI HIỆN ĐẠI, VỚI MỌI TẦNG LỚP TRONG XÃ HỘI, GÓP PHẦN CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN, XÂY DỰNG VÀ LÀM ĐẸP NỀN ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
1. Lấy việc tu tập pháp hành của Tăng Ni, Phật tử là nhiệm vụ trọng tâm trong hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cấp bách hiện nay của các tầng lớp trong xã hội.
2. Đổi mới phương thức truyền bá, chuyển tải giáo lý Phật giáo theo tinh thần tùy duyên, phương tiện, khế lý, khế cơ đến với từng nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.
3. Sắp xếp lại tổ chức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng hoằng pháp viên nhằm chủ động trong nguồn lực nhân sự Giảng sư đoàn từ Trung ương đến các địa phương. Chú trọng nhân sự giảng sư đoàn đi hoằng pháp tại hải ngoại phục vụ cộng đồng bà con Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.
4. Tổ chức hội thảo, nghiên cứu thực tế, điền dã nhằm tìm ra hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc truyền bá đạo Phật trong đồng bào Phật tử các dân tộc miền núi.
5. Chú trọng đến việc hướng dẫn, đưa vào nề nếp sinh hoạt các Gia đình Phật tử theo Hiến chương và nội quy đã được tu chỉnh. Mở các lớp bồi dưỡng, triển khai chương trình tu học và huấn luyện đã được tu chỉnh, nhằm thực hiện tốt việc tu học, sinh hoạt, và nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho các huynh trưởng và đoàn sinh đáp ứng yêu cầu đặt ra.
6. Quản lý và mở rộng các hình thức sinh hoạt của giới trẻ thanh, thiếu niên Phật tử. Phát huy mô hình câu lạc bộ Thanh niên, Thiếu niên Phật tử và Ban Liên lạc Phật tử hải ngoại. Tổ chức những lớp giáo lý và sinh hoạt cho tuổi trẻ tại các chùa, tự viện thường xuyên và rộng khắp với nội dung phong phú.
7. Thông qua các khóa tu khuyến khích giới trẻ, đồng bào Phật tử tinh thần từ bi, tương thân tương ái, quan tâm và phụng sự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, xa rời các tệ nạn xã hội góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư cùng nhau làm đẹp nền đạo đức xã hội.
8. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phương pháp truyền bá, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử.
V. PHÁT HUY TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠO PHẬT, ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRÊN CẢ HAI LĨNH VỰC: ĐÀO TẠO TĂNG NI VÀ THAM GIA VÀO NỀN GIÁO DỤC XÃ HỘI. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, ĐA DẠNG LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO, ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY VÀ THỰC HÀNH GIÁO PHÁP TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
1. Thống nhất quản lý chương trình giáo dục đào tạo Phật giáo trong toàn hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội theo từng cấp học. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở Giáo dục Phật giáo. Đề cao tu tập trong quá trình đào tạo và coi trọng đạo hạnh, kỹ năng hoằng pháp, trụ trì là tiêu chuẩn chất lượng đào tạo.
2. Đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học trong các Học viện Phật giáo Việt Nam và hệ thống giáo dục Phật giáo. Quản lý chất lượng, chủ động nguồn nhân lực đội ngũ giảng sư Học viện. Quản lý chất lượng đầu ra nhằm đào tạo ra những thế hệ Tăng Ni có đạo hạnh mô phạm, vừa uyên thâm về giáo lý Phật giáo, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa thâm nhập vào đời sống thực tiễn tu hành, đủ khả năng để truyền tải giáo lý ứng dụng cho quảng đại quần chúng nhân dân và đồng bào Phật tử có trình độ nhận thức cao của xã hội hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trong đời sống đương đại.
3. Hoàn thành bộ sách giáo khoa chương trình thống nhất trong tất cả các trường hệ Trung cấp Phật học trong cả nước. Đặt yêu cầu giáo trình, giáo án đối với các bộ môn tại các học viện Phật giáo. Kiện toàn khung chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học chung cho các Học viện.
4. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn, tiến hành sắp xếp tái cơ cấu, sáp nhập các trường Trung cấp Phật học theo vùng và theo khu vực địa lý.
5. Củng cố và xây dựng cơ sở vật chất cả phần cứng và phần mềm (thư viện, trang thiết bị dạy và học…) các trường lớp đào tạo của hệ thống trường Trung cấp Phật học và các Học viện Phật giáo, đặc biệt quan tâm giúp đỡ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP. Cần Thơ.
6. Tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về giáo dục Phật giáo. Tăng cường giao lưu quốc tế, đặc biệt trong mạng lưới các trường đại học Phật giáo trên thế giới.
7. Triển khai thí điểm xây dựng hệ thống trường tư thục Phật giáo.
VI. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM, ĐẢM BẢO CÓ SỰ TIẾP NỐI GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG THỜI ĐẠI HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1. Hoàn thiện và nghiệm thu đưa vào ứng dụng kết quả 4 đề án: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
2. Xây dựng đề án, tổ chức và có biện pháp thực hiện Việt hóa các nghi lễ Phật giáo. Thống nhất nghi thức, quy củ thực hành các nghi lễ Phật giáo, đặc biệt là các Đại giới đàn, quy y, lễ hằng thuận cho Phật tử…, đồng thời chấn hưng tổ chức An cư kết hạ của Tăng Ni.
3. Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống. Đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, đảm bảo các pháp môn tu hành đúng chính pháp của các sơn môn, hệ phái Phật giáo được tôn trọng và duy trì.
4. Khuyến khích xây dựng các ngôi chùa thuần Việt với ngôn ngữ tiếng Việt, kiến trúc truyền thống, nhất là tại nơi biên giới, hải đảo, và tại hải ngoại.
VII. ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, QUAN HỆ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ THEO ĐỊNH HƯỚNG GẮN VỚI NGOẠI GIAO VĂN HÓA, NGOẠI GIAO NHÂN DÂN. CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VỚI CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO VÀ TỔ CHỨC TÔN GIÁO THẾ GIỚI. KIỆN TOÀN, MỞ RỘNG VÀ KẾT NỐI CHẶT CHẼ VỚI CÁC HỘI PHẬT TỬ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
1. Tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng Phật giáo các nước ASEAN. Chủ động tích cực tham gia với tư cách thành viên, thành viên sáng lập của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Phật giáo châu Á vì hòa bình ABCP, Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, Liên minh Phật giáo toàn cầu… góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
2. Thường xuyên trao đổi đoàn đi thăm các nước, tham gia hội thảo quốc tế, cũng như đón tiếp các phái đoàn quốc tế, các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo đường lối ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, và mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
3. Quan tâm sâu sắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng bà con Việt kiều tại hải ngoại.
4. Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
5. Thông qua Bộ Ngoại giao, phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong việc gìn giữ di sản Phật giáo Việt Nam: Hệ phái Phật giáo Việt tông và các ngôi chùa Việt tại Thái Lan, tại Lào và Campuchia.
VIII. MỞ RỘNG VÀ THÚC ĐẨY CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC TẠI CÁC VIỆN, TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC CỦA GHPGVN. HỢP TÁC VÀ LIÊN KẾT NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VỚI CÁC CƠ SỞ NGHIÊN CỨU, TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI, NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC THUẬT PHẬT GIÁO. TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU CÓ ĐỊNH HƯỚNG, KHẲNG ĐỊNH VÀ LÀM NỔI BẬT TINH HOA, BẢN SẮC CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
1. Đẩy mạnh công tác dịch thuật, phiên dịch, ấn hành kinh điển Phật giáo từ nguồn cổ ngữ: Hán tạng, Pali, Sanskrit, và các ấn phẩm nghiên cứu Phật học từ nguồn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật tập trung vào lịch sử Phật giáo thế giới, thiền tông, tịnh độ tông, mật tông.
2. Tập trung nguồn lực phát triển trung tâm dịch thuật Hán Nôm. Đào tạo nguồn lực ngành dịch thuật Hán Nôm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dịch thuật. Tiếp tục tổ chức phiên dịch Đại tạng kinh Hán tạng.
3. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tập trung phiên dịch, khảo cứu làm nổi bật giá trị các tác phẩm trước tác của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Tiếp tục công trình Đại tạng kinh Việt Nam.
4. Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và các hội thảo liên ngành về Phật giáoViệt Nam, Phật giáo vùng Đông Nam Á và thế giới trong xã hội đương đại.
5. Xây dựng thư viện điện tử và hơp tác kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu Phật giáo quốc tế.
IX. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁP CHẾ, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA CÁC CẤP GIÁO HỘI. QUẢN LÝ CHẶT CHẼ SINH HOẠT TỰ VIỆN, SINH HOẠT CỦA TĂNG NI THEO ĐÚNG HIẾN CHƯƠNG GHPGVN VÀ PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC
1. Thường xuyên giám sát, kiểm soát, tăng cường quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt của Tăng Ni, tự viện trong cả nước, nhất là đối với Tăng Ni trẻ trước những hoàn cảnh xã hội hiện đại.
2. Quán triệt thực hiện điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự của các ban, viện, Ban Trị sự địa phương đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Tăng cường hiệu năng làm việc, tính chuyên nghiệp của các bộ máy trong công tác kiểm soát, pháp chế. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn, với các Ban Trị sự địa phương để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình thực tiễn, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của Giáo hội.
X. XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA GHPGVN PHÙ HỢP VÀ TƯƠNG THÍCH VỚI CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA. NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ ĐẨY MẠNH HƠN NỮA TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO LÀ KÊNH HOẰNG PHÁP VÀ CHUYỂN TẢI CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI, NHẰM NÊU CAO GIÁ TRỊ TỪ BI, TRÍ TUỆ CỦA ĐẠO PHẬT, HÌNH ẢNH TỐT ĐẸP CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ, CỦA TỔ CHỨC GHPGVN CÁC CẤP TRONG SỰ NGHIỆP PHỤNG ĐẠO, YÊU NƯỚC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN
1. Kiện toàn hệ thống truyền thông Phật giáo từ Trung ương đến địa phương. Mở nhiều các lớp bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên môn mang tính chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo.
2. Kịp thời thông tin truyền thông các tin tức Phật sự, các thành tựu Phật sự và các điển hình tiêu biểu trong công tác Phật sự đến với đông đảo đồng bào Phật tử và xã hội.
3. Quản lý tốt và thúc đẩy hoạt động báo chí Phật giáo. Bao gồm cả báo in, tạp chí Phật giáo và báo mạng, các trang điện tử của Giáo hội từ Trung ương đến các Giáo hội địa phương.
4. Xây dựng kế hoạch chi tiết và sự hợp tác cụ thể phát triển nội dung kênh truyền hình An Viên để kênh An Viên thực sự là kênh truyền hình Phật giáo.
5. Chủ động trong việc xử lý các khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
XI. PHÁT HUY TINH THẦN TỪ BI CỦA ĐẠO PHẬT, KHÔNG NGỪNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI. KÊU GỌI TĂNG NI, PHẬT TỬ TÍCH CỰC THAM GIA, HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO, CHĂM LO CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI
1. Phát huy tinh thần từ bi, kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực trong công tác từ thiện xã hội.
2. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, nghèo đói, công tác từ thiện xã hội tập trung xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm y tế xã hội…
3. Tập trung vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa tham gia giao thông, giáo dục, y tế xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non.
XII. LAN TỎA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN PHẬT TỬ HƯỚNG TỚI TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA GIÁO HỘI QUA VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ PHẬT GIÁO Ở NHỮNG LĨNH VỰC HỢP LÝ. KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỰ TÚC CỦA CÁC CƠ SỞ TỰ VIỆN
1. Thành lập các doanh nghiệp chủ thể Phật giáo theo luật doanh nghiệp tham gia ở các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức, du lịch tâm linh, văn hóa…
2. Thực hiện liên kết liên doanh với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhằm tạo nguồn tự chủ tài chính cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
3. Khuyến khích Tăng Ni phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện, vận động gây quỹ cho các hoạt động của Trung ương Giáo hội và các cấp Giáo hội địa phương.