DẪN NHẬP
Sắc thân tứ đại [1] vốn dĩ thuộc về tự nhiên. Phải chăng đây là căn nguyên mà các bậc Thiền sư dù tu tập đến gần cảnh giới chứng ngộ cũng trở nên gần gũi hơn với thiên nhiên? Có lẽ vậy mà ta đã gặp một Thiền sư Vạn Hạnh yêu từng chồi xanh cỏ cây, một Huyền Quang say mê hoa cúc và một Trần Nhân Tông ái mộ hoa mai.
VÀI NÉT VỀ TRẦN NHÂN TÔNG
Trần Nhân Tông (陳仁宗) sinh ngày 7/12/1258 (Mậu Ngọ, 11/11). Ông là hoàng đế thứ ba của triều Trần nước Đại Việt, trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278, đến ngày 16 tháng 4 năm 1293 truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm thái thượng hoàng. Ngài là vị anh hùng dân tộc, là nhà quân sự lỗi lạc, là chính trị gia kiệt xuất, là nhà văn hóa lớn và là nhà thơ tài hoa.
Năm 1299, ngài xuất gia tu hành ở núi Yên Tử; chuyên tâm theo hạnh khất thực, lập ra Thiền phái Trúc Lâm (竹林禪派), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà (香雲大頭陀), sau lại đổi thành Trúc Lâm Đại Sĩ (竹林大士). Tháng 5 năm 1307, Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên đỉnh Ngọa Vân lập am nhỏ làm nơi tu hành, và gọi là am Ngọa Vân. Tại đây, vào giờ Tý, mồng 1 tháng 11 năm Mậu Thân, Điều ngự Trần Nhân Tông đã “an nhiên hóa Phật” trên phiên đá ở tư thế sư tử nằm. Sau ngày nhập diệt, người đời gọi phiến đá này là “Niết bàn thạch”. Từ đây, đỉnh Ngọa Vân đã trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền tiếp nối và hợp nhất ba dòng thiền của Đại Việt ở thế kỷ XII, bao gồm: dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi; cùng với sự ảnh hưởng của Tông Lâm Tế.
Tư tưởng chủ đạo và pháp tu của dòng thiền này có thể được quán sát qua bốn câu kệ kết thúc trong bài phú Cư trần lạc đạo (居 塵 樂 道):
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”
Nguyên tác:
居 塵 樂 道 且 隨 緣
饑 則 餐 兮 困 則 眠
家 中 有 寶 休 尋 覓
對 境 無 心 莫 問 禪。
Dịch thơ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói ăn mệt mỏi phải ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
(Nguyễn Thanh Huy dịch)
HOA MAI TRONG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
Một cánh mai thơm báo mùa xuân
Từ ngàn xưa hoa mai đã trở thành đề tài ngâm vịnh của tao nhân mặc khách. Hoa mai không chỉ đẹp bởi dáng vẻ, sắc hương mà còn bởi sức sống mãnh liệt, biết chịu đựng để có thể vươn mình khai hương khoe sắc. Yêu mai, thích mai không chỉ thuộc đặc quyền của riêng ai. Nhưng qua cái nhìn của Trần Nhân Tông hoa mai hiện ra với một diện mạo riêng biệt, đặc sắc. Ở đó hoa mai vừa mang vẻ đẹp vốn có vừa trở nên lung linh, huyền ảo; độc đáo, kì lạ. Như trong Tảo mai kì nhất(早梅其一), hai câu đầu ông viết:
“Ngũ xuất viên ba kim niễn tu
San hô trầm ảnh hải lân phù”.
Nguyên tác:
五出圓芭金撚鬚
珊瑚沉影海鱗浮。
Dịch nghĩa [2]:
Năm cánh xoe tròn nhị điểm vàng
[Như] bóng san hô chìm, [như] vảy cá biển nổi.
Nếu như câu một chỉ thuần tuý miêu tả dáng điệu của loài hoàng mai năm cánh với những nhị hoa điểm vàng thì ở câu hai là một đặc sắc liên tưởng. Hoa mai đẹp tựa bóng san hô trong nước; hoa mai lấp lánh như vảy cá biển nhô lên mặt nước. Cái hay chính ở chỗ này. Vì sao lại là “bóng san hô chìm”? Và vì sao… “vảy cá biển nổi”? Cách chọn lọc hình ảnh và lựa chọn từ ngữ đã khiến câu thơ tạo ra sự đối ứng trong cấu trúc cú pháp, đồng thời là sự đối lập, trái nghĩa bởi 2 từ: trầm >< phù.
San hô vốn đã đẹp bởi nhiều màu sắc sống động và nó càng đẹp hơn khi chìm trong sự dao động của nước, khiến các màu sắc như hoà quyện; lúc mờ lúc tỏ, lúc hư lúc thực. Và vảy cá chỉ đẹp, chỉ óng ánh khi nó phải nhô lên khỏi mặt nước mới có thể đón nhận được những tia nắng, tạo ra phản xạ ánh sáng làm cho nó trở nên lấp lánh, nhiều màu. Rõ ràng ánh nhìn này mới mẻ, lạ lẫm, chưa từng bắt gặp trong bất kì thi phẩm nào. Những liên tưởng như vậy khiến cho hoa mai thật lung linh pha lẫn vẻ bí ẩn, mầu nhiệm. Thật là tuyệt bút!
Sự so sánh này dễ khiến ta nhớ tới cách ngắm hoa mai của Trần Quang Khải, trong bài Lưu Gia Độ (劉家渡 ), có câu:
“Thi khách trùng lai đầu phát bạch
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”.
Nguyên tác:
詩客重來頭髮白
梅花如雪照晴川。
Dịch nghĩa:
Khách thơ trở lại đầu đã bạc
Hoa mai như tuyết chiếu lòng sông.
Như vậy, một người thì nhìn mai như bóng san hô trong nước, một người thì thấy mai như tuyết trắng qua bóng nước lòng sông. Cách ngắm mai không trực diện, gián tiếp của Trần Quang Khải đã khiến hoa thêm lung linh và tôn lên vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của loài mai trắng; đồng thời cho thấy ở đây một không gian tĩnh lặng, một mặt hồ yên ả, một lòng nước trong ngần.
Hoa mai tự thân đã đẹp. Đó là cái đẹp khách quan ai cũng thấy và nhìn nhận. Nhưng nếu chỉ thấy cái đẹp lúc mai khai hoa nở nhụy thì mới chỉ dừng lại ở cái đẹp hình thức mà vẫn chưa thực sự thấu cảm hết những ẩn tàng bên trong vẻ đẹp ấy. Người yêu mai, hiểu mai đều biết rằng để có được một bông hoa khoe sắc toả hương thì mai phải chịu đựng, đương đầu trong suốt mùa đông rét mướt với biết bao mưa dập gió vùi, tuyết rơi băng đọng.
Vốn là một người say mê và gần gũi với hoa mai, Trần Nhân Tông rất rõ phẩm cách phi thường ấy, ông đã khắc họa lại:
“Cá tam đông bạch chi tiền diện
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu”.
Nguyên tác:
箇三冬白枝前面
些一辨香春上頭。
Dịch nghĩa:
Ba tháng đông dài cành trơ trắng
Một cánh hoa thơm chớm đầu xuân.
Chỉ cần hình ảnh nhành cây trắng bởi ba tháng mùa đông (bạch / chi tiền diện) đủ nói lên sức sống mạnh mẽ, bền bỉ; sự bất phục, hiên ngang của loài mai cao quý. Và có lẽ chính sự khắc nghiệt của hoàn cảnh đã khiến cho hoa mai trở nên đẹp đẽ, lạ thường. Hình ảnh một cánh hoa thơm (nhất biện hương) mang lại hương sắc đầu xuân như một kết quả đầy ý nghĩa khi phải trải qua những gian truân, thử thách. Khi ấy mọi khó khăn chỉ còn là làm nền cho những thành tựu ngọt ngào thêm nổi bật mà thôi!
Vẻ đẹp của hoa mai luôn trong tiềm thức của người yêu mai. Nhưng hoa mai sẽ còn đẹp hơn khi được người thưởng thức quan sát tỉ mỉ, nắm bắt được những khoảnh khắc sống động lúc đang khoe sắc và hoà mình vào trong thế giới tự nhiên. Là người yêu mai sâu sắc, Trần Nhân Tông đã kịp chụp lại, tái hiện được giây phút diệu kì này, ông viết:
“Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh
Dạ quang như thủy khát cầm sầu”.
Nguyên tác:
甘露流芳癡蝶醒
夜光如水渴禽愁。
Dịch nghĩa:
Sương đọng ngọt hương lay bướm tỉnh
Ánh đêm như nước khiến chim khát buồn.
Thật là trác việt! Hai câu thơ đã bày ra tất cả những gì đẹp nhất, say đắm nhất của hoa mai trong những thời khắc đặc biệt của thiên nhiên. Bằng một sự quan sát tinh tế ông đã thấy những hạt sương ngọt đọng lại trên cánh mai, nó hoà quyện với mật ngọt của bông hoa, rồi chuyển động long lanh thơm ngát (cam lộ lưu phương) khiến cho bướm phải say lòng. Hình ảnh “cam lộ” trong câu thơ này lại gợi cho ta nhớ về một giọt sương khác – sương treo đầu ngọn cỏ – trong Thị đệ tử (示弟子) của Thiền sư Vạn Hạnh:
…
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
Nguyên tác:
任運盛衰無怖畏
盛衰如露草頭鋪。
Dịch nghĩa:
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương treo.
Đặc biệt hơn, Trần Nhân Tông còn nhìn thấy sự phát quang của hoa mai trong bóng đêm. Ở đó mai lấp lánh, sóng sánh như nước khiến những chú chim đang khát lầm tưởng, và rồi, thất vọng buồn bã. Xưa nay khi nhắc đến cái đẹp, người ta thường nói “chim sa cá lặn”, “hoa nhường nguyệt thẹn” để chỉ vẻ đẹp tuyệt sắc của một giai nhân khiến vạn vật trở nên tự ti, e thẹn; thì trong tình huống này vẻ đẹp của hoa mai đã khiến cho bướm phải si tình mà chim thì sầu muộn. Những quan sát, liên tưởng và so sánh độc đáo như vậy đủ cho thấy một tấm lòng say sưa, ngưỡng mộ hoa mai biết nhường nào!
Tất cả những gì thuộc về hoa mai đều đẹp đẽ. Một vẻ đẹp cốt cách, thanh tao, trang nhã. Đẹp đến độ nếu Hằng Nga ở trên cao có biết thì cũng rời xa cây quế cung thiềm. Ông viết:
“Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu!”
Nguyên tác:
姮娥若識花佳處
桂冷蟾寒只麼休。
Dịch nghĩa:
Hằng Nga nếu biết miền hoa đẹp
Cây quế cung thiềm lạnh bỏ chơ.
Rõ ràng, đến đây có thể khẳng định trong mắt ông hoa mai có vẻ đẹp li trần thoát tục, có thể khiến trần gian hóa địa đàng để mà tiên nhân chẳng còn tiếc chốn bồng lai. Hai câu thơ gợi lên một hình ảnh tương phản, đối lập với tâm trạng chán chường nhân thế của các thi nhân đương thời – những năm đầu thế kỷ XX. Họ muốn thoát ra khỏi cái không gian chật chội, giải toả sự cô đơn trống trải để tìm bầu bạn nơi cung quế chị Hằng cùng với gió mây. Tản Đà viết:
“Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”.
Vẻ đẹp cốt cách, bất phàm của hoa mai là khách quan, không có gì để bàn cãi. Điều ấy một lần nữa được ghi lại qua mấy câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn trong bài Tặng thi Hứa tăng Khắc Sơn (贈詩許僧克山):
“Vật ngoại phiêu nhiên chỉ nhất thân
Thử gian vinh nhục lưỡng vô văn
Dã mai cốt cách nguyên phi tục
Hải hạc phong tư tự bất quần”.
…
Nguyên tác:
物外飄然只一身
此間榮辱兩無聞
野梅骨格元非俗
海鶴風姿自不群。
Dịch nghĩa:
Một thân phiêu nhiên ở trên đời
Hai chữ vinh nhục chẳng nghĩ lo
Cốt cách mai rừng vốn vượt tục
Phong tư hạc biển tự siêu quần.
Một nhành mai trong mộng cố nhân
Tương truyền Trần Nhân Tông vì thích hoa mai nên khi lên núi Yên Tử tu tập, ông đã mang giống mai vàng phía Nam để gieo trồng. Và đến hôm nay những cây mai ấy vẫn còn trong những khoảnh rừng Yên Tử, chúng được gọi là “đại lão mai vàng”. Vậy nên, có thể nói hoa mai như một tri âm, một người bạn đồng hành đi với Trần Nhân Tông trong suốt những năm tháng tu hành nơi chốn rừng sâu nước thẳm. Và tình yêu, lòng ái mộ của ông dành cho hoa mai là những xúc cảm tự nhiên. Nhưng nó không phải là những cảm xúc nhất thời mà sâu xa hơn, đó là những rung động mãnh liệt, sự gần gũi thân quen, sự thấu hiểu sâu sắc. Hơn thế, tình yêu ấy dường như đã in sâu vào tiềm thức để rồi ngay trong giấc mộng hoa mai cũng hiện ra trước mặt. Trong Tảo mai kì nhị (早梅其二) ông viết:
…
“Thuý Vũ ca trầm sơn điếm nguyệt
Hoạ Long xuy thấp Ngọc Quan vân
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng
Giác hậu bất kham trì tặng quân”.
Nguyên tác:
翠羽歌沉山店月
畫龍吹濕玉關雲
一枝迷入故人夢
覺後不堪持贈君。
Dịch nghĩa:
Khúc Thuý Vũ lắng chìm trăng xóm núi
Điệu Hoạ Long thấm ướt Ngọc Quan mây
Một nhành hoa lạc giấc mộng cố nhân
Chợt tỉnh, nào đâu thể tặng bạn được!
Hình ảnh một nhành mai (nhất chi) luôn gợi ra một thời khắc trong một không gian đẹp đẽ. Ở đó hoa mai mang lại niềm hỷ lạc trong tâm người thưởng lãm. Đến đây ta lại thấy có sự đồng điệu giữa Thiền sư Trần Nhân Tông với Thiền sư Mãn Giác. Hai câu kết trong Cáo tật thị chúng (告疾示眾):
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Nguyên tác:
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅。
Dịch nghĩa:
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Nhưng sự khác nhau chính là thời điểm thấy hoa, thưởng hoa. Người thì trong giấc ngủ, giấc mộng; kẻ thì sau một đêm dài tỉnh giấc. Từ đây ta thấy cũng là một nhành mai nhưng cái hư – cái thực hiển lộ trong những hoàn cảnh khác nhau. Và dù là hư hay thực, dù là mộng hay tỉnh thì cũng chỉ khẳng định một điều: hoa mai luôn trong tâm thức của hai bậc Thiền sư này. Như vậy, thêm một điều ta trăn trở: Hoa mai có mối liên hệ nào chăng trong hành trình đi tìm về bến giác của các bậc chân tu
KẾT LUẬN
Tựu trung, hoa mai là đề tài bất tử trong thi ca; là thi hứng dạt dào của bao tâm hồn đa cảm; là lòng ái mộ, si mê của những người yêu mai. Nhưng với Trần Nhân Tông, qua thi ca, sự phản ánh lại mang một màu sắc khác. Đó là những xúc cảm mãnh liệt, sâu sắc; những cái nhìn liên tưởng so sánh độc đáo, đặc sắc; và những tái hiện bất ngờ mà ta chưa từng gặp.
Chú thích:
* Giảng viên Nguyễn Thanh Huy – Trường Đại học Khánh Hòa.
[1] Quan niệm nhà Phật cho rằng thân xác con người được cấu thành bởi 4 yếu tố: Đất, nước, lửa, gió.
[2] Dịch nghĩa: Tất cả những phần dịch nghĩa thơ chữ Hán trong bài viết này là do chính tác giả Nguyễn Thanh Huy dịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), “Thơ văn Lý – Trần”, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, gồm 3 Tập, 1977, 1978, 1988.
2. Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011.
3. Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản”, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
4. Nguyễn Duy Hinh, “Tư tưởng Phật giáo Việt Nam”, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.
5. Nguyễn Thanh Huy, “Hoa mai trong cảm thức người xưa”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 1/2022.
6. Nguyễn Thanh Huy, “Đọc bài kệ Cư trần lạc đạo qua lăng kính Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 22/8/2021, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/doc-bai-ke-cu-tran-lac-dao-qua-lang-kinh-kim-cang-bat-nha-ba-la-mat-da-kinh.html
7. Nguyễn Thanh Huy, “Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 391.