Lời Phật dạy cho nữ giới trong Kinh tạng Pali (ĐĐ. Thích Tịnh Đạo)

Dẫn nhập: Trong tứ chúng đệ tử Phật, hàng Tỳ kheo Ni và nữ cư sĩ Phật tử có một vai trò rất lớn. Trong kinh tạng Pāli, bên cạnh những lời dạy chung cho việc tu tập, Đức Phật có nói những bài kinh mà trong đó người nữ được nhắc đến. Tuy không phải dành riêng cho nữ giới nhưng những bài kinh này liên quan và có ý nghĩa với họ hơn. Vì vậy, người viết sưu tầm, làm rõ những lời dạy trong các bản kinh đó và áp dụng chúng vào đời sống và sự tu tập của người nữ trong thời đại hiện nay; cũng là một phần nhỏ giúp nhìn nhận lại vai trò của người nữ trong thời đại và sự bình đẳng trong việc tu tập giải thoát.

Những điều khác biệt

Trong quá trình phát triển xã hội loài người, con người từ chế độ mẫu hệ đặc trưng của thời nguyên thủy dần chuyển sang chế độ phụ hệ. Vì vậy, người nữ có khi bị coi thường và có vai trò thấp bé trong xã hội. Xã hội Ấn Độ cổ đại có sự phân cấp rõ ràng và vai trò người nữ cũng không được coi trọng. Khi Đức Phật thành đạo, Ngài dạy giáo lý giải thoát, không phân biệt giai cấp, xuất xứ, giới tính. Đặc biệt là sự thành lập Tăng đoàn Tỳ kheo Ni đã thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt vời cách đây hơn 25 thế kỷ của đấng giác ngộ. Những gì mà người nữ phải gánh chịu bởi đặc trưng tâm sinh lý và sức ép xã hội bấy giờ cũng được Đức Phật nêu rõ: “Này các Tỳ kheo, có năm đau khổ riêng biệt mà người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỳ kheo, người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ nhất, này các Tỳ kheo, người đàn bà phải gánh chịu điều đó khác biệt với đàn ông. Lại nữa, này các Tỳ kheo, người đàn bà có kinh nguyệt. Đây là đau khổ riêng biệt thứ hai… người đàn bà phải mang thai. Đây là sự đau khổ riêng biệt thứ ba…một người đàn bà phải sanh con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ tư, người đàn bà hầu hạ đàn ông. Đây là đau khổ riêng biệt thứ năm, này các Tỳ kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông” [1].

Những đau khổ riêng biệt mà người nữ phải gánh chịu khác biệt với người nam về mặt tâm sinh lý đó là có kinh nguyệt, mang thai, sanh con. Vì thiên chức làm mẹ, người nữ phải chịu đựng những đau khổ kể trên, Đức Phật thấu hiểu và đưa ra những điều như vậy, vào lúc mà xã hội còn thiếu hiểu biết và thiếu chú ý tới những gì người nữ gánh chịu. Đặc biệt là nỗi đau khi sanh nở, đây là một việc rất đau đớn mà những ai làm mẹ phải trải qua, Kinh Angulimàla (M.86) cũng nhắc đến nỗi đau này: “Trong khi đi khất thực từng nhà một ở Sāvatthī, Tôn giả Aṅgulimāla thấy một người đàn bà đang sanh đẻ, rất là nguy kịch và đau đớn. Thấy vậy, Tôn giả suy nghĩ: “Thật đau khổ thay các chúng sanh! Thật đau khổ thay các chúng sanh!” [2]. Những niềm đau này ở thời đại nào, hoàn cảnh nào thì người nữ cũng phải chịu đựng. Ngày nay, những điều này được nhìn nhận và y học có nhiều phương pháp làm dịu đi phần nào nỗi đau ấy. Xã hội và gia đình, đặc biệt là người chồng cần thấu hiểu hơn những nỗi đau này, nhằm thông cảm, góp phần xoa dịu những gì mà người nữ phải chịu đựng.

Ngày nay, xã hội phát triển, người nữ được tự do hơn trong việc chọn lựa bạn đời, có khả năng từ chối và quyết định số phận của mình. Song, dù thoải mái, tự do hơn, xã hội vẫn cần nhìn nhận và trong hôn nhân cần chú ý tới điều này để bù đắp, ứng xử hợp lý với người làm dâu hay cả người ở rể, hướng đến hôn nhân hạnh phúc bền vững.

Khi người nữ theo chồng, rời xa cha mẹ, phải gánh chịu sự cô đơn, khổ đau vì chia lìa người thân thuộc thuở thiếu thời. Chính vì vậy, thân phận con gái hay được ví von là “mười hai bến nước không biết bến nào đục, bến nào trong” mà “trong thì nhờ, đục thì chịu”. Đó là thân phận của người nữ ở xã hội Ấn Độ thời bấy giờ và những nơi còn kém phát triển. Ngày nay, xã hội phát triển, người nữ được tự do hơn trong việc chọn lựa bạn đời, có khả năng từ chối và quyết định số phận của mình. Song, dù thoải mái, tự do hơn, xã hội vẫn cần nhìn nhận và trong hôn nhân cần chú ý tới điều này để bù đắp, ứng xử hợp lý với người làm dâu hay cả người ở rể, hướng đến hôn nhân hạnh phúc bền vững.

Việc người nữ chăm sóc chồng con, gia đình cũng là điều bình thường vì khi đó là hành động xuất phát từ tình cảm yêu thương chân thật. Song nên tránh việc bắt người vợ phải hầu hạ chồng như thời xưa, xem vợ như một vật phụ thuộc, vì đó là tư tưởng phản tiến bộ, không tôn trọng phụ nữ. Ngày nay, công việc chăm sóc gia đình trở nên bình đẳng hơn, vợ chồng cùng chăm sóc gia đình và chăm sóc lẫn nhau, đây là điều đúng đắn mà các gia đình cần xây dựng.

Trên đây là năm nỗi khổ riêng biệt mà người nữ phải gánh chịu so với người nam. Với sự phát triển của xã hội, những nỗi đau trên cũng phần nào được giảm thiểu bởi sự can thiệp của khoa học, thuốc men (đối với nỗi đau sinh lý) hay sự thấu hiểu, chia sẻ (đối với vai trò, bổn phận). Tuy nhiên, đối với Phật giáo, những khổ đau trên chỉ là nỗi khổ tạm thời, hay chỉ một đời. Quan trọng hơn, Đức Phật còn dạy về những nguyên nhân sâu sắc và cần giải quyết triệt để để đời sống an vui, hạnh phúc.

Nỗi khổ đau sâu thẳm

Nỗi khổ cần được giải quyết triệt để đối với Phật giáo là nỗi khổ gốc rễ, gây ra bởi tham, sân, si. Ngoài ba gốc rễ khổ đau chung của chúng sanh, Đức Phật cũng dạy về gốc rễ khổ đau của người nữ trong Kinh Tương Ưng rằng: “Đầy đủ ba pháp này, này các Tỳ kheo, người đàn bà phần lớn sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ kheo, người đàn bà, vào buổi sáng, ở nhà với tâm bị xan tham ám ảnh, vào buổi trưa, ở nhà với tâm bị tật đố ám ảnh, vào buổi chiều, ở nhà với tâm bị dục tham (kàmaràgam) ám ảnh. Này các Tỳ kheo, đầy đủ ba pháp này, người đàn bà phần lớn sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục” [3].

Nỗi khổ đau mang tính gốc rễ, lâu dài, có khả năng đưa đến tái sinh đường dữ ở đời sau và cuộc sống không hạnh phúc được Đức Phật dạy do ba nguyên nhân chính là xan tham, tật đố, dục tham. Ngoài ra, trong các bài kinh liên tiếp trong Kinh Tương Ưng 4, phẩm Trung Lược [4], Đức Phật tiếp tục trình bày các ác pháp, gồm: bất tín, vô tàm, vô quý, phẫn nộ, ác tuệ, hận, tật đố, phạm dâm, ít nghe, biếng nhác, ác giới, thất niệm đều là nguyên nhân đưa người nữ tái sanh trong đường dữ, ác thú, địa ngục. Đó đều là những tâm bất thiện có nguồn gốc từ tham, sân, si thâm căn cố đế của chúng sanh chứ không riêng gì ở người nữ. Tác hại và tâm nào có gốc từ đâu được trình bày rất rõ ràng trong Thành Duy Thức luận và những bản chú giải. Trong bản kinh, chúng đều là nguyên nhân đưa đến khổ đau đáng sợ nhất ở đời và tái sanh trong cõi khổ ở những đời sau.

Và cũng trong Kinh Tương Ưng, năm giới của cư sĩ được Đức Phật nhắc lại khi dạy cho người nữ: “Đầy đủ năm pháp, này Anuruddha, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là năm? Đó là sát sanh, là lấy của không cho, là tà hạnh trong các dục, là nói láo, là say đắm rượu men, rượu nấu” [5]. Năm giới cho Phật tử tại gia là nguồn gốc giữ gìn hạnh phúc cho mọi người chứ không chỉ riêng người nữ. Việc phạm các giới căn bản này cũng đưa đến tác hại là chịu đựng nổi khổ sâu thẳm và lâu dài như đối với các bất thiện tâm kể trên.

Giới hạnh không những là yếu tố tạo nên đời sống hạnh phúc nơi kiếp sống này mà còn là nhân lành để có thể sanh vào các cõi tốt đẹp và trở lại làm người. Khi làm người, muốn sanh trong một nơi có đủ điều kiện để hạnh phúc, người nữ cần thực hành các việc công đức: “Được sanh vào một gia đình thích đáng, được đi đến (làm vợ) một gia đình thích đáng, được ở trong một gia đình không có người địch thủ, được sanh con trai, chinh phục được người chồng! Năm sự kiện này, này các Tỳ kheo, thật dễ cho người đàn bà có làm các công đức có thể thực hiện được”.
(Ảnh: sưu tầm)

Như vậy, nói riêng với nữ giới, những nỗi khổ đau mang tính gốc rễ của đời người cũng rất đáng sợ và rất đáng quan tâm. Đối với những nỗi khổ đau do không giữ gìn năm giới hay có gốc từ những bất thiện tâm, khó phương tiện thuốc men nào có thể hỗ trợ, chính bản thân họ phải tự quyết định và giải quyết chúng, nếu muốn có được hạnh phúc chân thật. Phương pháp giải quyết những nỗi khổ kể trên để có một đời sống hạnh phúc cũng được Đức Phật dạy trong các bản kinh Nikaya.

Xây dựng hạnh phúc

Những phương pháp Đức Phật dạy giúp người nữ có được hạnh phúc trải dài từ việc giải quyết đời sống gia đình, đem lại hạnh phúc thế gian, cho đến giải quyết những gốc rễ khổ đau, đem lại hạnh phúc xuất thế gian. Đối với đời sống gia đình, Đức Phật dạy những gì của người nữ là khả ý với người nam: “Và này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sanh con” [6] và những gì của người nam là khả ý với người nữ: “Này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có khả năng sanh con” [7].

Đó là những gì tốt đẹp, hấp dẫn của người nữ và người nam tạo nên một sự kết hợp hoàn chỉnh cho đời sống vợ chồng, là nền tảng để gia đình hạnh phúc và cá nhân hạnh phúc. Đối với nhan sắc, người nữ thường được mệnh danh là phái đẹp, cái đẹp của họ được quy định qua từng thời kỳ với những tiêu chuẩn khác nhau, những người khác nhau lại có quan điểm vẻ đẹp khác nhau. Chung quy lại, mọi người nữ đều có vẻ đẹp rất riêng. Có tài sản cũng là một yếu tố được nhắc đến, tiền tài chưa chắc mua được hạnh phúc, nhưng chắc chắn không có một hạnh phúc nào ở thế gian mà không xây dựng trên nền tảng ấm no. Nếu gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, làm sao có thể hạnh phúc được? Nên việc có một lượng tài sản vừa đủ để trang trải cuộc sống là điều kiện tất yếu của hạnh phúc. Tài sản còn là nền tảng cho việc bố thí, cúng dường, đem lại phước báu – một yếu tố xây dựng hạnh phúc bền vững. Lanh lợi, không biếng nhác cũng là yếu tố quan trọng để cuộc sống có được những giá trị tốt đẹp. 

Trong năm đức tánh trên, giới hạnh chính là yếu tố quan trọng và nền tảng, được Đức Phật nhấn mạnh: “Này các Tỳ kheo, người đàn bà không do nhân nhan sắc, không do nhân tài sản, không do nhân bà con hay không do nhân con trai, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỳ kheo, người đàn bà do nhân giới hạnh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này” [8]. Giới hạnh không những là yếu tố tạo nên đời sống hạnh phúc nơi kiếp sống này mà còn là nhân lành để có thể sanh vào các cõi tốt đẹp và trở lại làm người. Khi làm người, muốn sanh trong một nơi có đủ điều kiện để hạnh phúc, người nữ cần thực hành các việc công đức: “Được sanh vào một gia đình thích đáng, được đi đến (làm vợ) một gia đình thích đáng, được ở trong một gia đình không có người địch thủ, được sanh con trai, chinh phục được người chồng! Năm sự kiện này, này các Tỳ kheo, thật dễ cho người đàn bà có làm các công đức có thể thực hiện được” [9].

Ngoài ra, Đức Phật còn chỉ ra bổn phận của người nữ trong gia đình rằng: “Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Thế nào là bốn? Ở đây, này Visakha, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết gìn giữ tài sản cất chứa” [10]. Việc đồng vợ đồng chồng trong gia đình chính là yếu tố giúp đời sống hạnh phúc và thành công. Riêng với người nữ, họ có một vai trò rất quan trọng, khéo léo chu toàn trong ngoài, hòa nhã, dịu dàng, giữ gìn tài sản, chu toàn công việc và quản lý nhân sự trong nhà. Ngày nay, người nữ cũng bình đẳng với người nam trong mọi công việc, nhưng ở thời Đức Phật, những điều trên được Ngài nêu ra quả là một cuộc cách mạng giúp chứng tỏ tầm quan trọng của nữ giới trong xã hội. 

Hạnh phúc bền vững

So với việc xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc thế gian – những gì thuận theo vô thường không bền vững, thì việc tạo ra một đời sống thánh thiện hướng tới mục đích giải thoát cao thượng và hạnh phúc bền vững là điều đáng chú ý hơn cả. Vì vậy, tiếp theo bốn điều Phật dạy về vai trò người nữ ở đoạn kinh trên, Đức Phật tiếp tục chỉ bày bốn điều: “Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào tầm tay của nàng. Thế nào là bốn? Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ” [11].

Khi trở thành một “người con gái Như Lai”, người nữ cũng cần phải tăng trưởng năm điều: “Tăng trưởng về lòng tin, tăng trưởng về giới hạnh, tăng trưởng về nghe nhiều (sutena), tăng trưởng về thí xả, tăng trưởng về trí tuệ. Này các Tỳ kheo, được tăng trưởng với năm sự tăng trưởng này, này các Tỳ kheo, một nữ Thánh đệ tử được tăng trưởng trong Thánh tăng trưởng”.

Đầy đủ lòng tin chính là tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng. Đầy đủ giới đức tức sự giữ gìn các giới luật theo cấp bậc của nữ cư sĩ cho đến một Tỳ kheo Ni. Bố thí có thể được thực hiện qua hai phương diện chính là tài thí và pháp thí. Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất là thành tựu trí tuệ. Và con đường cao thượng nhất, phù hợp nhất cho việc thành tựu trí tuệ, giải thoát giác ngộ đạt được hạnh phúc chân thật đó là từ bỏ đời sống gia đình thế tục, trở thành một vị Tỳ kheo Ni. Đức Phật đã mở ra một con đường cao thượng, tốt đẹp cho người nữ trong việc thành lập Tăng đoàn Tỳ kheo Ni, cho phép nữ giới tiếp xúc với những điều cao thượng – điều chưa từng được thực hiện trước đó ở xã hội bấy giờ. 

Việc trở thành một Tỳ kheo Ni, thực hiện con đường giải thoát, tu tập Giới – Định – Tuệ để tiêu trừ những ác tâm, những ác nghiệp, hướng tới sự giải thoát cao thượng, hạnh phúc chân thật bền vững là điều mà bất kỳ người nữ nào cũng phải hướng đến để không cô phụ tấm lòng từ bi, cải cách xã hội thời bấy giờ của Đức Phật. Và khi trở thành một “người con gái Như Lai”, người nữ cũng cần phải tăng trưởng năm điều: “Tăng trưởng về lòng tin, tăng trưởng về giới hạnh, tăng trưởng về nghe nhiều (sutena), tăng trưởng về thí xả, tăng trưởng về trí tuệ. Này các Tỳ kheo, được tăng trưởng với năm sự tăng trưởng này, này các Tỳ kheo, một nữ Thánh đệ tử được tăng trưởng trong Thánh tăng trưởng” [12].

Không những vậy, việc tinh tấn tu tập, khiêm cung, giữ gìn giới hạnh và sơ tâm ban đầu cũng được Đức Phật nhấn mạnh, so sánh với việc người nữ khi mới về làm dâu nhà chồng: “Này các Tỳ kheo, các thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ sống với tâm người vợ trẻ khi mới đến nhà chồng” [13]. Người nữ mới về nhà chồng thì tâm lý khiêm cung, siêng năng, một thời gian sau khi quen dần dễ lơ là những việc tốt đẹp. Người xuất gia cũng vậy, sơ tâm dõng mãnh, tinh tấn sẽ dễ bị thối thất qua khoảng thời gian dài sống trong Tăng đoàn. Bởi vậy, phải luôn giữ vững sơ tâm của mình, nhắc nhở bản thân liên tục về lý tưởng cao đẹp, về việc lớn sanh tử phải giải quyết, chớ để luống uổng công xuất gia, phí hoài thân người quý giá.

Kết luận

Người nữ có những nỗi khổ đau riêng biệt so với người nam, thông qua các bài kinh được trích dẫn, người viết đã nêu rõ những điều mà Đức Phật đã dạy cách đây hơn 25 thế kỷ. Cùng với những biến đổi của xã hội và sự phát triển của con người, những nỗi khổ riêng biệt đó phần nào được thấu hiểu và xoa dịu. Tuy nhiên, nỗi khổ quan trọng nhất của người đời, không riêng gì người nữ chính là khổ đau do các bất thiện tâm đem lại và khổ đau lớn lao của sanh tử luân hồi. Những bài kinh được tổng hợp ở đây đã nêu lên phương pháp và Đức Phật dạy có liên quan đến nữ giới trong việc giải quyết những vấn nạn từ đời sống gia đình, đem lại hạnh phúc thế gian cho nữ giới nói riêng và con người nói chung. Quan trọng hơn hết là những lời dạy về việc phải chú trọng giải quyết những bất thiện tâm, tu tập, giữ gìn và tăng trưởng thiện tâm giúp giải quyết gốc rễ khổ đau, hướng tới giải thoát khỏi khổ đau sanh tử muôn đời.

Những gì được trình bày mang tính tổng hợp những bài kinh có nhắc đến nữ giới. Song, đó cũng là bài học chung cho cả nam giới trong việc thấu hiểu những nỗi đau của người nữ để có thể cảm thông, chia sẻ. Đồng thời, chính là thấu hiểu nỗi đau của chính mình và đồng hành cùng nhau trên con đường xây dựng hạnh phúc thế gian. Hơn hết là tích cực tu tập, hướng tới việc dập tắt những đau khổ sâu thẳm, hướng tới hạnh phúc vững bền.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, chương Ba: Tương Ưng Nữ Nhân, phần Một, I. Phẩm Trung Lược, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.304.

[2] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.129.

[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, chương Ba: Tương Ưng Nữ Nhân, phần Một, I. Phẩm Trung Lược, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.304.

[4] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.389.

[6] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.384.

[7] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.384.

[8] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.398.

[9] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.400.

[10] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, chương VIII Tám Pháp V. Phẩm Ngày Trai Giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.645.

[11] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, chương VIII Tám Pháp V. Phẩm Ngày Trai Giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.646.

[12] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, chương III Tương Ưng Nữ Nhân, Phần I. Phẩm Trung Lược, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.402.

[13] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp VIII. Phẩm Không Hý Luận, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.703.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *