LTS: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng bài viết Quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập và phát triển của Ni sư Thích Nữ Tâm Trí – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) từ ngày 28-29/11/2022.
Nói về hoạt động đối ngoại Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, chúng con Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản xin chia sẻ như sau: Theo quan sát của cá nhân, hoạt động Giáo hội hiện có những dấu ấn rất đặc biệt. Cụ thể qua nhiều sự kiện quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức mang tầm quốc tế, đặc biệt là Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc đã thu hút đông đảo chư Tăng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo các nước, tín đồ Phật tử thập phương và trong nước về tham dự. Bản thân chúng con, một Tỳ kheo Ni hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Nhật Bản cùng đồng bào về tham dự, tất cả đều tâm đắc, hoan hỷ và tán thán sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy tụ được đông đảo các giới. Một Tăng nhân Nhật bản đã hoan hỷ chia sẻ với chúng con “Phật giáo Nhật Bản không thể làm được như vậy”.
Rõ ràng, sự thống nhất mang tính truyền thống của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ vẫn nguyên vẹn giá trị văn hóa tâm linh truyền thống sâu sắc, đặc biệt là sự hội nhập mang tính bền vững hài hoà bình đẳng vượt lên sự phân biệt nhưng luôn tôn trọng tính khác biệt đặc trưng của mỗi dân tộc. Bằng sự chân thành nhiệt huyết cỡi mở thân thiện, Phật giáo Việt Nam đã và đang là người bạn đồng hành cùng Phật giáo thế giới trong mọi hoàn cảnh.
Để có được những thành tựu như vậy là do Phật giáo Việt Nam luôn đặt trọng tâm vào công tác “nuôi dưỡng và tiếp sức” cho thế hệ Tăng Ni trẻ. Nhận định đây là tài sản quý, là sức mạnh vô giá nên Giáo hội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy hết tài năng, đạo hạnh của bản thân trong ngôi nhà chung Phật pháp. Thế nhưng Giáo hội chưa có giải pháp cụ thể dành cho Tăng Ni trẻ có nhiều hơn cơ hội để phát huy tiềm năng đó. Chúng con hy vọng qua Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX này, Đại hội vạch ra nhiều định hướng mới, tạo điều kiện cho Tăng Ni trẻ phát huy năng lực. Ví dụ, khả năng sẵn có của vị tu sĩ là ngoại ngữ, có chuyên môn về y tế, hoặc đã trải qua đào tạo về tâm lý học, lại có tâm thế sẵn sàng cống hiến, Giáo hội nên quan tâm nhiều hơn để những vị tu sĩ đấy tùy theo sở trường của bản thân mà phát huy, dấn thân phụng sự. Như thế sẽ tạo được nhiều phúc lợi xã hội.
Cụ thể hiện nay, nhu cầu Phật pháp của người Việt Nam ở Nhật Bản rất cao. Chúng con xin dẫn chứng cụ thể, trong hai năm đại dịch COVID-19 biết bao hoàn cảnh của thực tập sinh, du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản thật đáng thương như thất nghiệp không có công ăn việc làm, không nơi tá túc, không có chuyến bay về nước, không người thân bên cạnh… Nhiều người trẻ trong số đó sinh ra trầm cảm, lo âu, hoang mang. Lúc bấy giờ các bạn chỉ biết tìm đến chùa để được giúp đỡ.
Tại chùa của chúng con đã chăm sóc cho các em từ chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi, trị liệu bằng Phật pháp cho hơn 2.068 bạn trẻ. Khi đến chùa các bạn được chăm sóc tinh thần rất tốt cụ thể: tụng kinh, bái lạy, niệm Phật, dạy thiền, nghe giảng, chấp tác, phân chia lương thực đóng gói gửi đi cho các hoàn cảnh khó khăn… Hàng ngày cùng chư Ni trong chùa hướng dẫn tu tập, cùng sinh hoạt qua chất liệu rèn luyện tâm làm chủ tâm và nhiếp tâm chánh định, dần dần các bạn khỏe mạnh và không còn lo âu, sợ hãi hay hoang mang, mà thay vào đó là nở nụ cười tươi, sức khỏe kiện tráng.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện tại kiều bào ta đang sinh sống học tập làm việc trên toàn cầu hơn 5 triệu người. Dù ở đâu, bà con rất khan hiếm Phật pháp. Nên rất mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt là Ban Phật giáo Quốc tế có định hướng cụ thể để đào tạo được lực lượng hoằng pháp, cử ra nước ngoài hoạt động tôn giáo với tư cách là “Sứ giả Như Lai”.
Trong năm 2022, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản thông qua sự chỉ dạy của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công cử cử 3 vị sang Nhật Bản để cùng chúng con thực hiện công tác Phật sự “như núi” tại Nhật Bản. Khi 3 vị đó có được visa tôn giáo sang Nhật Bản đã và đang hỗ trợ chúng con rất nhiều. Hiện tại 3 vị đang hoằng pháp, là thành viên điều hành của Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản và chùa Đại Ân.
Do đó, chúng con rất mong mỗi Tăng Ni thế hệ trẻ cố gắng trau dồi Bi – Trí – Dũng thật vững chãi và rèn luyện ngoại ngữ thật kỹ để sau Đại hội toàn quốc lần này, Tăng Ni thế hệ trẻ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng sẵn có của mình. Đồng thời, chúng con rất mong quý lãnh đạo Giáo hội cần xem hoạt động Đối ngoại là vấn đề then chốt trong việc xây dựng hình ảnh uy tín của Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có hướng dẫn cụ thể để các ngôi chùa được hợp pháp hoá dựa trên sự phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước, Ban Tôn giáo Chính phủ để đặt định và quy hoạch chương trình tu học, hành đạo mang tính thực tiễn và sâu rộng hơn.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên tạo hành lang pháp lý tốt nhất để mỗi ngôi chùa tại hải ngoại là một điểm đến bình an, nơi đó hội tụ hình ảnh quê hương và là mái nhà chung chan chứa yêu thương xoa dịu nỗi khổ niềm đau của những người con xa quê hương.
Cuối cùng, Giáo hội cần quy hoạch và có tầm nhìn lâu dài hơn trong công tác đạo tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, phổ biến pháp luật, văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trước khi công cử quý Tăng Ni trẻ dấn thân hành đạo tại hải ngoại.
Chú thích:
* Ni sư Thích Nữ Tâm Trí – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản.