Mùa an cư thứ năm sau ngày Thành đạo, giáo đoàn Ni giới đầu tiên được thành lập là cả một khối quyết tâm kiên trì, dũng lực của lệnh bà Kiều Đàm cùng năm trăm công nương hoàng tộc Thích Ca. Đoàn nữ quý tộc ấy dám bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, nhung gấm lụa là, ngựa xe đưa đón… để ra đi trong nắng, mưa, cát bụi, lội suối băng rừng, chân trần rướm máu, biết bao khó nhọc nhằm tìm đến hương thất Thế Tôn, khẩn cầu tha thiết mới được xuất gia. Với phước trí sâu dày và niềm tin vững chắc nơi giáo pháp, chuyên sâu thiền định, các Ngài mau chóng thành tựu an lạc giải thoát. Giáo đoàn Ni giới được thành lập đã là chỗ nương tựa tin tưởng của biết bao thân phận nữ nhi có duyên lành với Tam bảo.
Tinh thần xả thân cầu đạo của người xưa vẫn còn âm hưởng truyền thừa để giờ đây chúng con được chở che bao bộc trong tuệ giác từ bi của các bậc Tôn đức Ni trưởng, Ni sư. Đức hạnh và tài trí của các Ngài đã chiêu cảm được tín tâm Phật tử, chùa viện được sửa sang, Ni chúng quy tụ. Tiếp nối những thành tựu đó, Việt Nam cũng có nhiều Tỳ kheo Ni làm rạng rỡ giáo pháp Đức Phật, như: Ni sư Diệu nhân, Ni sư Tuệ Thông và gần đây nhất con được biết đến có sư bà Diệu Không… Các Ngài đã để lại cho hàng hậu học Ni một niềm tự hào và khẳng định chắc chắn rằng người Ni có thể tu tập và tiếp nối giáo pháp của Đức Phật. Với bao nghiệp thức chúng sanh ám chướng khó độ nhưng vì hạnh nguyện “tiếp dẫn hậu lai” nơi ánh mắt các Ngài vẫn tỏa dịu lòng hỷ xả, bao dung.
Kể lại những hành trình tu của các Ngài thật đáng khâm phục. Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) là Thiền sư Ni đầu tiên của Việt Nam, thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Ni sư sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Yết Vương. Thuở nhỏ, Ni sư bẩm tính vốn hiền thục, ngôn hạnh có pháp nên được vua Lý Thánh Tôn đưa vào cung nuôi dưỡng. Đến tuổi trưởng thành, vua đem Ni sư gả cho Thâu mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê mất, Ni sư tự thề ở vậy giữ nghĩa không tái giá. Sau khi Ni sư nhận chân ra được ‘‘Tất cả các pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống gì bọn phù vinh có thể nương tựa được sao?”, Ni sư đem tất cả đồ trang sức ra bố thí, xuống tóc xuất gia, đến thọ Bồ-tát giới với Thiền sư Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Ngài Chân Không ban pháp hiệu cho Ni sư là Diệu Nhân và cho phép trụ trì tại Ni viện Hương Hải ở làng Phù Đổng, Tiên Du. Ni sư giữ giới tinh nghiêm, hành thiền miên mật, đạt được Tam-ma-địa, xứng đáng là bậc tôn túc trong hàng Ni chúng. Có ai đến cầu học, Ni sư đều đem pháp Đại thừa ra giảng dạy và nói: “Chỉ trở về nguồn tự tính, thì đốn tiệm có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịnh, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ”.
Vào ngày 01 tháng 6 năm 1113, Ni sư nói kệ:
“Sinh, già, bệnh, chết
Từ xưa thường vậy
Muốn cầu thoát ly
Cởi trói thêm buộc
Mê mới tìm Phật
Lầm mới cầu thiền
Thiền Phật chẳng tìm
Ngậm miệng không nói”.
Rồi gội tóc, rửa mình, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi.
Quả thật, Ni sư là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Việt Nam nói riêng. Với sự ấn chứng Ni sư trở thành Tổ sư thiền, liệt vào danh sách Tổ của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi khẳng định về sự quyết tâm tu hành của người ni khi xuất gia. Cuộc đời Ni sư Diệu Nhân mở đầu cho một dấu son trong giáo hội Ni. Ni sư đã không những dâng hiến cả cuộc đời cho quê hương, đạo pháp mà còn mở toang diệu lý Phật giáo đến với nữ nhi Việt Nam.
Kế đến trong thời cận đại, các bậc Ni trưởng dày công khêu đèn mở đuốc cho hàng hậu học chúng con được trưởng dưỡng đạo tâm trong môi trường tu học này. Cứ vào ngày 24/9, Ni sinh học viện chúng con cũng y áo chỉnh tể đến chùa hồng đức để tưởng niệm vị Ni sư – người đã có công đóng góp nên ngôi trường Phật học cho ni giới xây dựng Ni viện đầu tiên cho nữ giới có chỗ tu học, đó là Ni viện Diệu Đức và nhiều cơ sở khác trên toàn quốc. Sư còn góp công trong việc xây dựng Đại học Vạn Hạnh cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Nhất Hạnh. Ni trưởng xuất gia năm 27 tuổi (1932) được Hòa thượng Giác Tiên, trụ trì tổ đình Trúc Lâm truyền thập giới làm Sa-di-ni với pháp tự Diệu Không. Sau khi thọ thập giới 12 năm, vào mùa thu năm Giáp Thân (1944), sư được thọ tam đàn Cụ túc tại Đại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu.
Suy ngẫm hành trạng tiền nhân cho chúng con một niềm cảm kích tôn kính vô cùng. Ni chúng chúng con, cúi đầu kính phục, đầu thành đảnh lễ tôn vinh công hạnh vô ngã vị tha của các bậc ni của chúng con. Xin mãi khắc ghi thâm ân sâu dày của các bậc thầy, chư vị Thánh Ni. Mặc dầu, tứ đại về chiều nhiều lúc bệnh suy nhưng Phật sự đang cần, các Ngài vẫn không đành lòng buông xuôi an dưỡng, vẫn gắng sức lo toan sắp xếp mọi công việc trong ngoài, vẫn cố gắng tạo mọi phương tiện thích hợp cho ni chúng yên tâm tu học. Rồi đây, trên bước đường tu tập phàm ni chúng con có đủ sức tỉnh giác nhận ra cái giả sống với cái thật hay không? Nhưng chúng con tin rằng chỉ cần nhớ lời Phật dạy, những công hạnh vô ngã vị tha của các bậc ni, chúng con sẽ vững lòng, bền chí, trở về an trụ trong giới luật để phát triển tuệ giác trong con, để được khép mình trong giáo đoàn Ni giới hôm nay.